Nghệ Thuật Ghi Chép Thông Minh - Bàn Tay Của Người Ghi ... - YBOX

Trong môi trường đại học, kỹ năng ghi chép là một công cụ đặc biệt hữu ích trong quá trình học tập của các bạn sinh viên. Ghi chép tốt giúp các bạn hiểu bài ngay tại lớp và rút ngắn thời gian ôn tập vào cuối kỳ. Tuy nhiên, mặc dù mỗi người trong chúng ta đều có “nhiều năm kinh nghiệm” trong việc chép bài ở trường lớp, không phải ai cũng biết cách ghi chép sao cho hiệu quả, tiếp thu tốt kiến thức mà lại tiết kiệm thời gian. Trong phần đầu tiên của chuỗi bài viết Nghệ Thuật Ghi Chép Thông Minh, chúng ta sẽ cùng tìm hiểu cách chuẩn bị về đầu óc và các vật dụng cần thiết trước khi tiến hành ghi chép. Việc chuẩn bị này sẽ giống như người lính trang bị vũ khí trước khi đánh trận vậy. Chuẩn bị càng tốt, trận đấu càng diễn ra thuận lợi hơn. Hãy cùng khám phá ngay nào!

I. Chuẩn bị tinh thần trước khi bước vào bài học

1) 5 phút đọc và ghi chú trước khi đến lớp

Có bao giờ bạn cảm thấy “lạc lối” khi không thể biết giảng viên đang nói về điều gì? Có bao giờ bạn say mê ghi chép thật nhiều, để rồi sau đó mới nhận ra mọi thứ đều nằm trong sách? Sau đó bạn quyết định không chép nữa, nhưng phần tiếp theo lại là phần quan trọng không có trong sách? Đây chính là những tình huống mà hơn 90% sinh viên đều gặp phải trong quá trình đi học, và nguyên nhân là do sự thiếu chuẩn bị bài trước khi đến lớp.

Chuẩn bị bài thật ra không mất nhiều thời gian như bạn nghĩ. Tùy vào độ dài bài học, bạn chỉ cần 3-5 phút để đọc lướt và tìm hiểu các nội dung chính cần nắm trong sách, từ đó nhận biết phần nào quan trọng cần tập trung nghe hiểu hơn, hay phần nào có thể chỉ cần nghe giảng mà không cần ghi chép. Với những chủ đề khó và dài, bạn sẽ mất nhiều thời gian để tiếp thu hơn, tuy nhiên việc này cũng sẽ chỉ kéo dài khoảng 10-15 phút. Bên cạnh đó, việc ghi chú lại các đề mục và những ý quan trọng trong sách cũng rất hữu ích. Cách này sẽ giúp bạn ghi nhớ nội dung bài tốt hơn, tiết kiệm thời gian tìm kiếm thông tin khi ở lớp, cũng như biết được giảng viên đang nói đến đâu trong bài học.

Bạn chọn cách ghi chú theo dàn ý truyền thống…

…Hay tự do sáng tạo với các sơ đồ?

2) Chọn chỗ ngồi “hợp phong thủy”

Không phải ngẫu nhiên mà hầu hết những học sinh giỏi “con nhà người ta” đều ngồi ở những vị trí: bàn đầu chính giữa lớp. Đây là những chỗ ngồi được mệnh danh là “vị trí hợp phong thủy” bởi bạn sẽ hạn chế tối đa những yếu tố gây xao nhãng trong giờ học, chẳng hạn như tiếng nói chuyện về nhóm nhạc bạn yêu thích, hay mùi bánh tráng trộn từ hội chuyên ăn vặt,…

Ở những “vị trí phong thủy” này, bạn sẽ nhìn rõ bảng/màn hình hơn, cũng như dễ dàng trao đổi các thắc mắc hay vấn đề mình gặp phải với giảng viên, từ đó sẽ tiếp thu bài tốt hơn. Một khi đã hiểu bài rồi, bạn sẽ cảm thấy việc ghi chép trở nên cực kỳ đơn giản. Bạn sẽ biết đâu là thông tin quan trọng cần viết, thay vì cứ chép “mù quáng” mọi thứ mà rồi lại chẳng hiểu mình đã viết cái gì.

Nếu thời trung học, bàn đầu là chỗ của những học sinh cá biệt, thì lên đại học, bàn đầu là địa điểm chỉ những ai chăm học mới dám ngồi

Lúc đầu, có thể bạn sẽ hơi ngại khi ngồi bàn đầu trong khi đám bạn thân lại tụ họp ở bàn cuối. Mặc dù vậy, bạn cần xác định rõ mình đến lớp là để học, chứ không phải tụ họp với bạn bè. Những cuộc trò chuyện với bạn bè có thể kéo dài từ ngày này qua tháng nọ, nhưng bạn chỉ có một cơ hội duy nhất để nghe bài giảng ngày hôm đó thôi, hãy lựa chọn thật chính xác nhé!

II. Điểm danh những vật dụng ghi chép không thể thiếu

1) Sổ ghi chép

Ghi chép bằng tập học sinh cũng không sao, nhưng những quyển sổ có gáy lò xo mới chính là người bạn đồng hành đắc lực của bạn. Bạn có thể xé bỏ những trang viết sai một cách dễ dàng mà không sợ ảnh hưởng đến những trang khác. Nếu đầu tư hơn, bạn cũng có thể sử dụng sổ gáy còng để chèn thêm trang hoặc sắp xếp lại thứ tự trang nếu muốn.

Sổ lò xo tiện lợi, giá rẻ, dễ mua và sổ gáy còng chuyên nghiệp, có thể sắp xếp và chèn thêm giấy. Bạn chọn loại nào?

Mẹo nhỏ cho bạn: Một nghiên cứu cho thấy việc nhìn qua nhìn lại các mặt của tờ giấy sẽ làm bạn xao nhãng, vì thế hãy chỉ dùng một mặt giấy để ghi chép. Với mặt giấy còn lại, bạn có thể dùng làm nháp hoặc sử dụng cho một môn học khác.

2) Bút viết

Bạn có thể dùng bất cứ loại bút nào mình thích như bút chì, bút bi, bút màu, bút lông hay bút dạ, nhưng hãy chỉ dùng 1-3 loại mà thôi. Bạn không có nhiều thời gian thay đổi màu bút trong giờ học đâu!

Mẹo nhỏ cho bạn:

  • Bút chì giúp bạn dễ chỉnh sửa khi cần thiết, nhưng lâu ngày chữ sẽ bị nhòe và khó nhìn đối với một số bạn.
  • Theo nghiên cứu, bút đỏ và giấy (note) vàng là một sự kết hợp rất tốt; bút bi màu xanh sẽ dễ đọc và ghi nhớ hơn bút bi màu đen.

3) Các thiết bị công nghệ

Laptop: Nếu được cho phép, bạn có thể dùng laptop để ghi chép trong giờ học cũng như chỉnh sửa và lưu trữ thông tin dễ dàng hơn. Điểm hạn chế đó là tiếng gõ máy tính có thể khiến một số bạn mất tập trung, và bạn cũng dễ bị xao nhãng bởi trò chơi hay các trang mạng xã hội. Vì vậy, một số phần mềm đã ra đời nhằm giải quyết vấn đề này. Chúng sẽ giúp bạn chặn những trang web hay phần mềm gây xao nhãng như Facebook, Youtube, các trò chơi,… mà không làm ảnh hưởng đến những trang web học tập khác của bạn. Trong đó có thể kể đến như Freedom, FocusMe, Concentrate,…

Nếu muốn dùng laptop để ghi chú bài học, hãy tắt Wifi đi và chỉ tập trung vào trang Word của bạn thôi nhé.

Ghi âm: Ghi âm có thể mang lại rất nhiều lợi ích, đặc biệt đối với trường hợp thầy cô giảng bài quá nhanh; khả năng ghi chép và hiểu bài của bạn còn chậm; hôm đó sức khỏe của bạn không tốt. Tuy vậy, bạn không nên quá lạm dụng công cụ này. Tâm lý “mình sẽ về nhà nghe lại” sẽ khiến bạn không còn nỗ lực tập trung trong lớp, và nếu một buổi học kéo dài 4 tiếng, bạn sẽ phải mất thêm 4 tiếng nữa để nghe lại ở nhà đấy.

Điện thoại: Điện thoại là một trợ thủ đắc lực của bạn đối với những biểu đồ hoặc sơ đồ đòi hỏi tính chính xác cao, và nhiều giảng viên thậm chí còn yêu cầu bạn chụp hình lại slide để họ có thể tiếp tục sang phần tiếp theo. Nhưng lời khuyên dành cho bạn đó là sau khi chụp hình xong, hãy chép lại những nội dung đó vào sổ. Bằng cách đó, bạn sẽ dễ hệ thống kiến thức hơn, tránh trường hợp sau này lúc cần ôn tập thì nội dung có phần nằm trong sổ, phần lại nằm trong sách.

Chép lại thông tin từ điện thoại là một phương pháp hiệu quả giúp bạn ôn tập kiến thức đấy.

Như vậy, ghi chép không chỉ là chép lại từng chữ mọi thứ bạn nghe, mà đó là cả một nghệ thuật chọn lọc và ghi nhận thông tin sao cho hiệu quả. Trong phần đầu tiên của chuỗi bài viết này, chúng ta đã được khám phá cách chuẩn bị về mặt tinh thần cũng như các vật dụng cần thiết cho việc ghi chép. Vậy còn lúc tiến hành ghi chép sẽ ra sao? Thông tin nào cần chép, thông tin nào không cần? Có những phương pháp ghi chép nào?

------------------------------------------------------

Trong phần trước, chúng ta đã được tìm hiểu cách chuẩn bị về tinh thần cũng như các vật dụng cần thiết để việc ghi chép trở nên hiệu quả hơn. Thế nhưng, phải làm thế nào để tận dụng những sự chuẩn bị đó vào quá trình ghi chép? Có những chiến thuật nào bạn không thể bỏ qua? Hãy cùng Internship tìm hiểu ngay thôi!

III. Ghi chép thông tin như thế nào?

1) Bộ tứ quyền lực Thứ, Ngày, Tháng, Năm

Thói quen tốt luôn là nền tảng vững chắc cho sự phát triển trong tương lai của bạn. Vì thế, không phải ngẫu nhiên mà từ nhỏ đi học thầy cô đã rèn cho bạn thói quen ghi ngày tháng trước mỗi đầu bài. Việc này sẽ giúp bạn liên tưởng được những sự việc đã diễn ra ngày hôm đó, chẳng hạn như buổi học hôm đó có gì vui, giảng viên đã đưa ra những câu chuyện nào, ra dẫn chứng thực tế ra sao.

Bên cạnh việc ghi ngày tháng, bạn cũng nên đánh số cho các phần trong chuỗi bài học của mình để dễ đọc hơn, cũng như đừng quên ghi lại tựa bài. Mặc dù sẽ có lúc nội dung bài chỉ có vài dòng, nhưng việc ghi lại tựa sẽ giúp bạn nhớ vài dòng nội dung đó thuộc phần nào và nằm ở đâu trong sách.

Tạo cho mình một thói quen tốt chỉ trong chưa đầy 30 giây, bạn làm được không nào?

2) Đừng sa vào “cái bẫy chữ viết”

“Ngại nhất là bạn bè không đọc được chữ viết của mình, không hiểu mình viết gì.”

“Mình muốn được khen là có vở chép đẹp.”

“Chữ phải đẹp, rõ ràng thì đọc lại mới dễ tiếp thu kiến thức.”Đây là những lo lắng hoàn toàn hợp lý mà bạn trẻ nào cũng gặp phải trong quá trình ghi chép. Thế nhưng trong thực tế, những lo lắng này lại chính là những “cái bẫy” khiến bạn đi lệch khỏi mục tiêu ban đầu của mình: thay vì mục tiêu của ghi chép là để trau dồi kiến thức, thì giờ đây mục tiêu của bạn là viết ra một quyển sổ thật đẹp. Thay vào đó, bạn cần xác định rõ sổ ghi chép của mỗi người đều khác nhau, vì mỗi người đều có cách viết riêng. Do đó, chữ bạn có thể không đẹp, bố cục có thể lung tung, nhưng quan trọng là bạn phải viết rõ ràng, để ít nhất chính bạn sẽ là người đọc được những chữ viết của mình.

Có sổ chép đẹp thật thích, nhưng bạn phải chấp nhận sự thật là không phải ai cũng làm được như thế.

Bạn nên thống nhất các chữ viết tắt của mình để tăng tốc độ ghi chép mà vẫn đảm bảo bản thân hiểu những gì mình viết. Ví dụ như hôm trước bạn viết tắt chữ “phát triển” thành “pt,” mà hôm sau lại viết tắt thành “p↑” thì chẳng phải chính bạn cũng sẽ bị rối sao?

Mẹo nhỏ cho bạn:

Trong trường hợp không mang theo sổ, bạn có thể tận dụng điện thoại và những ứng dụng trong đó để ghi chú nhanh chóng, dễ dàng hơn. Một trong những ứng dụng được sử dụng rộng rãi nhất có thể kể đến như One Note, Evernote, Audio Note,…

Bên cạnh những ứng dụng tải về, một số tính năng có sẵn trong điện thoại cũng rất hữu ích cho việc ghi chép. Với iPhone, bạn có thể truy cập tính năng Text Replacement – Thay thế văn bản qua Settings -> General -> Keyboard -> Text Replacement.

3) Xem tivi để luyện khả năng nghe từ khóa

Như đã đề cập ở trên: bạn không cần viết đẹp, chỉ cần viết rõ ràng. Tuy vậy, nhiều bạn khi bắt đầu luyện tập kỹ năng ghi chép đều gặp khó khăn khi thầy cô giảng quá nhanh trong khi có quá nhiều thông tin cần ghi chú. Do đó, bạn nên rèn cho mình khả năng nắm bắt thông tin trước đã.

Hằng ngày, bạn có thể theo dõi các chương trình trên tivi và tập nghe và nắm bắt các ý chính của bản tin và ghi lại những từ khóa bạn nghĩ là quan trọng. Sau đó, hãy đọc lại những từ khóa đó để xem bản thân có hiểu được hay không. Cuối cùng, bạn thử tường thuật lại bản tin thông qua những từ khóa đó. Khi nào làm được hai bước trên là bạn đã chứng tỏ mình đang sử dụng hiệu quả các từ khóa rồi đấy.

Mẹo nhỏ cho bạn: Bạn nên xem những chương trình cung cấp kiến thức như tin tức thời sự, phim tài liệu hoặc khoa học thay vì những gameshow hay chương trình ca nhạc nhé.

Luyện ghi chép qua tivi giúp bạn làm quen với tốc độ giảng bài nhanh của một số thầy cô, tăng khả năng nghe-hiểu và ghi chép nhanh, hơn nữa lại còn nắm bắt được nhiều tin tức mà ngày thường bạn chẳng bao giờ xem đến.

Sau khi bỏ túi những chiến thuật trên, chắc hẳn bạn cũng đã tự tin hơn nhiều về khả năng ghi chép của mình rồi nhỉ? Thế nhưng, không chỉ dừng lại ở đó, ghi chép chỉ có tác dụng khi bạn áp dụng chúng hiệu quả trong buổi học và biết cách ôn tập ngay sau đó.

----------------------------------------------------------

Sau quá trình Chuẩn bị và Rèn luyện các kỹ thuật ghi chép, trong bài viết này, chúng ta sẽ khám phá những chiến thuật cuối cùng: bước Ghi chép trực tiếp và Ôn tập. Theo đánh giá của những trường đại học hàng đầu thế giới, đây là hai bước quan trọng nhất trong quá trình ghi chép và sẽ giúp bạn có sự tiếp thu vượt bậc nếu được áp dụng đúng cách. Hãy khám phá ngay thôi!

IV. Làm sao để ghi chép hiệu quả trong giờ học?

1) Hãy đi theo dòng chảy bài giảng của thầy cô

Mỗi thầy cô trong mỗi môn học đều có phong cách và tốc độ giảng bài khác nhau, vì thế bạn cần thay đổi cách ghi chép của mình cho phù hợp.

Nếu bạn có một ý kiến nào đó trái ngược với bài học và vẫn chưa thỏa mãn với lời giải thích của thầy cô, hãy ghi chú và để lại sau. Đừng để những ý nghĩ mâu thuẫn trong lòng ngăn cản bạn tiếp thu những kiến thức mới, hãy cứ ghi nhận mọi thứ trước đã. Bạn hoàn toàn có thể trao đổi với bạn bè hay giảng viên của mình vào giờ nghỉ hoặc sau giờ học mà.

2) Lắng nghe chủ động

Làm một người nghe chủ động, bạn phải theo dõi bài học để đúc kết được những gì cần lưu ý, thay vì chép hết mọi thứ trên bảng chỉ vì bạn “thấy cái nào cũng quan trọng.”

Hãy chọn lọc thông tin và chỉ ghi những từ khóa chính thôi nhé.

3) Tập trung, tập trung, phải luôn tập trung

Trong chúng ta ai cũng có xu hướng “thả lỏng” đầu óc hơn khi tiếp cận một vấn đề bản thân đã biết từ trước, hoặc một vấn đề họ không mảy may quan tâm tìm hiểu. Chẳng hạn như trong giờ học, nếu giảng viên đang nói về một câu chuyện mà bạn đã biết rồi, hoặc có một sinh viên đặt một câu hỏi mà bạn không hề tò mò muốn biết, bạn sẽ có thói quen nhìn ra cửa sổ, nhìn đồng hồ, hay nói chuyện với bạn bè. Trong lúc đó, thầy cô đã quay trở lại bài học của mình, và bạn bị lệch nhịp lúc nào không hay.

Để giải quyết vấn đề này, bạn cần tập trung nghe kể cả những thứ mình đã biết rồi và ghi chép thật ngắn gọn nội dung đó. Có như vậy, những ý bạn ghi chép sẽ liên kết hơn và không bị “đục lỗ” thông tin. Ví dụ như khi giải một bài toán, bạn phải chép lại cả bài giải chứ đâu thể chỉ chép một vài phần, hoặc chỉ chép đáp án thôi, đúng không?

#Thông tin bị đục lỗ #Đây là đâu và tôi là ai

V. 20 phút ôn tập biến thông tin thành kiến thức

Nếu bạn nào đã theo dõi bài viết Kim Tự Tháp Học Tập chắc chắn cũng biết khả năng thất thoát thông tin trong não bộ chúng ta là cực kỳ cao. Vì thế lời khuyên cho bạn là hãy ôn tập những nội dung đã ghi chép càng sớm càng tốt, hoặc ít nhất là trong vòng 24 giờ sau đó.

Đây sẽ là lúc bạn chỉnh sửa lại quyển sổ ghi chép của mình – hoàn chỉnh các bảng và biểu đồ, tô dạ quang các từ khóa, sửa lỗi chính tả, bổ sung thông tin từ các slide bài giảng hoặc hình chụp trong điện thoại,… Sau đó, hãy đọc lại một lượt và tự tóm tắt nội dung bài.

Bạn có thể dán giấy note lên những đoạn bị viết sai để tiết kiệm thời gian chép lại. Đồng thời, tạo thêm màu sắc trên vở cũng sẽ kích thích khả năng học của bạn hơn đấy.

Nếu cần thiết, hãy viết lại phần ghi chú theo một bố cục hợp lý hơn, hoặc gõ vàp máy tính để dễ lưu trữ và tìm kiếm thông tin sau này. Cách này tuy mất nhiều thời gian hơn, nhưng nó phù hợp với những bạn có thói quen viết không theo trật tự hoặc chưa có kỹ năng ghi chép nhanh trong giờ học.

Bạn có biết:

Những sinh viên tại Đại học Harvard có thể dành ra hàng giờ đồng hồ để ôn tập lại những ghi chú tại lớp của mình. Họ xem đó là một sự đầu tư lâu dài về kiến thức cho bản thân mình. Đối với các sinh viên này, vở ghi chép giống như một quyển sách giáo khoa do chính họ tự tạo ra – một quyển sách hợp ý và chứa những thông tin phù hợp nhất với kiến thức nền tảng của họ.

Tóm lại, qua 3 phần của chuỗi Nghệ Thuật Ghi Chép Thông Minh, bạn đã học được cách chuẩn bị ra sao, khi tiến hành ghi chép và sau khi ghi chép nên làm những gì để có thể hấp thu tối đa những kiến thức mình học được. Internship hy vọng bạn có thể vận dụng thành công những bí quyết và chiến thuật ghi chép này vào thực tế trong thời gian còn đi học, cũng như áp dụng chúng trong quá trình làm việc sau này nhé.

Theo internship.edu.vn

Từ khóa » Cách Trình Bày Vở Sáng Tạo