Nghệ Thuật Múa Khèn Của Người Mông - Cục Di Sản Văn Hóa

Nghệ thuật Múa khèn của người Mông

Múa khèn (Tang quây) của đồng bào dân tộc Mông ở tỉnh Bắc Kạn thuộc loại hình nghệ thuật trình diễn dân gian, đã có từ lâu đời và được lưu truyền qua nhiều thế hệ.

Đối với người Mông, khi múa khèn không thể thiếu được loại nhạc cụ do chính họ làm ra, đó là khèn Mông. Với cây khèn độc đáo này, người chơi có thể thổi hơi ra, có thể hít hơi vào. Khèn cũng là đạo cụ múa có cấu tạo phù hợp với dáng khum người và các thế quay, nhảy. Nghệ nhân múa khèn với những bước nhún, bước đảo, bước quay hoặc vừa ôm khèn, vừa lăn mình trên đất tạo nên vũ đạo rất đẹp. Tiếng khèn dường như đã trở thành một phương thức để người Mông chuyển tải, thổ lộ những tâm tư nguyện vọng của mình,...

Bắt nguồn từ phong tục, tập quán mà khèn Mông có rất nhiều chủ đề và bài bản. Với tiếng khèn vui, người Mông mời gọi bạn đi chơi xuân, gọi bạn xuống chợ, chúc nhau những điều may mắn,... còn khi buồn, tiếng khèn chậm và trầm, thường thổi trong đám ma để chia buồn cùng gia đình, để tiễn đưa người mất sang bên kia thế giới,… Tiếng khèn vui khiến người nghe có cảm giác hưng phấn, rạo rực, nhưng tiếng khèn buồn có thể khiến người nghe cảm thấy xúc động mạnh mẽ.

Người Mông thường múa khèn khi có đám tang, đám giỗ hoặc trình diễn trong lễ hội. Hiện nay, múa khèn còn được dùng biểu diễn trong những dịp sinh hoạt văn hóa, văn nghệ tại địa phương.

Múa khèn trong đám tang, đám giỗ:

Khèn Mông giữ vai trò đặc biệt quan trọng trong tín ngưỡng của người Mông, điều này thể hiện qua đám tang của họ. Khi trong làng có người qua đời, chủ nhà thường mời các thầy khèn có uy tín, hiểu nhiều, biết rộng đến giúp. Trong mỗi đám tang, gia đình tang chủ có thể mời hai hoặc bốn thầy khèn. Các nghệ nhân thổi khèn đóng vai trò như thầy cúng và các nghi lễ đều được thực hành thông qua tiếng khèn.

Tùy vào thời gian diễn ra đám tang mà các nghệ nhân thổi những bài khèn khác nhau. Họ có thể thổi khèn theo giờ (giờ ăn cơm trưa và tối), liên tục từ hai đến bốn ngày. Một bài khèn kéo dài từ 15 - 30 phút. Những lúc nghỉ ngơi hay khi có người đến viếng, họ lại thổi một bài riêng cho phù hợp với hoàn cảnh.

Đám tang của người Mông không buồn bã, thê thảm như đám tang của một số tộc người khác. Khi thầy trống, thầy khèn múa thì người thân, cùng người đến dự đám tang cũng nhảy múa theo, bởi người Mông quan niệm, nếu không có tiếng khèn thì linh hồn người chết sẽ không về được với tổ tiên. Những động tác múa của thầy khèn trong đám ma là đi khom, xoay vòng xung quanh quan tài, vừa thổi khèn vừa đi. Thầy dùng khèn để lạy người chết. Thổi được 20 phút thì gia đình lại rót rượu mời thầy. Có thể vì chút hơi men mà tiếng khèn càng thêm da diết.

Đám giỗ người Mông được diễn ra sau đám tang 13 ngày và không thể thiếu thầy khèn, vì thày khèn là người chủ trì đám giỗ. Trong ngày giỗ, gia đình có người mất phải chuẩn bị một mâm lễ để cầu linh vị của người mất. Bắt đầu nghi lễ, thầy khèn thổi khèn đi vòng trong nhà rồi đi ra ngoài ngõ. Người thân trong gia đình người mất bưng mâm cầu linh vị đi sau thầy khèn rồi đặt ở trước ngõ. Thầy vừa thổi khèn vừa đi, với động tác cơ bản là đi khom lưng, rồi quỳ thổi khèn trước mâm cầu linh vị. Việc đưa linh vị người mất ra ngoài ngõ mang ý nghĩa mời linh hồn của người mất về để gia đình làm giỗ, thổi hết bài cũng là lúc mời được linh hồn của người mất về. Thầy khèn tiếp tục thổi, gia đình đưa mâm cầu linh vị để đưa linh hồn người mất vào trong nhà. Lúc này, người thân, anh em họ hàng của người đã mất tập trung bên mâm cầu linh vị khóc. Thầy khèn quỳ trước mâm cầu linh vị thổi khèn, thể hiện sự đau xót, tiếc thương của gia đình đối với người đã mất. Sau khi tổ chức xong đám giỗ, coi như linh hồn vủa người mất đã được về thế giới bên kia và họ thường rất ít khi nhắc đến người mất bởi người Mông không có tục thờ cúng tổ tiên.

Múa khèn trong lễ hội, sinh hoạt văn hóa, văn nghệ:

Đối với đồng bào dân tộc Mông, trong những dịp lễ hội, Tết đến xuân về không thể thiếu tiếng khèn, cùng với những trò chơi dân gian. Đây được coi như là linh hồn của người Mông gửi gắm và thể hiện tiếng lòng của mình với bạn bè, với cộng đồng, với thiên nhiên, núi rừng và thể hiện giá trị văn hóa, làm nên bản sắc độc đáo riêng của người Mông.

Các bài biểu diễn múa khèn bao giờ cũng có nội dung vui nhộn, mang ý nghĩa chúc tụng và mời bạn bè cùng tụ họp, vui chơi. Tiếng khèn làm quên đi những khó khăn, vất vả sau một năm chăm chỉ lao động mệt nhọc, góp phần gắn kết tình bạn, tình yêu, tình làng xóm với nhau.

Dường như để chống chọi, thích nghi với sự khắc nghiệt của thiên nhiên, tiếng khèn của người Mông cũng mạnh mẽ, kiên cường như cuộc sống của họ. Tiếng khèn ngấm vào máu thịt, như là phần hồn của người Mông. Người thổi được khèn và biết múa khèn thường đã trải qua một quá trình lao động nghệ thuật bền bỉ, công phu, kiên trì. Bởi khi vừa thổi vừa múa đòi hỏi phải sử dụng nhiều động tác vô cùng nhuần nhuyễn.

Động tác múa khèn rất đa dạng, phong phú: múa nhảy đưa chân, quay đổi chỗ, quay tại chỗ, vờn khèn, lăn nghiêng, lăn ngửa, múa ngồi xổm, đi tiến, đi lùi theo bốn hướng, mỗi bước tiến, bước lùi làm sao chỉ để chân này chạm gót chân kia. Động tác cơ bản là khom lưng, quay hất gót tại chỗ và quay hất gót di động trên vòng quay lớn rồi thu hẹp dần theo hình xoắn ốc…, với tốc độ càng nhanh càng điêu luyện. Đối với các bài khèn vui chơi thì động tác nhảy, múa mãnh liệt, phóng khoáng và khó hơn, như lăn nghiêng, lăn ngửa, đá gà, đá ngựa, nhảy ngồi xổm, tay nọ vỗ vào chân kia, tay kia vỗ vào chân nọ, tiếng vỗ phải kêu, mà tiếng khèn vẫn không dứt.

Học thổi khèn Mông rất khó, dù học nhiều cũng khó có thể am hiểu hết được những giai điệu của khèn. Để trở thành một người thổi khèn giỏi, người con trai Mông phải tập khèn từ 12 - 13 tuổi, có thân hình khỏe, mềm dẻo, nhịp nhàng, nhưng quan trọng hơn cả là cách lấy hơi, rèn khí để hơi được sâu, được dài.

Nghệ thuật Múa khèn của người Mông còn thể hiện tính cố kết cộng đồng, tinh thần đoàn kết trong đời sống cộng đồng. Tiếng khèn ngấm sâu vào tâm hồn người Mông, thân quen như thắng cố, mèn mén, rượu ngô hay tất cả những gì thân thuộc nhất đã gắn bó với họ từ lúc sinh ra.

Bên cạnh đó, nghệ thuật Múa khèn của người Mông cũng chứa đựng những sáng tạo mang tính khoa học độc đáo, được biểu hiện qua tiết tấu đa dạng, biến hóa khi thổi khèn kết hợp với vũ điệu uyển chuyển, nhịp nhàng khi múa.

Với những giá trị lịch sử, văn hóa và khoa học đặc sắc của nghệ thuật Múa khèn của người Mông, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã quyết định đưa di sản văn hóa phi vật thể này vào Danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, loại hình Nghệ thuật trình diễn dân gian năm 2015./.

Hoàng Phúc (Theo Hồ sơ di sản, Tư liệu Cục Di sản văn hóa)

Từ khóa » Cây Khèn Tiếng Khèn Có ý Nghĩa Như Thế Nào đối Với Người Mông