Nghệ Thuật Nhân Lên Sức Mạnh Tinh Thần Việt Nam Trong Thời đại Dịch

Các thế hệ nghệ sĩ hội tụ trong MV “Sức mạnh Việt Nam” cổ vũ tinh thần chống dịch.Ảnh: VTV
Các thế hệ nghệ sĩ hội tụ trong MV “Sức mạnh Việt Nam” cổ vũ tinh thần chống dịch.Ảnh: VTV

Các tác phẩm nghệ thuật thuộc nhiều loại hình nghệ thuật khác nhau có nội dung liên quan đến chống dịch Covid-19 ra đời trong thời gian này, đã khởi nguồn từ tinh thần ấy.

Nghệ thuật cổ truyền chung sức

Một ngày cuối tháng 8-2021, Nghệ sĩ Nhân dân (NSND) Nguyễn Tiến Dũng, Giám đốc Nhà hát Múa rối Việt Nam gọi điện tới nghệ sĩ Mai Tuyết Hoa chia sẻ việc anh muốn sử dụng tác phẩm “Tiêu diệt Corona” để làm một tiết mục múa rối. Tất nhiên, nghệ sĩ Mai Tuyết Hoa rất sẵn sàng với đề xuất này, bởi lẽ, sẽ góp phần lan tỏa những thông điệp tích cực về phòng, chống dịch ra nhiều đối tượng công chúng. “Tiêu diệt Corona” là một bài xẩm sai của soạn giả Nguyễn Quang Long được nhóm Xẩm Hà Thành giới thiệu từ năm 2020. Với chất dí dỏm, hài hước mà lại đanh thép, “Tiêu diệt Corona” đã được công chúng đón nhận.

Hát xẩm là một trong rất nhiều loại hình nghệ thuật truyền thống góp mặt trong chiến dịch tuyên truyền này. Sôi nổi nhất có lẽ là nghệ thuật hát chèo. Từ Thái Bình, các nghệ sĩ nhí của Trung tâm Thanh thiếu niên tỉnh đã nhanh chóng thực hiện ca cảnh “Chống dịch như chống giặc”, với ê-kíp thực hiện gồm tổng đạo diễn Vũ Hằng Nga, tác giả Hồng Vân, âm nhạc Đình Tân. Ca cảnh chèo này có độ dài hơn 8 phút, sử dụng các làn điệu xẩm xoan, cách cú và ngũ phúc để lồng phần lời có nội dung liên quan đến việc chống dịch Covid-19. Theo nghệ sĩ Vũ Hằng Nga, việc sử dụng 3 làn điệu này tạo hiệu ứng rất tốt, lan tỏa tới từng người nghe, cách phòng, chống dịch dễ nhớ, dễ hiểu.

Cũng trong làng chèo, nhiều soạn giả đã biên soạn bài mới và nhanh chóng giới thiệu tới công chúng như: Soạn giả Mai Văn Lạng với tác phẩm “Bài ca chống giặc” theo làn điệu xẩm xoan; soạn giả Trương Công Đinh với bài “Phòng chống giặc covid” theo làn điệu đào liễu; NSND Tự Long giới thiệu bài chèo “Vượt hết chông gai”, cũng theo làn điệu đào liễu...

Nghệ thuật hát văn cũng góp sức tuyên truyền rất đáng kể. “Cô hồn, cô vít, cô đơn/ Trong ba cô ấy sợ hơn cô nào?”, những câu thơ được lồng điệu hát văn của NSƯT Đình Cương chừng như vui đùa, tếu táo nhưng cũng truyền tải được thông điệp về tác hại đáng sợ, cần xa lánh của loại virus hủy diệt này. Ngoài “Sợ cô nào”, NSƯT Đình Cương còn có bài “Hướng về tâm dịch miền Nam” khá thú vị. Nghệ sĩ Duy Chèo cũng giới thiệu bài hát văn “Cuộc chiến Covid trường kỳ”. Soạn giả Nguyễn Sỹ Sang có bài “Kinh Bắc chung lòng chống dịch” được nhiều nghệ sĩ thể hiện. Trong khi đó, nghệ nhân hát văn Hoài Thanh đã thể hiện khá thành công bài hát văn “Niềm tin quyết thắng Covid”...

Nghệ thuật và các nghệ sĩ cải lương cũng không đứng ngoài cuộc. NSƯT Hoàng Tùng nhanh chóng giới thiệu tác phẩm “Chiến sĩ ngành y niềm tin chiến thắng” của soạn giả Lê Thế Song. Trong khi đó, ở phương Nam, nhiều nghệ sĩ cải lương nổi tiếng như: Thoại Mỹ, Kim Tử Long, Phương Hồng Thủy, Võ Minh Lâm, Quế Trân, Ngọc Huyền... cùng thể hiện liên khúc “Sài Gòn, ngày vui trở lại” của soạn giả Tô Thiên Kiều-Quốc Nguyễn. Ngay từ những đợt ảnh hưởng bởi dịch bệnh đầu tiên, lấy cảm hứng từ bài “Ông bà anh” của Lê Thiện Hiếu, NSND Bạch Tuyết đã giới thiệu tới công chúng bài “Ông bà anh thời Covid-19” phiên bản vọng cổ, tạo nhiều sự thích thú cho khán giả khắp nơi.

Ngay cả nghệ thuật kinh điển của Việt Nam là ca trù cũng tham gia vào cuộc chiến Covid-19. Nghệ nhân dân gian Nguyễn Văn Khuê, Chủ nhiệm Giáo phường ca trù Thái Hà đã sáng tác bài “Hỏi con Covid” theo thể cách gối hạc. Vẫn là những thể cách, những quy định theo đúng niêm luật, nhưng khi vào nội dung tuyên truyền, ca trù như có thêm phần dí dỏm. Chẳng hạn mở đầu bài bằng đoạn mưỡu có nội dung: “Này này con covid kia ơi/ Hỏi mày lây nhiễm khắp nơi thế nào?/ Gió ơi bắt nó giam vào/ Để tôi cho nó mấy hào vaccine”.

Nhạc trẻ xông pha

Trong ngôi nhà chung của nghệ thuật Việt Nam cùng đồng lòng, đồng sức chống dịch sôi nổi nhất và nhóm nghệ sĩ hoạt động nổi bật đó chính là nhạc trẻ. Có rất nhiều ca khúc được sáng tác theo đúng phong cách âm nhạc của giới trẻ hiện nay đã góp phần tích cực trong việc lan tỏa những thông điệp của công tác phòng, chống dịch.

Đầu tiên phải nhắc tới ca khúc đình đám nhất trong thời gian đầu nước ta chịu ảnh hưởng từ đại dịch là bản cover “Ghen Cô Vy” của nhạc sĩ Khắc Hưng, do hai ca sĩ Eric và Min thể hiện. Ca khúc này có giai điệu quen thuộc với giới trẻ từ trước đó, lại có lời ca đáng yêu, rất trẻ trung vì thế nhanh chóng được lan tỏa. Không chỉ có vậy, từ ca khúc, vũ công Quang Đăng đã sáng tạo ra vũ điệu rửa tay rất bắt mắt. Cũng từ đó, vũ điệu rửa tay trên nền âm nhạc “bắt tai” đã rất nhanh chóng lan tỏa rộng khắp không chỉ với giới trẻ trong nước mà còn lan ra phạm vi khu vực và sau đó là nhiều nơi trên thế giới. Thậm chí, nhiều đài truyền hình nổi tiếng của Hàn Quốc, Mỹ cũng nhắc tới tác phẩm này một cách rất đáng yêu và trân trọng.

Tiếp nối, thêm nhiều ca khúc nằm trong chủ đề phòng, chống dịch ra đời nhưng thuộc mảng đề tài khác nhau, chẳng hạn ca sĩ Nguyễn Phi Hùng ra mắt MV “Bao la những trái tim hồng”, Vicky Nhung ra mắt MV “Màu áo anh hùng” để cảm ơn những anh hùng áo trắng; ca sĩ Thanh Cường ra mắt MV “Em đã làm gì cho Tổ quốc hay chưa”, “Covid nhanh đi đi” (K-ICM)... Bên cạnh đó, nhiều ca khúc mang tinh thần tập thể được thể hiện bởi sự góp giọng của nhiều ca sĩ được công chúng đón nghe như: “Việt Nam sẽ chiến thắng” (Nguyễn Hải Phong), “Chung tay Việt Nam” (Kelvin Chính), “Chung tay phòng chống corona” (Lê Hồng Phúc)...

Từ giữa năm 2021, tình hình dịch bệnh tiếp tục có những diễn biến phức tạp, thời điểm này có thêm nhiều ca khúc có chủ đề liên quan đến cuộc chiến phòng, chống dịch. Nhiều ca khúc mang tinh thần trẻ trung được công chúng yêu mến, ví như “Bài ca khu cách ly” (Nguyễn Văn Chung). Tuy nhiên, do một trong những địa phương chịu ảnh hưởng nặng nhất trong đợt dịch thời điểm này là TP Hồ Chí Minh, vì thế, những ca khúc sáng tác trong chủ đề này có những thay đổi đáng kể. Xuất hiện thêm đề tài mới, đó là mảng đề tài liên quan đến Thành phố mang tên Bác.

Các ca khúc ra đời lập tức được sự đón nhận và ngân vang trong lòng công chúng như: “Sài Gòn, xin lỗi, cảm ơn” (Khắc Việt), “Sài Gòn hẹn một ngày sớm thôi” (Nguyễn Thanh Nhật Minh), “Sài Gòn tôi sẽ” (Nguyễn Thái Dương)... Có một điểm rất đáng nói ở những ca khúc viết về đề tài TP Hồ Chí Minh trong chủ đề phòng, chống dịch là hướng đến cộng đồng, có giai điệu, tiết tấu sôi động, có tính tập thể cao và bên cạnh đó có nhiều ca khúc mang tính tự sự, trữ tình. Nó như lời tâm sự, chia sẻ về một thành phố vốn náo nhiệt giờ bỗng “bị bệnh” và cần nghỉ ngơi, để rồi gửi gắm mong ước mảnh đất và con người nơi đây sẽ sớm trở lại bình thường như xưa. Chủ yếu các ca khúc này được sáng tác bởi những nghệ sĩ trẻ cho nên từ giai điệu âm nhạc đến lời ca đều phù hợp với giới trẻ hiện nay.

Có thể nói, việc sáng tác tác phẩm về chủ đề Covid-19 hiện nay đang nở rộ như một trào lưu, nó diễn ra ở khắp mọi nơi, từ thành thị đến nông thôn, từ miền xuôi đến miền ngược, trải dài và rộng khắp Bắc, Trung, Nam. Đồng thời có sự góp mặt của đa dạng các loại hình nghệ thuật, từ cổ truyền cho đến đương đại, trong sự sáng tạo, nhanh nhạy thích ứng và tâm huyết cống hiến của nghệ sĩ. Rõ ràng sự đa dạng những tác phẩm nghệ thuật chuyển tải chủ đề phòng, chống dịch Covid-19 được ra đời trong thời gian vừa qua đã góp phần lan tỏa tinh thần quyết tâm, chia sẻ tâm tư, nguyện vọng. Tất cả những tác phẩm đó đã thực sự là một người bạn tinh thần đồng hành với mỗi chúng ta trong quyết tâm chung của cả đất nước là khống chế dịch bệnh để cuộc sống sớm trở lại như bình thường.

Sau thời kỳ ảm đạm, nghệ thuật biểu diễn sẵn sàng cho ngày mở màn

Từ khóa » Hát Xẩm Covid đình Cương