Ngày 11-7, Phi Công Người Anh Xuất Viện Về Nước Sau 115 Ngày ...

Ngày 11-7, phi công người Anh xuất viện về nước sau 115 ngày điều trị - Ảnh 1.

Bác sĩ Trần Thanh Linh - phó khoa hồi sức tích cực (Bệnh viện Chợ Rẫy) - đang giải thích cho bệnh nhân 91 về tình trạng sức khỏe của ông - Ảnh: DUYÊN PHAN

Đây là bệnh nhân nhiễm COVID-19 nặng nhất tại Việt Nam và có thời gian điều trị lâu nhất. Để neo sự sống cho ông, cả ngành y tế Việt Nam phải huy động lực lượng chuyên gia đông đảo nhất. Với những "cái nhất" này, ông được xem là một bệnh nhân đặc biệt.

Sự đặc biệt ấy còn thể hiện ở cái cách mà người đàn ông 43 tuổi này vượt qua "vòng tử sinh". Từ một người hoàn toàn phụ thuộc vào thở máy, ECMO (thiết bị oxy hóa máu màng ngoài cơ thể), lọc máu ngoài thận, hai phổi xơ hóa, đông đặc chỉ còn 10% hoạt động, có lúc cái chết gần hơn sự sống…, bệnh nhân hồi sinh ngoạn mục và được Bộ Y tế công bố khỏi bệnh vào ngày 3-7.

Để có được sự hồi phục này, từng bước đi của ngành y tế Việt Nam rất thận trọng, với tất cả 6 cuộc hội chẩn cấp quốc gia dành cho ông.

Được biết ngày 10-7, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn đã có buổi làm việc tại Bệnh viện Chợ Rẫy nhằm kiểm tra công tác chuẩn bị việc chuyển bệnh nhân về nước. Buổi làm việc có sự tham gia của Tổng lãnh sự quán Anh tại TP.HCM, phòng khám gia đình (đơn vị thực hiện chuyển bệnh nhân), đoàn bay 919 (cơ quan chủ quản của bệnh nhân).

Theo lịch dự kiến, sáng 11-7, Bệnh viện Chợ Rẫy sẽ tiễn bệnh nhân ra viện về nước dưới sự tham gia của Bộ Y tế, Tổng lãnh sự quán Anh, UBND TP.HCM, Sở Y tế TP.HCM, Đoàn bay 919 và Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP.HCM.

Chiều cùng ngày, Bệnh viện Chợ Rẫy và phòng khám gia đình làm các thủ tục bàn giao để bệnh nhân kịp lên chuyến bay khởi hành ra Hà Nội lúc 19h. Lúc 23h, chuyến bay xuất phát từ Nội Bài sẽ lên đường đưa bệnh nhân về Anh.

Toàn bộ kế hoạch vận chuyển bệnh nhân đều do phòng khám gia đình xây dựng, bao gồm danh mục thiết bị y tế và thuốc.

Ngày 11-7, phi công người Anh xuất viện về nước sau 115 ngày điều trị - Ảnh 2.

Tập nâng cơ chân cho bệnh nhân, công việc quen thuộc của bác sĩ Linh mỗi ngày - Ảnh: DUYÊN PHAN

Bác sĩ Nguyễn Tri Thức - giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy - cho biết quá trình điều trị bệnh nhân 91 cho đến nay được bạn bè trong nước và trên thế giới công nhận, đánh giá rất thành công. Trong đó, có nhiều thầy cô, chuyên gia người nước ngoài gửi thư khen các bác sĩ của bệnh viện.

"Duy trì sự sống cho bệnh nhân 91 như là mệnh lệnh trái tim của tất cả các nhân viên y tế. Từ những ngày đầu điều trị, các cuộc hội chẩn chuyên môn cấp quốc gia được tổ chức liên tục, qua đó tận dụng được trí tuệ, kinh nghiệm của các chuyên gia đầu ngành, cũng như các bác sĩ, điều dưỡng trực tiếp điều trị, chăm sóc bệnh nhân. Theo tôi, đây là điều quan trọng nhất để mang đến kết quả điều trị tốt nhất cho bệnh nhân", bác sĩ Thức nói.

"Tôi thấy mình vô cùng may mắn khi được chữa trị ở Việt Nam. Tự tận đáy lòng, tôi vô cùng biết ơn Việt Nam", bệnh nhân người Anh từng chia sẻ.

Phi công người Anh Phi công người Anh 'vật tay' gay cấn với bác sĩ Trần Thanh Linh

TTO - Trong phòng hồi sức đặc biệt của Bệnh viện Chợ Rẫy, viên phi công người Anh với bàn tay to bản nắm chặt bàn tay bác sĩ Trần Thanh Linh - phó khoa hồi sức tích cực. Họ chuẩn bị một màn đọ sức "vật tay" gay cấn.

Từ khóa » Tiểu Sử Phi Công Người Anh Bệnh Nhân 91