Nghệ Nhân Ưu Tú, Họa Sĩ Phạm Ngọc Lâm: Người Chỉ Huy Ban Nhạc ...
Có thể bạn quan tâm
“Hải Phòng có Phạm Ngọc Lâm. Một đời cặm cụi gò đồng thành tranh”. Nghe bạn bè giới thiệu mới hay, họa sĩ Phạm Ngọc Lâm (sinh năm 1940) đã được ông nội và bố dạy vẽ và truyền nghề điêu khắc từ bé. Ông nội anh là họa sĩ Phạm Ngọc Khâm, tốt nghiệp Mỹ thuật Đông Dương thời Pháp thuộc và là một trong những hội viên sáng lập Hội Mỹ thuật Việt Nam, năm 1957.
Họa sĩ Phạm Ngọc Lâm.
Mơ đời chiến sĩ
Khi bước vào quân ngũ năm 1962, chàng thanh niên Phạm Ngọc Lâm đã từng có hơn chục năm cầm cọ và thành thạo việc gò thúc tranh đồng, theo nghề truyền thống gia đình ở Hải Phòng. Với năng khiếu hội họa, anh đã được đơn vị cử ra mặt trận Trường Sơn, trực tiếp cầm súng chiến đấu và ký họa hình ảnh chiến sĩ trong cuộc chiến đấu anh dũng chống giặc Mỹ xâm lược. Đó là những năm tháng sôi nổi và say mê của người chiến sĩ, nghệ sĩ trẻ tuổi. Phạm Ngọc Lâm đã vẽ trên chiến hào, trong khói lửa đạn bom, mỗi khi vào trận. Sau này về đơn vị hậu cần, anh mở lớp dạy vẽ cho chiến sĩ, với ước vọng huy động tài năng trẻ cùng sáng tác về cuộc chiến đấu thần thánh của dân tộc ta. Những hiện thực của chiến tranh ăn sâu vào tâm trí của Phạm Ngọc Lâm. Anh cùng các chiến sĩ trẻ say mê vẽ và dựng tượng, khắc họa với nhiều góc cạnh độc đáo, dữ dội tràn đầy tâm huyết. Bảy năm sau, Phạm Ngọc Lâm được đơn vị cử đi học Trường đại học Mỹ thuật để tích lũy kiến thức, phát huy tài năng. Anh học khoa điêu khắc và mơ ước sẽ tạc được những bức tượng, thể hiện hào khí kiên cường của dân tộc ta trong cuộc chiến tranh yêu nước vĩ đại.
Từ đó, với anh là những chuyến đi thực tế, tìm kiếm nguyên liệu sáng tác. Hàng trăm khối hình đã được phác thảo và thể hiện, qua những tác phẩm điêu khắc về đề tài chiến tranh, mà Phạm Ngọc Lâm đã ấp ủ bao năm. Sau khi tốt nghiệp năm 1974, họa sĩ Phạm Ngọc Lâm trở lại đơn vị, tiếp tục sáng tác. Nhiều bức tượng, như còn đượm hơi thở chiến tranh cùng với phong cách mạnh mẽ, gồ ghề của chàng trai Hải Phòng đã để lại dấu ấn khó quên. Người xem có thể nghiệm thấy rõ ở bức gò đồng Voi Trường Sơn của anh với khổ lớn (1,4m x 2,1m); hoặc sau này là Lời của biển, Giải thưởng Đặc biệt trong triển lãm điêu khắc 10 năm (2003). Cùng với đó còn có tác phẩm điêu khắc gò đồng Ước vọng với khổ cực lớn (300cm x 500cm)... Anh được kết nạp vào Hội Mỹ thuật Việt Nam năm 1980 và trở thành nhà điêu khắc chuyên nghiệp từ đó. Năm 1984, họa sĩ Phạm Ngọc Lâm xuất ngũ với di họa chiến tranh, chất độc da cam trong người, sau những năm lăn lộn với chiến trường vào thời điểm cam go nhất. Nhưng tình yêu hội họa, cùng niềm khát khao sáng tạo nghệ thuật trong anh đã át đi tất cả. Trở về quê hương Hải Phòng, ước mơ đời chiến sĩ vẫn còn xanh tươi và ngày một rạng rỡ, trong tâm hồn người nghệ sĩ. Sau 22 năm tham gia quân ngũ, nụ cười chân thành, lạc quan không bao giờ tắt trên môi anh. Tình yêu cuộc sống nồng nàn, với những khối hình luôn luôn thôi thúc được thoát thai, sinh sôi cho dù vẫn còn đầy thử thách trước mắt anh.
Họa sĩ Phạm Ngọc Lâm với “Ban nhạc đồng nát”.
Bài ca về “Giọt nước mắt của biển”
Ít ai ngờ, người nghệ sĩ, chiến sĩ Phạm Ngọc Lâm mỗi ngày một thăng hoa với sức sáng tạo không ngơi nghỉ. Dường như quên đi di họa chất độc da cam trong mình, họa sĩ Phạm Ngọc Lâm lao vào cuộc chiến mới, sáng tạo nghệ thuật. Nói là cuộc chiến, bởi cái nghề điêu khắc đòi hỏi sức lực mạnh mẽ trong lao động, cũng đầy mồ hôi và nước mắt; cùng với khói lửa trong việc “luộc đồng” và dát đồng khi còn đỏ lửa. Thậm chí cả máu nữa, với tai nạn bất ngờ cho dù chỉ sảy chân, sứt tay... Thêm vào đó là sự lao động trí tuệ qua tư duy tạo hình và bố cục tác phẩm. Các chất liệu hết sức phong phú với điêu khắc. Nào đất đá, xi măng. Nào sắt thép, đồng, nhôm, inox. Hoặc gỗ hay gốm sứ... Riêng thể loại gò đồng mà gia đình, ông cha truyền lại, với Phạm Ngọc Lâm càng đòi hỏi sức lao động tỉ mỉ, kiên trì hơn. Đặc biệt là khâu gò ngược, với tư duy hình tượng đối nghịch âm dương, trong quá trình thực hiện tác phẩm.
Chính với sự say mê sáng tác, phát huy nghề gò đồng độc đáo mà Phạm Ngọc Lâm chinh phục người xem, với vẻ đẹp tinh tế. Nhiều hình tượng của anh được thể hiện, trên những bố cục hết sức hoành tráng trong bức tranh phù điêu. Tác phẩm điêu khắc nào của anh cũng thể hiện một sức vạm vỡ, nhưng không kém phần lãng mạn tựa như những làn sóng biển cồn cào, trong bốn chiều không gian hữu hạn. Không ai có thể quên những câu chuyện hiện lên trong lâu đài nghệ thuật của Phạm Ngọc Lâm như: Về với cội nguồn (210cm x 350cm), giải Cúp vàng năm 2004; Ngày hội xuân (250cm x 370cm); Niềm vui đổi đời hoặc Hái quả với khổ lớn nhất (300cm x 600cm); Rạng đông trên đảo tiền tiêu (Giải thưởng năm 2012); Mẹ Cổ Am (Giải thưởng 2013)... Đó là chưa nói đến những giải cao khác của Phạm Ngọc Lâm về tranh gò đồng khổ lớn, ở trong nước và quốc tế.
Ngoài những tác phẩm tranh gò đồng, Phạm Ngọc Lâm còn thể hiện sự độc đáo của mình qua những tượng khối cao, với những chất liệu khá đa dạng. Nhiều người đều nhớ đến bức Ban nhạc đồng nát rất mới lạ của anh. Người xem thích thú từ hình khối đến bố cục tác phẩm. Dường như họ cảm nhận được tính triết lý trong những âm thanh câm lặng, bay lên từ những chiếc loa kèn. Đây là một tác phẩm điêu khắc kết hợp với nghệ thuật sắp đặt, cất lên tiếng ca bất tận của cuộc sống. Một bản nhạc được hòa tấu những âm thanh rạo rực, mơ mộng, tràn ngập nụ cười. Vượt qua sự hoang tàn, sự sống luôn luôn tươi mới, tràn đầy niềm tin yêu. Nếu ai nhìn họa sĩ Phạm Ngọc Lâm hòa trong Ban nhạc đồng quê đều thấy rõ sức mạnh tiềm tàng và vĩnh cửu của sự sống. Anh từng kể, đã phải tốn mất bao nhiêu thời gian lặn lội, kiếm tìm đây đó những chiếc kèn cũ và hỏng. Với mọi người chúng là đồ vật đồng nát, đáng vứt vào đống phế thải, nhưng ý tưởng về hình khối đã bừng lên trong người nghệ sĩ. Thế là Phạm Ngọc Lâm cất công lọ mọ khắp chốn, không kể tốn kém tiền bạc, không nề hà khó khăn trên mọi nẻo đường. Dần dần, những chiếc kèn đồng cũ được tập họp lại, tựa một binh đoàn đầy sức mạnh. Chúng bỗng cất lên âm thanh trong linh cảm, ngân vang, làm rạo rực tâm hồn người xem.
Năm 2007, Phạm Ngọc Lâm tham gia trại sáng tác điêu khắc quốc tế được tổ chức ở Hòn Dáu, Hải Phòng. Tác phẩm Giọt nước mắt biển (Đá xanh) của anh đã gây xúc động lòng người. Hình tượng mặt người đàn bà ngước lên trời, chiếc cằm vươn cao hướng về phía xa đón những giọt nước mặn mòi của biển cả. Trong khối đá mặt người đó ẩn chứa sự khát khao niềm vui sống bao la của người dân miền biển. Đó là cái nhìn ngóng ra biển khơi chờ đợi sự trở về. Đôi mắt người phụ nữ sẵn sàng đón nhận mọi đổi thay của thiên nhiên, trời đất để nuôi dưỡng nguồn vui sống cho hạnh phúc, đang tồn tại. Và còn đó, lòng nhân hậu của những người mẹ bao giờ cũng chịu đựng, chở che cho mái ấm gia đình luôn luôn bình yên. Tác phẩm này đã được các bạn bè đồng nghiệp đánh giá cao. Hiện tác phẩm được trưng bày trang trọng trong công viên nhìn ra biển Đồ Sơn.
“Thiên đường Sanh” chạy đua với thời gian
Cách đây gần ba năm, khi nằm chữa trị căn bệnh hiểm nghèo tại Bệnh viện K - Hà Nội, họa sĩ Phạm Ngọc Lâm chỉ nghĩ tới những dự án nghệ thuật của mình. Một loạt phác thảo được hình thành bên giường bệnh. Dường như có một cuộc chạy đua với thời gian của họa sĩ ở tuổi 77 này. Anh ngỡ như quên đi hoạn nạn thường nhật, mà trong đầu óc chỉ nghĩ tới tác phẩm Thiên đường Sanh được phát lộ, với những ký ức chiến tranh không thể phai nhòa. Khe Sanh không còn là chiến trường khốc liệt năm nào mà là thiên đường của sự sống. Đó là một tác phẩm gò đồng, với kích thước lớn (280cm x 420cm), ứng khoảng 12 tấn đồng.
Đáng chú ý, cùng với những dự án lớn như tượng Tháp biển Đông (cao 350m) trong tương lai, họa sĩ Phạm Ngọc Lâm còn tập trung sáng tác tượng với chủ đề kêu gọi lương tri ủng hộ, đồng hành với những người bị nhiễm chất độc da cam. Đó cũng là căn bệnh đeo đuổi suốt cuộc đời anh. Đặc biệt cùng những hoạt động và sáng tác nghệ thuật, họa sĩ Phạm Ngọc Lâm còn tham gia đào tạo những người thợ gò đồng, trong nhiều năm qua. Họa sĩ đã được Nhà nước trao tặng danh hiệu Nghệ nhân Ưu tú (2015), vì công trạng phát triển, bảo tồn nghề gò đồng truyền thống của Hải Phòng. Với họa sĩ Phạm Ngọc Lâm giờ đây thời gian là vô thường. Bệnh tật là vô thường. Bởi anh đang thiền với thiên đường nghệ thuật của mình, cùng suối nguồn cảm xúc, không bao giờ vơi cạn.
Từ khóa » Tới Cua Ghẹ 253 Ngọc Lâm
-
Tới Cua Ghẹ Hải Sản - Ngọc Lâm - Menu, Prices, Restaurant Reviews
-
Cua Ghẹ, Hải Sản Tới - Cốc Cốc Map
-
Tới Cua Ghẹ Hải Sản, 253 Ngọc Lâm, Ngoc Lam, Ha Noi
-
Tới - Cua Ghẹ & Hải Sản, Quận Long Biên, Hà Nội
-
Tới Cua Ghẹ Hải Sản, Phú Yên (0935509555)
-
Tới - Cua Ghẹ & Hải Sản ở Quận Long Biên, Hà Nội
-
Cua Ghẹ & Hải Sản ở Quận Long Biên, Hà Nội | Album Tổng Hợp | Tới
-
Cua Ghẹ Hải Sản, Phường Ngọc Lâm - Cartogiraffe
-
Quán Ăn Kochi BBQ - Nướng Nhật Bản - Du Lịch
-
Cho Thuê Nhà Riêng Phường Ngọc Lâm, Quận Long Biên, Hà Nội
-
Bánh Canh Ghẹ ở Vũng Tàu - Ngọc Lâm - Thế Giới Địa Điểm
-
Tủ Lạnh Toshiba Inverter 253 Lít GR-B31VU SK - Điện Máy XANH