Ngày Trở Về Vui Không Kể Xiết…

Dịp 2-9 năm nay, Trại giam Kênh 5, thuộc Tổng Cục VIII, Bộ Công an có 159 phạm nhân được giảm thời hạn chấp hành án phạt tù, trong đó có 25 phạm nhân được giảm hết thời hạn, 3 phạm nhân từ tù chung thân giảm còn 30 năm... Dù được giảm ít hay nhiều thì tất cả phạm nhân đều cảm thấy vui, xúc động khi nhận được sự khoan hồng của Đảng và Nhà nước.

Đại tá Nguyễn Phước Hưng, Giám thị Trại giam Kênh 5, trao quyết định giảm thời hạn chấp hành án phạt tù cho các phạm nhân.

Niềm vui vỡ òa

Mới sáng sớm, khá đông người thân của các phạm nhân được giảm hết thời hạn chấp hành án phạt tù đã đứng trước cổng Trại giam Kênh 5 chờ giây phút gặp người thân được trả tự do. Những phạm nhân được giảm hết thời hạn chấp hành án phạt lần này cũng không giấu được niềm vui, hồi hộp chờ đợi để về với gia đình, cộng đồng.

Sau khi kết thúc buổi lễ, anh Lê Thế Hải, quê ở An Giang, cầm trên tay quyết định giảm hết thời hạn chấp hành án phạt tù, nói: “Không ngờ tôi được trở về với gia đình, xã hội sớm như vậy. Cảm ơn Đảng, Nhà nước có chính sách khoan hồng đối với những người lầm lỗi như tôi”.

Năm 2013, anh Hải bị bắt với tội chiếm đoạt tài sản và phải thụ án 4 năm tù. Vào tù, một ngày ở đây đối với anh dài cả năm và cảm thấy hối hận về hành vi của mình nên hết sức phấn đấu thực hiện 15 điều nội quy và 4 tiêu chuẩn thi đua chấp hành án phạt tại trại. Cán bộ trại cũng giáo dục, động viên nên anh rất cố gắng, nỗ lực cải tạo thật tốt. “Khi biết được giảm hết thời hạn chấp hành án phạt, trước ngày công bố tôi ngủ không được, chỉ mong trời mau sáng để nhận quyết định về đoàn tụ với gia đình. Tôi sẽ cố gắng hòa nhập với cộng đồng và chuộc lại lỗi lầm của mình gây ra”, anh Hải cho biết.

Còn đối với anh Phạm Hồng Phúc, ở huyện Vị Thủy, cũng không giấu được niềm vui khi nhận được quyết định giảm hết thời hạn chấp hành án phạt tù. Anh Phúc kể, bị bắt vào tháng 5-2015 về tội lợi dụng chức vụ quyền hạn khi thi hành công vụ, sau khi bị kết án và vào đây, suy nghĩ những hành động của mình, anh hối hận vô cùng. Được sự quan tâm, động viên của người thân, giáo dục của cán bộ trại, nên anh cố gắng chấp hành tốt nội quy của trại và được đánh giá cao. “Khi ra trại, tôi sẽ cố gắng làm lại từ đầu và hứa sẽ không bao giờ tái phạm”, anh Phúc bộc bạch.

Đợt này cũng có nhiều phạm nhân được giảm án nhưng vẫn còn thời hạn chấp hành án. Năm 2015, Dương Đăng Khoa, ở xã Lương Tâm, huyện Long Mỹ, bị kết án 3 năm 3 tháng tù vì tội cướp tài sản. Khoa kể, trong một lần tụ tập với bạn bè đã ra tay cướp xe của người đi đường để bán kiếm tiền tiêu xài. Ngày tuyên án, chứng kiến những giọt nước mắt của người thân, anh cắn rứt lương tâm vô cùng. “Vì nông nổi tôi đã làm cho người thân buồn, mặc cảm với xã hội. Ước gì thời gian quay lại, tôi sẽ không bao giờ hành động như thế”, Khoa nói.

Khi vào trại, Khoa tuân thủ mọi nội quy của trại. “Tuy chưa được giảm hết thời hạn chấp hành án phạt tù, nhưng tôi rất mừng vì nhận được sự quan tâm, khoan hồng của Đảng và Nhà nước. Tôi sẽ cố gắng cải tạo thật tốt để sớm về với gia đình, cộng đồng”, Khoa bộc bạch.

Đường về bớt gập ghềnh

Để các phạm nhân khi ra tù sớm hòa nhập cộng đồng, hàng năm, Ban giám thị Trại giam Kênh 5 phối hợp với ngành chức năng tổ chức mở các lớp dạy nghề như gò hàn, thợ hồ, đan đát… cho phạm nhân. Với hình thức dạy tập trung tại trại, các giáo viên đã nhiệt tình truyền đạt kiến thức cơ bản về đọc, hiểu bản vẽ thi công công trình xây dựng dân dụng, quy trình thi công; kiến thức liên quan đến kết cấu nền móng, gò, hàn... Qua khóa học, hầu hết đều thực hiện được công việc và được cấp chứng chỉ nghề.

Là học viên lớp làm hồ, anh Lê Thế Hải bày tỏ lòng biết ơn đối với cán bộ trại giam, các thầy giáo đã quan tâm chăm lo đến những người lầm lỗi như anh. “Tôi thấy mình thật may mắn khi trước lúc ra trại lại có nghề trong tay. Từ những kiến thức, kinh nghiệm được học, sau này tôi sẽ áp dụng vào lao động, sản xuất để nuôi sống bản thân, làm người có ích cho xã hội”, anh Hải tâm sự.

Đại tá Nguyễn Phước Hưng, Giám thị Trại giam Kênh 5, cho rằng: Lớp đào tạo nghề là sự quan tâm của cộng đồng xã hội, là mong muốn của các phạm nhân cũng như sự mong đợi của thân nhân gia đình họ. Qua những lớp học ấy sẽ giúp phạm nhân có nhận thức, hiểu biết về nghề nghiệp, từ đó làm tròn trách nhiệm của một công dân. “Điều mà chúng tôi mong muốn nhất là khi trở về với cộng đồng, các bạn phải tránh xa các tệ nạn xã hội, không để xảy ra tình trạng “ngựa quen đường cũ”, sống có ích cho gia đình và cộng đồng”.

Bài, ảnh: NHẬT TÂN

Từ khóa » đau Không Kể Xiết