Nghề Săn Châu Chấu - VnExpress

Đầu tháng 4, tại cánh đồng các xã Xuân Lĩnh, Xuân Hồng, Xuân Hội, Đan Trường..., huyện Nghi Xuân, hàng chục người mang đồ bảo hộ, cầm vợt di chuyển liên tục khắp cánh đồng để bắt châu chấu. Đây là nghề thời vụ, trong đó tháng 1 đến tháng 4 (âm lịch), người dân sẽ bắt châu chấu nhỏ, mới sinh sản, chưa mọc đủ cánh. Tháng 5 đến tháng 12, sau các vụ thu hoạch lúa thì bắt những con châu chấu trưởng thành, kích thước lớn, có cánh.

Anh Vượng khua vợt bắt châu chấu tại cánh đồng ở huyện Nghi Xuân hồi đầu tháng 4. Ảnh: Đức Hùng

Anh Hồ Văn Vượng khua vợt bắt châu chấu tại cánh đồng ở huyện Nghi Xuân hồi đầu tháng 4. Ảnh: Đức Hùng

Anh Hồ Văn Vượng (42 tuổi, trú thị xã Hoàng Mai, Nghệ An), cho biết hai tuần qua, ngày nào cũng thức dậy lúc 3h nấu cơm ăn. Sau đó, anh chuẩn bị đồ nghề rồi cùng 10 người bạn lái xe máy vượt gần 100 km vào huyện Nghi Xuân. Đến nơi lúc 5h, các thành viên trong nhóm lần lượt tản ra các thửa ruộng. Dụng cụ săn châu chấu là chiếc vợt có đường kính 50 cm, sâu 1,5 m, được quấn bằng túi nylon, gắn với cán tre dài gần 3 m.

Anh Vượng liên tục di chuyển và khua vợt nhiều vòng giữa bãi cỏ. Mỗi lần, hàng chục con châu chấu sa vào đáy túi nylon, quẫy mạnh, phát ra tiếng kêu tí tách. Cứ 7-10 phút, anh tiến lại bờ ruộng, đổ châu chấu vào bao lưới màu xanh.

9h, mặt trời lên cao, nắng táp khiến mặt đỏ ửng, anh Vượng ngồi bệt xuống đám cỏ, lấy chai nước đeo sẵn bên hông ra uống, rồi lau những giọt mồ hôi đang rịn ra trên trán. Sau vài phút nghỉ ngơi, ăn tạm chiếc bánh mì, anh tiếp tục công việc. Đến 11h, anh thu gom đồ đạc, lái xe máy ra điểm đã hẹn để chờ bạn.

Hàng trăm con châu chấu nhỏ bị mắc vào đáy vợt, không thể thoát ra ngoài. Ảnh: Đức Hùng

Hàng trăm con châu chấu nhỏ bị mắc vào đáy vợt, không thể thoát ra ngoài. Ảnh: Đức Hùng

Theo anh Hồ Đức Quý (35 tuổi, trú thị xã Hoàng Mai), thời điểm châu chấu dính bẫy nhiều nhất là tờ mờ sáng, lúc trời còn sương mù. Thợ săn thường tranh thủ quãng "thời gian vàng" này để làm cật lực trong hơn một tiếng. Từ 9h trở đi, khi nắng lên, sương trên lá cỏ dần khô thì côn trùng xuất hiện ít hơn. Mỗi cánh đồng họ thường bắt khoảng 3-5 hôm, sau đó chuyển sang vùng khác.

"Mỗi buổi làm khoảng 6 tiếng, trung bình một người bắt được 3 kg châu chấu. Ai có sức khỏe tốt, khua vợt đều tay thì bắt được nhiều hơn", anh Quý nói.

Dịp này trời nắng nóng, người dân săn xong thường đem túi lưới đựng châu chấu ngâm dưới mương nước khoảng hai phút để côn trùng không bị chết nóng. Sau đó, họ gấp túi lưới đựng châu chấu lại, xếp thành ô vuông rồi gác lên xe máy chở về Nghệ An. Các thành viên trong gia đình sẽ tập trung phân loại lớn bé.

Mùa này, châu chấu đa số là nhỏ. Chúng được bỏ vào các túi lưới để bán cho thương lái, bán lại cho người nuôi chim tại Hà Nội và Đà Nẵng, giá 250.000 đồng một kg. Trung bình mỗi buổi "đi săn", một người thu khoảng 700.000 đồng, ai may mắn có thể kiếm được một triệu đồng.

Châu chấu được người dân đổ vào túi lưới màu xanh, sau đó đem gấp lại, bỏ lên xe máy chở về nhà. Ảnh: Đức Hùng

Châu chấu được người dân đổ túi lưới màu xanh, sau đó đem gấp lại, bỏ lên xe máy chở về nhà. Ảnh: Đức Hùng

"Châu chấu nhỏ là thức ăn bổ dưỡng cho chim nên nhiều khách tìm mua. Hàng ngày khi chúng tôi đi làm về là thương lái đến nhà gom hết", anh Quý nói, cho biết nghề này tuy là phụ song mang lại thu nhập khá, một vụ đi làm khoảng 15 ngày, thu chừng 10 triệu đồng.

Từ sau tháng 5 âm lịch, khi bắt được châu chấu già, người dân thường bán cho các nhà hàng, quán ăn trên địa bàn làm mồi nhậu, giá 150.000 đồng một kg.

Châu chấu là loài côn trùng ăn lá, thuộc bộ cánh thẳng, đầu tròn, thân mập, nhảy giỏi và đặc biệt ăn hại cây xanh. Khi di chuyển, chúng có thể bò bằng cả ba đôi chân trên cây, nhảy từ cây này sang cây khác bằng đôi chân sau hoặc nhảy rồi bay lên không trung bằng cánh.

Đức Hùng

Từ khóa » Cách Vợt Châu Chấu