Ngày Giẫy Mả - Tuổi Trẻ Online

Trời chưa rựng sáng, cùng với một người thuê sẵn, hai cha con vác cuốc đi chừng hơn hai cây số đến khu đất nghĩa trang dành cho những người trong gia tộc. Thời chiến tranh, bà con tản mát tứ xứ không ai về, công việc giẫy mả hầu như giao phó hết cho ba tôi. Khu nghĩa trang nằm trong vùng không an toàn nhưng không năm nào ba tôi bỏ phế. Chặt các cây dại, vừa giẫy cỏ ba vừa lâm râm khấn vái ông bà tổ tiên che chở vì thỉnh thoảng đâu đó có người vướng phải mìn.

Khu nghĩa trang gia tộc tôi khá rộng, ở đầu khu đất là hai ngôi mộ bề thế của ông bà cố bằng đá ong đỏ đã đen sậm đi vì thời gian. Vài ngôi mộ của các ông bà cô bác khác được xây bằng ximăng có hoa văn đẹp đẽ. Còn lại hầu hết các mộ chỉ là những nấm đất lô nhô, cỏ dại mọc đầy, thậm chí không có cả được tấm mộ bia. Vậy mà lạ, ba tôi nhớ rõ từng nấm mộ. Đốt một ốp nhang lớn thắp khắp nghĩa trang, ba ngậm ngùi trước hai nấm mộ chỉ là những nấm đất đơn sơ, dặn dò tôi: “Đây là mả của ông nội, bà nội con, ba chỉ mong có một ngày đủ tiền để xây cho ông bà ngôi mộ tươm tất”. Ba chỉ từng ngôi mộ nói này là mả của ai, của ai..., vai vế thế nào với ba cho tôi nghe.

Qua lời ba tôi biết đây là mả của ông Hai, anh của ông nội, ông Hai là ba của bác Ba, bác Bảy, cô Tám ở An Sơn... Trong số bà con có những người ở gần lâu lâu tôi vẫn gặp trong các ngày giỗ quải, có những người tôi chưa hề gặp mặt nhưng qua lời ba kể tôi vẫn hình dung được mối quan hệ ruột rà. Từng năm từng năm một, những lời dặn dò của ba lại được lặp lại vào ngày 24 tết, và tôi, đứa con gái thay cho người anh lớn đang ở xa, ghi nhớ mãi cho đến bây giờ.

Chiến tranh chấm dứt, những người bà con tản mát khi xưa lần lượt trở về, ngày 24 tháng chạp hằng năm ở nghĩa trang như là một ngày giỗ lớn, đông vui, rộn rã, bà con gặp nhau tay bắt mặt mừng. Kinh tế ngày một khá hơn, những nấm đất đơn sơ trước kia giờ trở thành những ngôi mộ lộng lẫy, phô trương, bêtông hóa, cỏ còn đâu mà giẫy, chỉ là lau chùi quét dọn sơ sơ rồi cúng bái, ăn nhậu. Bia lon, heo quay, vịt quay đầy ứ, nói cười rộn rã, ấm áp thâm tình...

Quê tôi được quy hoạch trở thành khu đô thị, giá đất tăng vùn vụt bỗng chốc làm bao thâm tình cạn dần. Mảnh đất rộng hơn ba mẫu ông bà để lại bao gồm cả đất nghĩa trang, hầu như hoang hóa từ thời chiến tranh trước kia không ai màng tới bỗng được nhiều người giành hưởng. Sẵn dịp về giẫy mả, bằng khoán được trưng ra, khu đất được rạch ròi tính toán chia nhau sòng phẳng. Người hài lòng vì mình bốc thăm được vị trí thuận lợi, kẻ bất mãn vì mảnh đất của mình nằm ở phía sau.

Người cô họ của tôi được chia miếng đất 2.000m2 bên cạnh nghĩa trang và thêm một phần đất hương hỏa cũng cùng diện tích để cô làm bổn phận chăm sóc mộ. Đất cao giá, cô bán hết đất được chia riêng, rồi cô xà xẻo bán dần phần đất hương hỏa. Hết đất hương hỏa, cô chiếm thêm đất nghĩa trang. Mới đầu cô trồng lấn bụi tre, kế cô che thêm cái chòi, dần dà cô cất nhà trọ cho công nhân thuê... Mỗi năm về giẫy mả bà con lại thấy khu đất nghĩa trang hẹp đi một chút nhưng ai cũng ngại ngần chưa dám nói. Đến khi cô chiếm đất phía trước nghĩa trang để xây quán cà phê thì mới xảy ra chuyện thưa kiện, kéo dài mãi chưa xong. Cô không được tiếp tục xây nhưng cũng không tháo dỡ, những bức tường gạch dở dang nham nhở phía trước nghĩa trang như một vết mực buồn lem luốc trên bức tranh gia tộc...

Đâu chỉ vậy. Còn có những chuyện giận hờn cãi vã giữa những người ruột thịt, chuyện tham lam rào lấn của nhau vài tấc đất, chuyện khu đất phía sau bị người chủ phía trước chiếm bít lối đi... ngày càng như những nhát dao làm thương tổn mối thâm tình.

Lại sắp đến ngày về giẫy cỏ mả - tôi vẫn quen dùng cách nói của ba tôi từ ngày xưa. Có lẽ cũng sẽ như những năm trước, mộ của gia đình nào nấy lo nấy cúng, xong mạnh ai nấy về, chưa có chuyện lườm nguýt, cãi vã nhau trước mộ đã là may. Tôi lấy chồng xa, việc mồ mả ông bà, ba má đã có anh tôi lo liệu, lại buồn vì thấy cảnh “giá đất lên, tình người xuống” nên khá lâu rồi tôi không về giẫy mả. Nhưng cứ đến ngày này tôi lại quay quắt nhớ đến ba tôi, đến mối thâm tình gia tộc ruột rà ba đã gieo vào lòng tôi mà đau đến xé lòng. Tôi thầm nghĩ may ba không còn nữa nên ba không phải đau lòng. Ba đã mất trước thời kỳ đô thị hóa của quê tôi khá lâu!

Từ khóa » Giãy Mộ