Ngành Y Tế Với Công Tác đào Tạo, Phát Triển Nguồn Nhân Lực
Có thể bạn quan tâm
Vai trò nguồn nhân lực trong sự phát triển của ngành y tế
Nghị quyết Hội nghị Trung ương 6 khóa XII về tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân trong tình hình mới (Nghị quyết số 20-NQ/TW, ngày 25 tháng 10 năm 2017) xác định mục tiêu tổng quát: Nâng cao sức khoẻ cả về thể chất và tinh thần, tầm vóc, tuổi thọ, chất lượng cuộc sống của người Việt Nam. Xây dựng hệ thống y tế công bằng, chất lượng, hiệu quả và hội nhập quốc tế. Phát triển nền y học khoa học, dân tộc và đại chúng. Bảo đảm mọi người dân đều được quản lý, chăm sóc sức khoẻ.Để thực hiện mục tiêu đó, cần xây dựng hệ thống mạng lưới y tế rộng khắp, gần dân; được chỉ đạo thống nhất, xuyên suốt về chuyên môn, nghiệp vụ theo ngành từ Trung ương tới địa phương trong phạm vi cả nước, đồng thời bảo đảm sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp uỷ, chính quyền địa phương. Đồng thời, cần xây dựng đội ngũ cán bộ y tế "Thầy thuốc phải như mẹ hiền", có năng lực chuyên môn vững vàng, tiếp cận trình độ quốc tế. Nâng cao năng lực cạnh tranh trong chuỗi sản xuất, cung ứng dược phẩm, dịch vụ y tế.
Đồng chí Vũ Mạnh Dương - Giám đốc Sở Y tế kiểm tra công tác y tế tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh
Nguồn nhân lực, đặc biệt là nhân lực y tế luôn có vai trò quan trọng, quyết định đến việc thành công hay thất bại trong công tác chăm sóc sức khỏe cộng đồng. Bởi một trong những yếu tố quyết định đến vai trò của Nhà nước đối với quản lý phát triển y tế là đội ngũ nhân lực. Nguồn nhân lực y tế có đủ năng lực, chuyên môn, nghiệp vụ, phẩm chất đạo đức… có vai trò quan trọng dẫn đến thành công hay thất bại trong việc nhà nước thực hiện vai trò chủ đạo của mình đối với công tác chăm sóc sức khỏe cộng đồng. Các chính sách của nhà nước trong lĩnh vực y tế có đáp ứng được nhu cầu của thực tiễn hay không, việc thực hiện các chính sách ấy có hiệu quả hay không, có phát huy được tác dụng hay không… phụ thuộc vào năng lực, phẩm chất, đạo đức của nguồn nhân lực y tế.
Mặt khác, nhu cầu về thầy thuốc và cán bộ thuộc nhiều chuyên môn khác nhau cũng đang đòi hỏi phải đào tạo bác sĩ, dược sĩ, y tá, hộ lý với số lượng ngày càng nhiều, chất lượng ngày càng cao, cơ cấu hợp lý, nắm bắt các kiến thức y học hiện đại, giỏi thực hành, có y đức tốt… Trong xây dựng đội ngũ cán bộ y tế nhằm đáp ứng ngày càng tốt hơn cho công tác chăm sóc sức khỏe cộng đồng, đòi hỏi Nhà nước phải có chính sách thích hợp, thể hiện ở tất cả các khâu từ tuyển chọn, đào tạo, đãi ngộ và tôn vinh…
Kết quả công tác đào tạo, phát triển nguồn nhân lực của ngành y tế tỉnh đến năm 2020
Nhận thức rõ vai trò của nguồn nhân lực y tế đối với công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân, ngành y tế tỉnh có rất nhiều giải pháp nhằm nâng cao số lượng và chất lượng của nguồn nhân lực trong lĩnh vực y tế và đã đạt được một số kết quả đáng kể, cụ thể:
Hiện tại, tổng số công chức, viên chức, lao động toàn ngành Y tế là 4.258 người, trong đó có 2.219 nữ (tỷ lệ 52,1%), tăng 522 người so với năm 2016 (số liệu thống kê tại thời điểm ngày 30/6/2016).
Cơ cấu, chất lượng nhân lực toàn ngành Y tế có sự thay đổi rõ rệt theo chiều hướng phát triển, tỷ lệ cán bộ y tế có trình độ chuyên môn cao (tiến sĩ, thạc sĩ, bác sĩ nội trú, chuyên khoa II, chuyên khoa I), tỷ lệ cán bộ lãnh đạo, quản lý đương chức và trong quy hoạch được đào tạo, bồi dưỡng về lý luận chính trị, quản lý nhà nước tăng nhanh trong giai đoạn 2016 – 2020.
Các chỉ số cơ bản về đào tạo, phát triển nhân lực y tế có sự phát triển, đặc biệt là một số chỉ số cơ bản: tỷ lệ % bác sĩ tăng từ 21% (năm 2017) lên 22,1% (năm 2020); tỷ lệ % cán bộ y tế có trình độ sau đại học/tổng số cán bộ y tế có trình độ đại học trở lên tăng từ 39,59% (năm 2017) lên 49,71% (năm 2020); tỷ lệ % bác sĩ có trình độ sau đại học/tổng số bác sĩ tăng từ 26,33% (năm 2017) lên 33,48% (năm 2020); tỷ lệ % bác sĩ có trình độ tiến sĩ/chuyên khoa II/tổng số bác sĩ tăng từ 3,31% (năm 2017) lên 6,16% (năm 2020): Tăng cường đào tạo chuẩn hóa trình độ cao đẳng, đào tạo đại học, sau đại học và đào tạo nâng cao với nhiều hình thức: tập trung, vừa làm vừa học. Từ năm 2016-2020 đào tạo được 604 cán bộ; Cử hàng trăm lượt cán bộ đi đào tạo liên tục nâng cao trình độ, đào tạo các gói kỹ thuật/kỹ thuật chuyên sâu, đào tạo mũi nhọn cho cán bộ y tế thông qua các Đề án 1816, Đề án Bệnh viện vệ tinh, đặc biệt là Dự án NORRED, đào tạo chăm sóc sức khỏe ban đầu theo nguyên lý y học gia đình...
Kỹ thuật Nạo VA và cắt Amidam bằng phương pháp plasma tại Bệnh viện Sản Nhi tỉnh
Bên cạnh đó, có sự chênh lệch về các chỉ số cơ bản về đào tạo, phát triển nhân lực y tế của các đơn vị sự nghiệp y tế đến hết năm 2020, khối các trung tâm tuyến huyện có các tỷ lệ thấp nhất, sau đó là đến khối các trung tâm tuyến tỉnh và khối các bệnh viện tuyến tỉnh, huyện
Nguyên nhân đạt được kết quả trên
Ngành Y tế luôn nhận được sự quan tâm sâu sát tạo điều kiện thuận lợi của Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân tỉnh, sự phối hợp của các Sở, ngành có liên quan về mọi mặt, trong đó có lĩnh vực về quản lý nhân lực nói chung và nhân lực y tế nói riêng; bên cạnh đó tác động hiệu quả, tích cực của những thay đổi trong cơ chế, chính sách (tuyển dụng thu hút; đào tạo bác sĩ, dược sĩ theo địa chỉ sử dụng; đào tạo bồi dưỡng công chức, viên chức) cùng với sự nỗ lực của Sở Y tế, các đơn vị trực thuộc cùng toàn thể đội ngũ công chức, viên chức ngành Y tế đã góp phần vào sự phát triển nhanh về số lượng, thay đổi về cơ cấu và nâng cao chất lượng nhân lực y tế trong giai đoạn 2016 – 2020.
Để đảm bảo nhân sự cán bộ y tế hoạt động, trong thời gian qua, ngành Y tế đã có nhiều giải pháp để tuyển dụng và phân công viên chức y tế phù hợp với từng tuyến, từng cơ sở khám, chữa bệnhĐặc biệt, ngành Y tế thực hiện tốt chính sách thu hút bác sĩ về công tác tại các trạm y tế xã, phường, thị trấn. Ngoài ra, để đầu tư, phát triển, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, Sở Y tế đã cử nhiều cán bộ, nhân viên y tế tham gia các lớp đào tạo bác sĩ hệ liên thông, đào tạo theo địa chỉ, đào tạo theo nhu cầu của tỉnh ở các Trường Đại học Y, Dược. Qua các năm đào tạo, số lượng cán bộ y tế có trình độ đại học và sau đại học tăng lên.
Bên cạnh đó, ngành Y tế đã đa dạng hóa các hình thức đào tạo, nâng cao năng lực của các cơ sở đào tạo cán bộ y tế, nhằm đáp ứng kịp thời nguồn nhân lực y tế đang thiếu hụt ở các đơn vị y tế. Thực hiện các chính sách đãi ngộ, trọng dụng nhân tài, để tìm nguồn và tạo nguồn nhân lực chất lượng cao.
Giáo dục nâng cao ý thức trách nhiệm và tinh thần thái độ phục vụ của cán bộ y tế; tạo sự chuyển biến nhận thức, tu dưỡng, rèn luyện đạo đức của người thầy thuốc, vì người bệnh mà phục vụ. Đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị, tạo môi trường làm việc và điều kiện thuận lợi cho đội ngũ cán bộ y tế thực hiện tốt nhiệm vụ, phát huy được khả năng chuyên môn nghiệp vụ. Ngành Y tế sẽ thực hiện chính sách thu hút, ưu đãi, đầu tư kinh phí đào tạo cho cán bộ y tế về công tác tại tỉnh.
Ngoài ra, vấn đề cải cách tiền lương, tăng thu nhập cho nhân lực y tế công cũng là giải pháp bền vững, để hạn chế trình trạng biến động nhân lực y tế và nâng cao chất lượng phục vụ người bệnh. Thực hiện xã hội hoá về y tế, giao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm về thực hiện nhiệm vụ, tổ chức bộ máy và biên chế đối với đơn vị sự nghiệp y tế công lập phù hợp với Nghị định 43/2006/NĐ-CP ngày 25/4/2006 của Chính phủ.
Một số khó khăn, tồn tạitrong phát triển nguồn nhân lực y tế
Mặc dù Nhà nước đã có nhiều chính sách và tạo ra những thay đổi tích cực trong việc tăng số lượng nguồn nhân lực y tế, nhưng trên thực tế, ngành y tế tỉnh vẫn còn gặp nhiều khó khăn trong phát triển nguồn nhân lực, đó là:
Về cơ chế, chính sách: Chính sách thu hút theo Nghị định 140/2017/NĐ-CP ngày 05/12/2017 của Chính phủ về chính sách thu hút, tạo nguồn cán bộ từ sinh viên tốt nghiệp xuất sắc, cán bộ khoa học trẻ rất khó để áp dụng, thực hiện được trên thực tế đối với chuyên ngành Y tế, nhất là thu hút bác sĩ, dược sĩ;Chính sách đền bù chi phí đào tạo theo Nghị định số 101/2017/NĐ-CP ngày 01/9/2017 về đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức quy định các chế tài xử lý còn quá nhẹ, không thỏa đáng, không tạo được cơ chế mạnh mẽ để giữ chân đối với nhân lực có chất lượng cao nhất là bác sĩ (giai đoạn 2016 – 2020 có 25 bác sĩ sau khi được cử đi đào tạo đã xin thôi việc hoặc chuyển công tác ra ngoại tỉnh).
Về số lượng, cơ cấu, chất lượng nhân lực:Số lượng biên chế công chức được giao tại 02 Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm và Chi cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình thấp hơn so với nhu cầu thực tế; Công tác đào tạo, nâng cao trình độ chuyên môn đã có nhiều cố gắng và phát triển trong giai đoạn vừa qua, tuy nhiên tỷ lệ cán bộ y tế trình độ sau đại học nói chung, trình độ chuyên khoa cấp II/Tiến sĩ còn thấp, nhất là các trung tâm y tế tuyến huyện; còn có đơn vị tỷ lệ chuyên khoa cấp II/Tiến sĩ còn thấp hơn nhiều so với tiêu chuẩn chấm điểm xếp hạng đơn vị; Cơ cấu, chất lượng nhân lực trung tâm y tế tuyến huyện còn nhiều hạn chế: tỷ lệ % bác sĩ/tổng số viên chức, lao động và tỷ lệ cán bộ trình độ đại học, sau đại học còn thấp; tỷ lệ % trạm y tế có bác sĩ biên chế tại trạm đạt 81,12% nhưng không bền vững do ước tính giai đoạn 2021 – 2030 sẽ có 76 bác sĩ tuyến xã sẽ nghỉ hưu, trong khi nguồn nhân lực bác sĩ bổ sung cho trạm y tế rất thấp (giai đoạn 2016 – 2020 chỉ cử đào tạo được 05 bác sĩ đa khoa trạm y tế xã, việc tuyển dụng mới bác sĩ về công tác tại xã gần như không thể); Số lượng nhân lực dịch chuyển lớn, nhất là bác sĩ sau khi được tuyển dụng hoặc cử đi đào tạo xin thôi việc hoặc chuyển công tác tỉnh ngoài hoặc để đi làm việc tại các cơ sở y tế tư nhân.
Có thể thấy, với sự quan tâm đặc biệt của các cấp, ngành, sự nỗ lực, cố gắng của chính những cán bộ, nhân viên y tế, chất lượng khám, chữa bệnh ở các cơ sở y tế trên địa bàn tỉnh đã có những tiến bộ rõ rệt. Các bệnh viện, trung tâm y tế hàng năm đều triển khai nhiều kỹ thuật mới, các dịch vụ kỹ thuật chuyên sâu, chủ động trong công tác ứng phó với các dịch bệnh mới phát sinh… Chất lượng đội ngũ cán bộ, nhân viên ngành Y tế tiếp tục được nâng cao về mọi mặt, thực sự là những thầy thuốc ở tuyến đầu trong công tác phòng, chống dịch bệnh, chăm sóc sức khoẻ nhân dân.
Các giải pháp phát triển nguồn nhân lực thời gian tới
Giai đoạn 2021-2025, với mục tiêu tăng cường đào tạo, phát triển nhân lực y tế đủ về số lượng, phù hợp về chủng loại, cơ cấu và không ngừng nâng cao về chất lượng; đồng thời quản lý, sử dụng có hiệu quả nguồn nhân lực y tế đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ của từng đơn vị trực thuộc và của toàn ngành Y tế. Ngành y tê tiếp tục tuyển dụng, thu hút đủ số lượng, phù hợp về chủng loại, cơ cấu nhân lực y tế theo Đề án vị trí việc làm, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ của từng đơn vị trực thuộc và của toàn ngành Y tế; Tăng cường đào tạo nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ cho cán bộ y tế, nhất là đội ngũ bác sĩ nhằm không ngừng nâng cao chất lượng nhân lực y tế
Như vậy để có nguồn nhân lực y tế đáp ứng nhu cầu chăm sóc, bảo vệ sức khỏe nhân dân phải có giải pháp đồng bộ: Vừa đào tạo, thu hút, đãi ngộ, vừa đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị kỹ thuật đầy đủ, đồng thời phải có chính sách viện phí phù hợp và phải quan hệ hợp tác tốt với tuyến trên, tranh thủ sự giúp đỡ của các đơn vị chuyên khoa đầu ngành./.
Nguyễn Minh - Trung tâm KSBT
Từ khóa » Nguồn Nhân Lực Y Tế Là Gì
-
Nguồn Nhân Lực Y Tế – Wikipedia Tiếng Việt
-
[PDF] Giới Thiệu Về Nhân Lực Y Tế Tại Việt Nam
-
Nhân Lực Ngành Y Tế Tại Việt Nam
-
️ Quản Lý Nhân Lực Y Tế - Bệnh Viện Nguyễn Tri Phương
-
Phát Triển Nguồn Nhân Lực Ngành Y Tế: Thực Trạng Và Giải Pháp
-
Khái Niệm Nguồn Nhân Lực Y Tế - 123doc
-
QUẢN LÝ NHÂN LỰC - Health Việt Nam
-
Giới Thiệu Về Nhân Lực Y Tế
-
[PDF] PHÁT TRIỂN NGUỒN NHÂN LỰC Y TẾ THÀNH PHỐ KON TUM
-
Nhân Lực Ngành Y Tế Việt Nam đóng Vai Trò Quan Trọng Phát Triển đất ...
-
Tăng Cường Nguồn Nhân Lực Y Tế
-
Quản Lý Nhân Lực Trong Cơ Sở Y Tế
-
TĂNG HIỆU QUẢ SỬ DỤNG NGUỒN LỰC BỆNH VIỆN ĐẾN 3 LẦN ...
-
Luận Văn: Phát Triển Nguồn Nhân Lực Ngành Y Tế Tỉnh Quảng Nam