Nghệ Sỹ Nhiếp ảnh Trọng Pháo: “Bắn” Là Trúng - Báo Thái Bình điện Tử

Đó là điều kiện để ông sáng tác những tác phẩm nghệ thuật có sức truyền cảm mãnh liệt, lay động lòng người. Cũng nhờ nghề báo mà NSNA Trọng Pháo từng vinh dự nhiều lần được gặp, được chụp ảnh Bác Hồ và kỷ niệm đáng nhớ nhất với ông là vào tháng 8 năm 1962 khi Bác Hồ đến dâng hương đền Hùng ghé thăm Lữ đoàn pháo binh 374 tại đồi Thậm Thình, huyện Phù Ninh, tỉnh Phú Thọ, ông đã chụp ảnh Bác khi Người ân cần căn dặn cán bộ, chiến sĩ Lữ đoàn pháo binh 374 phải ra sức rèn luyện kỹ thuật, chiến thuật cho tốt, tăng gia sản xuất cho giỏi, thi đua làm pháo thủ toàn năng…

Nhà báo, NSNA Trọng Pháo tên thật là Nguyễn Trọng Phúc, sinh năm 1939 tại xã Vũ Sơn, huyện Kiến Xương, hiện là hội viên Hội Nghệ sĩ nhiếp ảnh Việt Nam, hội viên Liên đoàn Nhiếp ảnh thế giới, Chủ tịch Hội đồng nghệ thuật Hội Nhiếp ảnh Hà Nội, danh hiệu NSNA xuất sắc. Tết Mậu Tuất 2018 này, NSNA Trọng Pháo sắp bước sang tuổi 80. Gần 60 năm cầm máy ảnh đi theo các sự kiện của đất nước, thời đại ghi lại từng khoảnh khắc của cuộc sống, giờ là lúc ông rời bỏ chốn đô thành náo nhiệt trở về ngôi nhà vườn đầy hoa bên dòng sông Trà Lý thuộc phường Hoàng Diệu, thành phố Thái Bình hưởng chút thảnh thơi tuổi già.

Năm 1959, chàng trai Trọng Pháo tròn 20 tuổi, nghe theo tiếng gọi của Tổ quốc, ông gia nhập quân đội và được chọn vào học ở Trường Sĩ quan C400. Ra trường, ông được phiên chế về Lữ đoàn pháo binh 374 đóng quân ở Yên Bái. Do có trình độ học vấn, biết làm thơ, viết văn, nhiếp ảnh nên ông được cấp trên giao nhiệm vụ viết báo tuyên truyền. Ngày 19/8/1962, một vinh dự lớn và là một bất ngờ với cán bộ, chiến sĩ Lữ đoàn pháo binh 374 thời điểm đó do điều kiện chiến tranh, Lữ đoàn pháo binh 374 nhận nhiệm vụ di chuyển đến đồi Thậm Thình, huyện Phù Ninh, tỉnh Phú Thọ, hôm đó bất ngờ Bác Hồ thăm Lữ đoàn sau khi dâng hương tưởng niệm vua Hùng. Ông được giao nhiệm vụ chụp ảnh Bác.

Ông nhớ mãi đoàn xe màu trắng đục, bốn chiếc dừng lại giữa sân Lữ đoàn, cánh cửa xe thứ hai bật mở, Bác Hồ kính yêu nhẹ nhàng bước ra. Bác Hồ vẫy tay chào mọi người và đi nhanh về phía nhà ăn của đơn vị. Bác kiểm tra khẩu phần ăn của bộ đội có đủ không, rau xanh có rửa sạch không, nhà ngủ của chiến sĩ, giường chiếu, chăn màn có gọn gàng, ngăn nắp không, vũ khí có lau chùi sạch và giữ tốt không… Rồi Bác lên nói chuyện với toàn thể cán bộ, chiến sĩ Lữ đoàn. Bác khen ngợi: Huấn luyện tốt, kỹ thuật tốt, chỗ ăn ở vệ sinh sạch sẽ… Hình ảnh Bác Hồ thân thương, gần gũi và kính yêu, Bác đi đôi dép cao su, quần áo nâu giản dị. Trọng Pháo lúc bấy giờ rất trẻ, chưa có nhiều kinh nghiệm chụp ảnh, nhưng thật bất ngờ lại được gần Bác, chụp ảnh Bác, niềm vui và vinh dự, tự hào dâng trào cảm xúc trong ông. Ông cẩn trọng lựa từng góc độ để chụp ảnh Bác. Với ông, hình ảnh vị Cha già kính yêu của dân tộc đậm sâu trong tâm trí không thể nào quên. Tay bấm nút chụp, mắt không rời khuôn ngắm máy ảnh hướng về Bác kính yêu, ông vẫn nghe và nhớ “mồn một” lời Bác căn dặn Lữ đoàn: Nhiệm vụ sắp tới phải ra sức rèn luyện kỹ thuật, chiến thuật cho thật tốt, tăng gia sản xuất cho giỏi, thi đua làm pháo thủ toàn năng... Kỷ niệm được gặp Bác, chụp ảnh Bác ở chiến khu trong những ngày tháng chiến đấu ác liệt với lũ giặc trời Mỹ bảo vệ bầu trời và cuộc sống bình yên của nhân dân khắc ghi trong tâm khảm của người nghệ sĩ. Để rồi sau đó trong hành trình cuộc đời, ông đã ghi lại hàng nghìn bức ảnh có giá trị lịch sử, từ trận địa pháo bảo vệ bầu trời miền Bắc với những nòng súng hướng thẳng lên bầu trời, sẵn sàng nhả đạn diệt giặc đến chân dung các nữ dân quân, tự vệ vừa rời xưởng máy đã khoác súng lên vai đến chốt gác làm nhiệm vụ nhanh tay cấy lúa thẳng hàng...

Trong “làng ảnh”, cứ nhắc đến tên Trọng Pháo người ta thường nhớ ngay đến những tác phẩm ảnh báo chí mang đậm hơi thở cuộc sống và tràn đầy tính nghệ thuật đã khắc ghi tên tuổi ông trên Báo Quân đội nhân dân, Nông nghiệp Việt Nam, Tạp chí quốc tế ASEAN, Báo Lao động và nhiều tờ báo có uy tín trong nước và quốc tế. Suốt chặng đường gần 60 năm cần mẫn góp nhặt từng hình ảnh cuộc sống, ông vẫn thường ví von “Cuộc đời người làm báo - nghệ sĩ là rong chơi giữa cuộc sống, cúi nhặt những nhành hoa vương vãi trên mặt đất đặt lên bàn”.

NSNA Trọng Pháo coi máy ảnh như một thứ vũ khí sắc bén luôn mang bên mình, để từ đó ông đóng góp một phần nhỏ bé của mình trong công cuộc bảo vệ và dựng xây quê hương, đất nước giàu mạnh, văn minh.

Từ thập kỷ 60 của thế kỷ XX, hoạt động tìm kiếm, thăm dò dầu khí ở Việt Nam được bắt đầu triển khai ở miền võng Hà Nội và vùng trũng An Châu với sự giúp đỡ của Liên Xô (nay là Cộng hòa Liên bang Nga). Năm 1975, mỏ khí Tiền Hải “C” của Thái Bình được phát hiện, NSNA Trọng Pháo bám sát đoàn thăm dò và khai thác dầu khí Thái Bình. Một đêm ngủ lại Tiền Hải để “rình” giây phút dòng khí đốt phụt lên khỏi lòng đất ở mỏ khí Tiền Hải “C”, sáng sớm tinh sương, tiếng reo hò bỗng vang động mặt sóng biển, dòng khí phun lên từ lòng đất thẳm sâu, cháy rực cả mặt biển. Ông ôm máy lao ra hiện trường, chợt ông đứng khựng lại, lên phim rồi nằm xoài xuống mặt đất ẩm ướt, bấm máy hất lên trời. Hình ảnh ngọn lửa cháy rực bầu trời in xuống mặt biển có vết dầu loang đã trở thành tác phẩm nhiếp ảnh xuất sắc đạt huy chương vàng triển lãm ảnh quốc tế Nhật Bản do tổ chức văn hóa, hữu nghị Nhật Bản (ACCU) tổ chức và ngọn lửa dầu khí đó đã được lấy làm biểu tượng của ngành dầu khí ngày nay.Những tác phẩm nhiếp ảnh tiêu biểu gắn với tên tuổi nhà báo, NSNA Trọng Pháo như “Dầu ra khỏi lòng đất”; “Nguồn năng lượng”; “Đường làng”; “Cây đa, đồng lúa”; “Đất và nước”… cùng với những giải thưởng lớn như huy chương vàng triển lãm ảnh quốc tế 1982, huy chương đồng triển lãm ảnh quốc tế Biofota 1983 (CHDC Đức), huy tượng ACCU Nhật Bản 1981; giải A báo ảnh Liên Xô 1958; giải thưởng Văn học nghệ thuật Lê Quý Đôn 1983 - 1988; giải A giải ảnh xuất sắc quốc gia năm 1997…

Lê Quang

Từ khóa » Trọng Pháo Là Ai