Nghệ An: Vấn đề Quyền Làm Chủ Của Nhân Dân, Phương Châm “Dân ...

Dân số toàn tỉnh trên 3,3 triệu người, đồng bào người dân tộc thiểu số chiếm 14,76% (Thái, Thổ, Khơ Mú, Mông, Ơ Đu, tộc người Đan Lai...). Đồng bào theo tôn giáo hợp pháp có khoảng 390.000 tín đồ (Công giáo khoảng 290.000 tín đồ, Phật giáo khoảng 100.000 tín đồ).

Đảng bộ tỉnh Nghệ An có 28 đảng bộ trực thuộc Tỉnh ủy với 1.422 tổ chức cơ sở đảng, có 195.058 đảng viên.

Trong những năm qua, nội dung phát huy quyền làm chủ của Nhân dân, “Nhân dân làm chủ” trong cơ chế “Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, Nhân dân làm chủ” và phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng” được các cấp ủy đảng quan tâm chỉ đạo và Nhân dân đồng tình thực hiện.

Ban Thường vụ Tỉnh ủy Nghệ An đã tổ chức quán triệt, triển khai các văn bản của Đảng, trong đó tập trung vào nội dung Nghị quyết Đại hội lần thứ XII của Đảng cụ thể hóa cơ chế “Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, Nhân dân làm chủ” bằng nội dung “Đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng ở tất cả các cấp” với những quy chế, quy định, quy trình cụ thể; quy định rõ hơn Đảng phục vụ Nhân dân, chịu sự giám sát của Nhân dân về những quyết định của mình; Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng, trong đó đi sâu vào nội dung “tiếp tục đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn Đảng, xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa và hệ thống chính trị toàn diện, trong sạch, vững mạnh”; “Hoàn thiện đồng bộ hệ thống pháp luật, cơ chế, chính sách nhằm phát huy mạnh mẽ dân chủ xã hội chủ nghĩa, quyền làm chủ của Nhân dân...”, những chủ trương lớn về quyền con người, gắn quyền con người với sự phát triển phồn vinh, hạnh phúc của dân tộc; tôn trọng, bảo đảm, bảo vệ quyền con người, quyền công dân, gắn quyền với nghĩa vụ, trách nhiệm công dân.

Vấn đề phát huy quyền làm chủ của Nhân dân được xác định rõ trong Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Nghệ An, nhiệm kỳ 2015 - 2020 và nhiệm kỳ 2020 - 2025.

Thực trạng phát huy quyền làm chủ của Nhân dân, “Nhân dân làm chủ” trong cơ chế “Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, Nhân dân làm chủ” và thực hiện phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”.

- Những nội dung công khai để Nhân dân biết: Tăng cường công khai, phố biến thông qua các hình thức phù hợp để nhân dân nắm được các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước liên quan đến đời sống người dân và các biện pháp thực hiện. Cấp ủy Đảng phổ biến, tuyên truyền Nghị quyết Đại hội Đảng các cấp và nghị quyết, chị thị, báo cáo chuyên đề liên quan đến người dân, công tác quy hoạch, tuyển dụng, đề bạt, bổ nhiệm cán bộ; kết quả kiểm tra, giám sát, giải quyết các vụ việc tiêu cực, tham nhũng; việc thi hành kỷ luật đối với cán bộ, đảng viên, công chức vi phạm theo quy định. Các cơ quan nhà nước, các cấp chính quyền phổ biến, công khai các chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương; các dự án, công trình, phương án đền bù, hỗ trợ giải phóng mặt bằng, tái định cư liên quan đến dự án, công trình trên địa bàn; công tác quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; phương án sáp nhập thôn, xóm, đề án sắp xếp, sáp nhập các đơn vị hành chính cấp xã; điều chỉnh địa giới hành chính cấp xã; các cơ chế chính sách tạo điều kiện, khuyến khích phát triển sản xuất kinh doanh, tạo việc làm, hỗ trợ người dân khắc phục hậu quả thiên tai, dịch bệnh; các chính sách an sinh xã hội; các quy định về thủ tục hành chính, giải quyết các công việc liên quan đến nhân dân và các nội dung liên quan khác. Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội thực hiện khá tốt vai trò cầu nối, cung cấp thông tin, tuyên truyền, vận động, nâng cao ý thức người dân nắm bắt, hiểu rõ các thông tin được phổ biến, cung cấp.

- Những nội dung Nhân dân bàn, quyết định và tham gia ý kiến: Trong thời gian qua, cấp ủy, chính quyền các cấp trên địa bàn tỉnh thể hiện tinh thần cầu thị, lắng nghe, tiếp thu ý kiến Nhân dân; đặc biệt đã tạo môi trường, điều kiện thuận lợi để Nhân dân bàn và quyết định trực tiếp nhiều nội dung quan trọng theo đúng quy định. Cấp ủy Đảng quan tâm lấy ý của nhân dân về dự thảo báo cáo chính trị trình đại hội Đảng các cấp, các dự thảo nghị quyết chuyên đề của cấp ủy về phát triển kinh tế - xã hội; xây dựng đội ngũ cán bộ thuộc diện Ban Thường vụ cấp ủy các cấp quản lý... Các cấp chính quyền tạo điều kiện để Nhân dân bàn và quyết định trực tiếp các nội dung công việc, trọng tâm là các chủ trương, chính sách và mức đóng góp xây dựng cơ sở hạ tầng, các công trình phúc lợi công cộng do nhân dân đóng góp toàn bộ hoặc một phần kinh phí; việc xây dựng hương ước, quy ước thôn, xóm. Đặc biệt, trong xây dựng nông thôn mới, người dân đã phát huy tốt vai trò chủ thể của mình trong việc bàn bạc và quyết định việc thực hiện các chỉ tiêu, kế hoạch gắn với tình hình đặc điểm từng địa phương, cơ sở; từ đó đạt được nhiều kết quả nổi bật. Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội đã thực hiện tốt vai trò tổng hợp ý kiến đề xuất, kiến nghị của nhân dân tham gia góp ý các chương trình, đề án, cơ chế chính sách phù hợp với tình hình thực tiễn và nhu cầu nguyện vọng chính đáng, hợp pháp của đoàn viên, hội viên và các tầng lớp Nhân dân.

- Những nội dung, hình thức Nhân dân giám sát: Đối với cấp ủy Đảng, Nhân dân thường xuyên theo dõi, giám sát việc lãnh đạo, chỉ đạo, triển khai, kết quả thực hiện mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ đột phá của Nghị quyết đại hội Đảng các cấp; các nghị quyết, chỉ thị, kết luận của cấp ủy; việc thực hiện quy chế làm việc, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, mối quan hệ của cấp ủy theo quy định; công tác đánh giá, đề bạt, bổ nhiệm, khen thưởng, kỷ luật, thực hiện các chính sách đối với cán bộ; việc giải quyết các đơn thư khiếu nại, tố cáo đối với tập thể, cá nhân. Đối với các cấp chính quyền, thực hiện nghiêm túc việc tạo điều kiện và chịu sự giám sát của Nhân dân với những nội dung đã công khai, những nội dung để nhân dân bàn, quyết định và tham gia ý kiến; nhất là việc thực hiện các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước; kế hoạch, tiến độ triển khai nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội; chất lượng, tiến độ các công trình, dự án triển khai trên địa bàn ảnh hưởng trực tiếp đến người dân; việc giải quyết các tồn đọng, ý kiến phản ánh, kiến nghị, khiếu nại, tố cáo của nhân dân; việc triển khai thực hiện các cơ chế chính sách trên địa bàn, việc thu và quản lý, sử dụng các khoản thu của nhân dân; việc rèn luyện, phẩm chất, đạo đức, lối sống của đội ngũ cán bộ, công chức, của đại biểu dân cử. Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội vận động đoàn viên, hội viên, các tầng lớp nhân dân phát huy ý thức, trách nhiệm trong việc giám sát đối với cấp ủy đảng, chính quyền theo quy định của pháp luật; từng bước phát huy vai trò của tổ chức đại diện thực hiện chức năng giám sát và phản biện xã hội theo Quyết định số 217-QĐ/TW, Quyết định số 218-QĐ/TW của Bộ Chính trị (khóa XI), Quy định 124-QĐ/TW của Ban bí thư (khóa XII). Thông qua Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội, nhân dân đã giám sát việc thực hiện Quy chế dân chủ trong huy động nội lực của nhân dân để thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới; việc huy động, quản lý và sử dụng các khoản đóng góp tự nguyện của phụ huynh, học sinh trong các trường công lập; công tác tổng rà soát việc thực hiện chính sách đối với người có công với cách mạng; công tác đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng trong xây dựng nông thôn mới; chương trình giảm nghèo, giải quyết việc làm, việc chấp hành pháp luật về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế ở các loại hình doanh nghiệp; chất lượng sản phẩm vật tư nông nghiệp trên địa bàn...; bên cạnh đó, tiếp tục phát huy vai trò giám sát của Nhân dân thông qua Ban thanh tra nhân dân, Ban giám sát đầu tư của cộng đồng đạt được những kết quả tích cực.

- Nhân dân thụ hưởng: Tất cả các thành quả mà tỉnh Nghệ An tạo ra, đạt được trong thời gian qua đều để nâng cao đời sống nhân dân, phục vụ nhân dân, vì sự bình yên của nhân dân, tạo thuận lợi cho nhân làm ăn, phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo, vì hạnh phúc của nhân dân. Thể hiện rõ nhất trong vấn đề nhân dân thụ hưởng đó là kết quả Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng Nông thôn mới, tất cả các địa phưng về đích Nông thôn mới nhân dân đều khẳng định đó là một cuộc cách mạng làm thay đổi nhanh chóng bộ mặt nông thôn, nhất là hạ tầng giao thông, kinh tế - xã hội phát triển, đời sống nhân dân được cải thiện rõ rệt; nhân dân vừa là chủ thể trong xây dựng Nông thôn mới vừa là người trực tiếp thụ hưởng thành quả do xây dựng Nông thôn mới mang lại.

Tuy nhiên, việc tổ chức quán triệt về các nội dung trong thực hiện phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng” chưa sâu sắc; một số chủ trương, cơ chế, chính sách của Đảng, Nhà nước và của tỉnh chưa kịp thời phổ biến đến mỗi người dân, nhất là vùng sâu, vùng xa, vùng biển, miền núi cao và các doanh nghiệp. Một số nơi chính quyền cơ sở nhận thức chưa đầy đủ và chưa thực sự coi trọng việc thực hiện phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng” trong quá trình chỉ đạo điều hành nên một số nội dung kết quả chưa cao, chưa tạo được sự đồng thuận của nhân dân. Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể một số cơ sở chưa xác định đúng mức vai trò của tổ chức mình trong việc thực hiện phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra”, phát huy dân chủ ở cơ sở, mặt khác một số nơi chưa được chính quyền quan tâm tạo điều kiện về thông tin, kinh phí để thực hiện, do đó thiếu chủ động sáng tạo trong việc triển khai thực hiện nhiệm vụ trong hệ thống ngành dọc. Cải cách hành chính, chống tham nhũng, lãng phí; việc giám sát thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở còn có mặt hạn chế. Một số nơi chính quyền chưa công khai đầy đủ về quy hoạch sản xuất, giao thông, thuỷ lợi, quy hoạch đất đai, xây dựng cơ sở hạ tầng, nhất là các công trình, dự án đầu tư vốn không phải do nhân dân đóng góp; công khai chưa đầy đủ cho dân biết giá cả bồi thường giải phóng mặt bằng, các khoản thu quỹ; một số chương trình, dự án đầu tư chưa được thông tin đầy đủ cho dân biết để tham gia giám sát.

Các giải pháp trong thời gian tới để thực hiện tốt việc phát huy quyền làm chủ của Nhân dân, “Nhân dân làm chủ” trong cơ chế “Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, Nhân dân làm chủ” và phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”.

Đổi mới việc phát huy quyền làm chủ của nhân dân trong xây dựng chủ trương, nghị quyết của Đảng. Trong xây dựng nghị quyết của Đảng phải luôn luôn quán triệt tư tưởng Hồ Chí Minh “vì dân”, vì lợi ích quốc gia dân tộc, về thực hiện dân chủ gắn với phát huy vai trò của nhân dân. Trước khi ban hành chủ trương, Nghị quyết ... các cấp ủy đảng cần tổ chức các đoàn đi khảo sát, đánh giá thực tế các loại hình tổ chức cơ sở đảng ở các địa bàn, vùng, miền khác nhau. Sau khi khảo sát, cần đánh giá, tổ chức các cuộc tọa đàm, hội thảo để lấy ý kiến góp ý, đề xuất để nâng cao chất lượng các nghị quyết của Đảng; những chủ trương, nghị quyết quan trọng liên quan đến quyền lợi của đông đảo nhân dân thì phải xin ý kiến nhân dân tham gia.

Thực hiện nhiệm vụ xây dựng, chỉnh đốn Đảng một cách toàn diện. Gắn đổi mới phương thức lãnh đạo, nâng cao năng lực cầm quyền của Đảng để xây dựng Đảng vững mạnh về chính trị, tư tưởng, tổ chức và đạo đức ngang tầm với yêu cầu, nhiệm vụ cách mạng trong thời kỳ mới; xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Thực hiện tốt quyền làm chủ của nhân dân, góp phần kiểm soát, giám sát công tác cán bộ.

Tiếp tục xây dựng các cơ quan nhà nước, chính quyền các cấp thực sự của dân, do dân và vì dân; tất cả quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân. Xây dựng các cơ quan nhà nước, chính quyền các cấp trong sạch vững mạnh, vì nhân dân phục vụ, hiểu dân, học dân, có trách nhiệm với dân; công khai, minh bạch; chuyển mạnh từ chính quyền hành chính sang chính quyền phục vụ dân, kiến tạo và đồng hành cùng doanh nghiệp. Phát huy cao độ vai trò giám sát bộ máy nhà nước của nhân dân, của MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội.

Đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng đối với Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể chính trị - xã hội, góp phần kiểm soát, giám sát quyền lực. Đảng xây dựng và ban hành kịp thời các nghị quyết để định hướng lãnh đạo cho Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội. Phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các đoàn thể chính trị - xã hội để kiểm soát, giám sát quyền lực của các cơ quan nhà nước./.

Nguyễn Mạnh Khôi

Phó trưởng ban TT Ban Dân vận Tỉnh ủy

Từ khóa » Dân Biết Dân Bàn Dân Làm Dân Kiểm Tra Là Tinh Thần Chỉ đạo Của Nhiệm Kỳ đại Hội Nào