Nghệ Thuật Pháp Lam Huế Là Gì - MyThuatMS

Nghệ thuật pháp Lam Huế là gì

Nghệ thuật pháp Lam Huế là gì

Trong những di sản văn hóa do triều Nguyễn (1802 - 1945) để lại trên đất Huế có một loại di sản vật thể rất đặc biệt. Đó là PHÁP LAM HUẾ.

- Về mặt chức năng, pháp lam Huế là một loại vật liệu kiến trúc, cốt làm bằng đồng, bên ngoài có tráng nhiều lớp men nhiều màu; tính năng chịu đựng các tác động ngoại lực, nhiệt độ, tác hại của mưa nắng và thời gian rất cao. Vì thế, loại vật liệu này thường được sử dụng để tạo thành các đồ án trang trí hình khối gắn trên đầu đao, đỉnh nóc, bờ quyết… của các cung điện; hoặc tạo thành các mảng trang trí phẳng, có hình vẽ phong cảnh, hoa cỏ, chim muông, thơ văn chữ Hán… gắn trên các dãi cổ diêm ở bờ nóc hay bờ mái các cung điện, trên các nghi môn trong hoàng cung và lăng tẩm các vua triều Nguyễn ở Huế.

- Về mặt mỹ thuật, pháp lam Huế là những tác phẩm nghệ thuật có tạo dáng đa dạng, màu sắc rực rỡ, đề tài trang trí phong phú và sinh động. Đồ gia dụng, đồ tế tự và các mỹ thuật phẩm làm bằng pháp lam trưng bày trong các cung điện, lăng tẩm ở Huế còn được coi là những cổ vật quý giá mà triều Nguyễn để lại cho hậu thế.

Từ đầu thế kỷ XX đến nay đã có nhiều học giả người Pháp và người Việt để tâm nghiên cứu về pháp lam Huế và đã công bố nhiều bài khảo cứu về loại hình vật liệu kiến trúc / kiểu thức trang trí / tác phẩm nghệ thuật / cổ vật độc đáo này.

Những bài khảo cứu này đề cập nhiều vấn đề liên quan đến pháp lam Huế, như: nguồn gốc, xuất xứ tên gọi pháp lam Huế; các loại hình pháp lam Huế; thành phần thai cốt của pháp lam Huế; nơi khai sinh ra kỹ nghệ chế tác pháp lam; nguyên nhân thất truyền và quy trình phục chế pháp lam Huế... Tuy nhiên, các bài khảo cứu này cho thấy các nhà nghiên cứu đã không tán đồng trong nhiều vấn đề, như: nguồn gốc danh xưng pháp lam Huế; đặc điểm kỹ thuật và mỹ thuật của pháp lam Huế; việc phân biệt các loại hình pháp lam Huế. Thậm chí, có ý kiến còn nghi ngờ: “Liệu pháp lam có thực sự được sản xuất ở Huế vào thời Nguyễn không, hay đó là những sản phẩm ngoại nhập?”. Ngoài ra, còn có một số ý kiến xung quanh nguyên nhân thất truyền của pháp lam Huế và làm thế nào để phục hồi công nghệ chế tác pháp lam ở Huế. I. VỀ DANH XƯNG PHÁP LAM

Pháp lam là danh xưng do triều đình nhà Nguyễn đặt ra để gọi những chế phẩm làm bằng đồng tráng men nhiều màu, do các lính thợ trong quan xưởng của triều Nguyễn tiếp thu từ kỹ nghệ chế tác pháp lang (琺 瑯: âm Bắc Kinh là falang) của người Trung Quốc.

Về tự dạng, hai chữ pháp lam chép trong sách Đại Nam thực lục là 琺 với chữ pháp (琺) và chữ lam ( ) đều có bộ ngọc (玉) phía trước.

Tuy nhiên, trước khi sử dụng danh xưng falang, người Trung Quốc đã gọi loại chế phẩm này bằng nhiều tên gọi khác nhau, như: Quỷ quốc diêu (鬼 國 窯: Guiguoyao), Đại Thực diêu(大 食 窯: Dashiyao), phật lang khảm (佛 郎 嵌: folangkan), phát lam (發 藍: falan), phất lang (拂 郎: folang)… Ngày nay, pháp lang là danh xưng người Trung Hoa gọi chung cho tất cả các chế phẩm có cốt làm bằng đồng, được phủ một hoặc nhiều lớp men màu, rồi đem nung mà thành. Tùy theo phương pháp chế tác thai cốt (dán chỉ đồng hay chạm trổ trực tiếp lên cốt đồng) và phương thức tráng men (phủ men vào các ô trũng hay trực tiếp vẽ các họa tiết trang trí bằng men màu lên bề mặt cốt đồng) mà người ta phân định chế phẩm pháp lang Trung Hoa thành bốn loại chính:

- Kháp ti pháp lang (掐 丝 琺 瑯: Chasi falang): pháp lang có các sợi chỉ đồng dán lên thai cốt để ngăn không cho màu men hòa lẫn với nhau. Về sau, người Trung Hoa thường dùng danh xưng Cảnh Thái lam (景 泰 藍: Jingtailan) để thay thế cho tên gọi kháp ti pháp lang này.

nghe thuat phap lam Hue 1

- Họa pháp lang (画 珐 琺 瑯: Huafalang): pháp lang làm theo kiểu vẽ trên nền men như các tác phẩm hội họa.

nghe thuat phap lam Hue 2

- Tạm thai pháp lang (錾 胎 琺 瑯: Zantai falang): pháp lang có cốt làm bằng vàng, bạc, hay đồng, chạm trổ rất công phu.

nghe thuat phap lam Hue 3

- Thấu minh pháp lang (透 明 珐 琅: Touming falang): pháp lang có các lớp trang trí bằng các lớp men nhiều màu chìm dưới lớp men phủ trong suốt.

nghe thuat phap lam Hue 4

Nhiều ý kiến cho rằng việc nhà Nguyễn thay đổi tên gọi pháp lang thành pháp lam nhằm tránh trùng âm với những chữ quốc húy của Nguyễn triều. Trong bài Quanh các pháp lam Huế, suy nghĩ về màu sắc, họa sĩ Phạm Đăng Trí cho rằng việc đổi lang thành lam là do kỵ âm Lan (灡) trong tên của chúa Nguyễn Phúc Lan; còn Trần Đình Sơn trong bài Ngắm pháp lang Bắc Kinh, nhớ về pháp lam Huế cho là do kỵ âm Lan (籣) trong tên của bà Tống Thị Lan, chính cung của vua Gia Long.

Dù kỵ trùng âm với tên của chúa Nguyễn Phúc Lan hay tên của Thừa Thiên Cao hoàng hậu Tống Thị Lan, theo tôi, triều Nguyễn đã rất linh hoạt khi sáng tạo danh xưng pháp lam (琺 ), đặc biệt là việc thêm bộ ngọc (玉) ở trước chữ lam (藍: màu xanh) để tạo thành chữ lam ( : ngọc lam), khiến danh xưng pháp lam của Huế vừa tiếp thu giá trị “tôn quý như ngọc” của tên gọi pháp lang; vừa giữ được mối liên hệ với chữ lam (藍) trong tên gọi phát lam (發 藍) có từ xưa.

II. VÌ SAO NHÀ NGUYỄN CHẾ TÁC PHÁP LAM THEO KỸ THUẬT HỌA PHÁP LANG CỦA QUẢNG ĐÔNG?

Trung Quốc không phải là quốc gia duy nhất sản xuất pháp lang. Các nước Ba Tư, Nhật Bản, Anh, Đức, Pháp… đều sản xuất “pháp lang” và gọi những chế phẩm ấy bằng những cái tên khác nhau: chẳng hạn, người Nhật Bản lựa chọn kỹ nghệ thấu minh pháp lang để làm ra những chế phẩm pháp lang tinh xảo mà họ gọi là shipouyaki (七 宝 燒), âm Hán Việt là thất bửu thiêu, nghĩa là “bảy thứ quý thiêu đốt mà thành”; trong khi người Pháp lại sản xuất ra những chế phẩm gọi là émaux cloisonné tương tự đồ kháp ty pháp lang của Trung Hoa, hay émail peint sur cuivre (của người Pháp) và đồ painted enamels (của người Anh) thì giống với đồ họa pháp lang của người Trung Quốc ở Quảng Đông.

nghe thuat phap lam Hue 5

Thực ra, kỹ nghệ chế tác họa pháp lang khởi nguyên từ vùng Limoges (Pháp) và vùng Battersea (Anh) từ thế kỷ XV. Hai nơi này đã phát minh ra kỹ thuật dùng bút lông để vẽ các họa tiết bằng men màu lên nền cốt đồng đã được xử lý bằng một lớp men lót, rồi đem nung, tạo ra một loại sản phẩm mà người Pháp gọi là émail peint sur cuivre, còn người Anh gọi là painted enamels. Kỹ thuật này về sau được các nước Tây Âu khác như Đức, Hà Lan, Ý, thậm chí cả các nước ở Trung Cận Đông… bắt chước. Vì thế, ngoài dòng đồ émail peint sur cuivre lừng danh của vùng Limoges (Pháp) và dòng đồ painted enamels nổi tiếng của xứ Battersea (Anh), còn có các dòng painted enamels khác của Hà Lan, Đức, Ba Tư…cũng rất nổi tiếng.

nghe thuat phap lam Hue 6

Vào cuối thế kỷ XVII, các tu sĩ dòng Tên trong hành trình truyền giáo ở phương Đông đã du nhập kỹ nghệ chế tác đồ painted enamels vào Trung Hoa qua cửa ngỏ Quảng Đông. Người Trung Hoa nhanh chóng tiếp thu kỹ nghệ chế tác painted enamels của Tây phương và gọi những chế phẩm do họ làm ra theo phong cách này là họa pháp lang hay Dương từ (洋 瓷), nghĩa là “đồ tráng men Tây Dương”. Kỹ nghệ chế tác họa pháp lang cũng dùng một lớp men lót tráng lên nền thai cốt, vẽ thêm các họa tiết trang trí bằng men ngũ sắc lên trên nền men lót, rồi đem nung mà thành sản phẩm.

nghe thuat phap lam Hue 7

Đồ họa pháp lang dành cho vua chúa nhà Thanh được chế tác trong xưởng chế tạo đồ dùng cho hoàng gia do vua Khang Hi thiết lập trong hoàng cung, trong khi, những món đồ họa pháp lang dân dụng được sản xuất tại các vùng Tô Châu, Dương Châu và Quảng Đông.

nghe thuat phap lam Hue 8

Đặc biệt, từ nửa sau thế kỷ XVIII, Quảng Đông trở thành một địa danh nổi tiếng trong việc sản xuất đồ họa pháp lang để xuất khẩu sang các nước phương Tây. Do vậy mà người phương Tây đã khai sinh thuật ngữ Canton enamels (pháp lang Quảng Đông), để chỉ các món họa pháp lang do người Quảng Đông chế tác và xuất khẩu sang các nước khác.

nghe thuat phap lam Hue 9

Từ Quảng Đông, những món họa pháp lang đã theo chân các tàu buôn Trung Hoa đi khắp nơi, theo đó, đã du nhập vào Việt Nam. Người ta mua những món đồ này về làm đồ thờ tự hoặc để trưng bày trong phòng khách như những mỹ thuật phẩm. Bấy giờ ở Huế có ông Vũ Văn Mai, thấy nhu cầu dùng đồ pháp lang trong giới quý tộc và dân chúng xứ Huế trở nên thời thượng, bèn sang Quảng Đông học nghề làm pháp lang. Về nước, Vũ Văn Mai tấu trình lên vua và được giao cho lập xưởng chế tác pháp lang cho triều đình. Sách Đại Nam thực lục của Quốc sử quán triều Nguyễn cho hay: “Minh Mạng năm thứ 8... (1827) đặt tượng cục pháp lam. Bọn Vũ Văn Mai, thợ vẽ ở Nội tạo, học được nghề làm đồ pháp lam. Bèn sai đặt cục ấy, hạn cho 15 người, thiếu thì mộ mà sung vào”. Như vậy, việc sản xuất pháp lang ở Huế bắt đầu từ năm 1827, dưới triều Minh Mạng, nhưng triều đình không gọi là pháp lang như người Trung Hoa mà gọi là pháp lam.

nghe thuat phap lam Hue 10

Kỹ nghệ làm pháp lam vào thời Nguyễn tiếp thu trực tiếp từ kỹ nghệ chế tác họa pháp lang của vùng Quảng Đông, chứ không theo kỹ nghệ chế tác kháp ty pháp lang ở Bắc Kinh. Nguyên nhân là vì Quảng Đông là cửa ngõ du nhập công nghệ chế tác họa pháp lang từ Âu châu vào Trung Hoa. Và so với Bắc Kinh, Quảng Đông gần với Việt Nam hơn. Mặt khác, vào đầu thời Nguyễn, vua Gia Long đã từng mời những người thợ làm gạch ngói giỏi ở Quảng Đông đến Huế để giúp triều đình mở một xưởng sản xuất các loại gạch ngói tráng men nhiều màu sắc ở Long Thọ (Huế), phục vụ cho nhu cầu kiến thiết và trang trí các cung điện của triều đình. Vì thế, giữa Quảng Đông và Việt Nam lúc bấy giờ đã có một mối quan hệ nhất định, cho nên việc Vũ Văn Mai và những môn đệ của ông đã sang Quảng Đông học tập kỹ nghệ làm đồ họa pháp lang để về mở lò pháp lam ở Huế, mà không lặn lội lên tận Bắc Kinh để tiếp thu kỹ nghệ chế tác kháp ti pháp lang là điều hợp lý.

nghe thuat phap lam Hue 11

nghe thuat phap lam Hue 12

III. CÁC LOẠI HÌNH PHÁP LAM HUẾ

Dựa vào nguồn sử liệu của triều Nguyễn và các bài khảo cứu của các học giả người Pháp trên B.A.V.H, kết hợp nghiên cứu nguồn cổ vật pháp lam hiện có trong các cung điện và bảo tàng ở Huế, có thể nhận thấy rằng: thời điểm khai sinh kỹ nghệ chế tác pháp lam ở Việt Nam là năm 1827; phát triển và hưng thịnh vào dưới các triều vua Minh Mạng (1820 - 1841), Thiệu Trị (1841 - 1847) và Tự Đức (1848 - 1883); sa sút từ sau thời kỳ “tứ nguyệt tam vương” (1883 - 1885) và dù được phục hồi, chỉnh đốn dưới triều Đồng Khánh (1885 - 1889) song không thể phục hưng, mà rơi vào suy thoái rồi thất truyền. Theo nhiều nguồn tư liệu, triều Nguyễn tổ chức chế tác pháp lam ở ba địa điểm: Pháp lam tượng cục đặt ở bên trong Thành Nội (Huế), ở Ái Tử (Quảng Trị) và ở Đồng Hới (Quảng Bình).

nghe thuat phap lam Hue 13

Thời gian tồn tại và hoạt động của các xưởng chế tác pháp lam của triều Nguyễn, từ lúc khai sinh đến khi thoái trào và chấm dứt hoàn toàn chỉ hơn 60 năm. Vậy nhưng, di sản pháp lam triều Nguyễn hiện hữu nơi các cung điện, lăng tẩm ở cố đô Huế và trong các bảo tàng, các sưu tập cổ vật tư nhân ở trong và ngoài nước thì khá đồ sộ: vừa phong phú về số lượng, vừa đa dạng về loại hình và kiểu thức, khiến người đời sau phải thán phục.

Tùy vào vị trí hiện hữu, kiểu dáng tạo hình và chức năng sử dụng, có thể phân chia pháp lam do triều Nguyễn chế tác thành hai loại:

- Pháp lam trang trí trên các công trình kiến trúc: Đó là những mảng / khối pháp lam được sử dụng như một loại vật liệu để tạo thành những đồ án trang trí ngoài trời, gắn trên các công trình kiến trúc trong quần thể di tích kiến trúc thời Nguyễn ở Huế.

nghe thuat phap lam Hue 14

- Pháp lam là đồ gia dụng, đồ tế tự và đồ trang trí nội thất: Đây là loại hình pháp lam được bảo quản nhiều nhất tại Bảo tàng Cổ vật Cung đình Huế. Loại hình pháp lam này rất đa dạng và phong phú về cả dáng kiểu lẫn đề tài trang trí. Có thể xếp chúng vào bốn nhóm nhỏ: đồ nhật dụng; đồ tế tự; đồ trang trí trong nội thất và đồ dùng cho nhu cầu giải trí, thẩm mỹ.

nghe thuat phap lam Hue 15

Đề tài trang trí trên loại hình pháp lam này rất đa dạng, với các đồ án hoa lá, triền chi, tứ linh, bát bửu, sơn thủy, nhân vật... Màu sắc dùng trong loại hình này rất phong phú, hội đủ tất cả các loại màu từ đơn sắc đến hòa sắc và có sự phân biệt trong cách sử dụng màu sắc giữa các nhóm pháp lam trong loại hình này: đối với các món đồ tế tự thì các màu: đỏ, vàng chanh, trắng, xanh đậm thường được sử dụng; đối với nhóm đồ gia dụng thì các màu lam, hồng tía, xanh lục, nâu nhạt... thường được thể hiện. Ngoài ra, còn có những hiện vật không được phủ men pháp lam toàn bộ, mà có những khoảng để trống, lộ rõ cốt đồng ở bên trong, hoặc được gắn thêm các chi tiết trang trí phụ làm bằng chất liệu khác như ngọc, đá mã não, thủy tinh màu.

nghe thuat phap lam Hue 16

Loại hình pháp lam này chủ yếu được chế tác dưới ba triều vua Minh Mạng, Thiệu Trị và Tự Đức, nhưng những sản phẩm pháp lam được đánh giá cao nhất về thẩm mỹ và kỹ thuật là pháp lam của triều Thiệu Trị. Vua Thiệu Trị chỉ trị vì bảy năm (1841 - 1847), song triều đại của ông lại nổi tiếng về những sản phẩm đồ sứ ký kiểu và đồ pháp lam tuyệt hảo. Những nét trang trí trên pháp lam triều Thiệu Trị rất sắc sảo, màu không bị nhòe và tạo được một cảm giác hài hòa, sống động. Trong khi đó pháp lam triều Minh Mạng và triều Tự Đức lại thô và nước men thì ít mịn màng hơn.

nghe thuat phap lam Hue 17

Đặc biệt, pháp lam triều Minh Mạng, ngoài dòng men ngũ sắc còn có dòng men xanh trắng, có kiểu dáng và phong cách trang trí giống y đồ sứ ký kiểu thời Nguyễn. Ngoài các đồ án trang trí phổ biến như tứ linh, hoa điểu... pháp lam triều Minh Mạng còn có những món đồ trang trí đề tài phong cảnh sơn thủy, nhân vật, trong đó hình người ăn vận trang phục theo lối châu Âu.

Từ khóa » đồ đồng Pháp Lam Trung Quốc