Nghề đóng Xuồng, Ghe - TỈNH CÀ MAU

Tỉnh Cà Mau có hệ thống sông ngòi, kênh rạch chằng chịt. Từ thời đi khẩn hoang, mở đất, phương tiện của cư dân vùng nước Cà Mau chủ yếu là xuồng, ghe. Do đó, đóng xuồng, ghe là một trong những nghề xuất hiện sớm ở Cà Mau và rất phát triển nhằm phục vụ cho nhu cầu đi lại của cư dân vùng sông nước.

Trại xuồng tại phường 8, thành phố Cà Mau. Ảnh: Diễm Phương.

Từ lâu, chiếc xuồng là phương tiện giao thông, là tài sản quý giá và khi đường bộ chưa phát triền chiếc xuồng là “đôi chân” của nhiều gia đình ở vùng nông thôn Cà Mau. Xuồng, ghe dùng để làm phương tiện đi lại từ nhà này sang nhà khác, từ xóm này sang xóm khác, từ vùng này sang vùng khác, đi thăm viếng, đám tiệc, vận chuyển, mua bán hàng hóa, đánh bắt cá tôm…

Nghề đóng xuồng, ghe ở Cà Mau xuất hiện từ rất sớm. Theo tài liệu khảo cứu cho thấy, nghề đóng xuồng ghe ở Cà Mau được phát triển từ miền Trung và miền Đông Nam Bộ. Những người thợ lành nghề đã vì cuộc mưu sinh mà di chuyển xuống phía Nam lập nên những “trại xuồng”. Ghe xuồng ở Cà Mau có rất nhiều loại. Từ những loại dùng để đi trong các sông rạch như xuồng ba lá, ghe tam bản, ghe chài, ghe bầu, ghe lườn, ghe cà vom, ghe nỗi, ghe đục…. đến các loại lớn như tàu trọng tải, tàu khách, tàu đánh cá…Theo thời gian, họ sáng tạo ra nhiều loại xuồng ghe phù hợp với điều kiện đi lại trên sông rạch ở Cà Mau.

Về kỹ thuật đóng xuồng, ghe thì mỗi thợ đều có một bí quyết riêng. Tuy nhiên, về cơ bản sau khi đã chọn được gỗ, ván be, người thợ cưa, xẻ, đục đẻo, tạo dáng từng bộ phận và lắp ráp lại với nhau theo từng công đoạn: gác tiếp, ghim lô, xây mê, lên giàn đà, làm con lươn,vô be vành, ấp vồ, đóng giàn cong, gác then, ấp khẩu, xây chậu mũi, xây chậu lái, làm mũi, làm lái, bổ chèo, mô máy…

Chiếc xuồng ba lá gắn chặt với đời sống cư dân vùng sông nước Cà Mau. Ảnh: Huỳnh Lâm.

Sản phẩm đóng xuồng ghe ở Cà Mau phổ biến nhất là đóng xuồng ba lá. Gọi xuồng ba lá là vì do 3 tấm ván gỗ ghép vào, một tấm đặt ở giữa làm lườn, 2 tấm đặt ở 2 bên làm be. 3 tấm ván được giữ cố định bằng “cong xuồng” làm từ những thanh gỗ. Ở 2 đầu có “hủ lô” và sạp xuồng được đóng bằng ván để ngồi. Sạp lái dài hơn sạp mũi. Ở 2 bên phía sau có đóng bổ chèo để gắn cọc chèo. Một số gia đình khá giả có thể đóng thêm mô máy để gắn máy đuôi tôm khi di chuyển. Xuồng ba lá thường được đóng bằng bằng ván dầu, dên dên, thao lao hoặc các loại gỗ miền Đông khác có thể chịu được nước, ít nứt nẻ.

Xuồng khi đóng xong hoặc mới mua về thường phải đóng thêm đinh lào dọc theo các mép nối giữa các tấm ván be, ván lườn; làm sạp, bổ chèo, mô máy, trét chai, lắp vò… để xuồng được chắc chắn, sử dụng được lâu bền và nước không chảy vào bên trong. Theo tài liệu khảo cứu của tác giả Huỳnh Minh, khoảng năm 1968 ở Cà Mau có khoảng 30 trại đóng xuồng ba lá. Sách “Minh Hải địa chí” của tác giả Trần Thanh Phương mô tả “Đi trên sông rạch ở Minh Hải (nay là Cà Mau), nhất là những vàm sông lớn, người ta dễ dàng nhận ra những trại xuồng. Ở đó, nhiều người thợ lành nghề đóng xuồng, ghe. Đây cũng là nghề cha truyền, con nối. Nhiều người thợ 70 – 80 tuổi vẫn cầm cưa, cầm đục hướng dẫn con cháu”.

Chất liệu đóng ghe xuồng ở Cà Mau dần dần được chuyển sang chất liệu composite. Ảnh: Huỳnh Lâm.

Hiện nay, nghề đóng ghe xuồng ở Cà Mau phần lớn được hỗ trợ các máy móc, phương tiện kỹ thuật hiện đại và chất liệu gỗ truyền thống cũng dần được thay thế chất liệu composite, với nhiều kiểu dáng mới lạ, nhẹ nước hơn, vận tốc cao hơn và sử dụng được lâu bền hơn. Do đó, nghề đóng ghe xuồng ở Cà Mau vốn có truyền thống từ lâu đời, tồn tại qua nhiều thế hệ ở Cà Mau đang dần bị mai một và cần được bảo tồn, phát triển.

Từ khóa » Cách đóng Ghe Xuồng