Nghệ Sĩ Ngọc Đáng Trong Ký ức đồng Nghiệp - VnExpress Giải Trí

Tin Ngọc Đáng qua đời khiến diễn viên Ngọc Huyền đau buồn. Với chị, cố nghệ sĩ như người mẹ thứ hai, đồng thời là người thầy trong nghề diễn, cuộc sống. Cả hai thường xưng hô má - con. Bà luôn nói với Ngọc Huyền: "Chưa cần biết con diễn hay dở nhưng phải chịu khó học tuồng. Chỉ khi thuộc, con mới làm chủ được diễn xuất".

Lần cuối Ngọc Huyền gặp Ngọc Đáng cách đây gần ba tuần, khi bà mới nhập viện. Lúc đó cố nghệ sĩ còn tỉnh táo, nói chuyện được. Bà cho biết vẫn ham diễn và muốn đứng trên khấu đến khi không thể đi lại. Là thế hệ cải lương thời trước nhưngbà luôn học hỏi nghệ sĩ đàn em để làm mới bản thân. Trước khi qua đời ở tuổi 71, Ngọc Đáng vẫn miệt mài đi diễn khắp các tiểu bang tại Mỹ.

Nghệ sĩ Ngọc Đáng (1951 - 2022). Ảnh:Facebook Dang Ngoc

Nghệ sĩ Ngọc Đáng (1951-2022). Ảnh: Facebook Dang Ngoc

Nghệ sĩ được nhớ đến với sự hiền lành, khiêm tốn, luôn nhiệt tình giúp mọi người.

Phương Hồng Thủy gặp Ngọc Đáng trong chương trình Cải lương tôi yêu tại thành phố Atlanta, bang Georgia năm 2021. Khi đó, vì thiếu nhân lực cho vở Tấm lòng của biển, diễn viên cải lương nhờ đàn chị nhắc tuồng, bà vui vẻ nhận lời. Theo Phương Hồng Thủy, hiếm có nghệ sĩ gạo cội nào chịu làm như vậy.

Nhà văn, nhà biên kịch Nguyễn Thị Minh Ngọc theo chồng sang Mỹ định cư năm 2005, mời Ngọc Đáng đóng Trưng Trắc trong vở The missing woman (Người đàn bà thất lạc) tại Nhà hát West End Theater, New York. Minh Ngọc cho biết: "Thời đó kinh phí của ban tổ chức, nhà tài trợ hạn hẹp nên thù lao rất ít. Chị Ngọc Đáng bay từ California sang New York trước ba tuần để tập. Chị chịu khó chăm sóc cho nhân vật khiến tôi nể phục dù biết thù lao không đủ cho chi phí ăn ở, đi lại".

Từ trái sang: Mỹ Hằng, Thành Lộc (hàng trên), Ngọc Đáng, Hải Phượng, Thục Hạnh, Minh Ngọc và Leon Lê. Ảnh: Facebook Pearl Nguyen

Từ trái sang: Mỹ Hằng, Thành Lộc (hàng trên), Ngọc Đáng, Hải Phượng, Thục Hạnh, Minh Ngọc và Leon Lê sau khi vở "The missing woman" khép màn năm 2007. Ảnh: Facebook Pearl Nguyen

Dự án thứ hai họ làm chung là We are (Chúng tôi là). Lúc này, Ngọc Đáng đảm nhận vai Thúy Kiều, xuất hiện mở đầu vở diễn trong cảnh trước khi tự tử. Nghệ sĩ thể hiện tiếng lòng đau đớn của người con gái tài sắc, tạo tiền đề thành công cho cả tác phẩm. Nhà văn nói: "Sau mỗi suất diễn, tôi và chị đều ngồi lại trò chuyện, chị ấy hay gọi tôi là 'gái nhỏ' một cách thân tình, hướng dẫn tôi nhiều kiến thức chuyên môn về Hồ Quảng. Tôi vốn xuất thân từ kịch nói, không có nhiều kinh nghiệm như nghệ sĩ gạo cội. Chị Ngọc Đáng là nguồn cảm hứng để chúng tôi tiếp tục phát triển nghệ thuật cải lương trên đất khách".

Trong mắt Thoại Mỹ, Ngọc Đáng có giọng hát tốt, ưu thế về nhan sắc, là "chích chòe" của sân khấu cải lương. Mỗi nhân vật bà biến hóa đều mang lại cho khán giả sự đồng cảm, xúc động. Thoại Mỹ luôn thích Ngọc Đáng trong vai Ngô Quốc Thái tuồng Lưu Bị cầu hôn Giang Tả, Cố Mẫu trong tuồng Thái hậu Dương Vân Nga, vai Lý Thần Phi trong tuồng Xử án Bàng quí phi... "Bà chỉ dẫn, lo cho tôi cũng như mọi người khi diễn chung từng cái áo, quần. Tôi luôn nhớ đến bà - một người nghệ sĩ sống giản dị, chan hòa tình cảm", Thoại Mỹ nói.

Nghệ sĩ Ngọc Đáng hôn mê Nghệ sĩ Ngọc Đáng hôn mê

Nghệ sĩ Ngọc Đáng (áo xanh dương) trong trích đoạn tuồng cổ "Xử án Bàng quí phi". Video:YouTube Cải lương Việt Nam

Bà hết lòng hợp tác, chỉ bảo các thế hệ con, cháu. Gần 20 năm trước, diễn viên Ngọc Lan lần đầu gặp nghệ sĩ Ngọc Đáng khi quay MV cho ca sĩ Nguyễn Phi Hùng. Lúc đó Ngọc Lan còn 'non' nghề, không biết khóc trước ống kính. Trong giờ giải lao, diễn viên rón rén ngồi cạnh nghệ sĩ và hỏi vì sao bà có thể khóc hay xúc động trong những vở cải lương. Ngọc Đáng nói với Ngọc Lan: "Con phải thương được nhân vật của con thì khi nhân vật đau con sẽ rất đau, nhân vật rơi lệ con sẽ khóc rất nhiều". Những lời dạy này diễn viên khắc ghi suốt sự nghiệp diễn xuất.

Ca sĩ Ngọc Châu có duyên đi hát cùng cố nghệ sĩ trong một số chương trình ở Mỹ. Ở hậu trường, ngồi chung mâm, Ngọc Đáng luôn nhường thức ăn ngon cho đồng nghiệp trẻ. Bà cũng hay mua quà cho mọi người sau những chuyến lưu diễn. Ngọc Châu nói: "Bà là người sống tình cảm, gần gũi với tất cả. Dẫu biết không ai có thể tránh khỏi quy luật cuộc đời nhưng vẫn cảm thấy mất mát, xót xa. Cố nghệ sĩ sinh ra để dành cho cải lương Hồ Quảng. Mong bà ra đi thanh thản".

Ngọc Đáng trong ký ức đồng nghiệp Ngọc Đáng trong ký ức đồng nghiệp

Ngọc Đáng (áo đen) cùng Xuân Yến, Thanh Loan, Thanh Thế, Ngọc Giàu... trong vở "Chung Vô Diệm gồm thâu lục quốc". Video: YouTube Sân khấu ba miền

Ngọc Đáng là một trong những gương mặt đình đám của sân khấu cải lương tuồng cổ Hồ Quảng tại Việt Nam, cùng thời Xuân Yến, Thanh Loan, Thanh Thế, Bạch Lê... Bà là con của hai nghệ sĩ chuyên hát cải lương Hồ Quảng: Tư Minh và Ngọc Xứng. Năm 15 tuổi, bà thành đào chính của đoàn Thanh Bình - Kim Mai. Năm 1990, bà đoạt huy chương vàng trong vai Giáng Thu thuộc vở Đừng quên kỷ niệm tại Hội diễn Sân khấu Cải lương Chuyên nghiệp toàn quốc.

Năm 2010, bà sang Mỹ định cư, sống một mình. Hai con trai của bà sống tại Việt Nam. Tại hải ngoại, Ngọc Đáng gắn bó với chương trình Cổ nhạc phương Nam do nghệ sĩ Tuấn Châu tổ chức, diễn những vở vang bóng một thời.

Hoàng Dung

  • Nghệ sĩ Ngọc Đáng qua đời

Từ khóa » Chong Cua Nghe Si Ngoc Dang