Nghị Luận Về Lòng Biết ơn Của Con Cái đối Với Cha Mẹ

Nghị luận về lòng biết ơn của con cái đối với cha mẹ - Tổng hợp một số bài văn hay nghị luận xã hội bàn về lòng biết ơn của con cái đối với cha mẹ trong cuộc sống ngày nay.

Đề bài: Trình bày suy nghĩ của em về lòng biết ơn của con cái đối với cha mẹ.

***

Một số bài văn hay nghị luận về lòng biết ơn cha mẹ

Bài văn mẫu 1: Đoạn văn ngắn nghị luận về lòng biết ơn cha mẹ

“Công cha như núi Thái Sơn

Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra

Một lòng thờ mẹ kính cha

Cho tròn chữ hiếu mới là đạo con.”

Mỗi chúng ta phải biết sống hiếu thảo và biết ơn mẹ cha của mình. "Lòng biết ơn không chỉ là đức tính vĩ đại nhất mà còn là khởi nguồn của mọi đức tính tốt đẹp khác" - Marcus Tullius Cicero. Ý câu nói này chính là mọi đức tính tốt đẹp cơ bản nhất của con người đều được gợi từ lòng biết ơn, làm người không có lòng biết ơn thì nhất định không thể nảy nở đức tính tốt. Vậy lòng biết ơn là điều gì mà lại có một sự ảnh hưởng to lớn như vậy đối với đạo đức của con người? Đó là sự hiểu biết và ghi nhớ công ơn của người đã từng giúp đỡ ta. Lòng biết ơn có thể được biểu hiện đơn giản nhất đó là những lời “cảm ơn” của người được nhận ơn với người đã giúp đỡ, đó phải là một lời cảm ơn chân thành từ tận đáy lòng khi người được nhận ơn cảm thấy biết ơn sâu sắc về những điều mà người khác đã cho mình. Cao hơn một lời cảm ơn là tinh thần sẵn sàng trả ơn cho người đã giúp đỡ mình bằng hành động hoặc là giá trị thiết thực bằng tất cả tấm lòng chân thành không tính toán. Nhưng dù là bằng cách nào, con người ta vẫn phải luôn ghi nhớ công ơn của người đã tạo dựng cho mình những điều tốt đẹp. Vậy tại sao chúng ta càng biết ơn mẹ cha của mình? Trước hết, cha mẹ là những người sinh thành ra ta, cho ta sự sống, để ta được có mặt trên cuộc đời này. Pau-tốp-xki đã từng nói “Dù người ta có nói với bạn điều gì đi chăng nữa thì cuộc sống cũng là một điều kì diệu”. Được có mặt trên đời này đã là một hạnh phúc, là một điều kì diệu và mẹ cha chính là người đã ban cho ta phép màu kì diệu ấy. Sau nữa, cha mẹ là những người thân thiết nhất, gần gũi nhất với mỗi con người, nếu không biết ơn mẹ cha mình thì con người sẽ chẳng bao giờ biết ơn được những người khác, hoặc nếu có thì đó cũng chỉ là những thói đời giả dối, kệch cỡm,… Lòng biết ơn cha mẹ là một trong những đức tính bản năng và vốn có ở mỗi người. Chúng ta cần biết học cách để thể hiện lòng biết ơn của mình đối với mẹ cha. Chỉ một câu nói cảm ơn khi nhận được một món quà từ cha mẹ, giúp đỡ cha mẹ trong cuộc sống hàng ngày như giúp mẹ nấu cơm, cùng cha cắt tỉa cây cảnh,… đã khiến cho đấng sinh thành hạnh phúc biết nhường nào, Khi con cái thể hiện lòng biết ơn, cha mẹ sẽ biết rằng con cái của họ là những đứa trẻ tốt, họ sẽ cảm nhận rằng họ cũng được yêu thương chứ không phải chỉ là người trao đi yêu thương.

Hãy thể hiện lòng biết ơn của mình đối với cha mẹ. Hãy bắt đầu bằng việc nói cảm ơn mỗi khi cha mẹ làm điều gì đó cho mình. Nếu bạn có thể làm điều đó đối với những người khác thì tại sao lại không thể làm thế với cha mẹ của mình? Hãy giúp đỡ cha mẹ làm việc nhà, học tập chăm chỉ để trở thành người có ích cho xã hội, báo đền công ơn nuôi dưỡng của mẹ cha. Bên cạnh đó, xã hội cần thức tỉnh và giác ngộ những đứa con ngỗ ngược, không biết ơn cha mẹ,… Hãy trở thành một đứa con hiếu thảo với mẹ cha.

Xem thêm bài văn mẫu nghị luận về lòng hiếu thảo của thế hệ trẻ Việt Nam hiện nay

Bài văn mẫu 2:

Mỗi con người chúng ta được sinh ra, được trưởng thành, được thành đạt trên cõi đời này đều do công ơn sinh thành dưỡng dục của mẹ cha. Công ơn trời biển ấy kể sao cho xiết! Câu ca dao từ ngàn xưa của người dân Việt Nam đến hôm nay vẫn thiết tha nhắc mãi nghĩa tình này:

“Công cha như núi Thái Sơn

Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra

Một lòng thờ mẹ kinh cha

Cho tròn chữ hiếu mới là đạo con"

Câu ca dao gợi cho chúng ta biết bao suy nghĩ về công ơn của mẹ cha, về làm con. Người dân xưa đã gửi gắm lòng biết ơn mẹ cha và lời nhắc nhở người làm con vào bài ca dao với những hình ảnh so sánh thấm thía. Núi Thái Sơn cao lớn vời vợi và nước trong nguồn chảy ra là dòng nước tinh khiết trong lành nhất không bao giờ vơi cạn. So sánh hai hình ảnh ấy với công cha, nghĩa mẹ, tác giả dân gian muốn nói tới thái độ tôn kính, lòng biết ơn sâu sắc đối với công ơn trời biển của cha mẹ và muốn khuyên mỗi người con phải luôn "thờ mẹ kính cha” phải có thái độ, cách ứng xử tôn kính, quý trọng đấng sinh thành của mình. Công cha nghĩa mẹ to lớn vô cùng. Không có cha mẹ thì sẽ không có chúng ta. Mẹ phải vất vả chín tháng mười ngày thai nghén bao gian truân, cợ cực. Chín tháng hay chín năm, gian khó khôn cùng để sinh ra ta. Để có được con mẹ vượt cạn một mình, bất chấp hiểm nguy của tính mạng. Khi sinh ra hài nhi đỏ hỏn, mẹ chắt chiu dòng sữa nuôi con khôn lớn. Mẹ thức trắng đêm để chăm cho con, "chỗ ráo nhường con, chỗ ướt mẹ nằm". Khi con ốm đau, mẹ quên ăn quên uống, thức trắng cùng những cơn sốt, con đau của con, thao thức lo toan. Mẹ và cha hân hoan khi thấy con chập chững những bước đi đầu tiên nghẹn ngào khi con bập bẹ tiếng mẹ tiếng cha.

Khi con đã lớn lên: từ bát cơm mỗi ngày, từ manh áo đến mọi tiện nghi học hành cha mẹ lo cho con tất cả. Cha mẹ như cánh cò cần cù nhẫn nại, vật lộn với đời thường để chắt chiu lo cho con ăn học thành tài. Cha mẹ hết lòng vì con cái, chẳng giành lại cho mình điều gì.

Công sinh thành đã lớn, công dưỡng dục càng lớn hơn. Khi con trưởng thành dần lên, cha uốn nắn con từ lời ăn tiếng nói, từ cách đối nhân xử thế sửa con từ dáng đứng điệu cười. Con là hạnh phúc, là niềm vui, niềm hạnh phúc của cha mẹ. Nhìn con khôn lớn, mọi cực khổ nhọc nhằn của cha mẹ vơi đi. Con khỏe, ngoan, học giỏi, cha mẹ vui sướng, hạnh phúc. Con ốm đau mẹ nước mắt lưng tròng. Con hư, con phạm lỗi, cha mẹ đau buồn, âu lo.

Cha mẹ không quản vất vả chỉ mong mai sau con thành người có ích cho đời, cho xã hội. "Có nuôi con mới biết lòng cha mẹ”. Cha mẹ là chỗ dựa vững chắc cho con bước vào đời, là cây cao bóng cả che mát đời con. Trong vòng tay cha mẹ, con lớn lên, trưởng thành. Hiếu thảo với cha mẹ là đạo lý làm người, là nền tảng của đạo đức.

Phải có hiếu với cha mẹ: phải chân thành biết ơn và tôn kính mẹ cha. Quan hệ giữa cha mẹ, con cái trong gia đình tốt đẹp sẽ góp phần xây dựng, bảo vệ kỉ cương, đạo lý xã hội. Có hiếu với cha mẹ qua thái độ, lời nói và việc làm cụ thể. Từ lời nói lễ phép đúng mực, từ sự quan tâm, chăm sóc chu đáo tận tình từ những việc nhỏ giúp cha mẹ trong gia đình, từ sự bảo ban gương mẫu với các em nhỏ.

Người con có hiếu phải phấn đấu trở thành niềm tự hào, nguồn động viên bố mẹ; phấn đấu học tập tốt nhất, rèn luyện đạo đức tốt nhất, xác định đường đi tốt để có một sự nghiệp, để trở thành người có ích cho xã hội. Người con có hiếu phải có trách nhiệm chăm sóc phụng dưỡng cha mẹ khi già sức yếu. Thờ mẹ kính cha là trách nhiệm, là đạo lý thiêng liêng mà mỗi chúng ta phải gìn giữ, noi theo. Vì đây còn là vấn đề nhân cách, là cái gốc của nhiều tình cảm. Con người không kính yêu cha mẹ thì sẽ không có tình người, không thể là người có phẩm chất, biết sống đẹp, thủy chung với bạn bè, xã hội, nhân dân được.

Thời đại hiện nay vẫn còn một thực tại đau lòng: vẫn còn nhiều người xem nhẹ chữ hiếu, muốn sống tách khỏi gia đình, mẹ cha, đó là nhận thức lệch lạc, sai lầm. Vẫn còn những người con vô ơn, bất hiếu, ngược đãi mẹ cha. Không nghe cha mẹ, không phụng dưỡng cha mẹ tuổi già, gây đau lòng, bất hạnh cho cha mẹ. Những người con đó, dù thời đại nào, hoàn cảnh nào, đều đáng để xã hội lên án, phẫn nộ. Đó là những biểu hiện cùa người vô đạo đức, vô ơn, bạc nghĩa, không có lương tâm. Những biểu hiện đó gây ảnh hưởng, làm băng hoại đạo lý cổ truyền của dân tộc ta và đáng phải lên án.

Cuộc sống dù phát triển thì chữ hiếu vẫn là cơ bản xây đắp những mối quan hệ khác giữa người với người trong xã hội. Người hiếu thảo với cha mẹ thường là một công dân tốt, có trách nhiệm với gia đình, xã hội, quan hệ gia đình thuận hòa, góp phần làm kỷ cương của xã hội phát triển. Lòng biết ơn cha mẹ là cội nguồn của lòng biết ơn nhân dân, Tổ quổc.

Chữ hiếu ngày nay phải được hiểu rộng hơn: hiếu với cha mẹ nhưng phải là người công dân tốt vẫn "trung với nước, hiếu với dân". Đạo lý ấy là sức mạnh của nhân dân ta chiến thắng kẻ thù, dựng xây đất nưóc. Lòng yêu nước, yêu nhân dân bắt nguồn từ những tình cảm giản dị bình thường. Có hiếu có tình cha mẹ thì mới có hiếu với đất nước. Bài ca dao nhắc nhở thấm thía về bài học đạo lý sâu sắc. Bài ca dao sẽ còn mãi với thời gian, nuôi dưỡng tình cảm gia đình, lòng yêu kính mẹ cha bao thế hệ.

  • Bàn về lòng hiếu thảo của con cháu với ông bà, cha mẹ

Bài văn mẫu 3:

Công ơn của cha mẹ như núi Thái Sơn, như nước trong nguồn. Họ là người sinh ra ta và nuôi ta khôn lớn. Công ơn ấy dày như mây trời, cao như đỉnh núi, ào ạt như nước suối đầu nguồn. Dẫu có biết bao nhiêu sự đền trả thì cũng là chưa đủ so với những hi sinh, những chở che mà cha mẹ dành cho mỗi đứa con của mình.

Cha mẹ luôn là người hậu thuẫn dõi theo từng bước đi của con. Khi chúng ta chỉ còn là những đứa bé bắt đầu tập đi cha mẹ chính là người nâng bước, dìu dắt ta trong từng bước chập chững ấy. Không những thế mỗi lần ta vấp ngã cha mẹ lại nâng ta dạy ôm vào ta vào lòng vỗ về an ủi.

Không những thế trách nhiệm của cha mẹ còn là giáo dục cho con cái mình. Những người con lớn lên đến tuổi đi học, ngoài những kiến thức nhà trường dạy dỗ cha mẹ giống như một người thầy giáo cũng giống như một người bạn, chia sẻ cùng con mình những thắc mắc trong cuộc sống. Phần lớn chúng ta học được nhiều đạo lí là ở gia đình chứ không phải nhà trường. Con cái có ngoan ngoãn, có trở thành người có ích hay không, cha mẹ chính là một nhân tố quan trọng trong sự phát triển ấy.

Không chỉ nuôi dưỡng chúng ta, cho chúng ta ăn, chúng ta mặc, cha mẹ còn dạy dỗ chúng ta cách làm người, cách đối nhân xử thế, cách biết tự lập. Cha mẹ dạy chúng ta bằng những kinh nghiệm, những hiểu biết về đời sống, về đạo làm người của chính bản thân. Sau này, dù chúng ta lớn lên, đi học có thầy cô dạy dỗ, nhưng cha mẹ vẫn là người thầy đầu tiên, người thầy gần gũi nhất của chúng ta.

Từ xưa đến nay, quy luật của tự nhiên cũng như quy luật của sự sống đã không hề thay đổi. Đạo làm con thì cần phải báo hiếu, đền đáp công ơn dành cho cha mẹ. Khi còn nhỏ thì cha mẹ dành tất cả những tình yêu của mình để dành cho con, nuôi con trưởng thành. Đến khi trưởng thành chúng ta phải đền đáp lại công ơn đó, tuy không được nhiều như những gì cha mẹ dành cho ta,nhưng đến khi cha mẹ về già ta đã trưởng thành thì cần phải chăm sóc và yêu thương cha mẹ nhiều hơn nữa. Gia đình là nơi luôn sẵn sàng đón ta trở về dù đi bất cứ nơi đâu thì gia đình vẫn luôn chào đón ta. Gia đình nơi chứa đựng những tình cảm mà chẳng nơi nào tìm được. Rồi sau này khi trưởng thành,khi ta đã khôn lớn quay trở về bên gia đình nhìn cha mẹ ta sẽ có cảm giác hụt hẫng vô cùng khi nhìn thấy những nếp nhăn đã hiện trên khóe mắt, tóc mẹ cha đã điểm trắng… lúc đấy nghĩ sao thời gian trôi nhanh quá muốn lấy lại thanh xuân mà chẳng thể được:

“Công cha như núi Thái Sơn

Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra

Một lòng thờ mẹ kính cha

Cho tròn chữ hiếu mới là đạo”

Chỉ bằng những câu thơ ngắn gọn và xúc tích, tác giả đã khái quát một cách rõ nét về cả công ơn của cha mẹ và nhắc nhở chúng ta với những bậc sinh thành của mình. Dù đi đâu đi chăng nữa thì chúng ta không thể quên công ơn đấy, dù còn nhỏ hay đã trưởng thành thì tình yêu và công ơn dưỡng dục với cha mẹ càng không thể thay đổi

Không phải ngẫu nhiên mà hình ảnh núi Thái Sơn cao vời vợi và nước trong nguồn vô tận kia được đem so sánh với công cha, nghĩa mẹ. So sánh công ơn của cha đối với mỗi chúng ta dường như còn lớn hơn cả núi Thái Sơn, núi Thái Sơn to lớn bao nhiêu thì công cha cũng lớn bấy nhiêu. Còn Nghĩa mẹ được so sánh với nước trong nguồn chả ra, nước chảy từ nguồn nhưng liệu ai biết được nguồn nước lớn bao nhiêu, dồi dào bao nhiêu? Cũng như liệu ai biết được tình mẹ, nghĩa mẹ vĩ đại, dạt dào bao nhiêu? Lời răn dạy ấy đúc kết từ bao đời nay và được lưu truyền qua nhiều thế hệ. Đạo hiếu làm con đối với cha mẹ là một đạo lý đúng đắn muôn đời. Chín tháng cưu mang mẹ nhiều gian khổ, rồi mang nặng đẻ đau, chắt chiu từng giọt sữa ngọt ngào nuôi con khôn lớn. Ngày qua ngày cha phải làm lụng vất vả để cung cấp cho ta đầy đủ vật chất.

Trong xã hội xưa có biết bao nhiêu câu chuyện cảm động về lòng hiếu thảo: chuyện về một người con đã lấy thịt mình làm thuốc cho mẹ, chuyện về Lão Lai Tử người nước Sở lúc bảy mươi tuổi còn mặc áo ngũ sắc nhảy múa để mua vui cho cha mẹ. Chữ hiếu được thể hiện ngay trong hành động, ngay trong tình cảm mà chúng ta dành cho cha mẹ. Bổn phận của người làm con trước hết là tu dưỡng học hành, đỗ đạt thành tài để làm cha mẹ vui lòng. Sau đó tận tình chăm sóc, phụng dưỡng cha mẹ khi đau ốm, lúc tuổi già. Đạo làm con không phải một sớm một chiều mà phải làm trọn vẹn chữ hiếu, dành trọn cả tấm lòng để đền đáp công lao sinh thành của cha mẹ.

Tình cảm cha mẹ dành cho con cái thật thiêng liêng biết bao. Công cha, nghĩa mẹ vô bờ bến, suốt đời con không thể trả hết. Chúng ta luôn phải nhớ lời của cha ông: thờ mẹ kính cha phải giữ tròn phận sự của kẻ làm con, phải làm tròn với chữ hiếu của bản thân mình. Hiếu là hiếu thuận, hiếu nghĩa, là cư xử làm sao cho kính trọng, yêu thương. Đó không chỉ là bổn phận, trách nhiệm mà đó cũng là cách sống, đạo đức con người. Chúng ta phải luôn tự nhắc nhở bản thân, phải tuân theo những cách thức ứng xử hợp đạo lý và làm tròn đạo hiếu với cha mẹ.

-/-

Các bạn vừa tham khảo một số bài văn mẫu hay nghị luận xã hội về lòng biết ơn đối với cha mẹ. Truy cập kho tài liệu Văn mẫu lớp 10 để cập nhật thêm nhiều bài văn hay khác giúp bạn rèn luyện kỹ năng làm văn, chuẩn bị tốt cho các bài thi và kiểm tra môn Văn. Chúc các bạn học tốt !

Nghị luận về lòng biết ơn của con cái đối với cha mẹ

Từ khóa » đoạn Văn Nghị Luận Về Lòng Biết ơn Cha Mẹ