Nghệ Thuật Tạo Hình Và Sắc Màu Tinh Tế Trên Thổ Cẩm Của Người Ê Đê

Họa tiết trên trang phục thiếu nữ Ê Đê ở buôn La Diêm, thị trấn Hai Riêng, huyện Sông Hinh (Phú Yên)
Thiếu nữ Ê Đê ở buôn La Diêm, thị trấn Hai Riêng, huyện Sông Hinh (Phú Yên) trong trang phục truyền thống

Sáng tạo từ cuộc sống

Nguyên liệu dệt tấm thổ cẩm của người Ê Đê là cây bông (tiếng Ê Đê gọi là blang). Quả bông đem về bóc vỏ, lấy phần ruột và phơi. Sau đó tách hạt, bật cho bông tơi ra rồi xe lại thành những con bông, từ con bông lại kéo thành sợi chỉ thô (sợi chưa qua công đoạn nhuộm).

Ngày xưa, sắc màu thổ cẩm của người Ê Đê có hai tông màu chủ đạo: Đen và đỏ. Ngày nay, có 5 màu cơ bản, theo tiếng của Ê Đê là: Hrah (đỏ), yadu (đen), cakni (vàng), apiek (xanh) và kỗ (trắng). Để tạo ra sắc màu trên tấm thổ cẩm, người phụ nữ Ê Đê đã tìm nguyên liệu từ các loại lá, rễ cây rừng.

Người Ê Đê vào rừng hái lá krum già để chuẩn bị thuốc nhuộm. Đồng bào phơi vỏ ốc suối thật khô, nung lên, ngâm thành vôi rồi trộn với nước lá krum. Sợi nhuộm từ hỗn hợp nước lá - vôi ốc sẽ có màu xanh. Nếu thêm vào hỗn hợp trên nước lá knung giã nhỏ, nấu với rễ cây chàm sẽ cho ra màu đen, rất bền màu.

Họa tiết trên trang phục thiếu nữ Ê Đê ở buôn Kít, xã Sông Hinh, huyện Sông Hinh
Họa tiết trên trang phục thiếu nữ Ê Đê ở buôn Kít, xã Sông Hinh, huyện Sông Hinh

Màu đỏ được tạo từ loại vỏ cây krung già giã ra, nấu lên. Màu đỏ không tươi, chỉ đậm hơn màu đất nung một chút. Sản phẩm dệt màu đỏ được coi trọng hơn hết. Màu vàng được nhuộm từ củ nghệ. Người Ê Đê chọn những củ già, mài nhỏ hoặc cho vào cối giã rồi vắt nước để nhuộm. Khi phơi sợi, đồng bào sử dụng một chiếc bàn chải (kruamrai), chải dọc theo cuộn sợi để gỡ sạch các vụn màu, vỏ cây.

Việc tạo hoa văn đòi hỏi người dệt phải nắm bắt ý đồ từ khi mắc sợi. Mỗi loại hoa văn có sợi dọc, sợi ngang khác nhau (dựa vào kỹ thuật nâng và hạ sợi ở khung dệt). Thông thường trên một khổ vải rộng khoảng 0,9 m, người Ê Đê tạo những đường viền (diềm) nhỏ ở hai đầu biên vải. Phần hoa văn chính tập trung cách biên một chút, rộng khoảng 20 - 30cm và một số đường trang trí nhỏ chạy giữa thân vải.

Nền thổ cẩm người Ê Đê là màu đen hoặc chàm sẫm không sáng và sặc sỡ như thổ cẩm của các tộc thiểu số khác. Sự phối màu giữa đỏ và đen, đỏ với chàm sẫm hoặc đen phối với vàng… đã tạo nên những hoa văn bắt mắt.

Dải hoa văn chiếm diện tích từ 1/4 đến 1/3 bề mặt tấm thổ cẩm, gồm những chuỗi họa tiết: Cỏ, cây, hoa, lá, chim muông, cầm thú… được cách điệu dưới dạng hình học như: hình tam giác, hình chữ nhật, hình thoi, hình mũi tên, đường gấp khúc, 2 đường thẳng song song.

Họa tiết trên trang phục thiếu nữ và thanh niên Ê Đê ở buôn Thống Nhất, xã Ea Chà Rang huyện Sơn Hòa, tỉnh Phú Yên
Họa tiết trên trang phục thiếu nữ và thanh niên Ê Đê ở buôn Thống Nhất, xã Ea Chà Rang huyện Sơn Hòa, tỉnh Phú Yên

Bà Tun Thảo, (85 tuổi, nghệ nhân người Ê Đê ở buôn Lê Diêm, thị trấn Hai Riêng, huyện Sông Hinh) cho biết: “Dệt được một tấm thổ cẩm để may chiếc váy, áo, khố, mền… người phụ nữ Ê Đê phải làm trong 4 tháng. Cũng có thể kéo dài hơn vì tuỳ thuộc vào kích thước và các hoa văn của tấm vải. Vì vậy, trước khi dệt, người phụ nữ Ê Đê đã có ý tưởng sắp xếp họa tiết trong đầu, để khi bắt tay vào dệt, các hoa văn được bố trí hài hòa, cân xứng”.

Bảo tồn và phát triển

Dệt thổ cẩm không chỉ là một nghề mưu sinh mà còn là nét đẹp truyền thống, bản sắc văn hóa của đồng bào dân tộc Ê Đê. Màu sắc, hoa văn trên thổ cẩm càng đẹp, càng tỉ mỉ và sắc sảo thì càng chứng tỏ giá trị tay nghề cao của người phụ nữ Ê Đê.

Thường thì mùa màng thu hoạch xong là lúc phụ nữ Ê Đê luôn dành nhiều thời gian hơn để dệt thổ cẩm. Bà Lát (66 tuổi ở buôn Bá, xã Ea Bá, huyện Sông Hinh) là người dệt thổ cẩm giỏi nhất trong buôn. Bà Lát chia sẻ: “Từ nhỏ, tôi được mẹ dạy cho cách xoe vải, nhuộm màu, dệt túi vải, khăn... rồi khó dần lên là dệt chăn, quần áo truyền thống. Cứ như vậy, tôi thành thạo nghề và gìn giữ cho đến bây giờ”.

Phụ nữ Ê Đê tham gia Hội thi dệt thổ cẩm ở thôn Xây Dựng, xã Suối Trai, huyện Sơn Hòa
Phụ nữ Ê Đê tham gia Hội thi dệt thổ cẩm ở thôn Xây Dựng, xã Suối Trai, huyện Sơn Hòa

Còn ở thôn Xây Dựng, xã Suối Trai (huyện Sơn Hòa) đã thành lập CLB dệt thổ cẩm (ngày 21/10/2020) với 24 thành viên. Đây là nơi các thành viên học tập, chia sẻ kinh nghiệm dệt thổ cẩm, để cùng nhau bảo tồn và phát triển nghề dệt của người Ê Đê.

Hiện nay, người Ê Đê ở Phú Yên còn lưu giữ khá nhiều trang phục truyền thống, có họa tiết hoa văn đẹp trên những chiếc váy, các loại áo dài tay của phụ nữ. Chiếc khố, áo dài tay có khuy cài trước ngực của nam giới. Ông Ka Sô Liễng, Nhà nghiên cứu văn hóa dân gian ở buôn Kiến Thiết, xã Ea Chà Rang, huyện Sơn Hòa chia sẻ: “Trang phục của người Ê Đê nói chung ít nhiều cũng bị cách tân, do ảnh hưởng quá trình phát triển kinh tế và giao lưu văn hóa từ các vùng miền. Tuy nhiên, người Ê Đê ở Phú Yên vẫn luôn gìn giữ bản sắc văn hóa của dân tộc mình, và luôn tự hào về nghệ thuật trang trí hoa văn, cùng với những sắc màu tinh tế trên nền thổ cẩm …”

Trang phục của người Brâu- dân tộc rất ít người ở Việt Nam

Từ khóa » Trang Phục Truyền Thống Người ê đê