Nghệ Sĩ Tương Tác Với Loa Phường - Tiền Phong

LOA PHƯỜNG THÀNH “NÀNG THƠ”

“Loa phường là kênh thông tin một chiều mà chúng ta buộc phải chấp nhận dù có không thích, muốn phản biện cũng vô ích”, Yến Năng nói. Trong đời thực, cãi nhau với cái loa là một việc vô ích. Chính vì thế mà anh thử đưa nó vào nghệ thuật.

Trong quá trình trình diễn, Yến Năng giả vờ như đang nghe loa nói và anh đáp lại kiểu như: “Tao đâu có thích nghe bài hát này, tại sao mày bắt tao nghe”. Tuy nhiên những lời thoại này chỉ có tác dụng tạo biểu cảm phục vụ cho việc chụp ảnh. Tác phẩm mang tên Loa của Yến Năng đến với công chúng dưới dạng những bức ảnh và clip. Cuộc trình diễn trong studio chỉ có ê-kíp của nghệ sĩ chứng kiến.

Trong các bức ảnh, người ta thấy Yến Năng đối diện với chiếc loa trong mọi hoạt động: ăn uống, ngủ, học làm việc... Có khi anh quát tháo, khi lại thủ thỉ hoặc ngồi thiền trước loa. Có khi anh trở thành loa luôn khi dùng loa che kín và thay cho đầu mình. “Chúng ta ai cũng có lúc nào đó không khác gì cái loa, chỉ muốn người khác nghe mình mà mình không lắng nghe ai”, anh nói.

Cái loa tham gia trình diễn cùng Yến Năng sau đó cũng được chính tác giả ký tên vào và trở thành một hiện vật có giá trị. Nhưng Yến Năng chưa định mang nó ra rao bán. Anh hé lộ một số ý tưởng mang tính điêu khắc sẽ thực hiện với chiếc loa.

Họa sĩ, KTS Nguyễn Sơn bắt đầu phác thảo bức Vũ điệu phố từ khoảng 2015-2016. Bức tranh xuất hiện tại triển lãm Ma trận 2020 và có người sưu tầm luôn. Ta có thể thấy choán hết bức tranh là một cặp cột điện mắc loa mang những dấu hiệu giới tính nam và nữ đang say sưa trong một điệu vũ, cùng những hàng dây điện giăng mắc như dây đàn. “Hình ảnh vui vui về sự "tự do ngôn luận" của loa phường- tức là nó thích nói lúc nào thì nói thích dừng lúc nào thì dừng bất chấp người nghe”, tác giả cắt nghĩa.

Nghệ sĩ tương tác với loa phường ảnh 1

Nghệ sĩ Yến Năng tâm sự với loa. Ảnh: NVCC

Ý tưởng khá hay và đẹp mắt, có thể khai thác thành một chùm tranh. Nhưng Nguyễn Sơn lại không thích đi sâu vào một đề tài. Và cho đến nay đó là tác phẩm về loa phường duy nhất của anh. Bên cạnh công việc của một kiến trúc sư, anh vẫn đều đặn làm triển lãm cá nhân hằng năm. Năm nay ngoài triển lãm Ghim vừa diễn ra tại Hà Nội, anh còn mang tranh sang bày tại Mỹ, Canada.

LOA CÔNG CỘNG TRONG THỜI ĐẠI MỚI

“Loa công cộng trong một số giai đoạn rất cần thiết. Lúc công nghệ thông tin chưa phát triển, chưa có điện thoại di động… Như thời chiến tranh phá hoại của Mỹ hay dịch bệnh vừa rồi, có loa vẫn cực kỳ tốt. Nhật Bản bây giờ vẫn có hệ thống loa đến từng phòng ngủ một, vì bên đó động đất sóng thần rất nhiều. Trong bối cảnh Việt Nam, rõ ràng thông tin từ loa phường không còn quan trọng nữa. Nên việc bắt mọi người phải nghe thụ động là điều vô lý”, Yến Năng nói.

KTS Nguyễn Sơn cũng cho rằng “văn hóa loa phường” chỉ phát huy trong giai đoạn công nghệ thông tin, xã hội truyền thông chưa phát triển. “Kể từ những năm 1990 loa phường rất ảnh hưởng đến dân sinh”, anh nói. Loa phường trở nên vô tác dụng trong hiện thực cuộc sống hôm nay, gây lãng phí cũng như gây hại cho sức khỏe người dân là kết luận của KTS Nguyễn Sơn. Nghệ sĩ Yến Năng phân tích chính quyền ngày nay cũng sử dụng các trang mạng xã hội để thông tin và tương tác với người dân.

Nghệ sĩ tương tác với loa phường ảnh 2

Cả Yến Năng và Nguyễn Sơn đều nhận định không có cái gì là vô ích hoàn toàn, “loa vẫn có công dụng riêng, chỉ có tùy mỗi giai đoạn, hoàn cảnh ứng dụng thế nào cho phù hợp”. “Cứ thấy loa là sửng cồ cũng không nên. Nhưng phản ứng của người dân cũng có lý vì rất nhiều năm gần đây loa toàn quấy nhiễu chứ cũng không có ích gì mấy”, Yến Năng nói.

Nguyễn Sơn đưa ra ví dụ về sự cần thiết của loa trong truyền thông nội bộ tại các tòa nhà lớn, khu chung cư. Tất nhiên trong trường hợp này loa chỉ “lên tiếng” khi thực sự cần thiết và được mắc ở từng tầng chứ không phải trên cột. Sự tồn tại của loa phường liên quan mật thiết đến cột điện và đường điện lộ thiên. Vì ngay các thành phố lớn ở ta vẫn chưa thể ngầm hóa được đường điện cho nên theo KTS Sơn cũng không nhất thiết phải tháo bỏ loa làm gì. Khi nào không còn cột điện, dây điện trên không trung thì loa cũng tự khắc biến mất.

NGUYỄN MẠNH HÀ

Từ khóa » Diễn Viên Nữ Trong Loa Phường