Nghề đóng đáy - UBND Tỉnh Cà Mau

Cà Mau là vùng đất vốn có hệ thống sông ngòi chằng chịt và nhiều cá, tôm. Vì vậy, người dân vùng sông nước nơi đây cũng biết lợi dụng những con sông lớn, có nước chảy xiết để tìm cho mình cái nghề kiếm sống, đó là nghề đóng đáy.

Đóng đáy trên sông Năm Căn. Ảnh: Trương Hoàng Thêm.

Đóng đáy là cách đánh bắt cá, tôm phổ biến của người phương Nam, nhất là ở những vùng sông nước như Đất Mũi Cà Mau. Đóng đáy có nhiều cách. Dùng cây cắm làm trụ, cột đáy căng ra trên sông - gọi là “đáy sông”; dùng dây neo đáy gọi l2 đáy neo; dùng thuyền kết bè để căng đáy gọi là đáy bè; đem ra xa bờ dưới 10 hải lý gọi là “đáy hàng cạn”; còn giăng ra trên biển từ 10 đến 20 hải lý, nước sâu trên 10 sãi tay được gọi là “Đáy hàng khơi”. Mỗi hàng đáy còn gọi là 1 thon hay 1 sở đáy. Mỗi hàng đáy có ít nhất 1 miệng đáy, nhiều có khoảng 17 đến 30 miệng đáy. Mỗi miệng rộng 8 sãi tay, khoảng 14 mét.

Dòng sông có nhiều hàng đáy nhất ở Cà Mau có lẽ là sông Cửa Lớn (còn gọi là Cái Lớn). Sông Cửa Lớn: dài 56 km, bắt nguồn từ sông Ông Trang chảy ra Bồ Đề. Có đặc điểm là khi nước lớn chảy ngang qua Năm Căn rồi đổ luôn ra biển. Con sông này có dòng nước lớn - ròng chảy mạnh, nên phù hợp với nghề đóng đáy.

Đáy bè - được kết thành từ những chiếc ghe.

Để làm nên một hàng đáy, người ta dùng những cây gỗ lớn để cắm xuống lòng sông có mực nước sâu vừa phải, giăng thành hàng ngang và dùng dây buộc dính vào nhau. Đây được gọi là cột đáy. Còn đối với những nơi có mực nước quá sâu không thể dùng cây gỗ để cắm cột, người ta sẽ dùng những chiếc ghe kết thành một khối, giăng ngang sông và được cố định để không bị nước cuốn trôi. Sau đó, cột tấm lưới ống lớn ở phía dưới tạo thành những miệng đáy, thả xuôi theo chiều con nước chảy và dùng cây chui ghim mép miệng đáy cho căng rộng ra. Phía dưới miệng đáy phải nằm sát dưới đáy sông, để tôm cá theo con nước chui vào. Thông thường, người ta thả đáy (đóng đáy) lúc nước vừa mới “những ròng” và đổ đục (thu đáy) lúc nước sắp “những lớn”.

Giặt đáy. Ảnh: Huỳnh Lâm.

Việc đổ đục cũng rất vất vả, diễn ra hàng tiếng đồng hồ. Đổ đục là công việc rất quan trọng và phải đúng thời điểm thì mới bắt được nhiều cá tôm. Phải canh sao cho việc kéo lưới đúng lúc con nước vừa lên, khi tôm cá vừa lọt vào lưới. Nếu đổ đục sớm thì tôm cá chưa vào, còn nếu đổ đục muộn hoặc quên đổ đục thì cá tôm sẽ bị chết. Vì việc đổ đục phụ thuộc vào con nước lớn – ròng, nên có khi công việc này phải diễn ra vào ban đêm, người dân càng vất vả hơn.

Vào những ngày nắng đẹp người dân cũng tranh thủ phơi lưới để loại bỏ phần rong rêu đóng trên lưới và hy vọng cho mẻ lưới sau sẽ thu được nhiều tôm cá hơn.

Theo kinh nghiệm của những người đóng đáy, ở những tuyến sông nước càng chảy mạnh thì càng thu được nhiều cá tôm. Vì vậy, những hàng đáy được kết từ những chiếc ghe giăng ở những nơi có mực nước sâu, chảy xiết sẽ cho thu hoạch nhiều hơn, mặc dù hơi tốn kém về vốn đầu tư.

Vá lưới. Ảnh: Huỳnh Lâm.

Nghề đóng đáy không chỉ cực nhọc ở việc phải quay nài, thả chui, ngâm mình dưới nước khi đổ đục, giặt đáy, phơi đáy, mà người làm nghề này còn phải thức suốt cả đêm để trông coi đáy, lựa tôm, muối cá. Người ta sẽ làm nhà hoặc cất những cái chòi, làm liếp lượm bên cạnh hàng đáy để lựa tôm, cá, làm nơi ở, trông coi hàng đáy.

Thông thường, ở đầu mỗi hàng đáy, ngư dân treo một đèn chiếu sáng (chủ yếu là đèn đầu) để làm tín hiệu cho các tàu thuyền lưu thông trên sông vào ban đêm. Nếu không có đèn tín hiệu này, khi trời tối tàu thuyền qua lại trên sông có khi sẽ đâm vào hàng đáy, có thể mất mạng và gây hư hỏng hàng đáy. Mặc dù thấy được sự nguy hiểm, nhưng người dân nơi đây vẫn bám nghề và như thế nghề đóng đáy cứ truyền từ đời này sang đời khác, tồn tại cho đến bây giờ.

Từ khóa » đâu đóng đấy