Nghề Nuôi Cá Cảnh ở Bình Dương:Tiềm Năng Chưa Khai Thác Hết

Trong thời gian qua tại nhiều địa bàn các huyện phía nam của tỉnh, phong trào nuôi cá cảnh (NCC) phát triển khá rầm rộ. Đây là những mô hình mới có thể giúp cho nông dân thoát nghèo và vươn lên làm giàu. Theo đánh giá của nhiều người NCC, Bình Dương là thị trường có tiềm năng lớn nhưng chưa được mọi người chú ý khai thác.

Hiệu quả thực tế

NCC có thể xem là một mô hình nông nghiệp hiện đại. Trước đây nghề NCC chỉ tồn tại với mục đích chính là phục vụ cho nhu cầu giải trí đơn thuần của một số ít người đam mê cá cảnh và cũng chưa thể phát triển rộng rãi như hiện nay, vì việc NCC đòi hỏi những hiểu biết nhất định về kỹ thuật cho từng loại cá. Trong thời gian gần đây, tốc độ đô thị hóa nhanh, cuộc sống người dân ngày càng được nâng cao vì vậy nghề NCC cũng theo đó mà phát triển nhằm đáp ứng nhu cầu giải trí, thư giãn ngày càng cao của mọi tầng lớp nhân dân. Nghề NCC đã tỏ ra khá phù hợp với chương trình nông nghiệp đô thị ven đô. Nghề này thích hợp ở chỗ không chiếm nhiều diện tích, tận dụng được mặt bằng, không gây ô nhiễm môi trường. Theo định hướng phát triển nông - lâm - ngư nghiệp của tỉnh, đến năm 2020 thì mô hình NCC cũng sẽ được khuyến khích phát triển. Hiện nay, việc NCC không chỉ là để phục vụ cho việc giải trí đơn thuần mà nó đã trở thành một mô hình kinh tế mang lại thu nhập cao, ổn định cho nhiều hộ gia đình.

Nghề NCC Bình Dương rất có tiềm năng nhưng chưa khai thác hết

Đến nay, diện tích ao NCC trên địa bàn tỉnh khoảng 3 ha, số hồ kiếng là khoảng 2.000 hồ. Cá kiểng tạp nuôi trong ao, hồ tự nhiên có tổng diện tích lên đến gần 20 ha. Các trại cá mang tính công nghiệp có trên 4.000 hồ kiếng. Trong đó các hộ cá nhân tùy theo khả năng có từ vài hồ đến vài chục hồ bố trí theo kệ tầng phù hợp với diện tích người sử dụng. Thu nhập bình quân của các hộ nuôi nhỏ lẻ vài hồ đến vài chục hồ hiện nay ở mức 12 - 14 triệu đồng/năm. Cá biệt có những hộ có mức đầu tư lớn và bài bản có mức thu nhập từ 100 - 200 triệu đồng/năm. Việc xuất hiện ngày càng nhiều của các cửa hàng bán cá cảnh với quy mô ngày càng lớn cho thấy người dân trên địa bàn tỉnh ngày càng chú ý đến con cá cảnh và tiềm năng của thị trường này trong thời gian tới là khá lớn.

Người NCC trên địa bàn rất chú ý đến việc nuôi các giống cá đắt, quý, hiếm như dòng cá rồng nhập ngoại (Huyết long, Hồng long, Kim long, Thanh long...) hoặc một số loại cá khác như: cá dĩa da dạng beo, lam, vàng, đỏ, trắng...; cá la hán, ông tiên, bảy màu, hồng kim, cá vàng, chép; dòng cá tự nhiên tứ vân, trèn thủy tinh... Một số giống cá đã được người NCC Bình Dương lai tạo, sinh sản và sản xuất như: cá dĩa, cá vàng, chép, ông tiên, hồng kim, bảy màu, tứ vân... Hội Cá cảnh Bình Dương ra đời cũng đã đáp ứng kịp thời các nhu cầu hoạt động của những người NCC. Hội đã thu hút được trên 80 hội viên tham gia nhằm phổ biến kiến thức, kinh nghiệm, kỹ thuật sản xuất, kinh doanh. Trong thời gian qua cũng đã có những hội viên thành công trong việc sản xuất và xuất khẩu cá dĩa như anh Lê Thành Thiện (Tân Uyên), anh Phạm Văn Long (Dĩ An), anh Lê Văn Huệ (Dầu Tiếng)... Việc quảng bá, giới thiệu sản phẩm cũng đã được các hội viên chú ý với việc tham gia các cuộc triển lãm, các cuộc thi tại các địa phương và cũng đã có nhiều hội viên đoạt giải.

Thị trường tiềm năng

Một nghịch lý cho cả người nuôi và người chơi cá cảnh tại Bình Dương là cá sản xuất tại Bình Dương được đem bán thô cho các đầu mối ở TP.HCM, trong khi các cửa hàng buôn bán cá cảnh tại Bình Dương phải lấy hàng từ nơi này bán lại cho người chơi trên địa bàn tỉnh. Điều này cho thấy việc liên kết giữa nhà sản xuất và phân phối còn chưa thống nhất và chưa thiết lập được thị trường tiêu thụ ổn định trên địa bàn. Mặt khác việc sản xuất, kinh doanh cá cảnh trên địa bàn tỉnh còn manh mún, nhỏ lẻ và chưa có một doanh nghiệp nào thực sự mang tính chuyên nghiệp về thu mua, nhập khẩu cá cảnh; đối tượng nuôi còn mang tính tự phát, phong trào.

Có nhiều người đam mê NCC tham gia xây dựng các mô hình nhưng do chưa nắm vững kiến thức trong việc chăn nuôi nên dẫn đến thất bại và tỏ ra chán nản, không gắn bó. Một số kỹ thuật nuôi các giống cá chưa được chuyển giao cho các hộ nuôi cá và các hộ NCC chỉ nuôi theo kiểu thủ công, truyền nghề mang tính gia đình, giấu nghề, nên chưa nâng cao được giá trị các giống cá cũng như việc lập kế hoạch sản xuất, chiến lược tiêu thụ dài hạn sẽ gặp khó khăn... Mặt khác, trong thời gian qua việc nuôi và kinh doanh cá cảnh cũng chịu tác động nặng nề của khủng hoảng kinh tế toàn cầu nên cũng gây ra không ít khó khăn cho các hộ NCC trong việc duy trì mô hình. Một số hộ có số lượng hồ NCC giảm từ 20 - 30%. Đánh giá về thị trường cá cảnh Bình Dương, ông Phạm Tấn Lợi, Hội Cá cảnh Bình Dương cho biết: “Mặc dù nuôi với diện tích hẹp nhưng nếu người nuôi nắm vững về kỹ thuật thì sẽ phát triển dễ dàng và mang lại hiệu quả kinh tế cao. Bình Dương là địa phương có những điều kiện tốt về nguồn nước, khí hậu thuận lợi cho việc phát triển cá cảnh vì vậy trong thời gian tới cá cảnh Bình Dương sẽ có tiềm năng lớn. Với tốc độ đô thị hóa ngày càng nhanh như hiện nay thì sự quan tâm của mọi người trong việc NCC để giải trí, thư giãn sẽ tăng mạnh và như vậy cá cảnh Bình Dương sẽ có điều kiện phát triển hơn nữa”.

CAO SƠN

Từ khóa » Cá Cảnh Thuận An Bình Dương