Nghị Luận Về ý Nghĩa Của Sự Tập Trung Trong Cuộc Sống (Dàn ý + 3 Mẫu)

Nghị luận về ý nghĩa của sự tập trung trong cuộc sống tuyển chọn 4 mẫu hay nhất của các bạn học sinh giỏi trong cả nước, giúp các em học sinh lớp 9 hiểu rõ hơn ý nghĩa của sự tập trung trong cuộc sống.

Nghị luận về ý nghĩa của sự tập trung trong cuộc sống

Sự tập trung sẽ giúp bạn nỗ lực hết mình trong công việc đang thực hiện mà không bị chi phối bởi bất kỳ hành động nào khác. Người tập trung luôn năng động, có ý thức làm việc và không ỷ lại vào người khác. Vậy mời các em cùng theo dõi bài viết dưới đây của Download.vn để có thêm nhiều ý tưởng mới, ngày càng học tốt môn Văn 9:

Nghị luận về ý nghĩa của sự tập trung trong cuộc sống

  • Dàn ý nghị luận về ý nghĩa của sự tập trung trong cuộc sống
  • Nghị luận về ý nghĩa của sự tập trung trong cuộc sống - Mẫu 1
  • Nghị luận về ý nghĩa của sự tập trung trong cuộc sống - Mẫu 2
  • Nghị luận về ý nghĩa của sự tập trung trong cuộc sống - Mẫu 3
  • Nghị luận xã hội về ý nghĩa của sự tập trung trong học tập

Dàn ý nghị luận về ý nghĩa của sự tập trung trong cuộc sống

I. Mở bài:

- Giới thiệu được vấn đề cần bàn luận: Tính tập trung.

II. Thân bài:

+ Giải thích được:

- Tập trung là gì?

+ Tập trung có nghĩa là dành hết mọi sự chú ý, quan tâm và đam mê để đạt được một mục tiêu xác định nào đó. Tập trung thường hay đi cùng với chữ trước nó là chữ "sự", sự tập trung.

+ Sự tập trung là thói quen đề ra mục tiêu cụ thể và quán chiếu nó cho đến khi nào bạn tìm được hướng đi và cách đi đến đích. Sự tập trung đồng nghĩa với việc bạn sẽ nỗ lực hết mình trong công việc đang thực hiện mà không bị chi phối bởi bất kỳ hành động nào khác. Khi bạn tập trung làm một việc gì đó, sau khi hoàn thành bạn sẽ đạt được kết quả như mong muốn và cảm thấy có ý nghĩa trong cuộc sống. Tập trung cũng là bản chất của mỗi người, có người khi làm việc gì đó thì rất tập trung, ngược lại có người lại rất mất tập trung.

+ Đánh giá:

- Vì sao cần tập trung? Vì tập trung có tác dụng:

+ Giúp con người có ý thức rèn luyện để hoàn thiện bản thân.

+ Sự tập trung giúp con người giữ được kiên định trên con đường theo đuổi mục tiêu cuối cùng.

+ Giúp con người thích nghi với hoàn cảnh, vượt qua mọi thử thách. Mỗi lứa tuổi, mỗi hoàn cảnh việc thể hiện tính tập trung khác nhau.

+ Người tập trung sẽ năng động, có ý thức làm việc và không ỷ lại vào người khác.

+ Tập trung nhưng vẫn cần biết liên kết với người khác để tạo ra sức mạnh tập thể.Tập trung giúp ích chúng ta rất nhiều trong học tập cũng như trong công việc, giúp ta hiểu bài hay là hoàn thành việc tốt và sớm hơn dự kiến.

- Làm thế nào để tập trung?: Cần có các yếu tố nhất định như tự tin, khả năng tập trung tinh thần vào một công việc nào đó, các kỹ năng sống phụ trợ khác… Đặc biệt bạn cần phải tự ý thức được bản thân cần tập trung trong hoàn cảnh, điều kiện nào (lấy dẫn chứng minh họa – dẫn chứng từ thực tế, dẫn chứng trong văn học).

III. Kết bài:

- Rút ra bài học nhận thức và hành động rèn luyện sự tập trung đúng đắn trong cuộc sống và đó chính là chìa khóa của thành công.

Nghị luận về ý nghĩa của sự tập trung trong cuộc sống - Mẫu 1

Trước đây khi chưa biết đến thiền, Chap là một người luôn mất tập trung khi làm bất cứ việc gì, từ xem phim, đọc sách cho tới giặt quần áo… Ngay cả các công việc cần sự tỉ mẩn nhất, đôi khi, tay làm cứ làm, mắt nhìn cứ nhìn nhưng đầu óc lại ít nhiều nghĩ tới chuyện khác. Ấy vậy mà sau một thời gian hành thiền và tập yoga, Chap lại nhận ra mình có sự cải thiện tập trung tâm trí một cách rõ rệt và nó khiến cuộc sống của mình thay đổi khá nhiều. Đó chính là do sự màu nhiệm từ sức mạnh của sự tập trung.

Đầu tiên là mình cảm thấy mình làm tốt mọi việc hơn hẳn. Do chú tâm hơn vào công việc đang làm nên mọi chi tiết trong việc đó được mình nhận thấy rõ ràng hơn. Khi đó mình biết cách để hoàn thành công việc sao cho nhanh và hiệu quả nhất. Sự mất tập trung khi vừa làm vừa nghĩ sang một việc khác thì dĩ nhiên là thời gian cho việc đó bị san sẻ bớt cho hành động suy nghĩ thì làm sao mà ta chẳng thấy lãng phí thời gian rồi lại đổ lỗi cho nó cứ trôi vèo vèo.

Tiếp theo là sự cải thiện trí nhớ. Ngày trước, Chap là đứa rất hay quên. Khi đầu mình đã chất chứa một đống những hình ảnh, âm thanh của hàng ngàn hàng vạn vọng tưởng thì làm gì còn chỗ cho những thứ cần nhớ. Thậm chí có lúc mình mất tập trung đến nỗi mẹ Chap vừa dặn dò điều này và mình vừa bâng quơ “vâng” một cái thì chợt nhận ra ngay là chẳng biết mình vừa vâng điều gì. Cố công lục lại trí nhớ mãi may ra còn nhớ ra được. Có được sự tập trung rồi thì điều gì được cho là cần thiết thì sẽ tự động nạp vào trí nhớ của ta bởi trí não ta đã được dọn sạch đi những thứ không cần thiết phải nghĩ rồi còn gì.

Sự tập trung còn tạo nên một sức mạnh kì diệu đó là khiến con người ta sáng tạo hơn. Khi ta tập trung chú ý nghĩ về một vấn đề thì sẽ nảy sinh ra nhiều ý tưởng mới giúp công việc hiệu quả hơn và từ đó tăng niềm yêu thích với công việc ta đang làm. Thực ra mọi thứ nó vốn có sẵn đấy hết rồi nhưng do ta không tập trung chú ý nhìn sâu vào nó để mà hiểu nó hơn. Bởi đầu ta còn bận rộn với vô số những điều khác mà. Vậy nên phát hiện ra điều gì mới và hay ho thì ta coi nó là sáng tạo. Cứ cho là vậy đi thì Chap cũng thấy mình nhiều thứ sáng tạo hơn trước và sau khi mình có sự tập trung cao độ cho mọi công việc. Ngày xưa đi học, trước các bài toán khó, các cô giáo chắc hẳn cũng bảo các bạn phải suy nghĩ thật kỹ, đọc đi đọc lại đề bài. Đó chính là cách để ta tập trung tâm trí của mình để tìm câu trả lời ngay trong chính câu hỏi. Trên đời này, điều gì cũng vậy, đều có cách giải quyết ngay trong nó hết, ngay cả trong những thời điểm khó khăn nhất. Chỉ là ta có đủ sự tỉnh táo và tập trung để tìm ra đáp án từ nó không. Và sự tập trung suy nghĩ cho một vấn đề sẽ giúp ta phát hiện những thứ mới mẻ và phải thốt lên rằng: Thế mà từ trước giờ không nghĩ ra nhỉ?

Điều quan trọng hơn cả là sự tập trung cho một công việc giúp ta cảm thấy mình sống gần hiện tại hơn, không dễ bị cảm xúc chi phối. Bởi lẽ, khi đã dồn hết mọi tâm trí cho một việc thì ta làm gì còn thời gian liên tưởng đến việc khác. Khi đã không bị một ý nghĩ, vọng tưởng nào lôi đi thì chính là lúc ta được sống trọn trong hiện tại. Suy nghĩ linh tinh quá nhiều trong khi tay đang làm việc khác thì sao có thể gọi là đang sống ở hiện tại. Tâm trí chi phối các cảm giác, cảm xúc trong ta cơ mà. Nó đang ở chỗ nào thì ta cũng bị cuốn theo đó. Chỉ có thân thể này là ở thực tại. Vậy nên, cứ để nó lôi đi, ta chỉ cảm thấy mệt mỏi, xa rời thực tế. Không những thế, nếu tâm trí ta đi đến một miền không gian mà ở đó ta gặp bất hạnh, đau khổ hay phải tức giận, sợ hãi về điều gì thì chắc chắn cảm xúc của ta cũng trở nên như vậy luôn. Chỉ khi ta tập trung hoàn toàn cho việc mình đang làm với một cảm xúc bình thản nhất, thậm chí là làm bằng tất cả tình yêu của mình thì chẳng điều gì có thể kéo ta ra xa hơn thế và khiến tâm trạng ta trở nên… lồi lõm.

Vậy đó, chúng ta đôi lúc vẫn than phiền rằng “thời gian trôi như chó chạy ngoài đồng” và không ngừng tiếc rẻ nó trôi quá nhanh mà chưa làm được gì mấy. Thực ra, không phải do thời gian trôi nhanh mà do ta không biết tận dụng, tiết kiệm tối đa thời gian của mình. Mà sự lãng phí thời gian lớn nhất của chúng ta không phải là việc ta tiêu tốn nó vào những cuộc vui chơi, giải trí vô bổ mà do ta chẳng bao giờ có đủ sự tập trung vào việc ta đang làm.

Sức mạnh của sự tập trung mang tới cho ta rất nhiều điều kỳ diệu mà kỳ diệu nhất là ta được ung dung, tự tại sống trên cõi đời này với biết bao ý tưởng mới trong đầu và khiến mọi việc ta làm đều thật ý nghĩa. Thậm chí, ta còn có thể biến đổi nó với bàn tay ma thuật của mình. Để đạt được sự tập trung cao độ đó, không gì khác là ta phải thực tập thiền hàng ngày. Thiền định sẽ giúp ta trụ lại trong hiện tại, xóa bỏ bớt vọng tưởng hay các suy nghĩ linh tinh, không cần thiết để nhường chỗ cho những suy nghĩ sâu sắc cho vấn đề hay công việc ta đang làm. Mong rằng, các bạn sẽ hành thiền thường xuyên để luôn trụ vững trong thực tại và cảm nhận sự màu nhiệm với sức mạnh của sự tập trung.

Nghị luận về ý nghĩa của sự tập trung trong cuộc sống - Mẫu 2

Tập trung là khả năng để hướng trực tiếp sự chú ý đến một tư tưởng duy nhất hay một đối tượng hoặc một việc đang làm như là đọc sách, nghe nhạc, rửa bát, chuyện trò hay giải quyết vấn đề chuyên môn, nghề nghiệp.

Song song với sự tập trung là sự loại bỏ hoàn toàn những đối tượng khác ra khỏi nhận thức. Có thể coi tập trung là một sự lựa chọn, ta chọn điều này đồng nghĩa với việc ta loại bỏ những thứ còn lại. Và việc hoàn toàn tập trung giống như là bạn hoàn toàn lựa chọn một thứ và không vấn vương đến lựa chọn khác nữa.

Chắc hẳn các bạn đều đã từng làm thí nghiệm này, đó là lấy một kính hội tụ (gương lồi) đốt cháy một mảnh giấy khi ánh sáng của mặt trời được tập trung trên nó. Lửa chỉ có thể bùng lên khi tia nắng được hội tụ trên một điểm nhỏ. Khi kính hội tụ bị dời đi xa quá hay gần quá mảnh giấy, tia sáng không thể tập trung đủ và không có điều gì xảy ra.

Kinh nghiệm này diễn tả một cách rõ ràng năng lực của tập trung.

Sự tập trung đầu óc là thành phần quan trọng cấu thành trí tuệ của chúng ta, bởi nếu không có nó thì sự phát triển bản thân mỗi con người rất khó có thể được thực hiện. Có thể coi năng lực tập trung là năng lực cơ bản nhất của não bộ, là nền tảng để ta thực hiện các năng lực khác như ghi nhớ, quan sát, tư duy, giải quyết vấn đề, phán đoán nhanh nhạy… Nó hỗ trợ trong việc nghiên cứu và thấu hiểu nhanh hơn, cải thiện trí nhớ, và giúp cho việc chú tâm trên bất cứ nhiệm vụ, công việc, hành vi hay mục tiêu nào, và đạt đến những điều ấy một cách dễ dàng hơn và hiệu quả hơn.

Các công trình nghiên cứu đã chứng minh rằng cái làm cho mỗi trải nghiệm trở nên thoải mái, dễ chịu là trạng thái tập trung đầu óc thật sâu, đến mức bản thân con người hoàn toàn chìm đắm trong công việc đang làm. Trạng thái này cũng có tên gọi là “chìm đắm” – bởi một người, khi ở trong trạng thái này sẽ làm việc hết sức mình, bản thân anh ta chính là cái anh đang làm, anh ta mất hết cảm giác về tự thức.

Chúng ta hãy hình dung một nhà phẫu thuật tim mạch trong một ca mổ phức tạp hay một vận động viên leo núi đang trên đường chinh phục một ngọn núi cao – sự tập trung cao độ là điều kiện dẫn tới thành công trong những công việc họ đang thực hiện. Khi mọi hoạt động kết thúc, đó cũng là lúc ý thức trở lại trong đầu óc họ. Sau những lần như thế, con người ta trở nên mạnh mẽ hơn, giàu có hơn về những trải nghiệm và những năng lực mới.

Khi tâm thức chúng ta được tập trung, năng lượng của chúng ta không bị tiêu hao trên những hành vi hay tư tưởng không thích hợp. Đây là nguyên nhân tại sao phát triển sự tập trung là cốt yếu đến bất cứ người nào khao khát nhận lấy trách nhiệm đến cuộc đời của mình. Kỹ năng này là cơ bản cho mọi loại thành công. Không có tập trung, nỗ lực của chúng ta sẽ rơi rãi tản mát, nhưng với nó, chúng ta có thể hoàn thành ngay cả những điều to tát khi chỉ có một thời gian và nguồn lực hạn chế.

Nghị luận về ý nghĩa của sự tập trung trong cuộc sống - Mẫu 3

Bạn không cần phải có tài năng thiên bẩm để thành công, bởi người tài năng nhất trong số những người tài năng là người biết tập trung, ai cũng có khoảng thời gian 24h mỗi ngày, nhưng thời gian không hề quý giá mà thứ quý giá phải là sức mạnh của thời gian. Nếu tập trung 20% thời gian sẽ tạo ra ít nhất 80% kết quả. Nếu như bạn tập trung 100% thì kết quả sẽ không tưởng như thế nào?

Tập trung chỉ là nói có với những việc cần thiết mà còn phải nói không với hàng trăm thứ khác dù cho chúng có ích. Nếu cùng một lúc bạn đuổi 2 con thỏ, chắc chắn bạn sẽ vụt mất cả 2. Người ta nói rằng nếu dám mơ ước thì ước mơ sẽ trở thành hiện thực, nhưng nếu bạn không biết tập trung vào đúng việc thì ước mơ đó chỉ có thể để ngắm. Mục tiêu của bạn là gì? Hãy tập trung vào những thứ giúp bạn thực hiện ước mơ đó. Khát khao của bạn là gì? Hãy tập trung cho đến khi bạn thỏa mãn được khát khao. Khi tập trung vào cơ hội, chắc chắn chúng sẽ đến nhiều hơn. Bạn càng chú ý vào rắc rối thì chúng càng xuất hiện nhiều hơn. Nếu cứ dừng lại mà ném đá những con chó đang sủa bên đường, bạn sẽ mãi chẳng bao giờ tới đích.

Đừng nói rằng bạn không thể tập trung vì những tác động bên ngoài ! Chừng nào tập trung còn phụ thuộc vào phạm trù ý thức thì bạn vẫn có thể kiểm soát hoàn toàn. Tuyệt đối chỉ làm những việc phục vụ cho ưu tiên hàng đầu. Nghiêm khắc với bản thân và loại bỏ tất cả những yếu tố làm bạn phân tâm.

Não bộ của chúng ta rất kỳ lạ, nó có khả năng nhảy từ luồng suy nghĩ này sang luồng suy nghĩ khác mà không biết mệt mỏi. Và việc này lại cực kỳ nguy hiểm khi rèn luyện khả năng tập trung. Giả dụ như bạn đang tập trung cao độ vào một công việc nào đó, nhưng bỗng nhiên não của bạn bất chợt nảy sinh một luồng suy nghĩ nào đó và chỉ vài phút sau thì nó đã dẫn bạn đến một nơi mà bạn không hề mong muốn, hậu quả là công sức tập trung cao độ cho công việc trước bị bay biến, bạn lại phải tập trung từ đầu và rất lâu sau mới có thể lấy lại sự tập trung như ban đầu.

Vậy giải pháp cho vấn đề này là gì? Hãy tạo một danh sách “đổ rác não bộ”. Thực hiện nó như thế nào, rất đơn giản, bất kể khi nào nếu bạn thấy mình đang tập trung cao độ nhưng lại suy nghĩ về một điều gì đó, hãy dừng lại 1 phút rồi viết luồng suy nghĩ đó ra giấy hoặc note trên ứng dụng của điện thoại hoặc máy tính, sau đó đừng suy nghĩ gì về nó mà quay ngay lại với công việc của mình.

Khi bạn viết nó ra và lưu trữ ở một nơi nào đó, luồng suy nghĩ đó không mất đi, nhưng nó sẽ cho bạn quyền chủ động được lựa chọn thời điểm nào thì bạn sẽ quay lại với suy nghĩ này. Khi hoàn thành hết công việc của bạn rồi, bạn hoàn toàn có thể xem xét lại danh sách trên để quyết định các công việc tiếp theo mình nên thực hiện là gì.

Như tôi đã nêu ở trên “Nếu cùng một lúc bạn đuổi 2 con thỏ, chắc chắn bạn sẽ vụt mất cả 2" vì vậy ”Mục tiêu của bạn là gì? Hãy tập trung vào những thứ giúp bạn thực hiện ước mơ đó”. Vì vậy hãy biến thói quen “tập trung vào một việc, tại một thời điểm” thành tiêu chí làm việc của bạn. Chắc chắn sự tập trung của bạn sẽ được nâng cao. Nếu kết hợp phương pháp này với phương pháp số 3 thì bạn sẽ gia tăng sự tập trung của mình lên rất nhiều lần.

Thế giới này đang cố gắng tìm cách thu hút sự tập trung của bạn bằng cách làm cho bạn bị xao nhãng. Vậy thì cách tốt nhất để không bị xao nhãng đó là ngăn ngừa trước khi điều đó xảy ra. Hãy mạnh dạn khóa những trang làm bạn tiêu tốn thời gian là một cách rất hiệu quả. Tìm ra những trang khiến bạn mất nhiều thời gian nhất như Facebook, youtube, Instagram. Một khi không thể vào được các website thân thuộc này, bạn gần như sẽ tập trung ngay lập tức. Tắt tất cả mọi thứ gây mất tập trung TV, máy tính, radio…những thứ làm bạn sao nhãng sự tập trung, thì hãy tắt tất cả những thứ khi bạn đang làm việc, học tập. Riêng với điện thoại, bạn có thể để chuông và cất vào tủ, tránh xa bàn làm việc nhưng vẫn trong vòng bạn có thể nghe chuông được, phòng khi có những cuộc gọi gấp. Kiểm tra email theo đợt. Nghĩa là bạn quy định số lần và thời gian mà bạn kiểm tra email trong ngày. Và bạn xử lý chúng theo từng đợt như vậy. Bạn sẽ không thể biết được năng lực thật sự của mình cao đến mức nào cho đến khi bạn thật sự tập trung.

Nghị luận xã hội về ý nghĩa của sự tập trung trong học tập

Để hoàn thiện bản thân và nên người con người cần có nhiều yếu tố khác nhau. Nhưng trước hết chúng ta cần tập trung học tập để hoàn thiện và phát triển bản thân mình. Có thể thấy, sự tập trung trong học tập có ý nghĩa lớn lao và ảnh hưởng trực tiếp đến sự phát triển của mỗi người.

Sự tập trung trong học tập là việc mỗi học sinh nhận thức được tầm quan trọng của việc học, không lơ là trong học tập, từ đó có những phương pháp học tập hữu ích, cố gắng học hỏi, thực hành, trau dồi kiến thức để hoàn thiện bản thân. Sự tập trung trong học tập có vai trò và ý nghĩa vô cùng quan trọng đối với cuộc sống con người và là yếu tố tiêu quyết để con người có được thành công. Việc tập trung trong học tập sẽ giúp ta nhớ lâu, biết vận dụng những kiến thức đã học một cách hữu ích hơn trong cuộc sống. Bên cạnh đó, nó còn giúp ta trở nên năng động, sáng tạo, không ỷ lại, không phụ thuộc vào người khác.

Tập trung trong học tập là việc mỗi người luôn cố gắng, nỗ lực học tập, tìm tòi những cái hay, cái mới, không ngừng học hỏi ở mọi lúc mọi nơi, có ý thức tự giác, học đến nơi đến chốn, không bỏ dở giữa chừng, có hệ thống lại bài học, rút ra bài học, kinh nghiệm cho bản thân từ lí thuyết, sách vở. Việc tập trung học tập sẽ giúp chúng ta tích lũy được nhiều kiến thức bổ ích, giúp ta phát triển bản thân tốt hơn trong tương lai, tạo ra được những giá trị tốt đẹp cho chính mình cũng như cho xã hội. Tuy nhiên vẫn còn có nhiều bạn học sinh lười học, chưa thực sự tập trung vào việc học của mình. Lại có những bạn học đối phó, học tủ, học vẹt để qua mắt thầy cô,… Những trường hợp này thật đáng chê trách và cần thay đổi thái độ học tập nếu muốn có cuộc sống tốt đẹp hơn.

Là một học sinh trước hết chúng ta cần tập trung tối đa trong học tập, học những điều hay lẽ phải trong sách vở, từ những người xung quanh. Bên cạnh đó, ta cũng cần trau dồi đạo đức cho bản thân thật tốt để trở thành công dân hiền tài trong tương lai. Tuổi trẻ trôi qua rất nhanh, trong độ tuổi đẹp đẽ nhất hãy cố gắng học tập, trau dồi cho bản thân những kiến thức cơ bản và đáng quý để có thể trở thành một người giỏi giang, đức độ, cống hiến những điều tốt đẹp nhất cho xã hội.

Từ khóa » Sự Tập Trung Nghĩa Là Gì