Nghệ Sĩ ưu Tú Tạ Minh Thảo Với Sân Khấu Và điện ảnh - Báo Thái ...

Các vai diễn của anh khá đa dạng và phong phú về số phận và tính cách. Vì lợi thế thể hình và khả năng diễn xuất, Thảo có thể vào vai dưới nhiều dạng nhân vật khác nhau. Già dặn, trải đời như Đế Thích "Hồn Trương Ba da hàng thịt", Già bản "Người lang thang không cô đơn", Cả Bân "Vai diễn giữa đời thường", ông Huy "Ngổn ngang đời thường"... sâu sắc, điềm đạm, chín chắn như bí thư Giảng "Thời gian im lặng", Hoàng Nhân "Cơn lốc đời người"... gian giảo, xảo trá, nông cạn, thực dụng như bác sỹ Vượng "Số phận người cha", chủ tịch Quách Văn Tần "Lời thề thứ chín", Lý Cường "Chí Phèo", Chạch "Đã một lần"...

Nhưng ở nhân vật nào dù chính diện hay phản diện Thảo cũng tìm ra được cho mình cách diễn bình dị, không khoa trương ồn ào nhưng khá sâu sắc. Nó cũng giống như anh ở ngoài đời vậy: đằng sau cái vẻ ngang tàng, bụi bậm, rất "Ngầu" của Thảo là ẩn chứa một tấm lòng đôn hậu, chân thành nhưng rất rõ ràng quyết đoán trong suy nghĩ và hành động, không lẫn lộn trắng đen, không mập mờ thủ đoạn. Bạn nghề trọng anh ở điều đó.

Những người quý mến, gần gũi anh cũng vì những nét cá tính đó. Thảo không nói nhiều. Anh khẳng định mình qua công việc và lối sống. Và, với sự đam mê nghệ thuật đến cháy lòng, với sự kiên cường vượt qua những trở ngại trong cuộc sống và nghề nghiệp Thảo thực sự trở thành một "chú lính chì dũng cảm" trong môi trường nghệ thuật rộng lớn không chỉ với tư cách là một diễn viên kịch, một đạo diễn với nhiều mảng màu da dạng, đa tầng, một diễn viên điện ảnh gần gũi và được khán giả yêu mến; mà hơn thế nữa, với nhiều diễn viên học sinh thì Tạ Minh Thảo còn là một người thầy.

Anh là cộng tác viên thường xuyên có mặt trong các giờ lên lớp của trường Cao đẳng VHNT Thái Bình, cao đẳng VHNT Nam Định, Cao đẳng VHNT Hưng Yên và trực tiếp giảng cho sinh viên về Nghệ thuật biểu diễn, về tiếng nói và hình thể... suốt trong nhiều năm qua. Với học trò, Thảo là một người thầy nghiêm khắc, nhưng gần gũi và rất đáng trân trọng.

Thảo chịu khó học tập, xông xáo, sáng tạo tìm hướng đi cho mình trong cả đời thường và trong nghệ thuật. Rất chăm chỉ làm việc. Đó cũng là nét riêng làm nên những thành công của anh. Là diễn viên duy nhất của đoàn Kịch Thái Bình tốt nghiệp hệ chính quy Trung cấp diễn viên Kịch, đoàn kịch nói Tổng cục chính trị khóa 1974 - 1976, nhưng Thảo không chỉ là như thế.

Như nhiều người, với vốn nghề sẵn có, và khả năng của mình anh có thể đảm trách được khá nhiều công việc khác ngoài cương vị là một diễn viên. Nhưng Thảo đã chọn con đường học tập. Anh là diễn viên duy nhất ở đoàn kịch Thái Bình tốt nghiệp lớp Đạo diễn sân khấu, trường Đại học SKĐA Hà Nội năm 2002 và đã có cho mình bốn chương trình hài kịch gồm 12 vở diễn cho đoàn kích Thái Bình và ba vở cho đoàn kịch nói Hà Tây.

Anh cũng từng đảm trách vai trò là Phó tổng đạo diễn sáu chương trình lễ hội mang tầm cỡ quốc gia, trong đó có bốn chương trình Fetival Du lịch quốc tế tại Hà Nội được truyền hình trực tiếp trên kênh VTV1 từ năm 2000 đến năm 2008; Hai chương trình cho Tuần lễ du lịch Hạ Long được truyền hình trực tiếp trên VTV1 năm 2003.

Và mới đây là chương trình Lễ hội Văn hóa Thể thao và Du lịch các tỉnh Đồng bằng sông Hồng lần thứ nhất mà Thái Bình có vinh dự được đăng cai. Cùng với nhóm tác giả có uy tín và dày dạn kinh nghiệm, chương trình Lễ hội văn hóa Thể thao và Du lịch các tỉnh đồng bằng sông Hồng lần thứ nhất mà anh tham gia đã để lại những ấn tượng khá sâu sắc.

Bên cạnh đó, anh còn tham gia dàn dựng hàng trăm chương trình nghệ thuật cho các cơ quan đơn vị, các lực lượng quân đội, công an... từ Trung ương đến địa phương trên toàn quốc.

Và ở mảng này, Thảo cũng rất thành công. Trong hành trang sân khấu của mình anh đã được trao tặng 7 huy chương trong các kỳ Hội diễn SKCN toàn quốc và khu vực. Đó là Huy chương vàng vai "Chạch” vở "Đã một lần" HDSK duyên hải 1994; bác sĩ Vượng vở "Số phận người cha" HDSK nhỏ toàn quốc 1996; Cả Bân vở "Vai diễn giữa đời thường" HDSKCNTQ 2004 và Huy chương bạc cho vai Phú trong "Người không cô đơn" HDSK duyên hải 1993; Già bản trong "Trở lại kiếp người" HDSKCNTQ 1995. Tạ Minh Thảo vinh dự được Nhà nước phong tặng danh hiệu nghệ sỹ ưu tú năm 2007.

Nhưng khán giả cả nước biết đến Thảo nhiều nhất lại là điện ảnh. Điện ảnh ghi nhận anh ở một lĩnh vực nghệ thuật khác và đưa anh lại gần với quảng đại quần chúng nhân dân. Vào cái thời mà khán giả còn phải xếp hàng mua vé phân phối đi xem phim thì Thảo đã có cho mình được những vai diễn điện ảnh đầu đời. Đó là một vai trong phim "Lính hải quân" do hãng phim truyện Việt Nam sản xuất năm 1978. Kể từ đó đến nay anh đã có mặt trong bốn mươi bộ phim với rất nhiều vai diễn khác nhau như phim "Anh sẽ về", "Nga" (1996); "Câu chuyện xóm chèo" (1997); "Người thừa kế dòng họ", "Những con nhện xanh" (1998); "Mùa lá rụng" (1999), "Những ngọn nến lung linh" (2000), "Đường đời" (2001); "Dòng sông phẳng lặng (2004) v.v...

Nhưng có lẽ Thảo trở nên gần gũi với khán giả hơn khi anh thường xuyên xuất hiện trong một xê-ri dài các phim Cảnh sát hình sự. Đó là "Hồ hang rắn" 40 tập (1999); "Lá thư tuyệt mệnh" 10 tập (2005). "Lời sám hối muộn màng" 10 tập (2006); "Luật đời" 26 tập (2007); "Đội đặc nhiệm H88" 20 tập (2008); "Phá vỡ im lặng" 10 tập; "Đầm lầy bạc" 20 tập (2009); "Ngôi biệt thự màu tro lạnh" 37 tập (2009)... cũng như sân khấu, các vai diễn của Thảo trong điện ảnh mang đủ sắc thái những cuộc đời.

Anh xuất hiện khá đều đặn trong các vai phản diện, những kẻ ngang tàng, sống ngoài vòng pháp luật, những kẻ làm ăn phi pháp. Bên cạnh đó lại là một Tạ Minh Thảo chín chắn điềm đạm, thông minh trong các vai sỹ quan cảnh sát, các vị chỉ huy công an sắc sảo trong phá án, truy quét tội phạm nhưng lại rất đỗi hiền hòa trong cuộc sống. Mỗi vai diễn là một tính cách, một số phận; dù xuất hiện nhiều hay ít, ngắn hay dài trong các tập phim thì chúng cũng không trùng lặp, không bị mang dấu ấn của nhau, không nhàn nhạt bạc màu mà mỗi vai diễn ấy đều mang dấu ấn riêng của Thảo.

Đặc biệt gần đây nhất là vai Phúc "búa" trong phim "cuồng phong" được phát triển "giờ vàng" phim truyện của Việt Nam. Có thể nói đây là vai diễn đã gắn chặt cuộc đời anh vào cùng nhân vật. Kể từ khi "Cuồng phong" được phát sóng, người ta không gọi anh bằng cái tên ngoài đời nữa. Gặp anh nơi nào, nhìn thấy anh ở đâu, khán giả đều gọi anh là Phúc "búa".

Đó là niềm hạnh phúc lớn lao nhất mà mỗi nghệ sỹ, diễn viên hằng mong đợi. Nhưng ít ai biết được rằng, để có được điều đó Tạ MinhThảo đã phải làm việc hết mình, cháy hết mình không chỉ dưới ánh đèn sân khấu, trước ống kính máy quay mà cả cuộc sống, đôi khi đến nghiệt ngã.

Với Thảo, điện ảnh là một phần đời nghệ thuật của anh trong tổng thể cả phần đời sân khấu, phần đời đạo diễn, phần đời thường: đó là hành trình sống, học tập và cống hiến cho nghệ thuật, cho những gì tốt đẹp mà anh yêu quý.

Không chỉ có sân khấu, không chỉ là điện ảnh, trong cuộc đời mình Thảo cũng đã may mắn có được một số vai diễn truyền hình khác trên VTV1 từ năm 1976 đến nay. Đó là các vai trong: "Tắt đèn", "Bông Hồngvàng", "Không phải chuyện cổ tích", "Vị khách đến từ Thượng Hải", Nguyễn Huệ ở Thăng Long"...

Riêng năm 2010, Tạ Minh Thảo đã có mặt trong bốn bộ phim truyện và phim truyền hình. Đó là "Phía cuối đường Cầu vồng" (40 tập, hãng phim Trần Gia - VTV) "Trái tim kiêu hãnh" (70 tập, hãng phim truyện Việt Nam, "Chủ tịch tỉnh (40 tập, hãng phim THVN).

Nhân đại lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội, Tạ Minh Thảo càng vinh dự hơn khi anh lại có mặt trong bộ phim truyện nhiều tập "Thái sư Trần Thủ Độ" (30 tập, hãng phim truyện Việt Nam) với vai Đông hải đại vương - Tướng quân Đoàn Thượng. Đó là một bộ phim có quy mô hoành tráng nhất từ trước tới nay, hội tụ nhiều diễn viên tài năng của cả ba miền Bắc Trung Nam và có sự hợp tác toàn diện nhất với điện ảnh Trung Quốc. Thật may mắn và hạnh phúc cho anh khi được đứng trong cùng đội ngũ những người làm nghề như thế.

Ngoài đời, sau cái vẻ lực lưỡng, xù xì, và đầy cá tính của Thảo là một con người giản dị, luôn biết vượt lên những toan tính nhỏ nhen đời thường để có thể đạt đến độ sáng trong giữa cuộc đời và nghệ thuật. Thảo có một gia đình hạnh phúc. Thảo yêu thương, trân trọng và rất có trách nhiệm với cái gia đình nhỏ bé mà vợ chồng anh đã dầy công vun đắp từ thuở hàn vi.

Kết thúc liên hoan Nghệ thuật sân khấu toàn quốc về Hình tượng người chiến sỹ công an nhân dân Việt Nam 2010 tôi cứ nhớ mãi lời một vị tướng đến chúc mừng anh sau đêm diễn. Người ấy ôm lấy Thảo mà bảo rằng: anh tự hào về em, tự hào về Thái Bình, em đã đem lại niềm tự hào cho cá nhân em và cho cả quê hương. Tạ Minh Thảo - một người con như thế.

Trần Thanh Phượng

Sở VHTT&DL Thái Bình

Từ khóa » Tiểu Sử Diễn Viên Tạ Minh Thảo