Nghe Nghệ Nhân đua Bò Bảy Núi Kể Chuyện Trâu ở Tây Ninh
Có thể bạn quan tâm
Nghệ nhân đua bò Bảy Núi
Lễ hội đua bò Bảy Núi được tổ chức hàng năm trong dịp lễ Sen Dolta (lễ cúng ông bà) của đồng bào dân tộc thiểu số Khmer, từ cuối tháng 8 đến đầu tháng 9 (âm lịch). Đó là thời gian mà người Khmer chuẩn bị cho vụ lúa mới. Ông Sang nhớ lại, từ nhỏ đã nghe ông nội kể lại, người Khmer chủ yếu sống bằng cách trồng lúa nước. Bò là động vật dùng để kéo cày, kéo bừa, trục đất phục vụ sản xuất nông nghiệp. Những ngày cày ruộng xong sớm, một số chủ bò rủ nhau đua bò cho vui, sau đó trở thành lễ hội dân gian ở vùng Bảy Núi.
“Tôi nhanh nhẹn nên được nhiều người nhờ làm tài xế đua bò, nhưng chủ yếu đua ở giải xã. Năm 2016, tôi tham gia giải đua cấp tỉnh và đạt giải nhất. Năm đó cũng là năm Lễ hội đua bò Bảy Núi được Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch công bố là Di sản phi vật thể quốc gia. Những chủ bò đua, tài xế được công nhận là nghệ nhân”. Theo ông Sang, bò dùng để đua là bò trắng, thân hình cao ráo, săn chắc, khỏe mạnh, có nguồn gốc từ Campuchia. Đây là những chú bò ưu tú được tuyển chọn qua quá trình tập dợt từ phum, sóc.
Sau đó, thi đấu các giải đua ở xã, huyện rồi được tuyển chọn lên thi đấu vòng tỉnh. Một con bò nuôi từ nhỏ đến khi 10 tuổi mới bắt đầu đua được và nếu được chăm sóc kỹ, đôi bò có thể giữ phong độ đua thêm 5-7 năm tiếp theo.
Bò dùng để đua được chăm sóc rất kỹ, khi gần tới thời điểm thi đấu, không cho ăn thức ăn gia súc mà chỉ cho ăn cỏ non, uống nước sạch, ngủ nơi thoáng mát, ít kéo cày bừa. Trước thời gian đua khoảng 1 tháng, bò tập luyện trên đường mỗi ngày 1 lần. Gần đến thời điểm đua khoảng 1 tuần, phải nuôi thúc và cho chúng uống nước sô-đa pha trứng gà để có sức khỏe tốt và tăng cường độ tập luyện lên mỗi ngày 2 lần.
Trường đua bò là một khoảnh ruộng bằng phẳng hình chữ nhật, dài 200m, ngang 100m, được xới nhiều lần để tạo độ trơn, có nước lấp xấp, 4 bên có bờ bao. Ở đích đến có đoạn đường trống để bò có độ dừng. Mỗi lần đua cấp tỉnh có từ 50 đến hơn 60 đôi bò tham gia.
Vào cuộc đua, từng đôi bò được ách vào chiếc bừa đặc biệt, gọng bừa là một tấm gỗ rộng 30cm, dài 90cm. Khi có lệnh xuất phát, tài xế dùng cây xà-lul (cây gỗ ngắn, một đầu có gắn đinh nhọn) chích mạnh vào mông con bò, khiến chúng bị đau phóng nhanh về phía trước.
Cuộc đua gồm 2 vòng, vòng 1 gọi là vòng “hô”, bò đi 2 vòng quanh trường đua để lấy trớn. Vòng sau gọi là vòng “thả”, khi đến điểm xuất phát, “tài xế” dùng roi kích vào mông bò và bò bắt đầu vận động hết sức lực để băng về đích. Ông Sang hào hứng kể: “Khi đua nước rút, bò có thể chạy đến vận tốc từ 70-80 km/giờ. Lúc đó, 2 bên lỗ tai tài xế chỉ nghe tiếng gió vo vo, chứ không nghe gì nữa. Nếu tài xế lơ mơ bị rớt xuống bừa và không tính thành tích”.
Theo quan niệm của người Khmer, đôi bò thắng giải mang đến cho phum, sóc nhiều niềm vui, may mắn để có một vụ mùa bội thu. Vì thế, sau khi thắng cuộc, đôi bò không bị giết thịt, không bị bán đi mà được chủ nhân giữ gìn như một tài sản quý của gia đình và phum, sóc.
“Đôi bò thắng cuộc ít đi kéo xe mướn, nếu không sẽ bị hết gối (yếu chân), đến mùa giải năm sau bò không chạy nổi nữa. Đôi bò của ông Nguyễn Văn Liệt, do tôi làm tài xế đạt giải nhất năm 2016, đến năm 2019, cặp bò này tiếp tục đạt giải nhất” - ông Sang chia sẻ kinh nghiệm.
Đam mê trâu cò ở Tây Ninh
Những năm gần đây, nguồn trâu bò ở An Giang ngày càng ít, rơm rạ trên đồng không còn nhiều, nhân một lần đến thăm người bạn ở xã Tân Hà (huyện Tân Châu, Tây Ninh), với kinh nghiệm nuôi bò ở vùng Bảy Núi, ông Sang nhanh chóng nhận ra ở xã Tân Hà có nhiều tiềm năng phát triển nghề nuôi gia súc. Ông Sang bộc bạch: “Trên địa bàn xã Tân Hà có nhiều đồng cỏ rộng, có nguồn trâu, bò ở Campuchia dồi dào nên có thể mua về nuôi vỗ béo bán lại cho thương lái, bán thịt và cung cấp cho việc cày, bừa. Vì thế, tôi đến xã Tân Hà lập nghiệp”.
Từ đó đến nay đã 5 năm, ông Sang cùng người bạn thường xuyên sang Campuchia mua trâu, bò nghé đem về nuôi vỗ béo để bán lại. Trong quá trình mua trâu, bò ở Campuchia đem về xã Tân Hà, thỉnh thoảng có lẫn lộn một vài con trâu màu trắng (thường gọi là trâu cò), khi đem bán được giá cao. Qua tìm hiểu, ông được biết, trâu cò có được là do sự biến đổi gien giữa trâu bố mẹ.
Cả trăm con trâu đen bố mẹ lai tạo lẫn nhau may mắn lắm mới cho ra đời được một con trâu cò. Vì vậy, số lượng trâu cò rất ít và nhờ thế, trâu cò quý giá hơn trâu đen. Về mặt cày bừa, trâu cò cũng cao to, có sức khỏe và dẻo dai như trâu đen, nhưng về giá trị kinh tế thì loại trâu trắng này được nhiều người ưa chuộng.
“Thịt trâu cò ăn mát. Da và sừng trâu cò mài uống, có tác dụng trị bệnh tê bì chân tay, đau nhức xương khớp. Đặc biệt, mật của loại trâu này là vị thuốc quý, có giá trị từ 1-2 triệu đồng/mật. Mỗi năm, tôi về thăm quê 3-4 lần, lần nào có da, sừng trâu cò tôi cũng đem về tặng các nhà thuốc đông y để làm thuốc” - chủ đàn trâu chia sẻ.
Trong đợt mua trâu gần đây, tình cờ ông Sang mua được 2 con trâu nái có màu trắng rất đẹp. Đặc biệt, trong đó có một con trâu cui (cặp sừng cong xuống, chứ không cong lên như đa số trâu khác), ông Sang cho rằng trâu cui như thế này rất khỏe mạnh, hiền lành và đem lại nhiều vận may. Biết đây là trâu quý, ông giữ 2 con trâu cò này để dành nuôi.
Sau 1 năm nuôi dưỡng, 2 con trâu cò này sinh sản cho ông 2 con trâu nghé có màu lông trắng tươi. Đồng thời, trong đàn trâu đen vừa mua về có 1 con trâu cái sinh được chú trâu cò trắng toát. Ông Sang cho rằng, đây là vận may của mình nên để tất cả các con trâu trắng này lại nuôi như một thú vui.
Những ngày cuối năm, khi đến thăm ông Sang, chúng tôi thấy đàn trâu có hơn 20 con lớn nhỏ khác nhau. Sau 1 ngày rong ruổi gặm cỏ trên đồng ruộng, các con trâu cò bị dính bùn sình nên nhìn không trắng lắm, nhưng khi về chuồng, được tắm rửa sạch sẽ, các con trâu cò trở lại trắng tinh tươm, trông rất lạ mắt. Hiện tại, 3 con trâu cò nghé đã được hơn 2 tháng tuổi, chúng đã biết gặm cỏ...
Ông Sang thuê hẵn 1 nhân công trông nom đàn trâu. Hàng ngày, 8 giờ sáng, đàn trâu được lùa ra những cánh đồng trống cho ăn cỏ; chiều tối, đàn trâu trở về chuồng nghỉ ngơi. Ông Sang cưng chúng đến nỗi chiều nào cũng bơm nước tắm cho chúng và khi đêm xuống, ông đốt rơm, hun khói để hạn chế muỗi cắn chích đàn trâu. Mùa khô, khi cỏ trên đồng ít dần, ông dùng xe đi cắt cỏ, chở về cho chúng ăn. Ngoài ra, ông còn trồng thêm một số loại cỏ có dinh dưỡng cao như cỏ voi và mua rơm dự trữ cho đàn gia súc của mình. Mỗi lần ngắm nhìn những con trâu cò tung tăng trên đồng cỏ, ông không giấu được niềm vui trên vùng đất mới Tây Ninh.
ĐẠI DƯƠNG
Từ khóa » Bò Bảy Núi
-
Bò Bảy Núi – Wikipedia Tiếng Việt
-
Lễ Hội đua Bò Bảy Núi – Wikipedia Tiếng Việt
-
Tin Tức - Tưng Bừng Hội đua Bò Bảy Núi Năm 2019
-
Thể Thao - Du Lịch - Đặc Sắc đua Bò Bảy Núi - Đảng Bộ Tỉnh An Giang
-
Đua Bò Bảy Núi 2019 Live 2: Mất Hồn Cặp Bò Chứng Húc Tung Bàn ...
-
Nâng Hội đua Bò Bảy Núi Lên Tầm Quốc Tế - An Giang
-
An Giang Không Tổ Chức Hội đua Bò Bảy Núi Lần Thứ 27 Năm 2020 ...
-
Nghề Luyện Bò đua ở Bảy Núi - VnExpress
-
Lễ Hội đua Bò Bảy Núi - Checkinangiang
-
Lễ Hội đua Bò Vùng Bảy Núi -.:: Đắk Nông Online ::.
-
Bay Giữa Mùa Lễ Hội Năm 2022 - Báo Lao động
-
Đua Bò Bảy Núi - Một Lễ Hội độc đáo ở An Giang - Saigon Times
-
Đua Bò Bảy Núi - Báo Tuổi Trẻ
-
An Giang: Dừng Tổ Chức Hội đua Bò Bảy Núi Lần Thứ 27 Năm 2020
-
Bảo Tồn, Phát Huy Giá Trị Hội đua Bò Bảy Núi
-
Hội đua Bò Bảy Núi, An Giang/Cow Racing In Bảy Núi, An Giang ...