Nghị Luận Xã Hội Về Sự Lười Biếng – Văn Mẫu Lớp 9 - Zaidap

Nguy hiểm hơn khi chính chúng ta lại không nhận ra rằng chúng ta đang dần mất đi bản năng sống của một con người, nó hạ thấp con người chúng ta thành cấp bầy đàn. Tuy nhiên bệnh lười không phải bất kì ai cũng có thể mắc phải, nếu chúng ta có một chế độ, một kế hoạch sắp xếp thời gian hợp lí thì bệnh lười sẽ không có chỗ để chen chân vào cuộc sống của chúng ta. Mỗi người có một khả năng, một nhịp sinh học khác nhau. Có người có thể tập trung cao độ trong nhiều giờ nhưng ngược lại cũng có người không được như vậy. Chúng ta phải luôn có ý chí để sống cho xứng đáng một con người. Vì thế việc lập thời gian biểu một cách hợp lí là rất quan trọng đối với học sinh nói riêng và tất cả chúng ta nói chung. Để có thể vượt qua một căn bệnh nguy hiểm thì điều đơn giản trước hết là phải vượt qua chính bản thân mình, vượt qua nhũng cảm giác sợ hãi và sau đó vượt qua những cái ham muốn tầm thường đang dần chiễm lĩnh trong chúng ta. Bệnh lười là một thứ gì đó đang giết dần chúng ta, hãy vượt qua nó để dần hoàn thiện cái bản tính con người trong chúng ta hơn.

Ở đâu có sự sống, ở đó có hi vọng! Một câu châm ngôn nhưng có lẽ cũng là “bài thuốc” tốt cho những ai mắc căn bệnh lười quái ác. Có thể nói bệnh lười là một căn bệnh đáng sợ đối với con người, một khi đã dính vào rồi rất khó mà thoát ra được. Hãy nghĩ rằng sống là phải có ích với đời, có ý nghĩa đối với chính bản thân chúng ta để rồi lấy đố mà làm động lực thức đẩy chúng ta vượt qua mọi cám dỗ tầm thường đang hằng ngày giăng bẫy trong đường đời của mỗi chúng ta.

Nghị luận xã hội về sự lười biếng – Bài làm 2

Từ xa xưa, ông cha ta đã có câu: “Cần cù bù thông minh”, với mục đích đề cao sự chăm chỉ, cần mẫn khi làm việc, học tập. Tuy nhiên, từ xưa đến nay, ở xã hội nào cũng luôn tồn tại sự lười biếng. Vậy, làm thế nào chúng ta có thể hạn chế được sự lười biếng này?

Trước hết, chúng ta cần đi tìm hiểu: Sự lười biếng là gì? Đó là trạng thái của sự không hoạt động và sự kháng cự nội tâm để rồi không cố gắng, không hành động. Đó là một trạng thái thụ động và để mặc mọi thứ như nó đã vốn có, kể cả đối với những trách nhiệm và nghĩa vụ mà mình phải thực hiện.

Vậy, nguyên nhân của sự lười biếng là gì? Theo tôi, lí do đầu tiên và quan trọng nhất đó là do bản thân con người. Trong con người ta luôn tồn tại phần “con” và phần “ người”. Đối với những người để phần “con” lấn át phần “người” sẽ dẫn đến việc chỉ thích hưởng thụ mà không muốn làm việc, chỉ muốn trốn tránh mà không muốn bắt tay vào làm những việc mà mình phải làm. Có ai muốn đang nằm trong chăn ấm áp mà phải ngồi dậy học bài đâu cơ chứ? Nhưng những người có quyết tâm sẽ áp chế được sự lười biếng và ngồi dậy học bài. Còn những người lười biếng thì sẽ yên tâm ngủ tiếp, mặc kệ hậu quả là sáng mai sẽ bị kiểm tra bài, bị điểm kém…

Nguyên nhân tiếp theo phải kể đến sự phát triển của xã hội, dẫn đến sự phát triển của khoa học kĩ thuật. Máy móc hiện đại giúp con người không cần phải hoạt động nhiều, cả về tay chân lẫn trí óc. Dần dần, sự phụ thuộc quá nhiều vào máy móc sẽ khiến con người ta trở nên lười biếng, trì trệ, không linh hoạt. Tiến bộ là tốt, nhưng con người cũng phải tự hoàn thiện bản thân để có thể sử dụng được máy móc, chứ không phải chỉ dựa vào những thứ máy móc làm cho mình ngày càng thụ động. Những thứ có sẵn cũng ngăn cản sự sáng tạo của chúng ta. Những bài văn mẫu nhan nhản khắp nơi khiến nhiều bạn chẳng buồn mất công suy nghĩ. Những lời giải bài toán có sẵn làm chúng ta cứ chép vào một cách đối phó mà chẳng thèm hiểu cách làm.

Sự phát triển của các thiết bị công nghệ, của Internet cũng góp phần dẫn đến sự lười biếng của con người nói chung và của học sinh nói riêng. Mỗi khi ngồi vào bàn học, chúng ta lại có thể bị hấp dẫn bởi việc lên mang, lướt facebook và chơi điện tử, chúng ta tặc lưỡi: “chỉ chơi một chút thôi rồi học”. Cuối cùng thì “một chút” ấy là cả buổi học tối và chúng ta lại tự nhủ: “Thôi sáng mai dậy học.”. Tất nhiên, đa số câu “sáng mai dậy học” sẽ bằng với không học. Dần dà, sự lười biếng cứ ăn sâu, len lỏi và trở thành thói quen khó bỏ, trở thành bản chất. Điều này là vô cùng nguy hiểm. Nó sẽ khiến cho chúng ta không thể có được những thành công mà chúng ta mong muốn, dần dà nó sẽ khiến cho mỗi cá nhân ngừng trệ, không phát triển, dẫn đến hậu quả xấu cho toàn xã hội.

Như vậy, mỗi người trong chúng ta cần nhận thức được tác hại của sự lười biếng, đồng thời có những biện pháp của riêng mình để hạn chế sự lười biếng ấy. Chúng ta cần lập thời gian biểu cho mình và thực hiện một cách nghiêm ngặt, tích cực rèn luyện khả năng tự làm – tự suy nghĩ, không quá phụ thuộc vào một thứ gì đó, một ai đó trợ giúp. Và quan trọng nhất là chúng ta phải có sự quyết tâm cao độ, quyết tâm chăm chỉ, quyết tâm loại bỏ sự lười biếng, quyết tâm biến ước mơ thành hiện thực.

Thi thoảng lười biếng sau những ngày học tập, làm việc thì không xấu, nhưng để lười biếng trở thành căn bệnh thì mọi chuyện sẽ rất tồi tệ. Mỗi người trong chúng ta cần phải nhận biết tác hại của sự lười biếng, cần luôn luôn tự nhắc nhở bản thân biết vượt qua sự lười biếng, hoàn thiện bản thân và phấn đấu để đạt được ước mơ của mình.

Từ khóa » Dẫn Chứng Của Sự Lười Biếng