Nghệ Thuật Vị Nghệ Thuật Hay Nghệ Thuật Vị Nhân Sinh? | Plaiboi's Blog

Hôm qua ngồi buôn chuyện với một bác thuộc loại thâm nho nhọ đít, có bàn về vụ Nhân văn giai phẩm vào nửa cuối những năm 1950. Tớ đã ngâm nga một câu thơ của cụ Trần Dần: “Tôi bước đi không thấy phố thấy nhà/ Chỉ thấy mưa sa trên màu cờ đỏ”. Câu thơ này nghe có vẻ rất đau xót, cay đắng. Màu cờ đỏ, màu cờ của cách mạng, màu cờ của niềm tin, của xương máu biết bao nhiêu người đã ngã xuống vì độc lập của dân tộc, vì hạnh phúc của nhân dân… bỗng nhiên bị biến thành một màu đỏ của sự tang tóc, màu đỏ của nước mắt, màu đỏ của uất hận. Sự mất phương hướng, mất niềm tin của giới văn nghệ sĩ kể từ đầu thế kỷ XX lại quay trở lại. Niềm tin vào một xã hội mới, xã hội thực sự dân chủ đã hoàn toàn tan thành mây khói.

Hồi xưa, trong trường phổ thông, được thầy dạy cho thế nào là “Nghệ thuật vị nghệ thuật”, và thế nào là “Nghệ thuật vị nhân sinh”. Trong hành trang lý luận văn học, đầy ắp những thơ của Tố Hữu, Hồ Chí Minh hay Sóng Hồng, đại loại là: “Lấy cán bút làm đòn xoay chế độ/ Mỗi vần thơ bom đạn phá cường quyền”. Tuy miệng nói ra những lời bênh vực cho trường phái “Vị nhân sinh” nhưng trong tâm can, với bản chất của một nghệ sĩ, giọng thầy vẫn có cái gì đó chua xót.

Lại nói đến cuộc chuyện. Bác thâm nho nhọ đít kia thì một mực khăng khăng là: “Nghệ thuật trước hết phải vị nghệ thuật”. Cũng như con người, muốn yêu gia đình, yêu xóm làng, yêu đất nước… thì trước hết phải yêu chính bản thân mình. Nghe có vẻ hơi tầm thường nhưng thực tế nó là như vậy.

Không ai có thể nói thánh nói tướng rằng yêu người nọ, yêu người kia, vì người này, vì người khác.. mà không vì chính bản thân mình, yêu chính bản thân mình. Bản thân nghệ thuật cũng vậy. Nghệ thuật là sự sáng tạo ra những sản phẩm vật thể hoặc phi vật thể chứa đựng những giá trị lớn về tư tưởng – thẩm mỹ, mang tính chất văn hóa làm rung động cảm xúc, tư tưởng tình cảm cho người thưởng thức. Nghệ thuật muốn đạt đến trình độ cao thì bản thân nó phải có sự sàng lọc khắt khe, phải có sự phát triển toàn diện và tự do trong cá nhân mỗi nghệ sĩ.

Nghệ thuật có thể “Vị nhân sinh” nhưng đó chỉ là một khía cạnh, một thuộc tính của nghệ thuật. Đây là điều mà hầu hết giới văn nghệ sĩ đều thừa nhận.

Trong hơn 30 năm phát triển nghệ thuật theo quan điểm “Nghệ thuật vị nhân sinh”, sự nghiệp văn học – nghệ thuật nước nhà cũng có phát triển, nhưng là sự phát triển không toàn diện. Nhất là trong thời kỳ hòa bình xây dựng đất nước, các văn nghệ sĩ bước vào giai đoạn thoái trào. Các tác phẩm văn học có xu thế tầm thường hóa. Các tác phẩm âm nhạc thì như chửi vào tai người nghe. Kiến trúc thì lộn xộn. Điêu khắc thì dựng lên được mấy cái tượng đài, ông nào cũng giống ông nào, làm người ta chả thể phân biệt đâu là cụ Trần Hưng Đạo, đâu là cụ Quang Trung…

Các cơ quan quản lý văn hóa thì cực kỳ vô văn hóa, nghĩ ra mọi trò linh tinh lang tang để bóp chết nghệ thuật, vì cái mà họ gọi là “nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc”. Cứ hở ra những câu liên quan đến việc nói xấu Đảng, nói xấu chế độ… là y như rằng bị mời đi ở tù. Các đầu báo ở Việt Nam cũng vậy, mang tiếng là có mấy trăm tờ báo mà tờ nào cũng có nội dung na ná như nhau: Trang nhất thì đưa tin các buổi thăm và làm việc của Tổng bí thư, Chủ tịch nước, Thủ tướng chính phủ, Chủ tịch Quốc hội, còn lại là những trang tuyên truyền về người tốt, việc tốt. Đưa tin về tham nhũng, hối lộ, tiêu cực mà chưa được giật dây từ trên thì thế nào cũng a ma toi.

Tiếp theo là bàn đến vụ Nhân văn – Giai phẩm. Cơ quan ngôn luận của phong trào này là Nhân văn, một tờ báo văn hóa, xã hội, có trụ sở tại 27 Hàng Khay, Hà Nội, do Phan Khôi làm chủ nhiệm và Trần Duy làm thư kí toà soạn, cùng với tạp chí Giai Phẩm, hình thành nên nhóm Nhân văn – Giai phẩm.

Trong tạp chí Giai phẩm Mùa xuân được ấn hành tháng 3 năm 1956, do nhà thơ Hoàng Cầm và Lê Đạt chủ trương, về sau bị tịch thu, có bài Nhất định thắng của Trần Dần, với hai câu thơ nổi tiếng:

“Tôi bước đi không thấy phố thấy nhà Chỉ thấy mưa sa trên màu cờ đỏ”.

Phong trào Giai phẩm và Nhân văn khởi thuỷ từ tháng 3-1955, khi hai nhà thơ Trần Dần, Lê Đạt đầu têu phê phán tập thơ Việt Bắc của Tố Hữu, và được nhiều người tán thành. Tập thơ ê a hoài cựu, dòng thơ lục bát không có gì mới, nội dung vân vê kỷ niệm không lấy gì làm sâu sắc. Nhưng rồi tập thơ lại được giải nhất đầu năm 1956.

Khi đánh vào Tố Hữu – Việt Bắc , nhóm phản kháng không dè là đụng phải một đối tượng khác, đụng phải Tố Hữu – Ta đi tới. Một Tố Hữu của quá khứ oanh liệt (Mười lăm năm ấy thiết tha mặn nồng), một Tố Hữu đang nhìn về tương lai (Ta đi tới, trên đường ta bước tiếp). Bài thơ “Ta đi tới” có lẽ là tác phẩm được học tập, truyền tụng sâu rộng nhất thời đó.

“Đường ta rộng thênh thang tám thước Đường Bắc Sơn, Đình Cả, Thái Nguyên Đường qua Tây Bắc, đường lên Điện Biên Đường Cách mạng dài theo kháng chiến”

“Ai đi Nam Bộ Tiền Giang, Hậu Giang Ai vô thành phố Hồ Chí Minh Rực rỡ tên vàng”

“Ta đi tới, trên đường ta bước tiếp Rắn như thép, vững như đồng Đội ngũ ta trùng trùng điệp điệp Cao như núi, dài như sông Chí ta lớn như biển Đông trước mặt Ta đi tới không thể gì chia cắt Mục Nam Quan đến Mũi Cà Mau…”

Phê phán Tố Hữu, chủ yếu về nghệ thuật, Trần Dần cao hứng đã có những lời rất nặng “cái nhìn Tố Hữu thật nhỏ bé quá. Nhìn vấn đề gì, vấn đề ấy thu hẹp lại. Yêu ai, người ấy nhỏ đi”. Bài viết tháng 5-1955, vô hình trung đã đụng chạm đến một chính sách còn đang ở thế tiềm năng, qua cá nhân Tố Hữu?

Phong trào Nhân văn – Giai phẩm đã nhanh chóng bị dập tắt. Báo cáo tổng kết vụ “Nhân văn – Giai phẩm” cũng do Tố Hữu viết có kết luận về tư tưởng chính trị và quan điểm văn nghệ của phong trào Nhân văn–Giai phẩm như sau:

Những tư tưởng chính trị thù địch

1. Kích thích chủ nghĩa cá nhân tư sản, bôi nhọ chủ nghĩa cộng sản.

2. Xuyên tạc mâu thuẫn xã hội, khiêu khích nhân dân chống lại chế độ và Đảng lãnh đạo.

3. Chống lại chuyên chính dân chủ nhân dân, chống lại cách nạng xã hội chủ nghĩa.

4. Gieo rắc chủ nghĩa dân tộc tư sản, gãi vào đầu óc Sô-vanh chống lạ i chủ nghĩa quốc tế vô sản.

Những quan điểm văn nghệ phản động

1. Nhóm “Nhân văn – Giai phẩm” phản đối văn nghệ phục vụ chính trị, thực tế là phản đối văn nghệ phục vụ đường lối chính trị cách mạng của giai cấp công nhân. Chúng đòi “tự do, độc lập” của văn nghệ, rêu rao “sứ mạng chống đối” của văn nghệ, thực ra chúng muốn lái văn nghệ sang đường lối chính trị phản động.

2. Nhóm “Nhân văn – Giai phẩm” phản đối văn nghệ phục vụ công nông binh, nêu lên “con người” trừu tượng, thực ra chúng đòi văn nghệ trở về chủ nghĩa cá nhân tư sản đồi trụy.

3. Nhóm “Nhân văn – Giai phẩm” hằn học đả kích nền văn nghệ xã hội chủ nghĩa, nhất là văn nghệ Liên Xô, đả kích nền văn nghệ kháng chiến của ta. Thực ra, chúng phản đối chế độ xã hội chủ nghĩa, chúng đòi đi theo chế độ tư bản chủ nghĩa.

4. Nhóm “Nhân văn – Giai phẩm” phản đối sự lãnh đạo của Đảng đối với văn nghệ, chúng đòi “trả văn nghệ cho văn nghệ sĩ”, thực ra chúng đòi đưa quyền lãnh đạo văn nghệ vào tay bọn phản cách mạng.

Những văn nghệ sĩ nổi tiếng như Phan Khôi, Trần Duy, Trần Dần, Văn Cao, Lê Đại Thanh, Hoàng Cầm… đã bị đưa đi học tập cải tạo về tư tưởng xã hội chủ nghĩa và bị đè nén trong suốt một thời gian dài, không ngóc đầu lên được!

Chia sẻ:

  • Facebook
  • X
Thích Đang tải...

Có liên quan

Posted in Suy ngẫm, Văn chương

Bình luận về bài viết này Hủy trả lời

Δ

Từ khóa » Vị Nghệ Thuật Nghĩa Là Gì