Ngày Thế Giới Phòng Chống Bệnh Dại 28/9/2021 - HCDC
Có thể bạn quan tâm
Bệnh dại là bệnh truyền nhiễm nguy hiểm, lây từ động vật sang người, chủ yếu qua các vết cắn do động vật mang virus dại. Nếu không điều trị, dự phòng kịp thời thì nguy cơ tử vong rất cao. Ngày Thế giới phòng chống bệnh dại 28/9 được thành lập nhằm nâng cao nhận thức và vận động người dân đoàn kết loại trừ bệnh dại trên toàn cầu.
Cùng nhau chia sẻ sự thật chứ không phải nỗi sợ hãi
Đại dịch COVID-19 toàn cầu đã làm dấy lên nhiều nghi ngờ và quan niệm sai lầm về dịch bệnh, sự lây lan của chúng và về vấn đề tiêm chủng nói chung. Do đó, đã có một số do dự về việc triển khai vắc-xin COVID-19 ở nhiều quốc gia và nhiều người e ngại khi tiêm chủng. Đối với bệnh dại, điều này không có gì mới, vì nỗi sợ hãi, quan niệm sai lầm và thông tin sai lệch về căn bệnh này cũng như cách phòng ngừa đã có từ hàng trăm năm trước khiến số người tử vong vì bệnh dại vẫn còn hiện diện trong khi chúng ta hoàn toàn có thể phòng ngừa căn bệnh này. Vì lý do đó, chủ đề năm nay tập trung vào việc chia sẻ sự thật về bệnh dại, và không gieo rắc nỗi sợ hãi về căn bệnh này dựa vào những thông tin sai lệch.
Đường lây truyền và triệu chứng bệnh dại
Bệnh dại không lây từ người này sang người khác mà thường lây lan qua vết cắn từ động vật bị nhiễm bệnh. Nó cũng có thể lây lan nếu nước bọt của động vật mắc dại tiếp xúc trực tiếp với mắt, mũi, miệng hoặc vết thương hở của người (như vết xước hoặc vết trầy xước). Đa phần các trường hợp gây bệnh dại ở người tại Việt Nam là do chó cắn, ngoài ra có một số báo cáo về bệnh dại ở người là do vết cắn của mèo, cầy, chó rừng, cáo, chó sói và các loại động vật ăn thịt khác.
Sau khi người bị động vật dại cắn, thời gian ủ bệnh từ 2 tuần đến 1 hoặc 2 năm (trung bình khoảng 2 tháng). Thời gian ủ bệnh phụ thuộc vào số lượng virus xâm nhập vào cơ thể, sự nặng nhẹ của vết thương, khoảng cách xa gần từ vết thương đến não bộ. Vết thương nặng, càng gần các đầu mút thần kinh trung ương thì thời gian ủ bệnh càng ngắn. Ngược lại, nếu vết thương nhẹ, xa thần kinh trung ương, “đoạn đường” di chuyển của virus lên đến não và thời gian ủ bệnh sẽ dài hơn.
Ngay khi bị nhiễm virus, triệu chứng đầu tiên của người bệnh là đau đầu, sốt, mệt mỏi, cảm giác tê và đau ngay tại vết thương. Khi virus xâm nhập sâu vào não bộ (thể viêm màng não), người bệnh bắt đầu có biểu hiện mất ngủ, sợ ánh sáng, sợ tiếng động, sợ gió, vã mồ hôi, mắt long sòng sọc, tăng tiết nước bọt, hạ huyết áp. Bệnh tiến triển tăng đến mức người bệnh không thể uống nước, không nuốt được, ăn uống trở nên cực kỳ khó khăn. Ở thể này, người bệnh sẽ chết chỉ sau 1 tuần kể từ ngày phát bệnh. Thể bại liệt ít gặp hơn, thể này khiến người bệnh tê liệt toàn bộ cơ thể, rối loạn tiểu tiện, đại tiện, liệt tay, chân. Người bệnh sẽ tử vong ngay nếu liệt lan đến cơ hô hấp.
Cần tiêm phòng vắc xin kịp thời
Nếu không may bị chó, mèo hoặc động vật hoang dã cắn, cần phải rửa vết thương ngay với xà phòng và xả dưới với nước sạch chảy liên tục trong thời gian khoảng 10-15 phút. Nếu không có xà phòng, có thể rửa ngay vết thương bằng nước sạch dưới vòi nước chảy liên tục 15 phút. Đây là biện pháp sơ cứu hiệu quả nhất để giảm thiểu nguy cơ mắc bệnh dại.
Sau đó tiếp tục rửa kỹ vết thương với cồn 70% hoặc cồn iod. Điều này giúp giảm và tiêu diệt bớt lượng virus dại bị lây nhiễm qua vết cắn. Bệnh dại hoàn toàn có thể ngăn ngừa được nếu người bị động vật nghi dại cắn được tiêm phòng vắc xin đúng và đầy đủ. Những trường hợp chủ quan không tiêm ngừa cũng như theo dõi động vật sau khi cắn có nguy cơ cao sẽ phát dại.
Khi bị động vật nghi dại cắn, người dân cần đến ngay cơ sở y tế để được bác sĩ tư vấn và tiêm vắc xin ngừa dại. Tuyệt đối không chữa bằng thuốc nam hay các biện pháp được đồn đại trong dân gian như: bôi dầu gió, dầu hỏa, dầu xanh, đắp ớt hiểm, đất sét, tỏi, củ kiệu, lấy nọc bằng dao liếc. Những biện pháp này không những không mang lại hiệu quả mà còn làm mắc thêm các bệnh nhiễm trùng khác do làm bẩn vết thương.
Nguồn tham khảo:
https://rabiesalliance.org/news/world-rabies-day-2021-theme
Tổng hợp: Trung Tín – HCDC
Từ khóa » Virus Dại Có Hình Gì
-
Đặc điểm Virus Gây Bệnh Dại | Vinmec
-
Virus Dại (Rabies Virus) - Bệnh Viện Quân Y 103
-
Virus Dại – Wikipedia Tiếng Việt
-
Bệnh Dại – Wikipedia Tiếng Việt
-
Virus Dại - Health Việt Nam
-
BỆNH DẠI - Cục Y Tế Dự Phòng
-
Bệnh Dại Là Gì? - TRẠM Y TẾ PHƯỜNG AN PHÚ
-
Bệnh Dại - Rối Loạn Thần Kinh - Phiên Bản Dành Cho Chuyên Gia
-
Bệnh Dại Là Gì?
-
Đặc điểm Virus Gây Bệnh Dại - Bệnh Viện Vinmec - Suckhoe123
-
Bệnh Dại: Nguyên Nhân, Triệu Chứng, Chẩn Đoán & Điều Trị
-
Bệnh Dại
-
Phòng Bệnh Dại - Căn Bệnh Truyền Nhiễm đáng Sợ Nhất Lịch Sử Nhân ...
-
Bệnh Dại - Những Cái Chết được Báo Trước