Nghị Luận Về ý Nghĩa Của Sự Trải Nghiệm Trong Cuộc Sống
Có thể bạn quan tâm
Nghị luận ý nghĩa của sự trải nghiệm - Sưu tầm, tổng hợp những mẫu bài văn hay bàn về ý nghĩa của sự trải nghiệm trong cuộc sống.
Đề bài: Anh/chi ̣hãy viết một đoạn văn (khoảng 200 chữ) trình bày suy nghĩ về ý nghĩa của sự trải nghiệm trong cuộc sống.
* Trải nghiệm là tổng hợp những tri thức, kĩ năng hoặc những quan sát được tích lũy thông qua việc tham gia hoặc tiếp xúc với những sự vật, sự kiện. Trong cuộc sống, trải nghiệm được hình thành qua những hoạt động, sự kiện mà con người đã tham gia. Trải nghiệm là thành quả giá trị không chỉ để chúng ta học tập mà còn là những khám phá thú vị để ta trưởng thành hơn, bản lĩnh hơn trong cuộc sống.
Trải nghiệm không chỉ là việc khám phá một mảnh đất mới, thưởng ngoạn một danh thắng mà còn là cơ hội để chúng ta học tập, tích lũy thêm những kinh nghiệm, rèn luyện những kĩ năng cần thiết và cũng là cách để con người bộc lộ được những tiềm năng; là cơ hội để con người hiểu hơn về giá trị của chính bản thân mình.
Đoạn văn ngắn 200 chữ bàn về ý nghĩa của sự trải nghiệm
Đoạn văn mẫu 1:
Đã có bao giờ bạn ngồi thơ thẩn nhìn lời bầu trời và tự hỏi, ý nghĩa của cuộc sống này là gì? Có người sẽ nói đó là vinh hoa phú quý, là địa vị cao sang, là tìm được tình yêu đích thực. Còn phần tôi, tôi chỉ đơn thuần nghĩ rằng chúng ta sinh ra trên cuộc đời này là để sống và trải nghiệm nó. Bởi lẽ suy cho cùng, tiền bạc, của cải, tình yêu đến một lúc nào đó chúng đều có thể biến mất. Sau này, khi bạn chết đi, bạn bước sang một thế giới khác, bạn chẳng thể nào mang theo chúng bên mình được. Và trong lúc đó những gì còn lại bạn có được chỉ còn những kí ức và sự trải nghiệm.
Người ta vẫn thường lấy thời gian để làm thang đo của sự sống, thế nhưng điều thực chất làm nên cuộc đời của bạn đó chính là những trải nghiệm bạn có được trên cuộc hành trình của mình như triết học gia Jeans-Jacques Rousseau đã từng nói: “Người sống nhiều nhất không phải người sống lâu năm nhất mà là người có nhiều trải nghiệm phong phú nhất.” Sự trải nghiệm cũng giống như một người thầy ở trường đời, một người thầy của cuộc sống. Một sinh viên tự mình đi làm thêm trang trải cuộc sống mới hiểu được đồng tiền khó kiếm như thế nào. Một start-up trẻ phải thử nghiệm, phải thất bại mới biết được cách vận hành một mô hình kinh doanh. Một người bôn ba du lịch khắp thế giới mới biết được ở nước bạn, người ta làm được những gì mà quê hương mình chưa làm được, tiếp nhận những luồng tư tưởng mới và thay đổi cách nhìn nhận của mình. Chính sự trải nghiệm mới mang lại cho chúng ta những bài học vô giá như thế. Để rồi từ đó chúng ta tìm ra được bản ngã, khám phá ra tiềm năng của mình. Chúng ta biết mình thích gì, chúng ta biết mình là ai, chúng ta có những khả năng gì và sống một cách trọn vẹn nhất có thể.
Vì thế, đừng ngại ngần nữa mà hãy trải nghiệm đi. Hãy học một ngôn ngữ mới, chơi một môn thể thao hoặc bắt đầu lên kế hoạch cho chuyến du lịch “bụi” của mình. Tin tôi đi, và rồi bạn sẽ tìm được niềm cảm hứng, ước mơ trong chính những trải nghiệm của mình.
Đoạn văn mẫu 2:
Theo Các-mac: "Cuộc sống là dòng chảy luôn vận động". Con người không thể cứ ngồi yên mặc cho nhịp sống cứ thế tuôn đi. Thật vậy, và điều chúng ta cần đó là sự trải nghiệm. Trải nghiệm chính là quá trình tìm tòi, khám phá và trải qua những điều mới mẻ. Không ai có thể phủ nhận tác động tích cực nhờ trải nghiệm mang lại. Trải nghiệm không chỉ giúp ta có thêm kiến thức mà còn dạy ta những bài học về cuộc sống.
Trải nghiệm chính là quá trình tiếp thu kiến thức từ đời sống. Mỗi việc chúng ta trải qua, mỗi vùng đất ta đi đến, mỗi con người ta gặp đều sẽ để lại trong lòng ta những suy nghĩ và bài học nhất định. Bạn sẽ chẳng biết vịnh Hạ Long đẹp ra sao nếu bạn không đến đó, bạn không biết sở thích của mình là gì, bạn sống mà không có ước mơ đó là do bạn không chịu trải nghiệm để khám phá bản thân mình. Trải nghiệm giúp chúng ta va đập với sự khắc nghiệt của cuộc sống, giúp chúng ta trưởng thành hơn. Trải nghiệm dạy chúng ta bằng hành động, việc làm chứ không phải bằng những con chữ. Trải nghiệm là một phần không thể thiếu của cuộc sống, đặc biệt là những người trẻ. Hãy mở rộng lòng mình, hãy đi nhiều nơi, gặp gỡ nhiều người, hãy tích cực tham gia nhiều hoạt động xã hội. Đừng sống như một người vô hình không có đam mê, không có ước mơ, không chịu trải nghiệm sẽ không thể tìm kiếm được niềm vui trong cuộc sống. Tôi cũng vậy, tôi sẽ tích cực khám phá và tìm tòi những điều mới mẻ, và rằng thay vì ngồi yên hay trải nghiệm cũng đều dẫn đến một kết quả, tôi sẽ chọn trải nghiệm. Nào, ta không thể cứ ngồi yên thờ ơ với dòng chảy của cuộc sống, hãy đứng lên hòa nhịp cùng nó, để thấy được cuộc sống này tươi đẹp biết nhường nào.
- Thành công không phải là một đích đến, đó là một hành trình
- Nghị luận xã hội: Tuổi trẻ trước những cơ hội mới
Đoạn văn 200 chữ mẫu số 3
Trong cuộc thi quan trọng nhất của chúng ta, đó là cuộc đời, 5 năm nữa bạn sẽ là ai? Với tôi, chỉ có một tôi duy nhất, và sự trải nghiệm sẽ nói lên bản thân tôi vào 5, 10 hay 15 năm sau đó. Trải nghiệm là tất cả những bài học, kinh nghiệm được rút ra từ sự nỗ lực không ngừng học hỏi, không ngừng tranh đấu với khó khăn. Trải nghiệm giúp chúng ta hoàn thiện hơn, mạnh mẽ hơn, biết đâu là điểm mạnh hay điểm yếu của mình và tôi rèn bản lĩnh đương đầu với mọi thử thách. Không thể phủ nhận rằng có trải nghiệm, chúng ta mới đủ năng lực làm được những công việc mà ta mong muốn. Để trở thành một người bản lĩnh, dám đứng trên sân khấu tỏa sáng, Oprah Winfrey đã nếm trải biết bao khó khăn từ tuổi thơ cơ cực, để rồi không từ bỏ, nỗ lực học tập đã giúp cô gái ấy đã trở thành “bà hoàng truyền hình” đắt show nhất nhì nước Mỹ. Trải nghiệm đôi khi chỉ đơn giản là bạn làm một điều gì mới mẻ và học hỏi từ nó, nhưng điều quan trọng là phải luôn nỗ lực hết mình. Trải nghiệm có được hay không phụ thuộc vào những tháng ngày tuổi trẻ của chúng ta. Đừng để tuổi trẻ sống trong an nhàn và tuổi trưởng thành sống trong hối hận vì đã trì hoãn quá nhiều. Bởi như Jean Jacques Rousseau đã từng nói: "Người sống nhiều nhất không phải người sống lâu năm nhất mà là người có nhiều trải nghiệm phong phú nhất”.
Một số tục ngữ, danh ngôn hay về sự trải nghiệm có thể dùng làm dẫn chứng liên hệ
- "Tinh túy của trí tuệ đến từ kỹ năng đi tìm ý nghĩa của mọi trải nghiệm hàng ngày". (Khuyết danh)
- "Người sống nhiều nhất không phải người sống lâu năm nhất mà là người có nhiều trải nghiệm phong phú nhất". (Jean Jacques Rousseau)
- "Tính cách không thể phát triển một cách dễ dàng và yên lặng. Chỉ qua trải nghiệm thử thách và gian khổ mà tâm hồn trở nên mạnh mẽ hơn, hoài bão hình thành và thành công đạt được". (Helen Keller)
- "Rốt cuộc mục đích của cuộc đời chính là sống nó, trải nghiệm đến tận cùng, háo hức vươn ra và không bao giờ sợ hãi đón nhận những trải nghiệm mới mẻ và phong phú hơn". (Eleanor Roosevelt)
- "Đi một ngày đàng học một sàng khôn". (Tục ngữ)
- "Ai chiến thắng mà không hề chiến bại Ai nên khôn mà chẳng dại đôi lần?" (Dậy mà đi – Tố Hữu)
- "Muốn thành công phải trải qua thất bại Trên đường đời có dại mới có khôn".
Một số mẫu bài nghị luận hay về ý nghĩa của sự trải nghiệm
Ý nghĩa của sự trải nghiệm bài số 1:
Cuộc đời là những chuyến phiêu lưu trong đó con người là những người du hành không biết mệt mỏi. Vậy để trở thành những người du hành thông thái có vốn tri thức và hiểu biết phong phú thì sao chúng ta cần không ngừng cố gắng, vươn lên, thành quả của mọi nỗ lực là những trải nghiệm đáng quý nhất.
Trải nghiệm là tổng hợp những tri thức, kĩ năng hoặc những quan sát được tích lũy thông qua việc tham gia hoặc tiếp xúc với những sự vật, sự kiện. Trong cuộc sống, trải nghiệm được hình thành qua những hoạt động, sự kiện mà con người đã tham gia. Trải nghiệm là thành quả giá trị không chỉ để chúng ta học tập mà còn là những khám phá thú vị để ta trưởng thành hơn, bản lĩnh hơn trong cuộc sống.
Trải nghiệm không chỉ là việc khám phá một mảnh đất mới, thưởng ngoạn một danh thắng mà còn là cơ hội để chúng ta học tập, tích lũy thêm những kinh nghiệm, rèn luyện những kĩ năng cần thiết và cũng là cách để con người bộc lộ được những tiềm năng; là cơ hội để con người hiểu hơn về giá trị của chính bản thân mình.
Tích cực tham gia vào một hoạt động nào đó, thực hiện một mục tiêu nào đó không phải bao giờ chúng ta cũng sẽ đạt được thành công nhưng chắc chắn ta sẽ có thêm những trải nghiệm ý nghĩa, có những cảm xúc thật và bài học kinh nghiệm rút ra từ thực tiễn chứ không phải chỉ là lí thuyết trên sách vở nữa. Bàn về ý nghĩa của trải nghiệm, nhà thơ Robert Feost từng viết: “Trong rừng có nhiều lối đi, và tôi chọn lối đi không có dấu chân người”. Trải nghiệm là thái độ sống tích cực, chủ động cần có và nên có ở những con người hiện đại. Đó là cách tạo nên những giá trị mới, khẳng định dấu ấn cá nhân.
Để có trải nghiệm chúng ta đừng ngại gian khổ, ngại hi sinh, thất bại bởi sau tất cả những khó khăn, thử thách trong hoạt động khám phá, dù không thành công chúng ta cũng đã tự tích lũy cho mình một vốn hiểu biết thật phong phú rồi. Trải nghiệm giúp con người luôn bình tĩnh, mạnh mẽ trong cuộc sống bởi họ đã có trải nghiệm và họ biết mình cần làm như thế nào. Đây cũng là lí do vì sao những người lớn tuổi, những người ham học hỏi thường điềm đạm, giàu kinh nghiệm và vững vàng để làm chủ cuộc sống của chính mình.
Để có những trải nghiệm, chúng ta hãy hành động, tự mình tham gia để cảm nhận được những thành quả từ những hoạt động ấy. Đừng sống lãng phí, hạn hẹp như con ếch ngồi đáy giếng, cũng đừng sống dựa trên những trải nghiệm của người khác mà hãy sẵn sàng học tập, hoạt động để có những trải nghiệm.
Trải nghiệm có ý nghĩa to lớn đối với sự trưởng thành và phát triển của con người. Vì vậy đừng ngại những hoạt động, hãy xách ba lô đi để trải nghiệm, phát triển các bạn nhé.
Ý nghĩa của sự trải nghiệm bài số 2
Trên thế giới đã từng có một cuộc khảo sát về những điều người ta thường nuối tiếc trước khi chết. Và một trong số những điều người ta nuối tiếc nhất, đó là mọi người tiếc rằng mình đã sống quá an toàn, đã không trải nghiệm nhiều hơn, trải nghiệm nhiều hơn nữa.
Còn tiếc hơn khi chúng ta, những người còn sống, biết được điều đó nhưng lại cứ thế cho qua, cứ thế tiếp tục sống một cuộc sống an toàn, bình lặng, cứ thế sống hết kiếp người rồi sau cùng nhìn lại lại ước gì, lại giá như lại hối tiếc.
Chúng ta thường được nghe những lời kêu gọi như “hãy khác biệt, hãy sống hết mình, sống là không chờ đợi, hãy cứ dại khờ…” nhưng áp dụng cụ thể những lời khuyên đó như thế nào thì dường như lại chẳng mấy ai biết và cũng thật khó khăn vô cùng.
Tôi là một kẻ lắm điều và lắm lời, nhìn độ dài các bài viết của tôi thì biết, tôi khuyên mọi người đủ thứ, đủ việc, tôi làm mọi cách, dùng mọi lời để khiến mọi người làm những gì tôi đã làm: viết sổ tay, đặt mục tiêu, lên kế hoạch, kiểm soát cảm xúc, tạo thói quen tích cực, quan tâm mọi người, đọc sách, tập thể dục thể thao, bớt mua sắm và thậm chí là tặng quà miễn phí, viết thư tay cho nhau nữa. Cũng chẳng hiểu tại sao tôi lại bao đồng thế, nhiều người sẽ cho rằng sao phải đi khuyên mọi người làm vậy làm gì, sống tốt thì cứ sống tốt đi, ai cũng có cuộc đời riêng cần phải lo, đâu ai giống ai đâu mà phải khuyên, khuyên rồi cũng chẳng mấy ai làm theo thì khuyên làm gì…
Ờ, nghĩ cũng đúng, tôi cũng không chắc có ai làm theo những điều tôi nói không, có ai vì đọc những lời viết đó mà muốn thay đổi, mà tự giác thay đổi, mà hành động không. Tôi không biết, nhưng có một điều tôi biết chắc chắn, những lời khuyên của tôi là không vô nghĩa, không giáo điều. Tôi không viết suông, viết láo, tôi chỉ viết những gì mình trải nghiệm, những gì mình đã làm, đã thực hành và thấy hiệu quả, thấy tác dụng tích cực thì mới khuyên. Và nhất là, đó là những việc hết sức bình thường, hết sức nhỏ bé mà ai cũng có thể làm được cả. Những việc nhỏ nhưng giá trị thì rất to.
Nếu như có một điều khiến tôi tự hào vào cuộc sống của mình, đó nhất định là tôi không sợ chết. Tôi không thích chết, nhưng tôi cũng không sợ nó. Tôi không muốn chết vì tôi còn quá nhiều dự định và kế hoạch muốn thực hiện. Vì tôi nhận ra cuộc đời thật quá đẹp tươi, quá thú vị và lôi cuốn. Vì còn quá nhiều thứ tôi chưa được trải qua, chưa được khám phá nên nếu vì lý do gì đó mà chết đi, hẳn tôi sẽ tiếc lắm. Nhưng mà tôi lại không sợ chết chút nào? Tại sao? Tại vì tôi hài lòng với cuộc sống hiện tại, với những gì mình đã làm và đang làm. Dù nhiều chuyện không như ý muốn, dù đôi khi cuộc sống này làm tôi phát điên, nhưng tôi vẫn không hối hận những tháng ngày đã sống trên đời.
Nên hôm nay, tôi lại mạo muội xin được đưa ra một lời khuyên nữa, một lời khuyên mà tôi đã dùng những năm tháng qua để thực hành và chứng minh. Một lời khuyên có thể giúp bạn cũng như tôi, sẽ không hối hận, sẽ không tiếc nuối và nhất là sẽ không sợ chết nữa, không sợ lúc về nhà lại nằm một chỗ ao ước giá như. Một lời khuyên ngắn gọn thôi: Sống, hãy trải nghiệm, trải nghiệm nhiều hơn, nhiều hơn nữa…
Bạn đã đọc bài “Thế giới khác rất tuyệt thời sinh viên” rồi chứ. Trong đó tôi có nói rõ rằng mình không phải một sinh viên giỏi, càng không thích môi trường đại học chút nào, nhưng để đánh đổi bất cứ gì để lấy khoảng thời gian làm sinh viên, tôi sẽ không đổi. Đơn giản vì đó là một khoảng thời gian tuyệt vời, tôi được trải nghiệm rất nhiều điều mới lạ, chính vì thế khoảng thời gian sinh viên trở thành khoảng thời gian tươi đẹp, ý nghĩa và đáng giá.
Cuộc sống hiện tại của tôi cũng vậy, khi đặt bản thân vào tâm thế trải nghiệm cuộc đời, mỗi ngày xảy đến với tôi đều thật tươi vui và mới mẻ. Ngày xưa tôi đi được mấy nơi và tưởng rằng mình đi được nhiều lắm. Ngày nay tôi đi được nhiều hơn xưa rất nhiều nhưng lại cảm thấy mình đi quá ít so với những người bạn tôi quen. Những người bạn tôi, bất cứ ai mà trải nghiệm cuộc sống nhiều hơn tôi, thú vị hơn tôi, tôi đều rất ghen tỵ với họ. Tôi thèm cái cảm giác được homestay trong nhà một người thiểu số của họ, tôi thèm được xách mũ bảo hiểm vừa đi vừa quá giang mọi người, tôi thèm được tự đi phượt khắp trời Âu, tôi thèm đủ thứ, bất cứ thứ gì người ta được trải qua còn tôi thì không, tôi thèm lắm, thế nên tôi vẫn sẽ và vẫn mãi không muốn dừng lại hành trình trải nghiệm của mình.
Trong công việc kinh doanh tôi thường hay bị một cậu bạn thân đang khá thành công lĩnh vực thời trang lắc đầu khó hiểu. Cậu ấy hỏi tôi sao lại phân tán đủ thứ như thế làm gì? Làm ít thôi, tập trung vào làm cho một cửa hàng thật hiệu quả còn hơn mở đủ thứ mà không quản lý được. Tất nhiên tôi hiểu cậu, hiểu sự quan tâm của cậu và những gì cậu ấy nói hoàn toàn có lý. Nhưng tôi chỉ đơn giản là không thể nghe theo, vì hiện tại tôi không muốn chỉ làm việc vì tiền. Và nhất là, khác biệt ở chỗ tôi làm mọi thứ với tâm thế của người trải nghiệm. Tôi thử sức mình ở mọi lĩnh vực tôi yêu thích, ban đầu là thời trang, sau đó là lưu niệm, quán cafe, viết lách, sắp tới sẽ là về trà, nông nghiệp, sản xuất kinh doanh, dịch vụ homestay và rồi bất động sản… Bất cứ thứ gì tôi đủ quan tâm tôi sẽ làm thử, không chắc là mình làm tốt và thành công nhưng chắc chắn sau mỗi thất bại đi chăng nữa tôi đều học hỏi được rất rất nhiều.
Tôi 24, cái tuổi không lớn, nhưng tôi dám cá là mình hơn rất nhiều người lớn tuổi khác về khoản những trải nghiệm. Đó là điều khiến tôi tự hào. Vậy nên, nếu bạn cũng muốn có gì đó để bản thân thấy tự hào, mà những thứ đó không thể là gia cảnh, công việc tốt, ngoại hình đẹp…. thì hãy chọn con đường làm giàu trải nghiệm để bản thân có thể tự hào về chính mình. Bạn có làm được không?
Tự nhiên tôi tưởng tượng về một thế giới, mà không, một Việt Nam hoàn toàn khác. Một Việt Nam mà tuổi trẻ thực sự là một món quà lớn lao, nơi đó người ta xông pha trải nghiệm mọi thứ. Mọi sinh viên đều chủ động đi làm thêm, đều có những mục đích, định hướng cho riêng mình. Một nơi mà đi khắp nơi đều gặp tuổi trẻ đi trải nghiệm đông vui trên mọi nẻo đường. Nơi mà tuổi trẻ không ù lì, không thụ động, không ca thán, không đổ lỗi… Nơi mà tuổi trẻ mặc sức sáng tạo và được quyền làm mọi điều mình muốn. Khi đó, sức sống của dân tộc Việt Nam sẽ lại hồi sinh, mãnh liệt và đáng tự hào. Còn hiện tại thì sao?
Việt Nam có thật là một quốc gia trẻ trung không? Hay chỉ đơn thuần là một quốc gia nhiều người trẻ tuổi nhưng khả năng vận động lại yếu ớt như những cụ già? Bạn có yêu nước không? Có muốn thay đổi điều đó không? Thế thì hãy bắt tay hành động đi, đừng nói câu “tương lai đất nước nằm trên vai các con, các cháu” nữa. Biết bao thế hệ người Việt Nam ta nói câu đó mỗi ngày rồi? Tại sao không chính chúng ta chịu một phần trọng trách đó mà toàn trốn tránh và đùn đẩy cho các thế hệ sau? Tuyệt đối đừng nói câu đó nữa mà hãy tự mình hành động đi thôi. Với các bạn trẻ, hãy nhào vào đời, hãy trải nghiệm đi, mà mở mang tầm mắt, mà học hỏi, mà lớn lên… Bởi vì, không có trải nghiệm, tuổi trẻ không đáng một xu đâu!
Tuyệt đối không một ai trên đời phải hối hận vì trải nghiệm quá nhiều. Bởi lẽ với trải nghiệm thì bao nhiêu cũng không đủ. Ấy thế mà bạn vẫn muốn để tuổi trẻ trôi qua mà không có trải nghiệm gì sao? Đừng tìm kiếm xa xôi, kho báu tuổi trẻ là thời gian và sức khỏe đang ngay trong bạn đấy. Hãy tận dụng nó đi! Ngay đi!
Có thể bạn cũng quan tâm: Bàn về vai trò của sự sáng tạo trong cuộc sống hiện đại
Ý nghĩa của sự trải nghiệm bài số 3
Cuộc sống, thực chất là một cuộc trải nghiệm lớn, mà trong đó bạn phải đi tìm những mảnh ghép là những trải nghiệm nhỏ để từ đó ghép nên cuộc đời mình. Khi tâm niệm cuộc đời chỉ là cuộc trải nghiệm, bạn sẽ không quá áp lực nên mọi sự lựa chọn của mình trong cuộc đời. Đó là cuộc chơi, không ai thắng và cũng không ai thua cả, vì suy cho cùng, ai rồi cũng đến lúc phải giã từ cuộc sống, nhưng người may mắn hơn, là người sống được nhiều hơn những người khác, sống nhiều hơn, không có nghĩa là sống lâu hơn nhưng là sống được nhiều khoảnh khắc hơn trong đời, như Jean Jacques Rousseau nói: “Người sống nhiều nhất không phải người sống lâu năm nhất mà là người có nhiều trải nghiệm phong phú nhất.”
Mục tiêu của thế hệ trẻ, có lẽ nên thay đổi ngay việc sống sung sướng hơn, sống tốt hơn, sống lâu hơn, thành “sống nhiều hơn”, thế là đủ. Nhưng làm thế nào để sống nhiều hơn? Cách duy nhất là hãy biến từng phút giây có thể đều trở nên ý nghĩa và giải pháp là hãy không ngừng đặt bản thân vào tâm thế sẵn sàng trải nghiệm mọi thứ xảy ra xung quanh mình, đừng ngại ngùng, đừng lười biếng, đừng sợ hãi.
Còn làm thế nào để trải nghiệm cuộc sống ư? Hãy thay suy nghĩ bằng hành động, thay lời nói bằng hành động, thay kế hoạch bằng hành động, hành động ngay đi thôi. Hãy ngưng nói mà làm, ngưng suy tính quá kĩ càng, ngưng nghi ngờ và sợ hãi. Như Steve Job nói câu nổi tiếng nhất “Hãy cứ khát khao, hãy cứ dại khờ”. Henry David Thoreau nói: “Những người trẻ tuổi học sống thế nào nếu không phải là ngay lập tức thử trải nghiệm cuộc sống?”. Tôi thì sẽ nói lại “Khi ta muốn ta sẽ tìm cách, khi không muốn, ta tìm lý do”.
Nếu muốn trải nghiệm, việc bạn cần làm là phải không ngừng hành động, không ngừng đặt bản thân vào thế chủ động và thế sẵn sàng, đi những vùng đất mới, thử những cái mới, làm những điều mới, học những thứ mới, quen những người bạn mới. Phải thoát ra khỏi vùng an toàn của mình càng sớm càng tốt. Đừng nói bạn không thể vì chắc chắn bạn có thể, lý do là vì tôi biết bạn không phải một cái cây. Cái cây đứng một chỗ nhận tất cả những gì nó cần: ánh sáng, nước, chất dinh dưỡng nhưng bản thân nó vẫn luôn khao khát được vươn ra xa hơn. Thế nên rễ nó mới dài tủa đi khắp nơi, thế nên tán nó mới vươn rộng và cành không ngừng vươn cao để nhìn được những vùng đất xa lạ.
Bạn may mắn hơn cái cây, bạn có thể tự dịch chuyển mình đi khắp chốn, thế thì tại sao lại không? Thoát khỏi vùng an toàn của mình là bước đầu tiên trong quá trình trải nghiệm. Mọi hành trình đều bắt đầu từ một bước chân. Ngay ngày mai, hãy thử làm những việc bạn chưa từng làm, dù nhỏ bé và đơn giản nhất thôi: hãy cười với một người lạ cùng tòa nhà, hãy đi một con đường khác tới công ty, hãy gọi một món ăn nghe tên thật lạ, hãy nghĩ một cách giải quyết khác cho công việc quen thuộc hàng ngày… Những thứ nhỏ bé này có thể đem đến cho bạn nhiều nguồn cảm hứng để bắt đầu những trải nghiệm khác to lớn hơn, bắt đầu hành trình lắp ghép cuộc đời mình bằng những điều mới mẻ và thú vị.
Cái gì trên đời cũng có giá cả, chỉ cần bạn trả đúng giá, bạn có thể mua được mọi thứ. Và tiền là cái giá rẻ nhất nếu muốn có gì đó. Còn trải nghiệm ư. Nếu bạn muốn có nó, tất nhiên không ngoại lệ, bạn cũng phải trả giá. Cái giá của trải nghiệm là ban đầu bạn sẽ cảm thấy sợ hãi, lo lắng, bất an, hoài nghi và rất nhiều cảm xúc tiêu cực khác nữa. Nhưng tin vui đó chỉ là những cảm xúc ban đầu thoáng qua mà thôi. Khi đã quen với nó thì mọi cảm xúc đó đều tan biến hẳn, thay vào đó sẽ là sự hào hứng, thích thú, tò mò, vui sướng lẫn hài lòng.
Một cái giá khác nữa của trải nghiệm, đó là bạn có thể mất đi một số thứ cũ kĩ quen thuộc, nhưng đừng lo, chắc chắn bạn sẽ lại nhận thêm rất nhiều thứ khác tuyệt vời hơn. Như câu “Đừng e ngại sự thay đổi, bạn có thể mất đi một số thứ, nhưng bạn sẽ lại nhận lại những thứ khác tuyệt vời hơn!
Cái giá của trải nghiệm, là bạn sẽ phải đưa bản thân vào tâm thế sống cho chính mình, chứ không vì dư luận, vì xã hội, hay vì gia đình… không vì một cái gì hết. Chính vì thế bạn sẽ có thể bị người ta dèm pha, chê cười hay thậm chí là bị chửi mắng là ngu ngốc nữa. Và đôi khi, bạn cũng nghĩ là mình… ngu thật. Nhưng này, đây chính là phần thưởng lớn dành cho bạn.
Người trải nghiệm nhiều sẽ có cái nhìn về đời, về cuộc sống toàn diện và thông thoáng hơn. Họ thường nhìn ra được những thứ thật sự quan trọng với bản thân để rồi tập trung vào đó, hơn là việc phí công sức vào những thứ vô bổ phù phiếm hàng ngày. Đi đi, trải nghiệm đi, để thấy những mảnh đời bất hạnh, để nhận ra bản thân mình dù gặp nhiều rắc rối nhưng vẫn còn hạnh phúc và may mắn bao nhiêu. Những người đi nhiều trải nhiều gặp nhiều việc sẽ có cái nhìn tổng quát và bao dung hơn. Họ có xu hướng trân quý cuộc sống hơn và dễ dàng hòa nhập hơn vào mọi hoàn cảnh trên đời. Đó chính là phần thưởng. Cứ mỗi khi trải qua một chuyện ta lại thấy mình lớn hơn, già hơn, thấy cuộc đời đáng sống hơn rất nhiều.
Hàng ngày chúng ta cứ nghe ra rả bên tai và đọc được hàng ngàn thông điệp kiểu “hãy là chính mình, hãy tìm chính mình” nhưng khoan, hãy là chính mình bằng cách nào khi ta còn đang phải mải mê tìm kiếm chính mình là gì? Thật ra chỉ có một cách thôi, một câu trả lời cho tất cả, đó là hãy trải nghiệm đi, trải nghiệm mọi điều trong cuộc sống. Chỉ có trong trải nghiệm, trong những hoàn cảnh cụ thể bạn mới biết mình là người như thế nào. Chỉ có trong trải nghiệm bạn mới tìm ra được chính mình. Trải nghiệm sẽ cho bạn biết bạn là người can đảm hay sợ sệt. Trải nghiệm sẽ cho bạn biết bạn là người giữ lời hay là kẻ thất hứa, là người trọng tình cảm hay luôn bị lý trí lấn át. Chỉ trong trải nghiệm bạn mới biết được khả năng sinh tồn, khả năng xoay chuyển tình huống và khả năng đối phó với những khó khăn. Chính những nét tính cách đó là con người bạn. Làm sao bạn có thể tìm ra nó, tìm ra chính mình khi không trải qua những hoàn cảnh cụ thể trong cuộc sống?
Trải nghiệm sẽ là thầy dạy tốt nhất cho bạn trong cuộc đời mà không bất cứ người thầy nào khác có thể dạy tốt hơn. Kinh nghiệm từ đâu ra nếu không từ trải nghiệm? Chúng ta đương nhiên có thể học hỏi từ những kinh nghiệm của người khác, nhưng thôi nào, chẳng mấy ai chịu học từ bài học của người khác cả. Tôi có rất nhiều ví dụ thực tế chứng minh nhận định này, một trong số chúng là khi các bạn tôi đến hỏi kinh nghiệm mở shop thời trang hoặc quán cafe. Đương nhiên tôi luôn chỉ họ mọi điều, kể cả những kinh nghiệm đau thương của mình, nhưng rồi sao? Họ ờ à và rồi sau đó họ lờ nó đi và mắc những lỗi i chang tôi đã cảnh báo. Nhiều đến mức tôi chẳng thấy lạ hay buồn lòng gì nữa cả. Người ta thực sự chỉ học được từ chính trải nghiệm của bản thân.
Một người mới bắt đầu kinh doanh sẽ không thể biết tại sao vốn dự phòng lại quan trọng. Một người không bao giờ đọc sách sẽ chẳng hiểu nổi tại sao người ta phải đọc sách. Một người chưa đi du lịch bụi bao giờ sẽ không biết tại sao người ta phải mang theo mình thứ này thứ nọ như vài viên thuốc tây, chai nước lọc hay ít đồ ăn khô… Thật sự là như thế, bạn chỉ có thể học hỏi được nhiểu khi và chỉ khi chính bạn phải trải nghiệm cuộc sống trong từng hoàn cảnh xảy đến mà thôi.
Trải nghiệm đơn giản là hãy nhào ra ngoài đời, nhào vào cuộc sống, không sợ thử những điều mới lạ, những thử thách và cơ hội với tâm thế của người học hỏi mọi thứ, nhưng cũng đừng quên ước chừng trước những gì bạn có thể mất, hay cái giá bạn phải trả để có những trải nghiệm đó.
Tham gia một tổ chức đa cấp, đó là trải nghiệm. Làm thêm gia sư, phục vụ, lễ tân… đó là trải nghiệm. Tham gia một câu lạc bộ, những hoạt động xã hội, thử sức kinh doanh bất kì lĩnh vực nào, đó là trải nghiệm. Thử học những điều mới, làm quen bạn bè mới… đó là trải nghiệm. Đi đây đi đó, đi phượt, đi du lịch bụi… đi chính là kiểu trải nghiệm mạnh mẽ nhất.
Văn mẫu lớp 12 chọn lọc hay nhất / Đọc Tài Liệu
Trên đây là những gợi ý, những tài liệu tham khảo cơ bản khá hữu ích cho các em trong quá trình làm bài nghị luận về ý nghĩa của sự trải nghiệm. Các em có thể đọc tham khảo và vận dụng vào bài làm của mình một cách hợp lý để có kết quả tốt nhất nhé.
Từ khóa » Trải Nghiệm Nlxh
-
Văn Mẫu Lớp 12: Nghị Luận Về Sự Trải Nghiệm Trong Cuộc Sống Dàn ý ...
-
Nghị Luận Xã Hội Về ý Nghĩa Của Sự Trải Nghiệm
-
Nghị Luận Xã Hội Về Vai Trò Của Sự Trải Nghiệm đối Với Tuổi Trẻ
-
NLXH Về Sự Trải Nghiệm - Thích Văn Học
-
Nghị Luận Về Sự Trải Nghiệm Trong Cuộc Sống (Dàn ý + 6 Mẫu)
-
Dàn ý Nghị Luận Về ý Nghĩa Của Sự Trải Nghiệm Trong Cuộc Sống
-
Nghị Luận Xã Hội Về Vai Trò Của Sự Trải Nghiệm đối Với Tuổi Trẻ
-
Dẫn Chứng Về Sự Trải Nghiệm ❤️️ 12 Mẫu Dẫn Chứng Hay
-
Nghị Luận Xã Hội Về ý Nghĩa Của Sự Trải Nghiệm - Thư Viện Đề Thi - Đáp
-
NLXH - Ý Nghĩa Của Sự Trải Nghiệm - Học Văn Chị Hiên
-
Đoạn NLXH: Ý Nghĩa Của Trải Nghiệm Khó Khăn Trong Cuộc Sống
-
Nghị Luận Về Sự Trải Nghiệm Trong Cuộc Sống - HOC247
-
Hướng Dẫn Làm Bài Đọc Hiểu Và NLXH "Ý Nghĩa Của Trải Nghiệm ...
-
Dàn ý Nghị Luận Xã Hội Về Vai Trò Của Sự Trải Nghiệm đối Với Tuổi Trẻ