Nghệ Thuật Múa Khèn Của Người Mông - Cục Di Sản Văn Hóa

Nghệ thuật múa Khèn của người Mông

Khèn (tiếng Mông gọi là Khềnh, Kềnh, Kỳ) là nhạc khí thiêng, kết nối giữa cõi trần và thế giới tâm linh của người Mông. Người Mông ở Điện Biên vẫn kể cho nhau nghe về sự tích ra đời của cây khèn, từ việc 6 anh em nhớ cha, làm sáo thổi cho cha nghe, đến lúc không thổi được nữa thì người em út gộp cả 6 cây sáo vào với nhau thành cây khèn như ngày nay.

Việc chế tác, diễn tấu khèn được người Mông coi là chuẩn mực đánh giá phẩm chất, tài năng của các chàng trai. Cùng với thầy cúng, thợ rèn, người làm khèn Mông - thầy khèn luôn được cộng đồng kính trọng. Điều đó đã khẳng định vị trí của cây khèn trong đời sống của người Mông.

Các công đoạn chế tác khèn đều rất quan trọng, mỗi khâu đều đòi hỏi sự tỷ mỷ, kiên trì và khéo léo của người làm, điều này quyết định đến chất lượng, hình dáng, độ bền, đẹp của Khèn. Dụng cụ chế tác khèn gồm: 02 con dao mũi nhọn dùng để cắt, gọt, tỉa và khoét lỗ; 01 con dao lưỡi cong hình lưỡi liềm, có tay cầm hai đầu dùng để bào, gọt thân khèn; 02 đục dùng để khoét thân khèn; đe, búa; 01 dùi sắt dài dùng để thông ống khèn; bộ đồ nấu đồng và khuôn đúc đồng; cục đá mài; kẹp sắt; kéo.

Cây khèn của người Mông được chia thành 2 phần chính: Thân khèn (gồm ống thổi khèn, bầu khèn và đuôi khèn) và ống khèn. Trong mỗi bộ phận chính của khèn còn có nhiều chi tiết như: lỗ thổi - hít, dây đai khèn, lỗ tạo âm, lam khèn (lưỡi gà), lỗ chỉnh âm... Vì vậy, việc chế tác khèn cũng thực hiện theo từng bộ phận.

Chọn gỗ và làm thân khèn: Người Mông thường chọn gỗ Pơ mu để làm thân khèn (Cáng khềnh), có mùi thơm, dẻo, nhẹ, không cong vênh, nứt gãy và không hút ẩm nên rất bền. Gỗ Pơ mu sau khi được xẻ thành miếng phù hợp, để khô được người làm khèn đẽo thô thành hình thân khèn, bào gọt cho bóng, nhẵn. Khi có được thân khèn vừa ý, người làm khèn khéo léo dùng dao tách dọc thân khèn làm hai phần bằng nhau, khoét hai nửa thân khèn thành lòng máng rồi ghép lại với nhau.

Việc khoét lỗ trên thân khèn cũng được thực hiện rất cẩn thận, lỗ đầu tiên được khoét giành cho ống to nhất và ngắn nhất (Tý lùa). Khi làm xong ống to nhất, ngắn nhất, dùng đầu ống tỳ mạnh lên phần bầu khèn tạo nên vết đánh dấu ở vị trí phù hợp, thường dựa vào kinh nghiệm của người chế tác sao cho không quá vào trong hoặc ra ngoài mép và không ảnh hưởng đến vị trí các lỗ còn lại, đồng thời, đảm bảo lỗ khoét vừa vặn với ống khèn, không bị hở hơi. Tiếp theo, dùng dao nhỏ, nhọn đầu khoét cho vòng tròn xuyên qua bầu, lấy ống đã đo xuyên thử qua lỗ khi đã đạt chuẩn khít thì được, rút ống và tiếp tục làm như vậy với 5 ống còn lại.

Làm Đai cố định khèn (thi khềnh) từ vỏ cây đào rừng, đã được để khô và bào mỏng (người Mông gọi là Tớ rờ). Sau quá trình sơ chế, người thợ lấy mũi dao nhỏ đục một lỗ hình tam giác vào chỗ cần làm đai giữ thân, đánh dấu đầu còn lại để cắt khóa ngang khi luồn vào hình tam giác thành vòng đai để lồng vào thân khèn, dịch chuyển vòng đai đúng chỗ cho chắc.

Làm Ống khèn (tý khềnh) bằng cây nứa (loại nứa có măng ngọt), lấy về luộc chín, sau đó phơi nắng hoặc để gác bếp cho khô mới đem ra dùng. Mỗi cây khèn sẽ có sáu ống khèn (một ống to, năm ống nhỏ) với hình dáng và độ dài khác nhau được gắn xuyên qua các lỗ tương ứng đã khoét sẵn trên bầu khèn, phần xuyên qua phía sau bầu khèn của các ống là bằng nhau, phần chính phía trước bầu khèn sẽ có độ dài khác nhau, gồm các ống (tính theo độ dài tăng dần): Tý lua (là ống to, thẳng và ngắn nhất), tiếp đến là ống tý ty, ống tý trù, ống tý bồ ca, ống tý trù ca và ống tý bồ (ống dài nhất). Các ống nhỏ được hơ vào lửa cho nóng, mềm, sau đó uốn cong lắp vào bầu khèn, phần ống đuôi các ống phải thẳng, đều, phần trước cong lên tạo dáng mềm mại cho cây khèn.

Người Mông ở Điện Biên thường phân loại khèn thành 2 loại: loại lớn có kích thước hơn 5 gang tay của người chế tác; loại nhỏ có kích thước 3 gang tay. Ống Tý lua có độ dài bằng 1/2 ống Tý bồ. Ống Tý ty bằng độ dài ống to nhất cộng thêm một gang tay to (tính từ đầu ngón cái đến đầu ngón giữa) nếu là khèn to, cộng thêm một gang tay nhỏ (tính từ đầu ngón cái đến đầu ngón trỏ) nếu là khèn nhỏ. Ống Tý chù có độ dài bằng ống Tý ty cộng với độ dài phần đuôi của các ống thò qua bầu khèn. Ống Tý bồ có độ dài bằng độ dài ống Tý chù cộng thêm 1/2 gang tay to hoặc gang tay nhỏ. Ống Tý chù bằng độ dài của ống Tý bồ cộng thêm 1/2 gang tay to hoặc gang tay nhỏ. Ống Tý bồ là ống nhỏ, dài nhất, có độ dài gấp đôi ống Tý lua.

Trước khi được gắn vào bầu khèn, từng ống khèn đã được người làm khèn chế tác thành từng cây sáo độc lập, có một quãng độ âm thanh trầm bổng khác nhau, được ghép thành khèn. Âm thanh từ mỗi ống khèn có ý nghĩa quyết định đến chất lượng âm thanh, để có được âm thanh như ý thì việc chế tác và lắp lam khèn (lưỡi gà) trên mỗi ống khèn cực kỳ quan trọng. Vị trí lắp lam khèn sẽ được đặt hoàn toàn bên trong bầu khèn, khi thổi, bầu khèn là nơi chuyền hơi từ người thổi cùng lúc đến các ống khèn tạo nên âm thanh tổng hòa của khèn. Bên cạnh đó, trên mỗi ống khèn lại được khoét thêm một lỗ nhỏ phù hợp với vị trí cầm, điều khiển khèn cũng như điều chỉnh âm thanh cho từng bài khèn khác nhau.

Đúc đồng và lam khèn (lưỡi gà): Để có được lam khèn tốt, người chế tác phải tự nấu đồng và đúc đồng từ những dạng nguyên liệu thô thành những miếng đồng vừa ý, sau đó rèn thành những lá đồng mỏng, khi tung nhẹ lá đồng lên không trung nếu thấy lá đồng rung đều, phát ra âm thanh trong sáng, vang rền là có thể cắt dùng làm lam khèn. Người chế tác khèn lắp các ống sáo vào thân khèn, đánh dấu vị trí để khoét lỗ đặt lam khèn. Dùng kéo cắt một lát đồng đã được đúc sẵn, dài khoảng 25 cm, rộng khoảng 1cm, sau đó dùng búa, đe để tán mỏng, đút thanh đồng vào tro nóng, rồi lại mang ra tán, cứ tán như thế đến khi thanh đồng mỏng như ý muốn. Thử thanh đồng bằng cách dùng hai ngón tay bật thanh đồng xuống nền nhà, nghe độ vang của thanh đồng khi văng xuống đất. Sau đó đo lá đồng vào từng vị trí, lấy kéo cắt đoạn nhỏ vừa với lỗ khoét trên ống khèn, miếng lam khèn được cắt xẻ thành hình giống như lưỡi gà được cài thử vào vị trí đã được khoét trên ống, được người chế tác thử nhiều lần và chỉnh sửa đến âm thanh vừa ý, đạt chuẩn thì sẽ được lắp cố định vào ống khèn và xuyên vào bầu khèn.

Thời gian để chế tác, lắp ráp các bộ phận, thử và chỉnh sửa âm thanh, hoàn thiện một cây khèn, không tính thời gian chuẩn bị, sơ chế các nguyên vật liệu cũng mất nhiều ngày, tùy vào kỹ năng của người làm, có thể mất từ 3 đến 7 ngày liên tục. Quá trình này đòi hỏi người làm phải thành thạo rất nhiều thao tác kỹ thuật, khả năng cảm thụ âm thanh tinh tế, con mắt thẩm mỹ và tỉ mỉ, cẩn trọng.

Khèn Mông vừa là một loại nhạc cụ thuộc bộ hơi, đồng thời cũng là đạo cụ múa. Cách thổi: ngón cái ống to; ngón trỏ ống 2; ngón giữa ống 3; ngón 4 và ngón út giữ cây khèn. Các ngón tùy theo bài để bịt và nhả. Đối với Khèn Mông khi ngón bịt lỗ âm mới kêu, bỏ ngón ra không kêu. Khi thổi, âm thổi ra hít vào đều được, khèn không thổi được những giai điệu nhanh, chỉ thổi tốc độ vừa phải.

Khèn Mông giữ vai trò đặc biệt quan trọng trong tín ngưỡng của người Mông, điều này thể hiện qua đám tang của họ. Khi trong làng có người qua đời, chủ nhà thường mời các thầy khèn có uy tín, hiểu nhiều, biết rộng đến giúp. Trong mỗi đám tang, gia đình tang chủ có thể mời hai hoặc bốn thầy khèn, vai trò như thầy cúng và các nghi lễ đều được thực hành thông qua tiếng khèn.

Tùy vào thời gian diễn ra đám tang mà các nghệ nhân thổi những bài khèn khác nhau, với các giai điệu trầm, chậm, chân bước chậm nhẹ nhàng, vòng qua vòng lại tại chỗ. Họ có thể thổi khèn theo giờ (giờ ăn cơm trưa và tối), liên tục từ hai đến bốn ngày. Một bài khèn kéo dài từ 15 - 30 phút, người Mông ở Điện Biên thường thổi các bài khèn chính sau:

Kềnh “tu sía” (Khèn tắt hơi thở) có nhiều đoạn, đoạn đầu tiên hỏi người chết đã chết thật chưa, sau đó sẽ chỉ dẫn cho người chết về với tổ tiên, đồng thời thông báo ma nhà biết về người vừa mất, thể hiện tình cảm xót thương của gia đình.

Kềnh “Cha nềnh” (lên ngựa, nhập quan) để chỉ cách lên ngựa, chuẩn bị lên đường về với tổ tiên.

Kềnh “cho chia” (Bàn giao con vật nuôi) để cho con vật đi cùng làm bầu bạn ở thế giới bên kia. Nếu người chết còn trẻ, chưa có con cái thì nghi thức tổ chức đám nhỏ, do đó sau khi nhập quan là bàn giao vật nuôi. Nếu người chết lớn tuổi, có con cái, dâu rể thì bài này sẽ thổi lại lần nữa sau khi đã bàn giao vàng bạc, vì người nhà sẽ cho vật nuôi to (bò, trâu).

Kềnh tầu súa (khèn chống giặc), lúc đầu thầy thổi khèn ở trong nhà, sau liên tục đổi hướng về các lối ra vào trong nhà. Một người đàn ông khỏe mạnh cầm một chiếc nỏ đi trước, Thầy khèn đi sau ra ngoài thổi và đi xung quanh nhà, 7 vòng hay 9 vòng tùy vào từng dòng họ.

Kềnh “nào sài/nào su/nào mo” (bài ăn sáng/trưa/tối) được thổi để thông báo cũng như mời người chết ăn. Bài có nội dung như nhau, chỉ khác từ “sáng/trưa/tối”.

Kềnh “châu xú kềnh/ua háu khua chầu” (Bài tạ ơn khách đến viếng) để cám ơn khách đến viếng, cho của cải, tiền bạc.

Kềnh “lớ tớ” (bàn giao vàng bạc) là bài khèn bàn giao vàng bạc của gia đình, của khách đến viếng cho người chết, vừa thổi, vừa đốt vàng mã. Đường đi gặp tổ tiên rất dài và gian nan, vất vả, người chết cần có tiền để sử dụng; đến nơi cũng phải có tiền để mua ngựa cưỡi, trâu cày...

Kềnh “chênh tổng tu tuag” (chuẩn bị đưa tiễn) để thông báo cho người chết về việc chuẩn bị lên đường về với tổ tiên, dặn dò người chết đi đúng đường để trở thành người tốt, dặn dò con ngựa của người chết đưa người chết đi đúng đường về với tổ tiên. Làn điệu này được thổi trong nhà, lúc chuẩn bị đưa người chết ra khỏi nhà, người thổi đi xung quanh trống, hướng về người chết, hướng ra cửa chính, quay về nhảy quanh trống.

Kềnh “Chênh tổng đa và chê” (đưa tiễn người chết) để thông báo cho ma nhà, xử ka, ma cửa, ma bếp... về việc sẽ đưa tiễn người chết đi, các loại ma nhà không sợ hãi, đồng thời né tránh dọn đường.

Kềnh “phi nềnh tở” (tiễn đưa người chết đi chôn cất). Thầy khèn dẫn đường đi trước cùng với 1 người cầm thanh củi đang cháy để chỉ dẫn đường, đi được một đoạn người cầm thanh củi và thầy khèn sẽ làm lý giấu dấu vết. Sau đó đoàn người tiếp tục đưa tiễn người chết đi chôn, kết thúc bài khèn trong đám tang.

Ngoài ra, trong đám tang thầy khèn còn thổi các bài như: Kềnh tò khua (đón khách), Kềnh ua khua (giao lễ vật của khách), khèn xin rượu, xin nước…

Người Mông còn có các bài khèn khi làm giỗ, làm ma khô. Sau khi chôn cất người chết được 13 ngày trở lên, gia đình chuẩn bị đủ sẽ tổ chức lễ siêu thoát (ma khô) cho người chết. Tại nghi lễ này, thầy khèn sẽ thổi bài Kềnh tro p’lì (lễ siêu thoát/ma khô) mời gọi hồn vía người chết về nhà để làm lễ siêu thoát linh hồn cho người chết về với thế giới bên kia được yên ổn, không lưu luyến, vương vấn nơi trần thế. Người mất nhưng vẫn phù hộ cho con cái nên khi có điều kiện, gia đình sẽ làm lễ tạ ơn bố, mẹ, những người đã khuất với lễ vật là một con bò, mời thầy khèn thổi bài Kềnh nhủ đăng (ma bò).

Trong các sinh hoạt khác của người Mông, chiếc khèn đã trở thành một phương tiện để người Mông chuyển tải những nỗi niềm, tâm tư vui buồn trong cuộc sống với các bài khèn như: Bài khèn mồ côi vợ/ chồng; bài khèn không có anh em, người thân; bài khèn mừng năm mới.

Trong các sinh hoạt văn hóa, thổi Khèn đi đôi với các vũ đạo múa. Khèn không chỉ múa một người, mà có thể nhiều người múa khèn cùng nhau bằng các động tác xoay, lộn, đá chân rất đều, đẹp và khỏe khoắn, phù hợp với giai điệu của khèn. Trong múa khèn của người Mông các động tác, tư thế được sáng tạo một cách ngẫu hứng, thăng hoa. Động tác múa khèn rất đa dạng, phong phú, gồm: múa nhảy đưa chân, quay đổi chỗ, quay tại chỗ, vờn khèn, lăn nghiêng, lăn ngửa, múa ngồi xổm, đi tiến, đi lùi theo bốn hướng, mỗi bước tiến, lùi làm sao chỉ để chân này chạm gót chân kia. Động tác cơ bản là khom lưng, quay hất gót tại chỗ và quay hất gót di động trên vòng quay lớn rồi thu hẹp dần theo hình xoắn ốc…, với tốc độ nhanh, điêu luyện. Múa khèn mô phỏng các bước nhẩy khéo léo của trò chọi gà, động tác xua đuổi thú dữ, hành động chống lại sự xâm chiếm của các tộc người khác, với nhiều động tác khỏe mạnh, đẹp mắt. Hình thức tạo hình trong múa khèn luôn chuyển động thành nhiều tư thế đẹp, cân đối và vững chắc, có thể trọng lượng dồn lên hai chân hoặc một chân song động tác luôn mở, thể hiện sức mạnh, tài khéo léo của các chàng trai

Khèn hiện hữu trong mọi hoàn cảnh sống của người Mông, tuy vậy, việc học thổi khèn Mông rất khó, dù học nhiều cũng khó có thể am hiểu hết được những giai điệu của khèn. Để trở thành một người thổi khèn giỏi, người con trai Mông phải tập khèn từ lúc tuổi còn rất nhỏ, phải có quá trình rèn luyện để có thân hình khỏe, mềm dẻo, nhịp nhàng, nhưng quan trọng hơn cả là cách lấy hơi, rèn khí để hơi được sâu, được dài. Người thổi khèn có tài, không chỉ ở chỗ thổi luyến láy, tô điểm nốt nhạc khèn cơ bản mà còn phải biết thổi nhiều điệu khèn khác.

Khèn là nhạc cụ độc đáo thể hiện tâm linh, tín ngưỡng truyền thống và là vật linh thiêng trong các nghi lễ của người Mông. Trong đám tang, các bài khèn và múa khèn thể hiện lòng tiếc thương của con cháu đối với người đã khuất, nhắc nhở con cháu nhớ về công lao của người đã khuất, về cội nguồn dân tộc. Múa và thổi khèn trong đám ma vừa thể hiện tính nhân văn, vừa thể hiện tính nghệ thuật, không chỉ cho người Mông niềm tin vào cuộc sống mà còn thỏa mãn những nhu cầu tâm linh của họ. Chế tác và diễn xướng các bài khèn góp phần bảo tồn và phát huy giá trị di sản của người Mông trong đời sống hiện nay. Khèn trong sinh hoạt văn hóa góp phần thỏa mãn nhu cầu tinh thần của người Mông, được thể hiện tài năng, bày tỏ tình cảm… với cộng đồng. Nghệ thuật trình diễn khèn được sáng tạo một cách ngẫu hứng, thăng hoa mang đậm bản sắc văn hóa dân gian Mông. Người múa thể hiện cảm xúc sáng tạo nội tâm mạnh mẽ.

Với giá trị tiêu biểu, Nghệ thuật múa khèn của người Mông được Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia theo Quyết định số 65/QĐ-BVHTTDL ngày 12 /01/2022./.

Dương Anh

(Theo Hồ sơ tư liệu, Cục Di sản văn hóa)

Từ khóa » Cây Khèn Của Người Mông Gồm Mấy ống Hơi