Nghề Thiết Kế Game Có Cần Học Đại Học Không?

Skip to content Menu DÀNH CHO NGƯỜI MỚI nghe-thiet-ke-game Nghề Thiết kế Game có cần học Đại Học không? ĐĂNG KÝ CHƯƠNG TRÌNH LEVEL UP CÙNG THIẾT KẾ GAME TÌM HIỂU NGAY Nội dung chính Add a header to begin generating the table of contents

LỜI NÓI ĐẦU

Từ khi vào nghề Thiết kế Game và xem nó như con đường sự nghiệp của mình. Câu hỏi trên là một trong những vấn đề mà mình được hỏi nhiều nhất. Và kể từ khi sáng lập nên trang Thiết kế Game, số lượng câu hỏi dạng này lại càng tăng đột biến.

Những người hỏi mình câu này, đa phần là các bạn ngoài ngành hoặc các bạn trẻ (các bạn đang là sinh viên, mới ra trường hoặc học sinh).

Thẳng thắn mà nói, trên thực tế, câu trả lời là . Nếu bạn sống ở các nước tiên tiến ở châu Âu, Mỹ hoặc gần nhất là Singapore. Bạn rất nên chọn một trường Đại học có ngành Thiết kế Game (Game Design). Ở đây, bạn sẽ được đào tạo bài bản, đây là một bước đệm vững chắc khi bạn xác định theo nghề Thiết kế Game nghiêm túc và lâu dài. Chính bản thân mình cũng có một thời gian tự học khá sát theo giáo trình của một trường Đại học như vậy.

Thế nhưng, có vẻ các bạn gửi câu hỏi cho mình phần đông đang sinh sống và làm việc tại Việt Nam. Và hiện tại, điều kiện để các bạn tiếp cận với các nền giáo dục như trên là khá khó khăn. Chưa kể đến việc chi phí quá cao.

Vậy bạn có nên học Đại học không?

Nếu có thì nên chọn học các trường nào?

Chọn trường Đại học là một ngưỡng cửa khá quan trọng của cuộc đời. Đặc biệt khi bạn đang sống tại Việt Nam.

Đó là lí do tại sao bài viết này ra đời. Nếu bạn đang là học sinh, bạn rất nên đọc bài viết này. Nếu bạn đang là sinh viên, hãy chia sẻ bài viết này với em/cháu của bạn hoặc phụ huynh của những em đó. Bài viết có thể sẽ giúp ích cho họ trong việc chọn trường. Đồng thời hiểu hơn về nghề Thiết kế Game mà mình sẽ làm trong tương lai.

1. BẠN CÓ NÊN HỌC ĐẠI HỌC KHÔNG?

a. Vấn đề

Mình tham gia khá nhiều group Facebook, diễn đàn về game, thiết kế và lập trình. Mình thường gặp các topic kiểu như: “Cảm thấy mất định hướng khi học đại học”, “Liệu em có nên bỏ học đại học hay không?”, “Cảm thấy kiến thức ở trường đại học chung chung và vô bổ”.

Các topic này cho thấy một bộ phận các bạn sinh viên đang cảm thấy hoang mang về giá trị của việc học đại học. Chưa kể, điều này gây ảnh hưởng khá tiêu cực và mơ hồ đến các em học sinh đang chuẩn bị bước vào kì thi này.

b. Nguyên nhân

nghe-thiet-ke-game-1

Đa phần đến từ việc các bạn đang phải học những môn học nặng nề và nhàm chán (toán, lý, hóa, các môn đại cương…). Chương trình khá cũ và khá nhiều lí thuyết khiến các bạn bị “nản” và không biết nó có ích gì cho mình hay không. Các bạn kết luận rằng kiến thức đại học thật là vô bổ!

Ngoài ra còn một nguyên nhân sâu xa khác. Ở riêng ngành IT, khi mình còn là sinh viên. Mình biết có khá nhiều bạn thi vào ngành Công nghệ Thông Tin vì “thích chơi game” . Và có suy nghĩ rằng khi vào học ngành này, bạn có thể tự phát triển game cho riêng mình và nhanh chóng giàu có hoặc chí ít cũng việc nhẹ lương cao.

Thế nhưng, cũng chính vì thích chơi game nên bạn lơ là các kiến thức cơ bản ngay từ những năm đầu. Bạn mất kiến thức căn bản và hoàn toàn đuối sức khi chương trình học bắt đầu nặng lên. Thế là bạn trượt dài trong vũng lầy của tuổi trẻ.

Một mặt khác nữa, báo chí khá thích lăng xê các tấm gương

9x bỏ học đại học kiếm trăm triệu một tháng

Điều này là có thật, nhưng rõ ràng là nằm trong thiểu số. Nhưng các tin này đăng trùng nhau khiến cho bạn liên tưởng việc bỏ học rồi mau chóng giàu có là điều hiển nhiên.

Đáng lẽ họ phải đưa thêm tin: “Sinh viên bỏ học đại học về chạy xe ôm, phụ hồ, chạy bàn”, “Tốt nghiệp đại học, lương tháng chục triệu”. Thực ra, chẳng báo nào đăng tin này vì nó “quá bình thường” và chắc chắn rating sẽ thấp (họ sẽ không có tiền nhuận bút).

Ngoài ra một lần nữa, đừng bao giờ nói câu: “Bill Gates và Mark Zuckerberg bỏ học đại học và vẫn thành công” để làm dẫn chứng. Nếu bạn đang học Harvard và có ý định bỏ học để khởi nghiệp. Bạn cứ làm và bạn không cần đọc bài viết này nữa, vì trình độ bạn hơn mình nhiều lắm 😀

Nếu bạn không phải là sinh viên Harvard, bạn hãy đọc tiếp để biết được giá trị của việc học đại học và tấm bằng đại học trong nghề Thiết kế Game.

2. NGHỀ THIẾT KẾ GAME LÀ GÌ?

Có một sự thật là ngay cả những bạn làm tuyển dụng đôi khi vẫn có những “nhầm lẫn” về nghề Thiết kế Game. Dẫn đến những post trên các trang tuyển dụng ghi là tuyển Game Designer. Nhưng mô tả công việc lại dành cho Game Artist. Đôi khi là cả Game Developer.

Thế nên, mình đã từng làm một Video Clip giải thích về nghề này. Nên các bạn có thể xem clip bên dưới để có các nền tảng cơ bản trước khi đọc tiếp (nhớ Subscribe để không bỏ lỡ các clip tiếp theo nhé).

3. CÁC TRƯỜNG ĐẠI HỌC BẠN NÊN CHỌN

Phần này dành cho các bạn đang là học sinh. Ở Việt Nam, tại thời điểm bài viết này ra đời, chưa có trường Đại học nào đào tạo một cách bài bản về nghề Thiết kế Game.

Thế nên, bạn nên chọn những trường có nhóm ngành gần với nghề này nhất và có thể tạo nên lợi thế cho bạn khi làm nghề (Công nghệ thông tin, Đồ họa, Kiến trúc, Kinh tế, Tâm lý…). Hiện tại, rất nhiều người đang làm nghề Thiết kế Game mà mình biết tốt nghiệp tại các ngành này. Trong đó có cả mình, với xuất phát điểm là cử nhân ngành Khoa học Máy Tính.

Việc bạn có sẵn kiến thức nền tảng ở các ngành liên quan đến nghề Thiết kế Game sẽ mang đến cho bạn một lợi thế không nhỏ khi đi làm hoặc ít nhất là khi xin thực tập.

[Tìm hiểu thêm]. Lưu ý khi xin thực tập Thiết kế Game

Hãy tin mình! Lời nói của một Game Designer có kiến thức nền tảng(đôi khi là cả khả năng thực thi) của các ngành liên quan (lập trình, đồ họa, tâm lý…) luôn có sức nặng hơn một ông Game Designer chỉ biết “chém gió”.

Trong quá trình làm việc một thời gian khá dài, mình đã tự rèn luyện rất nhiều kĩ năng phụ trợ cho nghề Thiết kế Game trong thời gian rảnh rỗi (lập trình, đồ họa, web, sound effect, video editing…). Ở đây mình luyện tập nghiêm túc và đã có được các sản phẩm có chất lượng. Và mình cảm thấy đây là một lợi thế rất lớn cho mình khi làm việc lẫn thấu hiểu đội ngũ của mình, các bộ phận khác hơn.

Bạn có thể xem một vài Game Trailer do chính tay mình làm bên dưới

Các clip này đã làm cách đây khá lâu(3-4 năm), hiện tại trình độ của mình đã tăng lên rất nhiều. Nếu bạn có hứng thú với việc tìm hiểu làm Game Trailer, hãy xem thêm ở BÀI VIẾT NÀY

Có một thực tế bạn nên biết, các nhà Thiết kế Game có kinh nghiệm ở nước có ngành công nghiệp game phát triển thông thường có những kĩ năng phụ trợ rất mạnh để có thể tạo ra sản phẩm demo (đôi khi là những module rất phức tạp) mà không phụ thuộc vào người khác. Và nếu theo học các trường đào tạo nghề Thiết kế Game bài bản, bắt buộc bạn phải có các kĩ năng này ở mức tương đối(lập trình, đồ họa…).

Điều này cũng có lợi khi bạn có điều kiện thăng tiến trong công việc. Như lên các cấp quản lí hoặc mở công ty riêng chẳng hạn. Việc có kiến thức toàn diện và cái nhìn bao quát khiến bạn dễ dàng phát triển hơn trong công việc của mình.

4. CHỌN TRƯỜNG VỪA SỨC MÌNH

Lời khuyên đầu tiên mình muốn gửi đến các bạn là: “Chọn trường vừa với sức của mình”. Vừa sức ở đây không phải chỉ là vừa sức đậu. Mà cả vừa sức học và sức cạnh tranh.

Có thể bạn sẽ hỏi mình:

Tại sao không chọn trường top, trường nổi tiếng nhất trong khả năng của mình. Vì chất lượng dạy của các trường này thường cao hơn và tấm bằng cũng danh giá khi đi xin việc hơn.

Điều này đúng nhưng chỉ có tính tương đối. Vì bài viết này hướng đến các bạn đang muốn làm nghề Thiết kế Game, thế nên, mình sẽ hướng dẫn cho bạn chiến thuật phù hợp nhất.

Ở các trường nổi tiếng, chất lượng đầu vào dĩ nhiên sẽ cao. Bạn sẽ phải học hành và cạnh tranh với những bạn bè khá giỏi. Những đứa là mọt sách hoặc thiên tài dạng quái vật.

Đứa mọt sách thì cày ngày cày đêm kiếm học bổng. Nhưng vẫn còn đỡ hơn bọn thiên tài.

Bạn học mình khi xưa có những tên chơi game và ngủ rất nhiều nhưng chúng nó hiểu bài ngay trên lớp, mỗi ngày bỏ chừng 2 tiếng ôn luyện vẫn giỏi như thường.

nghe-thiet-ke-game-2

Nếu không đủ giỏi, việc cạnh tranh với những thành phần này khiến bạn sớm nản chí.

Chiến thuật ở đây là bạn cần nằm trong top đầu của lớp bạn học. Điều này khiến bạn sẽ có mối quan hệ tốt với thầy cô, bạn bè. Khi đứng Top ở một trường, việc bạn xin được thư giới thiệu, học bổng du học dài hạn hoặc ngắn hạn(trao đổi sinh viên) cũng sẽ dễ dàng hơn. Đây là chiến thuật mình đã áp dụng khi tiến hành chọn trường đại học.

Việc bạn “đội sổ” ở một trường nổi tiếng sẽ chẳng có mấy ý nghĩa khi đem lên bàn cân và so sánh với một thủ khoa đầu ra của một trường vừa sức.

Các môn bạn có thể dễ dàng qua ở trường bình thường, nhưng sẽ là cơn ác mộng ở các trường nổi tiếng(tích phân, các môn chính trị ,…). Để tham khảo vấn đề này, các bạn cứ lang thang vào các group Facebook hay diễn đàn của sinh viên các trường đó sẽ biết 😀

Đương nhiên, mình nói ở đây không phải để cổ súy cho việc bạn học qua loa để qua môn. Ở bậc Đại Học, tự học đóng vai trò chính. Việc học các trường vừa sức sẽ khiến bạn dễ dàng kiểm soát được việc tự học của mình. Tập trung thời gian học các kĩ năng phụ trợ cho nghề Thiết kế Game mà bạn theo đuổi sau này.

5. GIÁ TRỊ CỦA VIỆC HỌC ĐẠI HỌC

Việc học đại học sẽ không đến nỗi vô bổ như bạn nghĩ, mà sẽ mang lại cho bạn các giá trị mà bạn sẽ khó lòng có được ở một môi trường khác

a. Kiến thức nền tảng

Như mình đã nói ở trên, kiến thức nền tảng rất quan trọng khi bạn theo nghề Thiết kế Game. Đặc biệt là các môn đại cương như: Toán, Vật lí và đặc biệt là Xác suất thống kê… . Chính các môn bạn “coi thường” ở bậc Đại Học sẽ là những thứ bạn đụng phải rất nhiều khi làm việc.

b. Khả năng tự học, tư duy và trình bày vấn đề

Gần như muốn học tốt ở trường Đại Học. Thì bạn chỉ có con đường duy nhất là tự học. Bạn sẽ rèn luyện được khả năng tìm tài liệu, khả năng giao tiếp (để hỏi bài chẳng hạn)… Những khả năng này bạn rất khó để tự luyện nếu không đi học Đại học mà đi con đường khác (vì thiếu động lực).

Ngoài ra, việc viết các bài luận, đồ án sẽ giúp ích cho bạn nhiều trong việc trình bày vấn đề, kĩ năng đọc-viết, dùng từ. Những thứ này sẽ đi theo bạn gần như suốt cuộc đời (viết đơn xin việc, viết email, viết báo cáo, viết Game Design Document…).

Nhân tiện nói về việc viết Game Design Document, bạn có thể tự tập luyện trước theo hướng dẫn Ở ĐÂY

c. Bạn bè và quan hệ

nghe-thiet-ke-game-3

Khi ở đại học, bạn sẽ được làm quen và trải nghiệm làm việc chung với rất nhiều bạn bè. Việc này sẽ rèn luyện kĩ năng thảo luận, làm việc nhóm(đôi khi là cả kĩ năng gánh team và chạy deadline).

Thời sinh viên, mình có khá nhiều các nhóm bạn chơi khá thân. Như nhóm chơi Dota (có đi đánh giải hẳn hoi nhé), nhóm đi thi các cuộc thi Hackathon (các cuộc thi lập trình nhanh trong vòng 48h-72h),… Mình có khá nhiều giải thưởng từ các cuộc thi này(và cả tiền nữa, bật mí là không ít đâu nhé 😀), và một trong các cuộc thi đó là cơ duyên khiến mình cộng tác với các anh em ở công ty hiện tại.

Sau khi ra trường, các mối quan hệ này vẫn cực kì quan trọng cho sự nghiệp của bạn sau này. Trái đất tròn, nếu các bạn làm việc tập trung tại các thành phố lớn, sớm muộn gì cũng sẽ gặp toàn người quen.

d. Cơ hội việc làm

Khi tốt nghiệp Đại học, xác suất bạn tìm được một công việc Thiết kế Game cũng sẽ cao hơn rất nhiều so với việc bạn không đi học. Điều này có được là do các mối quan hệ bạn có thể xây dựng trong môi trường này (với thầy cô, bạn bè, các anh chị cựu sinh viên) có chất lượng hơn hẳn so với bên ngoài.

Các trường Đại học thông thường sẽ có liên kết với một số công ty, giúp bạn dễ dàng tìm được cơ hội thực tập và làm việc hơn. Ngoài ra, ở đây vẫn thường hay tổ chức các “Ngày hội việc làm”, là cầu nối cho bạn và các công ty đầy tiềm năng.

6. GIÁ TRỊ CỦA TẤM BẰNG ĐẠI HỌC

Tấm bằng Đại học sẽ là “tấm giấy thông hành” tốt để đưa bạn đến vòng phỏng vấn. Đặc biệt là ở nghề Thiết kế Game.

nghe-thiet-ke-game-4

Thiết kế Game là một vị trí rất quan trọng. Ở cấp độ Junior, khá ít công ty tin tưởng các ứng viên không có bằng Đại học (vì các ứng viên có thứ này ngoài kia rất nhiều, Việt Nam đang phổ cập Đại học mà 😀). Trừ phi bạn có sẵn sản phẩm Demo. Mà bạn cũng sẽ dễ dàng xây dựng các sản phẩm Demo có chất lượng hơn nếu học trong trường Đại học(bài tập nhóm chẳng hạn).

Và bạn sẽ hỏi mình:

Có nhiều người có bằng Đại học vẫn thất nghiệp như thường đó thôi!

Đương nhiên! Bằng Đại học chỉ là tấm vé đưa bạn đến vòng phỏng vấn, khiến cho CV của bạn sáng sủa hơn. Nếu bạn không có khả năng, bạn vẫn sẽ thất nghiệp như thường.

Còn một chuyện nữa cũng khá nhạy cảm. Giả sử nếu sau này bạn muốn mở công ty riêng hoặc thăng tiến trong công việc. Khi kí kết một số hợp đồng, phần chức danh có thể sẽ cần thêm trình độ học vấn. Nếu bạn chỉ ghi chữ “Tốt nghiệp phổ thông” thay cho “Cử nhân Đại Học”. Chắc cũng không tránh khỏi chạnh lòng! Đương nhiên nếu bạn là người tự tin về bản thân thì cũng không cần quá quan tâm đến vấn đề này.

LỜI KẾT

Người ta vẫn thường nói:

Đại học không phải là con đường duy nhất dẫn đến thành công.

Điều này rất đúng, nhưng mình chắc chắn rằng Đại học là một trong những con đường dễ dàng nhất, đặc biệt là đối với nghề Thiết kế Game.

Đối với các bạn đang là học sinh. Năm học mới đã bắt đầu. Đây chính là thời gian làm mới lại con người của mình. Hãy chú tâm học tập và nuôi dưỡng ước mơ.

Đối với các bạn đang là sinh viên. Đừng nản chí, bạn đang đi trên con đường bằng phẳng hơn rất nhiều so với các bạn không có điều kiện học Đại học khác. Hãy tận dụng các ưu thế của mình. Đừng chạy theo những đam mê nhất thời mà bỏ lỡ khoảng thời gian tốt nhất để rèn luyện bản thân.

Trên đây là những chia sẻ của mình về những lợi ích của việc học Đại Học nếu muốn theo nghề Thiết kế Game. Và đó là con đường mình đã chọn. Mình hoàn toàn tôn trọng nếu bạn đã tìm được một con đường khác với một mục tiêu rõ ràng.

Ngoài ra, nếu các bạn đang gặp khó khăn trong việc tiếp cận các tài liệu Game Design bằng Tiếng Anh. Hãy tham khảo “Chuyện Thiết kế Game”. Đây là tựa sách về Game Design đầu tiên bằng Tiếng Việt. Sẽ mang lại cho bạn những nền tảng vững chắc trước khi bắt đầu tiếp cận các kiến thức nâng cao hơn.

THAM KHẢO SÁCH "CHUYỆN THIẾT KẾ GAME " TÌM HIỂU NGAY HÔM NAY

Không lâu nữa đâu! Các bạn sẽ là những nhân tố quyết định sự phát triển của nghề Thiết kế Game nói riêng và của ngành game Việt Nam nói chung trong tương lai gần.

Rất mong một ngày không xa được làm việc với các bạn!

Nếu cảm thấy bài viết có ích, hãy giúp mình chia sẻ nhé: ĐĂNG KÝ CHƯƠNG TRÌNH LEVEL UP CÙNG THIẾT KẾ GAME TÌM HIỂU NGAY HƯỚNG DẪN BẰNG VIDEO CLIP XEM NGAY VIỆC LÀM CHO GAME DESIGNER TÌM VIỆC NGAY ĐỂ LẠI BÌNH LUẬN

THÔNG TIN TÁC GIẢ

thiet-ke-game

CHRISTIAN NGUYỄN

  • Người sáng lập Thiết kế Game.
  • Công việc hiện tại: Lead Game Designer, Training, Coaching, Knowledge Management.
  • Thế mạnh: Thiết kế Game và Quản lí dự án
  • Kĩ năng bổ trợ: UI/UX Designer, Web Design, Game Trailer, Sound Design
  • Sở thích: Chơi game, thể thao, đọc sách & chia sẻ kiến thức
Tìm hiểu thêm Theo dõi mình trên Facebook

BÀI VIẾT LIÊN QUAN

BÀI VIẾT LIÊN QUAN

hyper-casual
Hyper-casual và những cạm bẫy cho người Thiết kế Game
Xem tiếp Gamification cho người mới
Gamification dành cho người mới
Xem tiếp nhan-vat-game
Một vài quy tắc đặt tên cho nhân vật game
Xem tiếp Đăng nhập Tên của bạn** Email để nhận thông báo khi bình luận của bạn được trả lời*** Tên của bạn** Email để nhận thông báo khi bình luận của bạn được trả lời*** 0 Comments Inline Feedbacks View all comments VỀ THIẾT KẾ GAME

Là một blog chia sẻ kiến thức về Thiết kế Game và những kĩ năng phụ trợ. Được thành lập bởi CHRISTIAN NGUYỄN –  Game Designer & Game Producer có kinh nghiệm chinh chiến lâu năm trong ngành game.

NHẬN TIN NHẮN KHI CÓ BÀI VIẾT MỚI (Không cần Email - Nhận tin nhắn qua Facebook Messenger) HỢP TÁC

Nếu bạn có nhu cầu hợp tác hoặc cần mình hỗ trợ , có thể nhắn tin với mình qua Facebook bằng cách nhấn vào nút bên dưới.

LIÊN HỆ VỚI MÌNH TẠI ĐÂY FANPAGE CHÍNH THỨC DMCA.com Protection Status Insert

Từ khóa » Ngành Thiết Kế Nhân Vật Game