Nghề Dọn Dẹp Phòng Những Người Chết Trong Cô độc ở Singapore

TIN MỚI

Công việc nhiều ám ảnh

Rahman Razali, 39 tuổi là người đồng sáng lập công ty dọn dẹp vệ sinh DDQ có trụ sở tại Singapore. Công ty của anh chuyên cung cấp dịch vụ dọn sạch thi thể người đã chết vài ngày, hoặc thậm chí vài tuần hay vài tháng.

Đứng trước ngưỡng cửa của căn hộ cần dọn dẹp, Rahman trong bộ đồ bảo hộ cá nhân thầm đọc kinh. Anh bước qua làn khói từ những cây nhang mà chủ căn hộ đặt ở cửa để che đi mùi tử khí. Căn hộ ở Jurong East này có hai phòng, người đã khuất đã từng sống ở đó một mình.

Cảnh tượng trong nhà vượt qua sức tưởng tượng của nhiều người. Máu khô và chất dịch cơ thể nhuộm màu nâu sẫm trên bàn và sàn trong phòng ngủ. Máu cũng làm vấy bẩn các vật dụng, khiến căn nhà trông giống nhà kho hơn là một ngôi nhà để ở.

Nghề dọn dẹp phòng những người chết trong cô độc ở Singapore: Ký ức ám ảnh nhưng là cứu cánh cho thân nhân người quá cố - Ảnh 1.

Rahman Razali nhặt những vật dụng dính máu trên sàn nhà, nơi một người đàn ông đã chết và vài ngày sau mới được phát hiện

Phủ kín sàn nhà là những đống sơn, dụng cụ và thiết bị cầm tay xếp chồng lên nhau để sửa chữa máy điều hòa không khí của người đã từng sống ở đây. Một cái bếp di động, một cái nồi nhỏ, những gói mì và một số đồ dùng nằm gần đó.

Khi Rahman và người trợ lý 18 tuổi của anh, Qasrina, xịt chất khử trùng lên tất cả các bề mặt và vật dụng trong phòng, thứ mùi ám ảnh bốc lên. Đeo găng tay cao su và sử dụng kẹp, họ nhặt tất cả các vật dụng dính máu, cuối cùng chứa đầy trong hơn 10 túi rác lớn. Rahman cho biết con số này gấp đôi lượng rác mà họ thường gặp.

Nghề dọn dẹp phòng những người chết trong cô độc ở Singapore: Ký ức ám ảnh nhưng là cứu cánh cho thân nhân người quá cố - Ảnh 2.

Những chiếc túi đựng các vật dụng dính máu cần được loại bỏ sau khi dọn dẹp

Mất hơn một giờ mới dọn sạch được một khoảng trống trong phòng, Rahman ra ngoài nghỉ ngơi. Anh đã phải chịu đựng cái nóng ngột ngạt khi mặc bộ đồ bảo hộ trong khoảng ba giờ, không khí không thể lưu thông qua lớp áo.

Sau một lúc, họ tìm thấy chiếc ví dính máu và quyết định đưa cho chủ căn hộ, ông Tan (không phải tên thật vì ông yêu cầu giấu tên). Tuy nhiên, ông chỉ lắc đầu với Rahman và chiếc ví phải gia nhập với đống rác rưởi. Ông Tan cho biết người đàn ông thiệt mạng là bạn của ông, người bạn đó đã sống ở đây trong khi chờ đợi căn hộ của mình xây xong vì ông ấy không hòa thuận với gia đình của mình.

Năm ngày trước đó, ông Tan nhận được cuộc gọi từ cảnh sát, nói rằng họ sắp sửa tiến vào căn hộ. Một người hàng xóm đã gọi điện thông báo có mùi hôi thối nồng nặc bốc ra từ căn nhà. Sau đó, cảnh sát đã tìm thấy và di dời thi thể, hội đồng thị trấn giới thiệu rằng ông Tan có thể liên hệ với DDQ để dọn vệ sinh.

Chia sẻ cùng các gia đình gặp nạn

Dù không thường xuyên, nhưng Rahman đã từng nhận dọn những thi thể không ai phát hiện trong hai tháng. Trong khi nhiều người cho rằng công việc này thật khủng khiếp, anh lại cảm thấy mình đang giúp đỡ những gia đình gặp nạn.

"Cảm xúc của các thành viên trong gia đình bị xáo trộn hoặc họ rất bận rộn với việc lo toan hậu sự cho người đã khuất. Việc dọn dẹp đối với họ là hơi khó khăn… bất cứ khi nào nhìn thấy máu, họ sẽ nhớ về người thân đã qua đời", anh nói.

Tuy cũng có lúc xúc động khi làm việc nhưng anh nghĩ rằng điều đó khiến anh trân trọng cuộc sống hơn. "Bạn cần phải trân trọng những người thân yêu, bạn bè và gia đình của bạn bởi vì bất cứ lúc nào chúng ta cũng có thể nói lời tạm biệt", anh nói.

Nghề dọn dẹp phòng những người chết trong cô độc ở Singapore: Ký ức ám ảnh nhưng là cứu cánh cho thân nhân người quá cố - Ảnh 3.

Rahman Razali tháo mặt nạ khi nghỉ ngơi sau khi dọn dẹp căn nhà

Rahman đã cung cấp dịch vụ vệ sinh sau khi chết hoặc gặp chấn thương, cùng với các dịch vụ vệ sinh khác, kể từ năm 2015. Vào thời điểm hiện tại, trung bình anh sẽ nhận được ba hoặc bốn trường hợp mỗi tháng, trong khi ba tháng trước đó chỉ có khoảng một đến hai yêu cầu. Anh không rõ lý do vì sao lại tăng, vì vậy CNA đã liên hệ với một công ty dọn dẹp khác, Lumiair, nhưng họ cho biết số lượng công việc của họ không hề tăng.

Trong năm 2020, khoảng 10%, tương đương 88.000 cư dân Singapore từ 60 tuổi trở lên sống một mình. Trong khi đó, Bộ Y tế không theo dõi số người già chết một mình tại nhà. Vào tuần cuối cùng của tháng 12/2021, người ta cũng báo cáo hai trường hợp khác chết một mình trong căn hộ của họ. Một trong số đó là một người đàn ông 63 tuổi ở Toa Payoh North, thi thể ông được tìm thấy sau khi hàng xóm phát hiện ra mùi hôi.

Những người thật sự cần giúp đỡ

Trong một trường hợp khác ở Bukit Panjang, cảnh sát đã gửi thông báo cho người thân của Ahmad Omar sau khi người ta phát hiện ông này đã chết tại nhà, hưởng thọ 68 tuổi. Những người hàng xóm nói rằng đôi khi họ thấy ông đi dạo xung quanh, nhưng không ai thấy bất thường khi ông không còn xuất hiện vì sức khỏe của ông có vẻ tương đối tốt. Những người sống gần đó tiết lộ rằng nghe nói vợ và con trai của ông đang sống ở Indonesia, và ông có một em gái ở Singapore nhưng họ không sống cùng nhau.

Khu nhà mà ông Ahmad từng sống bao gồm các căn hộ nhỏ hơn dành cho người cao tuổi và căn hộ bốn phòng dành cho gia đình, có cả hệ thống cảnh báo mà người cao tuổi có thể kích hoạt bằng cách kéo dây được cài đặt trong nhà của họ. Tuy nhiên, một người hàng xóm cho biết thiết bị không được kích hoạt trong trường hợp này.

Nghề dọn dẹp phòng những người chết trong cô độc ở Singapore: Ký ức ám ảnh nhưng là cứu cánh cho thân nhân người quá cố - Ảnh 4.

Hệ thống để người cao tuổi kêu cứu tại khu chung cư Bukit Panjang HDB

Cơ quan Chăm sóc Tích hợp (AIC) nói rằng chi nhánh của họ, Văn phòng Thế hệ Bạc (SGO), đã và đang thu hút người cao tuổi tham gia vào chương trình thông qua các chuyến thăm nhà và gọi điện, kể cả những người cô đơn hoặc bị cô lập về mặt xã hội. Cơ quan này cho biết: "SGO khuyến khích những người cao tuổi tham gia vào các chương trình hỗ trợ người già để duy trì sự năng động và kết nối xã hội".

Những người bị cô lập về mặt xã hội hoặc có nguy cơ sẽ được giới thiệu các dịch vụ kết bạn, bao gồm Careline, một dịch vụ điện thoại 24/7. Khi cần, SGO cũng sẽ liên kết người cao tuổi với các dịch vụ chăm sóc và hỗ trợ khác.

Ứng dụng OneService cũng có tính năng Help Neighbor, người dân có thể sử dụng tính năng này để thông báo cho các cơ quan dịch vụ xã hội khi người nào đó gặp khó khăn. "Với tính năng này, người dân có nhu cầu thông báo đến các cơ quan không cần nhớ phải liên hệ với cơ quan nào hay gọi đường dây nóng nào", AIC cho biết. "Chúng tôi hy vọng rằng với tính năng này, nhiều người sẽ góp sức chăm nom những người cao tuổi trong cộng đồng, có thể họ đang cần giúp đỡ".

Thảm cảnh Covid-19 ở Tây Ban Nha: Sân băng biến thành nhà xác, người già bị bỏ rơi, chết trong viện dưỡng lão https://cafef.vn/nghe-don-dep-phong-nhung-nguoi-chet-trong-co-doc-o-singapore-ky-uc-am-anh-nhung-la-cuu-canh-cho-than-nhan-nguoi-qua-co-20220118015443636.chn

Từ khóa » Dọn Xác Người Chết