Nghệ Thuật Tạo Hình Con Rối | Nhà Hát Múa Rối Việt Nam

Múa rối là bộ môn nghệ thuật đặc trưng của mỗi Quốc gia trên thế giới, đa dạng về hình thức và mang đậm bản sắc của mỗi dân tộc. Là hình thức nghệ thuật mà mọi ý tưởng của con người được chuyển tải thông qua con rối, thế giới của những con rối là thế giới của những tâm sự, tình yêu và khát vọng. Từ khởi nguồn và trải qua thời gian, Múa rối đã trở thành kho báu chứa đựng nhiều bí ẩn và vươn tới nhiều các hình thức biểu đạt khác nhau. Đó là nhờ những đôi bàn tay khéo léo của các nghệ sĩ biểu diễn, họa sĩ tạo hình con rối.

Không biết từ bao giờ, con người đã biết sử dụng các dụng cụ và vật dụng hàng ngày để tạo ra các con Rối với mục đích mô phỏng lại những câu chuyện trong cổ tích và đời sống xã hội. Dù ở thời đại nào chúng cũng mang hơi thở của cuộc sống. Sự say mê sáng tạo của các họa sĩ tạo hình là không ngừng, từ nhiều loại vật liệu khác nhau như gỗ, vải, giấy… họ đã tạo hình ra nhân vật là những con rối với nhiều thể loại như: Rối nước, Rối que, Rối dây, Rối mặt nạ…có sức sống mãi với thời gian, từ những nhân vật trong các câu chuyện cổ tích, những anh hùng dân tộc hay những khuôn mặt của đời thường...Ta như đang lặng đi để lắng nghe họ đang thổi hồn mình vào những con rối, để rồi những nhân vật trong câu chuyện của họ bay cao hơn, xa hơn.

Các con rối ở Việt Nam nói chung và Nhà hát Múa rối Việt Nam nói riêng, có hai lối tạo hình đó là phong cách dân gian và hiện đại. Tạo hình theo lối dân gian chủ yếu là rối nước. Thuở xưa, khi múa rối mới nước ra đời, người nghệ nhân tạo hình thường thấy sao làm vậy và tưởng tượng theo ý thức hệ, từ đường nét mang dáng dấp kiến trúc đình làng, chất liệu sơn vẽ, màu sắc cho đến kiến trúc đơn sơ của Thủy đình. Mỹ thuật trong tạo hình con rối khi ấy được ứng dụng vào trò diễn, được thể hiện qua nghệ thuật biểu diễn một cách rất tự nhiên, mang tính kinh nghiệm chứ chưa có lý luận, chưa được nghiên cứu... và như đã được xã hội hoá từ nhiều thế kỷ trước bằng sự tự ra đời, sự tồn tại, tự mày mò và phát triển. Điều đó nói lên bản chất của nghệ thuật dân dã, nghệ thuật làng quê là tồn tại, trao truyền bằng kinh nghiệm và tri thức dân gian để dần tiến đến phôi thai của sự phát triển, trưởng thành của nghệ thuật múa rối hôm nay.

Hiện nay mỹ thuật trong múa rối thường được các họa sỹ trau truốt hơn, mở rộng hơn vì trong hoạt động, cùng với rối nước còn có rối cạn và những loại rối khác. Hiệu quả mỹ thuật trong rối cạn mang yếu tố xã hội mạnh hơn, hiệu quả tinh thần và tác động xã hội cũng khác hơn... Đôi khi người ta thêm vào đó những yếu tố của triết lý, đạo đức, giáo dục mang tính thời sự, đương đại. Do phải luôn thay đổi theo từng địa bàn, từng đối tượng khán giả mà tiết mục phải có những sáng tạo nhạy bén, phù hợp. Tạo dáng những nhân vật rối thường được cách điệu và nhấn một cách cô đọng; chất hồn nhiên, ngây thơ như là một đặc trưng, một trường phái dành cho nghệ thuật múa rối và tạo hình con rối. Nó dễ dàng chấp nhận được ở trẻ nhỏ và người lớn. Mỗi thế hệ trẻ, mỗi lứa tuổi cảm nhận một cách khác nhau, nhưng cùng đạt đến một hiệu quả thưởng thức: vui vẻ, sảng khoái, nhẹ nhàng...

Người họa sỹ tạo hình trong sân khấu múa rối rất vất vả trong sáng tạo nhân vật, trò diễn, vở diễn, vì khác với sân khấu người. Ở sân khấu múa rối, tất cả phải sáng tạo từ đầu, không có nhiều mẫu sẵn, phải tự hình dung , trước hết phải nghiên cứu kỹ kịch bản để làm rõ nét cá tính nhân vật, từ dáng dấp, kích thước,  cao, thấp... rồi máy móc hoạt động ra sao để phù hợp và hiệu quả với không gian biểu diễn.  

Trong những năm gần đây Nhà hát Múa rối Việt Nam đã dàn dựng được nhiều vở và chương trình múa rối mang tính thời đại, những câu chuyện của nước ngoài nhưng vẫn giữ được phong cách tạo hình dân gian, từ chất liệu cho tới cách trang trí mỹ thuật sân khấu... như chương trình "Nhịp điệu quê hương", "Đêm trắng", "Giấc mơ của chú Tễu và Kangooroo"...

Múa rối nước không chỉ dừng lại ở các tích trò diễn, mà nó đã được nâng lên để chuyển tải các câu chuyện về lịch sử, ca ngợi những chiến công của các anh hùng dân tộc, hay những câu chuyện tình lãng mạn như "Andersen", "Đức Thánh Trần"... Andersen là một câu chuyện của nước ngoài nhưng được dàn dựng trên sân khấu rối nước. Thật ngộ nghĩnh khi các ông Tây, bà Tây xuất hiện trên mặt nước của sân khấu Thuỷ đình, đó là những chú lính chì, những Hoàng tử và những nàng tiên cá... Họ thật lung linh trên mặt nước khi khoác trên mình những bộ trang phục bằng chất liệu sơn mài truyền thống của Việt Nam.

Nghệ thuật tạo hình trong múa rối đóng góp một vai trò rất lớn trong sáng tạo cũng như hoạt động múa rối. Nó giúp một cách đắc lực cho người nghệ sỹ biểu diễn, gợi ý trước về cá tính nhân vật, gợi ý cho người biểu diễn những đặc điểm rất riêng của mỗi nhân vật trong một tiết mục.

Mỹ thuật trong sân khấu múa rối cũng là một phần của mỹ thuật sân khấu nói chung. Tuy nhiên, nó có sự phức tạp riêng của đặc thù nghề nghiệp, mà đòi hỏi sự nỗ lực rất lớn của người nghệ sỹ tạo hình. Để có được những vở rối, những con rối vừa có được nội dung phong phú, đa dạng vừa có giá trị thẩm mỹ, mỹ thuật cao, việc bám sát thực tiễn, sáng tạo, người nghệ sỹ tạo hình con  rối phải có tri thức nghề nghiệp một cách  vững vàng. Việc học tập kinh nghiệm của lớp nghệ nhân, học các lớp người đi trước theo phương pháp truyền nghề là điều rất cần làm. Nhưng cũng rất cần sự học tập có bài bản, có lý luận, có nghiên cứu để việc tạo hình con rối trang trí con rối, trang trí vở diễn đạt hiệu quả cao hơn.

Họa sĩ Vũ Quốc Bảo

 

 

Từ khóa » Gỗ Làm Con Rối