Ngày 14/8/1945, Phát Xít Nhật đầu Hàng Không điều Kiện, Kết Thúc ...

Ngày 2-9-1945, trên chiến hạm USS Missouri (BB-63) của Hải quân Hoa Kỳ. Ngoại trưởng Nhật Bản Mamoru Shigemitsu đã văn kiện chấp nhận đầu hàng chính thức kết thúc Chiến tranh thế giới lần thứ hai (Ảnh tư liệu)

Khi chiến tranh Thái Bình Dương bùng nổ, do đã kí với Nhật ''Hiệp ước trung lập'' (13-4-1941), Liên Xô đã đứng ngoài cuộc chiến. Tại Hội nghị Ianta, theo đề nghị của Mĩ, Anh, Liên Xô đã chấp thuận tham gia chiến tranh chống Nhật 3 tháng sau khi chiến tranh kết thúc ở châu Âu.

Ngày 8-8-1945, Liên Xô đã tuyên chiến với Nhật Bản. Sáng ngày 9-8-1945, Hồng quân Liên Xô, với lực lượng 1,5 triệu quân (3 phương diện quân), 5500 xe tăng, 3900 máy bay, 2600 phân và ham đội Thái Bình Dương, đã mở cuộc tấn công như vũ bão vào đạo quân Quan Đông của Nhật Bản (gồm 70 vạn quân chủ lực Nhật và hơn 30 vạn quân ngụy của “Mãn Châu Quốc”, Nội Mông, Tuy Viễn…) đóng trải ra trên một trận tuyến kéo dài hơn 4500 km từ Bắc Triều Tiên, Đông – Bắc Trung Quốc tới Nam đảo Xakhalin và quần đảo Curin với việc giao thông, vận chuyển hết sức khó khăn.

Trước khi Liên Xô tiến quân đánh Nhật, ngày 6-8, Mĩ thả bom nguyên tử xuống Hirôsima và ngày 9-8, quả bom nguyên tử thứ hai được thả xuống Nagadaki, hủy diệt 2 thành phố này và làm chết hàng chục vạn thường dân vô tội (theo thống kê của Nhật Bản, số người chết ở Hirôsima là 247.000 người và Nagadaki - 200.000 người, chưa kể những người bị nhiễm xạ chết sau này).

3 giờ sáng ngày 10-8, Chính phủ Nhật gửi cho Mĩ, Anh, Trung Quốc và Liên Xô bản đề nghị xin chấp nhận đầu hàng theo Tuyên cáo Pốtxđam (công bố ngày 26-7-1945, kêu gọi Nhật Bản đầu hàng nhưng Nhật khước từ). Liên Xô, Mĩ, Anh, Trung Quốc đã buộc Nhật phải đầu hàng vô điều kiện.

Ngày 14-8-1945, Nhật hoàng tuyên bố trên đài phát thanh chấp nhận đầu hàng không điều kiện các nước Đồng minh. Tuy thế, Bộ tư lệnh đạo quân Quan Đông không chịu đầu hàng, vẫn tiếp tục chống cự quyết liệt với quân đội Liên Xô. Ngày 18-8, Hồng quân mới đổ bộ lên được quần đảo Curin và ngày 20-8, đánh chiếm các thành phố lớn ở Đông Bắc Trung Quốc (Cáp Nhĩ Tân, Cát Lâm, Trường Xuân); ngày 23-8, chiếm Đại Liên và Lữ Thuận. Ngày 19-8, viên tư lệnh đạo quân Quan Đông chấp nhận đầu hàng. Nhưng ở một số nơi, quân đội Liên Xô vẫn phải tiếp tục chiến đấu khoảng 2 tuần lễ nữa mới đánh bại hoàn toàn quân địch (giết 8 vạn quân, bắt 60 vạn tù binh Nhật, trong đó có Tư lệnh đạo quân Quan Đông và 148 tướng lĩnh khác).

Mặc dù ngày 14-8-1945, Nhật hoàng tuyên bố trên đài phát thanh chấp nhận đầu hàng không điều kiện các nước Đồng minh, nhưng mãi đến ngày 2-9-1945, nghi lễ đầu hàng của quân phát xít Nhật trước quân Đồng minh mới được thực hiện trên chiến hạm USS Missouri (BB-63) của Hải quân Hoa Kỳ. Tại đó, Ngoại trưởng Nhật Bản Mamoru Shigemitsu đại diện cho các quan chức chính phủ Nhật Bản ký đã văn kiện chấp nhận đầu hàng trước sự giám sát của tướng Mỹ Richard K. Sutherland đại diện cho lực lượng Đồng minh, chính thức kết thúc Chiến tranh thế giới lần thứ hai.

Có thể nói rằng việc đánh bại chủ nghĩa quân phiệt Nhật là kết quả của cả một quá trình chiến đấu nhiều năm của các nước Đồng minh và nhân dân các nước bị Nhật thống trị, còn việc buộc Nhật Bản phải đầu hàng không điều kiện ngày 14-8-1945 là do những nhân tố sau đây:

- Sự sụp đổ của chủ nghĩa phát xít Đức và ltalia ở châu Âu đã làm cho Nhật mất đi một chỗ dựa và đặt Nhật vào thế tuyệt vọng.

- Sự thất bại trên các đảo Thái Bình Dương, ở Đông Nam Á; sự thiệt hại nặng nề về hải quân, không quân trong những trận hải chiến với Mĩ; việc oanh tạc liên tiếp, dữ dội của không quân Mĩ kéo dài nhiều tháng xuống 70 thành phố lớn của Nhật (kể cả thủ đô Tôkiô); việc Mĩ chiếm được đảo Ôkinaoa, cửa ngõ đi vào Nhật Bản; 2 quả bom nguyên tử hủy diệt hai thành phố Hirôsima và Nagadaki, dù là một tội ác man rợ nhưng cũng đã gay ra tâm lí hoảng sợ và làm suy sụp tinh thần của giới cầm quyền Nhật Bản.

- Việc Liên Xô tham chiến ở Viễn Đông và xuất kích với một lực lượng rất hùng hậu đã đặt Nhật Bản vào một thế thất bại hoàn toàn không tránh khỏi được.

- Ở Trung Quốc, quân giải phóng nhân dân đã chuyển sang tổng phản công và ở nhiều nước Đông Nam Á khác, phong trào chống Nhật đang lên sôi sục (Việt Nam, Inđônêxia, Mã Lai, Miến Điện).

- Sức ép của nhân dân Nhật Bản và áp lực của phái “chủ hàng” trong nội bộ giới cầm quyền Nhật.

Ban Tư liệu - Văn kiện (sưu tầm)

Từ khóa » Hình ảnh Phát Xít Nhật