Nghe Bác Sĩ Nói Về Ung Thư Trực Tràng, Căn Bệnh Vừa Cướp đi Sinh ...

Chiều 18-3, bác sĩ Nguyễn Hữu Thịnh, Phó trưởng khoa ngoại tiêu hóa, Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM đã có buổi trao đổi về ung thư trực tràng, căn bệnh gây ra cái chết ở tuổi 42 của ca nhạc sĩ Trần Lập.

Xu hướng bệnh đang ngày càng trẻ hóa

Theo bác sĩ Thịnh, trước đây ung thư trực tràng thường gặp ở bệnh nhân trên 50 tuổi. Thế nhưng vài năm gần đây, số ca mắc ung thư trực tràng ngày càng xuất hiện nhiều ở độ tuổi trẻ hơn.

Trực tràng là một đọan ngắn phía trên hậu môn

Bác sĩ Thịnh cho biết, chưa có nghiên cứu chỉ rõ nguyên nhân khiến bệnh ung thư trực tràng tăng cao ở người trẻ. Tuy nhiên, có thể do chế độ ăn chứa hóa chất độc hại, lối sống lười vận động của người trẻ. Ngoài ra, còn có thể do tác động của bệnh béo phì và tình trạng đái tháo đường cao, cũng là những yếu tố nguy cơ.

Tại Hoa Kỳ, kết quả công bố cũng cho thấy tần suất người dưới 50 tuổi bị ung thư đại trực tràng ngày càng tăng. Riêng tại Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM, mỗi năm tiếp nhận khoảng 500 ca ung thư trực tràng với tỷ lệ người trẻ mắc chiếm 15%. Không những thế, khi xuất hiện ở người trẻ, bệnh này có xu hướng ác tính hơn so với độ tuổi trên 50.

Dễ nhầm lẫn với bệnh trĩ

Việc phát hiện sớm vẫn chính là chìa khóa quan trọng nhất trong điều trị. Phát hiện sớm thì kết quả thành công điều trị càng cao.

Bác sĩ Thịnh cho biết, nếu được phát hiện sớm ở giai đoạn 1, tỷ lệ sống trên 5 năm sau phẫu thuật đạt 90%. Nếu phát hiện trễ ở giai đoạn 4, tỷ lệ này chỉ còn 18% ở người trẻ và 6% ở người già.

“Trường hợp Trần Lập, do phát hiện trễ, bệnh đã vào giai đoạn thứ 4 và có nhiều xâm lấn. Do đó, dù phẫu thuật điều trị nhưng anh đã không thể qua khỏi. Tại bệnh viện chúng tôi, tỷ lệ sống được sau 5 năm phẫu thuật ung thư trực tràng ở tất cả giai đoạn hiện nay mới chỉ đạt 60%”, bác sĩ Thịnh nói.

Thủ lĩnh ban nhạc rock Bức Tường nổi tiếng một thời, ca sĩ Trần Lập qua đời chiều 17-3 sau 4 tháng phát bệnh ung thư trực tràng. Anh đã chiến đấu với bệnh tật không mệt mỏi, luôn thể hiện sự lạc quan yêu đời và sống những ngày cuối cùng một cách kiên cường, đầy nghị lực.

Bác sĩ Thịnh cảnh báo, ung thư đại tràng và trực tràng thường không có triệu chứng rõ ràng và dễ bị nhầm với nhiều bệnh thông thường, điển hình như bệnh trĩ. Bệnh nhân có biểu hiện đi tiêu ra máu nhưng lại thường tự điều trị theo phương pháp dân gian chữa bệnh trĩ. Bác sĩ khuyên nên tầm soát ung thư định kỳ. Chi phí tầm soát ung thư hiện từ 800 ngàn đồng đến 3triệu đồng/lần.

Các triệu chứng của ung thư đại trực tràng bao gồm:

- Những thay đổi bất thường ở đường ruột như tiêu chảy hoặc táo bón.

- Bệnh nhân thường cảm thấy ruột không bao giờ trống rỗng hoàn toàn, ngay cả khi đói.

- Phân có máu màu đỏ tươi hoặc rất sẫm.

- Thường xuyên thấy đau hoặc co thắt ruột do đầy hơi, cảm giác đầy bụng, chướng bụng.

- Giảm cân không rõ lý do.

- Cảm thấy rất mệt mỏi mọi lúc mọi nơi.

- Buồn nôn hoặc nôn.

Lưu ý: Ung thư không có triệu chứng điển hình, các triệu chứng trên cũng có thể do những vấn đề sức khỏe khác gây ra. Ở giai đoạn đầu, ung thư thường không gây đau. Do vậy, bác sĩ khuyên bất cứ ai có những triệu chứng trên nên đi khám bác sĩ để được chẩn đoán và điều trị càng sớm càng tốt.

Để phòng bệnh này, mọi người nên lưu ý chế độ ăn uống:

- Giảm thức ăn chứa nhiều dầu mỡ. Tăng cường chất xơ trong bữa ăn. Ăn các loại thực phẩm luộc, hấp, hầm, hạn chế ăn đồ nướng, xông khói.

- Kiêng ăn gia vị cay, không hút thuốc lá, uống rượu.

- Chú ý bổ sung rau quả hàng ngày, đặc biệt là cà rốt, cà chua, quả bầu, cam, quýt, dưa hấu, dâu tây… để bổ sung vitamin C và caroten...

 

Nam Anh

Từ khóa » Ca Sĩ Bị Ung Thư Trực Tràng