Nghệ Thuật Thêu Truyền Thống Ấn Độ | Tạp Chí điện Tử Thế Giới Di Sản

Phong cách nghệ thuật thêu của Ấn Độ được lấy cảm hứng từ tự nhiên ở nhiều vùng miền khác nhau trên đất nước Ấn, tái thể hiện những sắc màu của cây cối và động vật trên các sản phẩm thêu. Phong cách thêu Ấn Độ rất dễ nhận diện từ cách bố cục, bài trí, đường kim mũi chỉ. Những dấu chấm, hình tròn, hình vuông, hình tam giác luân phiên liên tục tạo nên kiểu dáng riêng cho sản phẩm. Những mô típ tôn giáo như hình ảnh đền, chùa cũng được mô phỏng phổ biến trên các tác phẩm thêu. Hầu như tất cả các chất liệu đều sử dụng trong việc sáng tạo sản phẩm thêu, từ các chất liệu da, nhung, lưới, lụa… và gần đây sản phẩm thêu còn được làm trên nền lá cọ. Kỹ thuật thêu ở mỗi vùng miền đều có những nét độc đáo, dễ nhận biết, nhất là một số kỹ thuật thêu cổ xưa.

Zardozi là hình thức thêu phổ biến nhất của phong cách thêu Zari (Ảnh: internet)

Zari là phương pháp thêu cổ của người Ba Tư được người Ấn truyền từ đời    này sang đời khác, chủ yếu do nam giới đảm nhiệm. Người thợ thêu Zari cần phải có con mắt thẩm mỹ, đôi tay khéo léo và óc sáng tạo. Điểm khác biệt lớn nhất là thợ thêu phải se những sợi kim loại như vàng, bạc, đồng... Các thỏi kim loại được nấu chảy, đổ vào các khuôn thành các thanh dài. Sau đó, những thanh kim loại còn mềm dẻo, chúng sẽ được kéo qua tấm thép đục lỗ thành những dây nhỏ. Tiếp theo là quá trình gia công cán mỏng với khuôn rập làm bằng cao su và kim cương. Công đoạn cuối là xoắn những dây kim loại đã cán mỏng với tơ tằm hoặc sợi bông để trở thành sợi Zari, hoặc tạo hình đính vào trong quá trình thêu. Sợi Zari được chọn lọc kỹ càng trước khi thêu tùy theo từng mẫu với các chủ đề khác nhau. Chẳng hạn như mẫu phức tạp sử dụng sợi kim loại mỏng cứng, với các mảnh kim loại nhỏ hình ngôi sao thêu hoa cỏ. Các công cụ thêu là một khung gỗ hình chữ nhật, kim, kéo, khoen... Đường thêu Zari được các nghệ nhân lành nghề thể hiện vô cùng tinh tế và khéo léo. Cách thêu thường bắt đầu từ giữa, kéo dài đến viền ngoài theo hình xoay tròn. Họa tiết được sử dụng để thêu và dệt đa dạng theo các chủ đề về thiên nhiên và tôn giáo như con người, mặt trời, mặt trăng, ngôi sao, bông hoa sen, hoa táo, hoa loa kèn, các loại quả: xoài, nho, dâu, mận;  chim công, hoàng yến, voi... và nhiều họa tiết đặc trưng khác.

Karchobi là những tác phẩm thêu rất phức tạp sử dụng nhiều sợi vàng hoặc bạc khác nhau kết hợp với các loại hạt đính, ngọc trai, đá quý trên nền chất liệu nhung, thổ cẩm hoặc satin dầy. (Ảnh: internet)

Karchobi là kỹ thuật thêu rất phức tạp sử dụng nhiều sợi vàng hoặc bạc khác nhau kết hợp với các loại hạt đính, ngọc trai, đá quý trên nền chất liệu nhung, thổ cẩm hoặc satin dày. Người Ấn Độ sử dụng hình thức thêu Karchobi để trang trí lễ phục, áo cưới, túi xách, ví, thắt lưng, giày dép... Còn Kamdani là cách thêu tinh tế và kỹ thuật hơn bằng chỉ kim loại trên nền chất liệu nhẹ nhàng hơn như lụa, ren, muslin. Sản phẩm của Kamdani thường là khăn quàng cổ, mạng che mặt và mũ.

Đặc biệt, nghệ thuật thêu Kasooti là nghề truyền thống của bộ tộc Lambani. Các sản phẩm thêu thường là các trang phục truyền thống của người Lambani. Kasooti là loại hình văn hóa nghệ thuật thân thiện với môi trường sinh thái, được phát triển độc lập ở các tiểu bang của đất nước Ấn Độ.

Nghệ thuật thêu Ấn Độ tạo ra những kiệt tác (Ảnh: internet)

Những mẫu thêu của người Kashmiri bộc lộ sắc màu đa dạng và tài nghệ khéo léo của nghệ nhân. Tổng thể tác phẩm thêu hài hòa, miêu tả đặc điểm cây cỏ và động vật nơi đây. Hình ảnh chiếc lá, các loại quả: nho, dâu, mận, quả hạnh và các loại hoa: hoa táo, loa kèn, sen, nghệ tây cùng với hình ảnh sinh động của các loài chim như vẹt, hoàng yến… đều được miêu tả với sắc màu hết sức tự nhiên, sinh động. Những tác phẩm thêu Chamba với những đường nét thêu đơn giản đã phản ánh những điệu múa cung đình Krishna-leela và Räs, những điệu múa huyền thoại Raga và nhiều hình ảnh tôn giáo khác. Đầu tiên là thêu lược các hình khối theo nét vẽ phác thảo, rồi sau đó những đường thêu sẽ lấp đầy khoảng trống còn lại.

Trang phục thêu Sindhi ảnh hưởng kỹ thuật thêu của vùng Baluchistan và Punjab trong từng đường kim, mũi chỉ, kiểu dáng và màu sắc, điểm khác biệt ở kỹ thuật thêu này là nhiều chiếc cúc nhỏ được đính kèm vào trang phục thêu tạo nên phong cách riêng. Tác phẩm thêu Kutch sử dụng những chiếc cúc nhỏ với số lượng lớn nhưng không giống tác phẩm thêu Sindh vì đường thêu cơ bản là thêu mắt xích.

Nghệ thuật thêu góp phần tạo nên trang phục dân tộc độc đáo của Ấn Độ (Ảnh: internet)

Nghệ thuật thêu Chikan hay Chikankari thường thêu trên chất liệu cotton trắng hay chất liệu vải mỏng trắng khác, gần giống như vải lanh của phương Tây. Tác phẩm thêu Chikan chủ yếu được làm từ các vùng Lucknow ở Uttar Pradesh và Gaya ở Bihar. Một tác phẩm thêu Chikan độc đáo có tên gọi Jali, tác phẩm thêu này được thêu và trang trí giống như một tấm lưới.

Với những giá trị độc nhất vô nhị trên thế giới, các sản phẩm từ nhiều ngành thủ công mỹ nghệ, trong đó có ngành thêu thủ công truyền thống, có đóng góp quan trọng đối với nền kinh tế của Ấn Độ trong nhiều năm qua, giải quyết việc làm cho lực lượng lao động ở vùng nông thôn, đó là lợi ích không thể phủ nhận, làm nên những giá trị truyền thống của đất nước vùng Đông Á này.

Từ khóa » đầm Thêu ấn độ