Nghệ Thuật Là Gì? Cái đẹp Là Gì? - IDesign

“Nghệ thuật là gì? Cái đẹp là gì?” đã trở thành “Câu hỏi của tháng” trên Tạp chí Philosophy Now số 108, phát hành vào tháng Sáu/Bảy năm 2015. Đây có lẽ cũng là câu hỏi mà phần lớn chúng ta khó để đưa ra được một câu trả lời chính xác. Rất nhiều ý kiến thú vị được đưa ra bởi những độc giả của Philosophy Now. Hãy cùng chúng mình xem thử những câu trả được tạp chí lựa chọn gửi đến cho độc giả ngay dưới bên đây nhé!

Đầu tiên, ta phải công nhận một sự thật hiển nhiên: “Nghệ thuật” là một từ, và từ ngữ cùng những khái niệm có liên hệ trực tiếp tới cuộc sống con người và thay đổi ý nghĩa theo thời gian. Có thể thấy, trong quá khứ, nghệ thuật (art) đồng nghĩa với thủ công (craft). Đó là một phạm trù mà bạn có thể trở nên thành thạo thông qua việc luyện tập và làm việc chăm chỉ. Người ta học cách vẽ, điêu khắc, và học về những biểu tượng đặc biệt trong thời đại mà họ sống.

Sau khi Chủ nghĩa Lãng mạn xuất hiện, cùng với đó là sự ra đời của chủ nghĩa cá nhân, nghệ thuật được định nghĩa bằng sự độc đáo. Sáng tạo ra một thứ gì mới mẻ và chưa từng được biết tới trước đây là điều giúp ta xác định đâu mới là nghệ sĩ. Tính cách của người nghệ sĩ trở nên trọng yếu, như chính tác phẩm nghệ thuật vậy.

Đến thời của Chủ nghĩa Hiện đại, cuộc tìm kiếm sự độc đáo khiến giới nghệ sĩ bắt đầu đánh giá lại nghệ thuật. Nghệ thuật có thể làm gì? Nghệ thuật có thể thể hiện điều gì? Ta có thể dùng hội họa để tạo ra trường phái mới hay không (Chủ nghĩa Lập thể – Cubism, hay Chủ nghĩa Vị lai – Futurism)? Ta có thể dùng hội họa để thể hiện những gì phi vật chất không (Chủ nghĩa Biểu hiện Trừu tượng – Abstract Expressionism)? Về cơ bản: có phải bất cứ thứ gì cũng được coi là nghệ thuật hay không?

Cách để cố gắng trả lời cho vấn đề này không chỉ là đánh giá nội tác phẩm nghệ thuật, mà phải nhìn xa hơn, tập trung vào thế giới nghệ thuật: thứ nghệ thuật mà các tổ chức nghệ thuật – nghệ sĩ, nhà phê bình, nhà sử học nghệ thuật, v.v. – sẵn sàng đánh giá rằng đó thực sự là nghệ thuật, và thứ được mang tới công chúng qua các tổ chức ấy, ví dụ như thông qua các triển lãm. Đó chính biểu hiện là Chủ nghĩa Thể chế – nổi tiếng qua những tác phẩm ready-made của Marcel Duchamp.

Chủ nghĩa Thể chế đã phổ cập quan niệm về nghệ thuật phổ biến nhất suốt nửa cuối của thế kỉ XX, ít nhất là trong giới học thuật, và có thể nói rằng nó vẫn góp phần lớn quyết định quan điểm hiện tại của chúng ta về nghệ thuật. Một ví dụ có thể thấy là ở những tác phẩm của nghệ sĩ người Thụy Điển Anna Odell. Trong phân cảnh bộ phim Unknown woman 2009-349701 của mình, có đoạn cô đóng giả bệnh nhân loạn trí để được đưa vào điều trị tại bệnh viện tâm thần. Phân cảnh gây tranh cãi trên diện rộng, và có nhiều người không hề coi đó là nghệ thuật. Nhưng chính bởi vì được tranh luận bởi cộng đồng nghệ thuật gia, tác phẩm thành công trong việc thâm nhập vào thế giới nghệ thuật, để rồi đến nay đã được coi là một tác phẩm nghệ thuật và Odell đã được nhìn nhận như một nghệ sĩ thực thụ.

Đương nhiên, vẫn còn những thành phần cố gắng thoát khỏi sự thống trị của Chủ nghĩa Thể chế, ví dụ như bằng cách từ chối bị chi phối bởi những luật ngầm trong thế giới nghệ thuật. Andy Warhol và Nhà máy của ông là một ví dụ, dù giờ đây, ông hoàn toàn được đón nhận bởi cộng đồng nghệ thuật. Ví dụ tiếp đến là Damien Hirst, một người, khá tương tự Warhol, trả tiền cho người khác để trở thành biểu trưng hữu hình cho các ý tưởng của ông. Ông không dùng những phòng trưng bày hay những đấu trường nghệ thuật được thế giới công nhận để quảng cáo cho tác phẩm của mình, mà thay vào đó, ông bán sản phẩm trực tiếp cho các cá nhân. Cách thức tiếp cận chủ nghĩa tư bản theo cách tự do này là một hình thức tấn công vào quyền bá chủ đã tồn tại trong thế giới nghệ thuật bấy nay.

Vậy tất cả những điều đó dạy gì cho ta về nghệ thuật? Ấy hẳn là, nghệ thuật là một khái niệm nhất thời và không cố định. Nghệ thuật vẫn luôn tồn tại trong đời sống con người, nhưng chủ yếu, ta sẽ chỉ có thể hiểu về nghệ thuật khi tự nhìn lại nó trong thời đại mà chúng ta đang sống.

Theo Tommy Törnsten, Linköping, Sweden

Nghệ thuật là một hành động mà chúng ta làm, nó là một động từ. Nghệ thuật là sự thể hiện suy nghĩ, cảm xúc, trực giác và mong muốn của chúng ta, nhưng còn cá nhân hơn th : nghệ thuật là chia sẻ cách mà con người ta trải nghiệm thế giới này, đối với nhiều người, ấy chính là cách họ bộc lộ một phần nhân cách của bản thân. Đó cũng là sự truyền tải những khái niệm mật thiết khó có thể miêu tả chính xác bằng lời. Và bởi vì chỉ dùng từ ngữ thôi là không đủ, nên ta phải tìm một phương tiện khác để chuyển tải những ý định của mình. Nhưng nội dung mà ta đặt vào phương tiện truyền thông đó về bản chất không phải là nghệ thuật. Nghệ thuật chính là cách ta sử dụng phương tiện ấy, cách mà nội dung được thể hiện ra ngoài, thông qua phương tiện mà ta đã chọn.

Vậy thì cái đẹp là gì? Cái đẹp không chỉ đơn thuần vẻ đẹp bề ngoài: cái đẹp thật sự không chỉ nói về sự mĩ miều. Có hàng tá các bức tranh đẹp mắt ngoài kia tại những cửa hàng trang trí nội thất trong khu phố; nhưng ấy không thực sự được coi là “cái đẹp”; và cũng không khó để tìm thấy nhiều tác phẩm nghệ thuật thể hiện những điều mà chúng ta đều đồng ý rằng chúng vô cùng đẹp đẽ, nhưng không nhất thiết phải là đẹp mắt. Chính xác hơn, “cái đẹp” là thước đo của sự ảnh hưởng, thước đo của cảm xúc. Trong nghệ thuật, “cái đẹp” là giác kế của sự thành công trong việc kết nối giữa những người tham gia vào quá trình sáng tạo nghệ thuật – sự truyền tải khái niệm nghệ thuật giữa nghệ sĩ và người xem. Một tác phẩm nghệ thuật đẹp sẽ là tác phẩm thành công trong việc khắc họa những cảm xúc sâu sắc nhất mà người nghệ sĩ muốn thể hiện, những khái niệm họ muốn truyền tải, dù chúng đẹp đẽ và tươi sáng hay tối tăm và tàn bạo. Nhưng xét cho cùng, cả nghệ sĩ và người xem đều không thể chắc chắn về sự thành công trong việc truyền tải thông điệp ấy. Nên cái đẹp trong nghệ thuật sẽ mãi mãi chỉ là ý kiến chủ quan.

“Nghệ thuật” là nơi mà ta thể hiện những ý nghĩa mà ta không thể nói bằng lời. Nghệ thuật là hoạt động tạo nên ý nghĩa nhờ vào sự thông minh và tinh tế, khơi gợi một phản ứng đáp trả chiếu theo thẩm mỹ người xem. Ấy là một phương tiện giao tiếp khi ngôn từ không còn là đủ để giải thích hoặc miêu tả nội dung mà tác phẩm muốn truyền tải. Nghệ thuật có thể chuyển thể những gì ta thấy và hiểu được những gì trước đây chưa từng được nói thành lời. Bởi những gì nghệ thuật thể hiện và khơi gợi ở người nhìn là những điều khó có thể xác định được chính xác, nên ta cũng khó mà định nghĩa hay phân định được đâu mới là nghệ thuật. Nghệ thuật chỉ được hiểu thông qua trải nghiệm của người xem cũng như chủ đích và cách diễn đạt của người nghệ sĩ. Ý nghĩa của nghệ thuật được tạo nên bởi tất cả những người tham gia vào quá trình thực hiện nghệ thuật, vậy nên chẳng bao giờ có thể được thấu hiểu một cách trọn vẹn. Nó đa dạng và tiếp diễn không ngừng. Ngay cả một sự bất đồng cũng là sức ép đối với nghệ thuật, và chính điều đó cũng đang thể hiện một điều gì đó cho ta.

Nghệ thuật thúc đẩy sự phát triển của một nền văn minh, vừa hỗ trợ củng cố xã hội lại vừa ngăn chặn những thông điệp mong muốn thay đổi chế độ khỏi bị dìm vào im lặng — nghệ thuật dẫn lối, phản chiếu và bóc trần những thay đổi về chính trị và đạo đức. Nghệ thuật đóng vai trò trung tâm trong sự cấu thành của văn hóa, và là nguồn gốc của những tư tưởng và ý tưởng bắt nguồn từ văn hóa, bởi vậy, nó không thể được thấu hiểu hoàn toàn nếu bị đưa ra ngoài ngữ cảnh. Dù sao, có một nghịch lý rằng nghệ thuật có thể giao tiếp vượt qua rào cản ngôn ngữ và thời gian, thu hút sự chú ý của con người nói chung và liên kết các cộng đồng khác nhau. Có lẽ, nếu như một lượng lớn khán giả tham gia tương tác với nhiều nét nghệ thuật truyền thống khác nhau trên khắp thế giới này, chắc rằng nghệ thuật có thể giúp làm tăng thêm sự khoan dung giữa người với người và sự tôn trọng của con người với nhau.

Một khía cạnh khác không thể không nhắc tới của nghệ thuật, đó là nghệ thuật cũng là một loại hàng hóa. Điều này thúc đẩy quá trình sáng tạo nghệ thuật, dù cho nó trở thành động cơ để người nghệ sĩ tạo ra tác phẩm có giá trị kinh tế, hoặc tránh tạo ra chúng, hay chủ động thương mại hóa một trải nghiệm thẩm mỹ. Sự thương mại hóa nghệ thuật cũng ảnh hưởng tới người được coi là đủ trình độ để tạo tác nghệ thuật, nhận xét về nghệ thuật, hay thậm chí là giám định, vì những người hưởng lợi nhiều nhất từ nghệ thuật đều cố gắng giữ giá trị cao cho một “tác phẩm nghệ thuật”. Những ảnh hưởng này góp phần thúc đẩy sự thấu hiểu về nghệ thuật của một nền văn hóa bất cứ lúc nào, và vì thế, khiến những suy nghĩ về nghệ thuật trở nên phụ thuộc nhiều hơn vào văn hóa.

Dù sao, sự thương mại hóa nghệ thuật và vai trò, được kiểm soát một cách chặt chẽ, của những nhà phê bình nghệ thuật cũng làm dấy lên một luồng văn hóa phản kháng trong giới nghệ thuật, thường được thể hiện qua ý kiến rằng những tác phẩm nghệ thuật không được tạo ra với mục đích buôn bán. Sự phân tầng nghệ thuật dựa vào giá trị và áp lực mà nghệ thuật nhận được cũng góp phần gia tăng ý nghĩa của tác phẩm, và ý nghĩa của nghệ thuật nói chung trong xã hội.

Theo Catherine Bosley, Monk Soham, Suffolk

Sự khác biệt cơ bản giữa nghệ thuật và cái đẹp là, nghệ thuật tập trung chủ yếu vào người sáng tạo ra nó, trong khi cái đẹp được quyết định bởi người nhìn vào nó.

Đương nhiên, có rất nhiều tiêu chuẩn về vẻ đẹp khác nhau, là khi ta nói về cái gọi là vẻ đẹp “truyền thống”. Những kẻ thay đổi cuộc chơi – những tay dị biệt, có thể gọi là vậy – là những người đã nhìn vào các tiêu chuẩn của cái đẹp để rồi quyết định đi ngược lại những tiêu chuẩn ấy, có lẽ chỉ để chứng minh quan điểm bản thân. Picasso, Munch, Schoenberg là ba ví dụ. Họ đã thể hiện lập trường cá nhân đi ngược lại những tiêu chuẩn truyền thống trong nghệ thuật của mình. Nếu không phải vậy, thì nghệ thuật của họ cũng chỉ như nghệ thuật của tất cả mọi người: chức năng duy nhất nó mang tới cho đời là để người ta trải nghiệm, thẩm định, và hiểu (hoặc không).

Nghệ thuật là phương tiện để nêu lên quan điểm hoặc cảm nhận, hoặc để tạo lập một góc nhìn mới về thế giới, dù là được truyền cảm hứng từ tác phẩm của người khác hay được tạo tác hoàn toàn mới. “Cái đẹp” là bất kỳ khía cạnh nào của nghệ thuật, hoặc bất cứ thứ gì, khiến một cá nhân cảm thấy tích cực và hạnh phúc. “Cái đẹp” đứng một mình thì không phải là nghệ thuật, nhưng nghệ thuật có thể được tạo ra từ những thứ đẹp đẽ, về những thứ đẹp đẽ, hoặc vì những thứ đẹp đẽ. Ta có thể thấy “cái đẹp” ở một khung cảnh núi non tuyết phủ; nghệ thuật trong tấm ảnh chụp lại khung cảnh ấy mà ta đưa cho gia đình xem, trong bức tranh sơn dầu vẽ lại khung cảnh ấy treo trong triển lãm, hay bản nhạc tái hiện điều ấy qua những nốt nhạc trắng đen.

Dù sao thì, nghệ thuật cũng không bắt buộc phải tích cực: nó có thể cố ý khiến người ta tổn thương hay khó chịu; có thể khiến bạn phải ngẫm nghĩ về những điều mà thường bạn sẽ không nghĩ tới. Nhưng chỉ cần điều ấy khơi gợi một cảm xúc trong bạn, thì đó đã là nghệ thuật.

Theo Chiara Leonardi, Reading, Berks

Những gì mà ta cho là đẹp thì chẳng khi nào có thể làm khó chịu được ta. Ấy là một nhận định cá nhân, một ý kiến vô cùng chủ quan. Một kỉ niệm từ cái lần mà ta phải nhìn chăm chăm vào một thứ gì sao mà đẹp đẽ, một cảnh tượng đẹp đến nao lòng đụng tới mọi giác quan hoặc chỉ là thị giác của ta, một khoảnh khắc sẽ theo ta cả đời mà chẳng thể nào quên. Tôi sẽ không bao giờ quên được lúc mình bước vào ngôi nhà của Balzac nơi đất Pháp: hương huệ tây ngập tràn khiến cho mình tê tái một phút giây. Cơn cảm xúc tràn dâng chẳng thể nói được thành lời. Tôi chẳng lấy làm quan trọng việc tranh luận xem vì sao tôi thấy đóa hoa ấy, bức tranh ấy, hoàng hôn ấy hay cái cách mà những tia sáng chiếu xiên qua cửa sổ kính màu là đẹp. Sức mạnh của những khung cảnh ấy tạo một niềm xúc động trong lòng tôi. Tôi chẳng mong hay lo lắng xem có ai đồng ý với mình hay không. Mà tất cả mọi người có công nhận không, rằng một hành động tử tế cũng là một điều đẹp đẽ?

Một cái gì đẹp đẽ được nhìn nhận qua tổng thể: mọi chi tiết phối hợp hài hoà với nhau tạo nên điều ấy. Chỉ một nét bút đơn thuần trên tấm tranh không khiến ta cảm thấy bị tác động bởi cái đẹp, nhưng tất cả mọi chi tiết bên cạnh nhau, mới tạo nên sự đẹp đẽ ấy. Một đóa hoa hoàn hảo đẹp đẽ khi tất cả mọi cánh hoa cùng nhau tạo nên sự hoàn mỹ; một mùi hương dễ chịu, mê đắm lòng người cũng là một phần của nó.

Để nghĩ về câu hỏi “Cái đẹp là gì?”, tôi chỉ có thể trả lời rằng bản thân tôi là người quyết định điều ấy. Hay nói cách khác, đánh giá của riêng tôi về những thứ đẹp đẽ khiến trái tim tôi rung động là tất cả những gì tôi cần phải biết.

Theo Cheryl Anderson, Kenilworth, Illinois

Nguồn: Question of the Month – Philosophy Now Magazine, Issue 108Lược dịch bởi Artplas

Từ khóa » Cái đẹp