Nghệ Sỹ Văn Báu: "Đóng đinh" Với Hình Tượng Người Chiến Sĩ Công An
Có thể bạn quan tâm
- Nghệ sĩ Văn Báu: Càng trải nghiệm nhiều, càng yêu vai diễn
Vốn rất thân thiết, tôi và Văn Báu lại thường gặp nhau trong những công việc, sự kiện của gia đình. Càng thân hơn bởi Văn Báu là nghệ sỹ điện ảnh có nhiều vai diễn ấn tượng về hình tượng người chiến sỹ công an.
Nghệ sỹ Văn Báu sinh ra trong một gia đình có truyền thống làm nghệ thuật. Ông nội anh là cụ Nguyễn Văn Thịnh, thường gọi là cụ Trùm Thịnh (1883-1973) quê ở Kim Động, Hưng Yên. Khi mới 5 tuổi, Nguyễn Văn Thịnh đã biết hát chèo và tham gia biểu diễn. Năm 16 tuổi ông đoạt giải nhất cuộc thi hát chèo Làng Bưởi. Cũng bởi tài năng và giàu tâm huyết, ông sớm trở thành một trùm phường chèo, thuộc chiếng chèo đông, hoạt động ở Hải Dương.
Nghệ sĩ Văn Báu. |
Từ những năm 1920, ông về Hà Nội tham gia trào lưu chèo Văn Minh, chèo cải lương. Gánh hát An Lạc của cụ Trùm Thịnh nổi tiếng khắp vùng, từng đi biểu diễn khắp trong Nam, ngoài Bắc, sang cả Hồng Kông… Từ năm 1950, cụ Trùm Thịnh đưa gánh hát về hát ở rạp Lạc Việt của nghệ sỹ chèo Hoa Tâm, sau đó về Nam Định dựng rạp hát An Lạc và hoạt động biểu diễn ở đó.
Có thể nói đây là một đoàn nghệ thuật gia đình, bởi ngoài cụ, các con của cụ như bà Minh Lý, ông Thanh An, ông Văn Bái… cũng là các thành viên nòng cốt của đoàn. Bằng tài năng, đam mê yêu nghề, gánh hát An Lạc đã khai thác, bảo tồn vốn nghệ thuật quý của dân tộc, đó là môn nghệ thuật chèo và cải lương, giữ cho dòng chảy nghệ thuật này không bị mai một trong hoàn cảnh nước nhà bị chính sách thực dân cai trị.
Sau hòa bình, rạp hát An Lạc được chuyển cho Nhà nước quản lý. Đoàn kịch hát An Lạc chuyển thành đoàn cải lương Bình Minh và trở thành đơn vị nghệ thuật chủ lực của tỉnh Nam Định. Năm 1956, cụ Nguyễn Văn Thịnh cùng gia đình về Hà Nội. Cụ Thịnh cùng với các nghệ sỹ Cả Tam, Minh Lý, Năm Ngũ, Dịu Hương, Lý Mầm… tham gia ban nghiên cứu chèo. Cụ Nguyễn Văn Thịnh là nghệ sỹ đã để lại những trích đoạn chèo mẫu mực truyền lại cho các thế hệ sau này.
Có thể nói ở Việt Nam hiếm có một gia đình nghệ thuật nào có số người tham gia làm nghệ thuật đông và nhiều thành tựu như gia đình cụ Nguyễn Văn Thịnh. Bốn cha con cụ Thịnh, thì ba người được phong tặng Nghệ sỹ Nhân dân, một người được phong tặng Nghệ sỹ Ưu tú. Hàng chục cháu, chắt của cụ Thịnh giờ là những nghệ sỹ có tên tuổi hoạt động ở nhiều địa phương trong cả nước, trong số đó có nghệ sỹ Văn Báu.
Được thừa hưởng truyền thống nghệ thuật của gia đình, năm mười bảy tuổi, Văn Báu được tuyển vào làm diễn viên ca múa của Đoàn nghệ thuật Tổng cục Hậu cần. Sau đó một bộ phận diễn viên ca múa nhạc tách ra chuyển về bộ đội Trường Sơn, lập thành Đoàn văn công Trường Sơn, phục vụ trực tiếp ngoài mặt trận.
Những năm tháng ở Trường Sơn đã rèn luyện Văn Báu trở thành một người lính thực thụ, cùng sống, chiến đấu với bộ đội Trường Sơn ở các cung đường, binh trạm, các trọng điểm ác liệt, để đem lời ca tiếng hát động viên tinh thần chiến đấu của bộ đội ta. Sau giải phóng 1975, Đoàn văn công Trường Sơn chuyển ra Bắc, do bị sức ép bom, sức khỏe giảm sút, năm 1980, anh xin chuyển ngành về làm phát thanh viên cho Đài PT-TH Thành phố Hải Phòng. Đến năm 1995 thì xin nghỉ chế độ.
Văn Báu bén duyên vào điện ảnh cũng rất tình cờ, số là năm 1992, anh Nguyễn Văn Thu ở Điện ảnh Công an nhân dân làm bộ phim tốt nghiệp có tên "Câu chuyện người tù". Khi tìm diễn viên vào vai một thiếu úy quản giáo, mà tìm mãi không được, về Hải Phòng anh được giới thiệu đến Văn Báu, thế là thành công, vai diễn được nhiều người khen. Từ đó máu nghề lại nổi lên, Văn Báu ngoặt sang lĩnh vực điện ảnh, dù có hơi muộn màng.
Bây giờ, sau gần 30 năm hoạt động điện ảnh, Văn Báu đã tham gia hàng trăm bộ phim, đến nỗi anh không thể nhớ hết các phim và vai diễn của mình. Anh kể đã thử sức ở tất cả các đề tài, từ tâm lý xã hội, lịch sử, chiến tranh và về lực lượng Công an… và thực sự các vai diễn trong mảng phim về đề tài lực lượng Công an đã làm nên tên tuổi Văn Báu.
Năm 1996, Đài Truyền hình Việt Nam triển khai series phim "Cảnh sát hình sự" gồm 8 phần, 40 tập. Nội dung nói về 8 vụ án khác nhau xoay quanh chủ đề phòng chống tội phạm hình sự, tội phạm ma túy, tệ nạn xã hội… Bộ phim thực hiện cảnh quay ở Hà Nội, Quảng Ninh, Hòa Bình, Lạng Sơn và khu vực miền Trung, thời gian thực hiện ròng rã hơn 2 năm trời.
Trong phim này, Văn Báu vào vai chiến sỹ cảnh sát Chu Văn Hòa. Qua mỗi tập phim, Chu Văn Hòa lại trưởng thành dần lên, và được thăng chức đến Trưởng phòng Cảnh sát điều tra tội phạm. Bộ phim ra mắt từng gây sốt người xem những năm ấy.
Khi "Cảnh sát hình sự" chiếu những phần đầu, để lắng nghe ý kiến hồi âm của khán giả trong ngành, đoàn làm phim có những buổi giao lưu gặp gỡ các đơn vị, trường công an. Có lần được lãnh đạo Tổng cục Xây dựng lực lượng tiếp, sau buổi gặp, đồng chí Nguyễn Văn Tính, bấy giờ là lãnh đạo Tổng cục lại vỗ vai Văn Báu hỏi: "Cậu là Văn Báu hả?". Văn Báu thưa "Vâng". Đồng chí Tính hỏi tiếp: "Thế không tham gia đóng phim, thì cậu công tác ở đơn vị nào?". Văn Báu đánh liều thưa: "Dạ, em ở Ban chính trị ạ". Nghe vậy, thủ trưởng Tính gật gù: "Có thế chứ, anh em mình nhiều người khá ra phết".
Sở dĩ lãnh đạo Tổng cục lầm tưởng Văn Báu là người của ngành Công an vì xem phim thấy khả năng nhập vai diễn của Văn Báu rất gần với thực tế ngoài đời, bám sát thực tiễn cuộc đấu tranh cam go của lực lượng Công an với các loại tội phạm. Anh tâm sự được như vậy là do sự giúp đỡ của lực lượng Công an.
Cứ qua mỗi tập phim, anh lại học hỏi, hiểu thêm được những suy nghĩ, tình cảm, những nét đẹp trong tâm hồn người chiến sĩ công an. Khán giả vốn đã quen với Văn Báu trong vai diễn một cán bộ cốt cán, cần mẫn của lực lượng Công an, luôn phải đối mặt với các tình huống nhiệm vụ, thử thách đấu trí trong mỗi vụ án trên phim, bằng lối thể hiện vừa trầm tư, kiên định, vừa sáng tạo, khôn khéo, anh luôn làm vừa lòng người xem, kể cả những người trong cuộc.
Trong vai cảnh sát hình sự. |
Văn Báu bảo anh chỉ hợp với những vai diễn chính diện, có lẽ là do tạng người của anh, thứ nữa là do anh xuất phát từ một người lính được rèn luyện, trải nghiệm trong chiến tranh, đã giúp anh định hình phong cách diễn xuất nghệ thuật. Với những vai diễn xuất sắc về hình tượng người cán bộ chỉ huy cảnh sát nhân dân trong đấu tranh phòng chống tội phạm, Văn Báu đã vinh dự được Bộ Công an tặng Kỷ niệm chương vì An ninh Tổ quốc.
Ngoài mảng phim đề tài lực lượng Công an, Văn Báu còn tham gia mảng phim về đề tài chiến tranh và cũng để lại nhiều ấn tượng sâu sắc với người xem, như vai Chính ủy Trung đoàn trong phim "Huế mùa hoa mai đỏ" (đạo diễn Trần Vịnh) và "Bao giờ thuyền lại sang sông"; "Câu chuyện cuối tuần" (đạo diễn Quốc Trọng), vai người Chính ủy trong phim "Cao hơn bầu trời" (đạo diễn Xuân Cường). Duy nhất anh thực hiện một vai phản diện là viên Thiếu tá phụ trách nhóm tình báo Phượng Hoàng của địch trong phim "Làng cát"…
Phần lớn các bộ phim đề tài chiến tranh phản ánh thời kỳ hậu chiến của những người trong cuộc. Đó là những người lính bước ra khỏi cuộc chiến trở về, nhiều người trong số họ chịu hậu quả của chiến tranh tàn khốc, không thương tật thì cũng bị hệ lụy của chiến tranh gây ra.
Để tiếp tục tồn tại, họ phải nguôi ngoai dần những mất mát, hàn gắn những vết thương do bom đạn, và cả những vết thương không do bom đạn gây ra. Một lần nữa, những người lính lại phải tự vượt lên mình để tiếp tục cuộc sống, để sống xứng đáng với tư cách là người chiến thắng trong một cuộc chiến tranh giữ nước vĩ đại. Những cảnh đời, cảnh tình được thử thách bằng cả cuộc chiến tranh, được dẫn dụ, khai thác, cắt nghĩa, làm lộ rõ dần những góc khuất của nó, nhờ đó mà có được nhiều bộ phim xúc động và nghệ sĩ Văn Báu có may mắn được góp phần vào những thành công đó.
Với gần ba mươi năm hoạt động, nghệ sĩ điện ảnh Văn Báu đã gặt hái được nhiều thành công, anh được nhiều người yêu mến. Có khi họ quên cả tên thật của anh, mà gọi anh bằng tên vai diễn. Âu đấy cũng là phần thưởng xứng đáng mà cuộc đời dành cho người nghệ sĩ tận tâm, tận lực với nghề như anh. Bây giờ dù tuổi đã cao và đã thành danh, nhưng mỗi khi nói đến đi đóng phim là anh lại bồn chồn, hào hứng. Anh bảo mình còn sức khỏe, thì còn cố gắng, trong thâm tâm chỉ mong có vai diễn, để được cống hiến.
Từ khóa » Diễn Viên Ngọc Báu
-
Tiểu Sử Diễn Viên VĂN BÁU 'tượng đài Công An' Trong Làng Phim Việt ...
-
Tiểu Sử Nghệ Sĩ VĂN BÁU || Cuộc đời Và Sự Nghiệp Của ông Chiến Sĩ ...
-
Nghệ Sĩ Văn Báu - Người Gắn Liền Với Hình Tượng Cảnh Sát Hình Sự
-
Bộ Tứ “Cảnh Sát Hình Sự” Ngày ấy Giờ Ra Sao? - Tiền Phong
-
Ngọc Báu
-
Nghệ Sĩ Văn Báu Tái Xuất Trong Phim Hình Sự 'Luật đời' - Vietnamnet
-
Nghệ Sĩ Văn Báu: Từ Ca Sĩ Hát ở Chiến Trường Bước Vào điện ảnh ...
-
Văn Báu: 'Đầu Gấu' Cũng Quý Tôi - VnExpress Giải Trí
-
Đời Tư Của Dàn Diễn Viên Làm Nên Qua Khứ Lẫy Lừng Cho Series ...
-
Vị Sếp Công An Lão Luyện Nhất Loạt Phim "Cảnh Sát Hình Sự" Tái Xuất ...
-
"Thiếu Tá" Văn Báu "Cảnh Sát Hình Sự" đóng Phim Ca Nhạc Của ... - 24H
-
NSUT Văn Báu Một Người đã Từng... - Tôi Yêu Cảnh Sát Cơ Động
-
Chạy án – Wikipedia Tiếng Việt