Nghị Quyết Của Hội Nghị Quân Sự Cách Mạng Bắc Kỳ Ngày 15, 20-4 ...

Hội nghị quân sự cách mạng Bắc Kỳ khai mạc vào lúc trên thế giới cuộc giao tranh giữa mặt trận xâm lược và phản xâm lược đã đi vào bước quyết liệt cuối cùng. Còn trong nước thì vừa xảy ra cuộc Nhật, Pháp bắn nhau và nhân đó, một cao trào kháng Nhật cứu nước đang bồng bột, lôi cuốn những tầng lớp vô cùng rộng rãi lên con đường tranh đấu chống Nhật. Trong khi đó, tiếng súng du kích của các bộ đội cứu quốc đã vang dội mở màn cho cuộc võ trang tranh đấu chống Nhật của toàn dân Việt Nam.

I- Tình hình thế giới

Vào nǎm 1945, tình hình thế giới thật là đầy hứa hẹn cho mặt trận chống phát xít. Cuộc hội nghị Cơrimê (Crimée) giữa ba nước Nga, Anh, Mỹ đã quyết định cuộc tổng tấn công để tiêu diệt sức chống chọi cuối cùng của nước Đức Hítle. Không những thế, cuộc hội nghị ấy đã quyết định một kế hoạch chung để tước khí giới Đức về mọi mặt quân sự, chính trị, kinh tế, vǎn hoá làm cho chủ nghĩa quốc xã, một khi đã bị tiêu diệt không thể nào sống lại được nữa. Trên cái chết vĩnh viễn của nước Đức phát xít, Hội nghị Cơrimê sẽ kiến lập một cơ sở vững vàng cho sự tập thể an toàn của châu Âu và cho nền hoà bình tương lai của nhân loại.

Việc tổ chức an toàn cho châu Âu chỉ là một khởi điểm cho cuộc tập thể an toàn của thế giới. Vì vậy, Nga, Anh, Mỹ, Trung Quốc lại đứng ra triệu tập Hội nghị Cựu Kim Sơn8 (Xan Francisco), gồm 1.200 đại biểu của 46 nước1) lớn nhỏ yêu chuộng hoà bình trên thế giới. Vấn đề Thái Bình Dương sẽ được đặt vào chương trình nghị sự và với nó cả vấn đề vận mệnh và tương lai của các dân tộc bị áp bức ở Viễn Đông.

Trong cuộc Hội nghị Hốt Spơrinh (Hot Spring) do Anh, Mỹ, Trung Quốc, Pháp chủ trì, ta đã được thấy thái độ cấp tiến của Mỹ - Trung Quốc đối với các thuộc địa cũ của Pháp, chống lại thái độ rụt rè của Anh và ngoan cố của Pháp. Do các hội nghị nói trên, mặt trận chống phát xít ngày càng vững chắc; tương lai của nhân loại ngày càng được bảo đảm. Đúng như lời thống chế Xtalin đã tuyên bố: "Chúng ta không những phải giành thắng lợi mà lại cần làm cho cuộc đại chiến này trở nên một phương pháp bảo đảm cho nền hoà bình của thế giới ngày mai nữa".

1. Tình hình mặt trận châu Âu

Trên mặt trận Đông Âu, hai gọng kìm của Hồng quân cặp chặt kinh thành Bá Linh của Đức.

Tổng thống Rudơven (Roosevelt) chết không làm cho quân Đồng minh chậm tiến trên hạt Hanôvơrơ (Hanovre). Vị trí của thủ đô nước Đức lung lay đến cực điểm. 30 vạn quân Nga đã vào Bá Linh, Đức chết đến nơi rồi. Không lâu nữa cuộc đại chiến châu Âu sẽ kết thúc với sự đại bại của chủ nghĩa phát xít.

2. Mặt trận Á đông

ở á đông, cuộc tiến công đánh Nhật của Đồng minh đã đi đến giai đoạn ráo riết. Trận Phi Luật Tân sắp kết liễu. Đường bể từ Nhật sang các thuộc địa miền Nam bị tê liệt hẳn. Trận Diến Điện cũng sắp kết liễu với sự thắng lợi của quân Anh. Con đường vận tải quân nhu cho Trung Quốc đã mở rộng và đã có tác dụng lớn trong việc củng cố mặt trận Trung Quốc và cuộc phản công của Trung Quốc ở Hoa Nam.

Phong trào phản chiến nổi dậy ở Nhật, Côido (Koiso) đổ. Vừa đây Đảng Cộng sản Trung Quốc họp hội nghị quân sự ở Hoa Nam. Việc ấy cũng có thể quan hệ tới việc chuẩn bị đổ bộ của Mỹ vào Hoa Nam.

Những việc quan trọng nhất ở á Đông trong tháng tư này là Nga xé hiệp ước trung lập ký với Nhật và cho Mỹ mượn cǎn cứ máy bay để đánh thẳng vào trái tim của Nhật Bản. Lực lượng của Hồng quân đã trực tiếp tham gia vào sự định đoạt vận mệnh của các dân tộc bị áp bức á Đông. Toàn thể á Đông hô: "Tình thế Nhật nguy ngập".

3. Phong trào cách mạng thế giới

Đi đôi với cuộc chiến tranh chống phát xít, phong trào cách mạng giải phóng toàn thế giới ngày càng bồng bột. Bên châu Âu, hầu hết các thuộc địa Đức đã được giải phóng. Dân tộc độc lập ấy là cái tính chất thứ nhất của phong trào cách mạng hiện thời.

Phong trào ấy lại là một phong trào tân dân chủ. Quảng đại quần chúng công nông đã đứng dậy tranh đấu chống lại và phá tan những hẹp hòi của chế độ cựu dân chủ tư sản. Từ Phần Lan, sang Bỉ, từ Lỗ đến ý, đâu đâu cũng có đảng viên cộng sản tham gia chính phủ. Đặc biệt ở Pháp, hai Đảng thợ thuyền, cộng sản và xã hội, đã liên hiệp chặt chẽ và đã buộc Chính phủ Đờ Gôn phải thi hành một chương trình kinh tế rộng rãi và chế độ dân chủ thực.

Ở Á Đông cuộc kháng chiến của Trung Quốc vẫn tiếp tục. Chịu ảnh hưởng của phong trào dân chúng và xu hướng thế giới, nước Trung Quốc càng dân chủ hoá. Chính phủ Trùng Khánh đã cải tổ một phần. Cuộc điều đình giữa hai đảng Quốc - Cộng đã có chút kết quả.

Noi gương nhân dân Trung Quốc, cuộc vận động độc lập của Triều Tiên ngày càng tiến bước. Phi Luật Tân đã được hưởng quyền tự chủ. ấn Độ, mặc dầu sự chia rẽ đáng tiếc giữa hai phái Hồi giáo và ấn Độ giáo trong Quốc dân Đại hội, cũng bị lôi cuốn vào cuộc chiến đấu chống phát xít Nhật.

Toàn thể Đông phương đã đứng dậy tham gia vào cuộc diệt phát xít Nhật, quyết nhân cơ hội này đòi lại quyền độc lập cho dân tộc và thiết lập một chế độ tân dân chủ rộng rãi cho toàn dân.

Nói tóm lại, trận sống mái giữa mặt trận phản xâm lược và xâm lược đang diễn ra từ Âu sang á. Ngày diệt vong của Nhật tuy không gần như của Đức, nhưng cũng không còn xa nữa. Xây đắp trên xương máu của nhân loại chống phát xít, một thế giới mới tân dân chủ, đang xuất hiện. Tình hình khách quan vô cùng thuận tiện ấy đã đẩy mạnh phong trào cách mạng Việt Nam đi tới và nó là một trong những điều kiện bảo đảm sự thắng lợi của cuộc cách mạng giải phóng dân tộc nước ta.

II- Nhật Pháp bắn nhau ở Đông Dương

Trong lúc tình hình thế giới đang hãm giặc Nhật vào một tình thế nguy ngập, thì ở Đông Dương nổ ra cuộc Nhật, Pháp bắn nhau.

1. Ngày 9-3-1945, Nhật đánh chiếm hẳn các đô thị và cǎn cứ quan trọng ở Đông Dương. Nguyên nhân cuộc "đảo chính" không ngoài ba điều này:

Một là hai đế quốc không thể lâu dài cùng ǎn chung một miếng mồi béo.

Hai là trước nguy cơ quân Đồng minh đổ bộ vào Đông Dương, Nhật cần triệt Pháp để tránh hậu hoạ: bị đánh sau lưng.

Ba là Nhật cần phải củng cố địa vị ở Đông Dương và sống chết phải bám chặt lấy con đường đại lục từ chính quốc sang các thuộc địa miền Nam.

2. Mặc dầu Chính phủ Đờ Gôn ra sức tuyên truyền cho cuộc kháng chiến của Pháp ở Đông Dương, cuộc kháng chiến ấy ngay lúc đầu đã bị tan rã. Trừ vài nơi như Móng Cái, Lào Cai, Lai Châu, Lạng Sơn kéo dài cuộc kháng chiến được ít ngày, còn đại đa số người Pháp nếu không rút quân một cách khiếp nhược thì cũng bó tay đầu hàng một cách hèn nhát. Kết quả trong mấy hôm, Nhật đã quét sạch lực lượng Pháp ở Đông Dương và bộ máy cai trị Đông Dương đã hoàn toàn rơi vào tay giặc Nhật.

Vì sao Pháp bại chóng như thế ? Trước hết quân đội Pháp ở Đông Dương vẫn không có tinh thần chiến đấu; họ ỷ lại vào Anh - Mỹ và khi thấy rằng Anh - Mỹ không thể đổ bộ ngay để tiếp viện cho họ được thì hàng ngũ của họ tan rã liền. Sau nữa vì bọn Pháp ở Đông Dương đến phút cuối cùng đã giữ thái độ cực kỳ phản động và ngu xuẩn đối với dân chúng Đông Dương. Cho nên mặc dầu các tổ chức kháng Nhật ở Đông Dương như Đảng Cộng sản, Việt Minh nỗ lực thế nào cũng không thể gây nên sự hành động thống nhất rộng rãi chống Nhật giữa người Pháp và nhân dân Đông Dương. Ngoài ra còn có những nguyên nhân khác như số lượng quân Nhật đông hơn và vũ khí tinh xảo hơn của Pháp. Nhưng đó chỉ là những nguyên nhân phụ.

3. Cuộc "đảo chính" lợi hại cho ta thế nào?

Cuộc "đảo chính" trong thời gian đã tǎng sự mâu thuẫn giữa hai quân cướp nước lên đến tột bậc. Chính quyền Pháp tan rã hẳn. Còn chính quyền Nhật chưa ổn định được. Đối với dân chúng cách mạng Đông Dương, Nhật chưa thể thiết lập được bộ máy đàn áp tinh xảo như của bọn thống trị Pháp. Do đó, một tình trạng khủng hoảng chính trị đặc biệt rất lợi cho sự tiến triển của phong trào kháng Nhật. Một mặt nữa vì giặc Nhật đã trở nên kẻ thù duy nhất của ta, vì nhân dân cách mạng đã trở nên lực lượng duy nhất kháng Nhật. Cho nên cuộc ngoại giao của ta với Đồng minh có đủ điều kiện tiến hành một cách thuận tiện hơn trước.

4. Sau cuộc "đảo chính"

Sau khi truất quyền Pháp, phát xít Nhật tích cực thi hành chính sách lừa gạt dân ta. Nào tuyên bố cho Đông Dương độc lập, cho bọn Việt gian đứng ra lập Chính phủ bù nhìn, ra sức gây một cuộc vận động thân Nhật. Chúng định thi hành triệt để mưu mô mê hoặc dân Việt Nam và dùng người Nam để trị người Nam. Nhưng chẳng bao lâu, chúng phải tự vạch mặt nạ. Sự tàn bạo và chính sách bóc lột của chúng đã làm tỉnh ngộ những phần tử trong nhân dân trước còn do dự chưa đứng vào hàng ngũ kháng Nhật. Cao trào kháng Nhật càng bành trướng, Nhật càng cảm thấy thiếu cán bộ Việt gian. Sự cần thiết phải củng cố địa vị ở Đông Dương một cách nhanh chóng đã buộc chúng phải trực tiếp nắm lấy chính quyền, phải bám vào bộ máy phong kiến cũ đã bị quốc dân chán ghét, phải dùng lại bọn viên chức người Pháp thuộc địa. Do đó nhiều phần tử lúc đầu còn bị Nhật và bọn Việt gian lôi kéo với lời hứa hẹn giải phóng, độc lập, nay đâm ra thất vọng, bỏ hàng ngũ bọn Việt gian ngả sang mặt trận kháng Nhật của toàn dân. Tuy thế, giặc Nhật chưa bỏ hẳn mưu mô lừa gạt của chúng đâu. Trái lại, chúng càng ráng sức vận động bọn Việt gian tương đối bị bôi nhọ trong trường chính trị đứng ra lập chính phủ bù nhìn. Và sau sự thất bại không tǎm tiếng của bọn Đại Việt và Uỷ ban hành chính lâm thời Bắc Kỳ, chúng đã cho thành lập nội các Trần Trọng Kim. Nhưng dân chúng Đông Dương sẽ nhận thấy rằng không phải vì sự thay đổi nhân viên mà tính chất phản quốc hại dân của chính phủ bù nhìn có thể giảm bớt. Cho nên nhiệm vụ chúng ta là phải vạch cho dân chúng Đông Dương chóng nhìn nhận chỗ đó.

III- Phong trào kháng Nhật cứu nước của nhân dân Đông Dương

Nhận rõ bộ mặt phản quốc của chính phủ bù nhìn, mưu mô lừa gạt của Nhật nên sau khi cuộc "đảo chính" bùng nổ, một cao trào kháng Nhật cứu nước của nhân dân Việt Nam nổi dậy.

Ở Bắc Kỳ, những cuộc phát truyền đơn, dán biểu ngữ vạch rõ âm mưu của Nhật và kêu gọi dân chúng tham gia hàng ngũ kháng Nhật cứu nước ở Hà Nội và hầu khắp các tỉnh. Mít tinh, biểu tình thị uy tuần hành võ trang của dân chúng mang cờ, bǎng với những khẩu hiệu kháng Nhật ở Bắc Ninh, Phúc Yên, Sơn Tây, Hưng Yên, Ninh Bình, v.v.. Biểu tình võ trang hàng hai ba ngàn người kéo đi đánh chiếm kho thóc trong các đồn điền Tây phản động và các kho thóc của Nhật chia cho dân nghèo ở Bắc Ninh, Bắc Giang, Thái Nguyên, Ninh Bình, v.v.. Những cuộc hoạt động của các đội du kích cách mạng nổi lên phá đường giao thông của địch, đánh chiếm các châu, phủ, huyện, đồn ải, tịch thu võ khí, tiễu trừ Việt gian, lưu manh và thành lập chính quyền nhân dân địa phương ở Cao Bằng, Thái Nguyên, Bắc Cạn, Bắc Giang, Lạng Sơn, Tuyên Quang, v.v.. Anh em tù chính trị Nghĩa Lộ (Yên Bái) nổi dậy phá ngục.

Ở Trung Kỳ, nghĩa quân nổi dậy hoạt động ở Quảng Ngãi.

Ở Nam Kỳ, Việt Minh hoạt động ở Mỹ Tho và miền Hậu Giang.

Phong trào đấu tranh kháng Nhật của nhân dân lên cao, nên các tổ chức cứu quốc của Việt Minh cũng hết sức phát triển. Có nơi số hội viên tǎng lên gấp sáu lần so với trước khi nổ ra cuộc "đảo chính". Các uỷ ban giải phóng và uỷ ban nhân dân cách mạng thành lập ở các nơi để giữ lấy chính quyền địa phương và cũng để kêu gọi toàn dân kháng Nhật. Nhìn phong trào phát triển, chúng ta thấy có nhiều ưu điểm; nhưng trái lại cũng có nhiều khuyết điểm.

Về ưu điểm:

1. Phong trào đã biết chuyển hướng, kịp thời tập trung lực lượng đánh chĩa vào phát xít Nhật.

2. Phong trào có tính chất võ trang mạnh mẽ.

3. Trong cuộc chiến đấu kháng Nhật đã thực hiện Mặt trận thống nhất dân tộc rộng rãi chống kẻ thù chung.

Về khuyết điểm:

1. Nhìn chung ta thấy phong trào phát triển quá chênh lệch (nơi quá cao, nơi quá thấp).

2. Không tạo ra những cán bộ trung kiên ngay ở các địa phương để điều khiển phong trào khi bị khủng bố.

3. Không gây được cơ sở công nhân rộng rãi nhất là ngành công nhân vận tải.

4. Không chú ý việc thực hành công tác trong bộ đội.

IV. Cuộc đổ bộ có thể có của quân đồng minh vào Đông Dương

Về cuộc đổ bộ của quân Đồng minh vào Đông Dương còn có giả thuyết cho rằng quân Đồng minh cứ đánh thẳng vào chính nước Nhật; hạ được chính quốc tự nhiên Nhật ở các thuộc địa phải hàng. Hội nghị nhận thấy rằng: không chóng thì chầy, thế nào quân Đồng minh cũng vào Đông Dương. Một là vì vị trí quân sự của Đông Dương khá quan trọng, lực lượng của Nhật tập trung ở Đông Dương khá to. Hai là vì giữa Pháp - Anh và Trung Quốc - Mỹ có chỗ cạnh tranh quyền lợi ở Đông Dương (sự cạnh tranh ấy đã bộc lộ ra ở hội nghị Hốt Spơrinh) thúc đẩy hai hạng quân Đồng minh ấy nhảy vào Đông Dương để thủ lợi. Vì thế thái độ ta đối với hai hạng Đồng minh Trung Quốc - Mỹ và Anh - Pháp Đờ Gôn, tuy cả hai cùng muốn mối lợi ở nước ta là phải:

Về ngoại giao:

a) Lợi dụng sự mâu thuẫn của Trung Quốc - Mỹ và Anh - Pháp Đờ Gôn để tranh thủ ngoại viện, ký hiệp ước với các nước Đồng Minh, và để họ thừa nhận nền độc lập của dân tộc ta.

b) Một mặt nữa, đoàn ngoại giao của ta phải tranh thủ cho Việt Nam có quyền cử đại biểu dự các cuộc hội nghị quốc tế hoà bình.

c) Phải đưa ra dư luận quốc tế những tài liệu về hành vi tàn bạo phản động của bọn Pháp thuộc địa và chủ trương của Việt Minh bắt tay với bọn Pháp tích cực chống Nhật.

Về nội bộ:

a) Phải tích cực chuẩn bị thực lực, không được ỷ lại vào người.

b) Phải gấp phát triển các đội quân du kích thật lớn sẵn sàng hưởng ứng quân Đồng minh.

Cuộc đổ bộ của quân Đồng minh, chúng ta có thể ức đoán ở nhiều nơi. Về phía bắc, mấy tỉnh biên giới: Cao Bằng, Lạng Sơn, Hà Giang; về ven bể phía đông và nam vào vịnh Bắc Kỳ, vịnh Cam Ranh, Sài Gòn. Về phía tây từ Diến Điện sang Thượng Lào, Điện Biên Phủ.

Đã ức đoán những nơi quân Đồng minh có thể do đó vào Đông Dương, nhưng khi quân Đồng minh vào chúng ta phải hưởng ứng và cùng chiến đấu chung với họ thế nào? Khi quân Đồng minh đổ bộ vào một nơi nào, trước hết chúng ta phải cổ động nhân dân hoan hô và cử người ra giao thiệp. Một mặt huy động bộ đội địa phương đánh phá các đường giao thông, tiếp tế của Nhật cùng quân Đồng minh liên hiệp chiến đấu. Trong khi đó, ta nên cố chiếm lấy các yếu điểm và phải giữ quyền chủ động của mình. Nhưng như thế không phải quân Đồng minh mới vào là ta đã tổng phát động. Trái lại, phải để cho quân Nhật tung lực lượng ra chống đỡ, hậu phương bối rối, khi đó mới phát động tổng khởi nghĩa. Một điều chúng ta cần phải chú ý là nếu quân đổ bộ nhũng nhiễu nhân dân (ví dụ quân Trung Quốc do bọn võ quan hủ hoá chỉ huy) ta cũng phải mềm dẻo dùng ngoại giao để tránh những sự xảy ra có hại đến công cuộc đánh Nhật chung.

V- Nhiệm vụ cần kíp của chúng ta

1. Nhiệm vụ quân sự

Tình thế đã đặt nhiệm vụ quân sự lên trên tất cả các nhiệm vụ quan trọng và cần kíp trong lúc này. Chúng ta phải tích cực phát triển chiến tranh du kích, gây dựng cǎn cứ địa kháng Nhật, để chuẩn bị cuộc tổng khởi nghĩa cho kịp thời cơ.

1. Cần phải vạch rõ và định nhiệm vụ các chiến khu:

a) Chiến khu Lê Lợi (Bắc Kỳ).

b) Chiến khu Hoàng Hoa Thám (Bắc Kỳ).

c) Chiến khu Quang Trung (Bắc Kỳ).

d) Chiến khu Trần Hưng Đạo (Bắc Kỳ).

e) Chiến khu Phan Đình Phùng (Trung Kỳ),

f) Chiến khu Trưng Trắc (Trung Kỳ).

g) Chiến khu Nguyễn Tri Phương (Nam Kỳ).

Uỷ ban quân sự cách mạng phải chấn chỉnh chiến khu Quang Trung và thành lập chiến khu Trần Hưng Đạo. Chiến khu nào rộng có thể chia ra nhiều phân khu, ví dụ chiến khu Nguyễn Tri Phương.

2. Cần phải đánh thông liên lạc giữa các chiến khu Bắc Kỳ và Trung, Nam Kỳ.

Nhiệm vụ ấy sẽ giao cho một bộ đội Nam tiến do Uỷ ban quân sự cách mạng trực tiếp chỉ huy.

3. Cần kíp gây dựng những cǎn cứ địa kháng Nhật.

Trong những vùng đủ điều kiện về địa hình cơ sở quần chúng, lương thực, về lực lượng so sánh giữa ta và địch, chúng ta phải gây dựng những cǎn cứ địa kháng Nhật. Thí dụ như núi rừng bán nguyệt chung quanh trung châu Bắc Kỳ, dãy núi Trường Sơn và các vùng đầm ao ở Nam Kỳ.

Trong mỗi một cǎn cứ địa rộng lại cần phải củng cố những cǎn cứ địa bé hơn, vững chắc hơn, đề phòng lúc địch tiến công, ta có thể tạm thời rút hẹp phạm vi lại. Đường giao thông liên lạc giữa các cǎn cứ địa phải ra sức giữ cho vững. Những cǎn cứ địa ấy là những bàn đạp cho cuộc tổng khởi nghĩa và là cái mầm của nước Việt Nam độc lập, tự do ngày mai.

4. Cần phải thống nhất, củng cố và phát triển các bộ đội quân giải phóng.

a) Tên. Việt Nam giải phóng quân

Các chiến khu có thể theo sự nhu cầu mà tổ chức ra đội võ trang tuyên truyền của Việt Nam giải phóng quân.

b) Biên chế. Biên chế của Việt Nam giải phóng quân đúng như bản đồ biên chế định theo đây.

c) Số mục. Cǎn cứ theo sự nhu cầu, điều kiện cán bộ, võ khí, đạn dược, lương thực, Uỷ ban quân sự cách mạng sẽ lập tức chỉnh đốn Giải phóng quân thành một bộ đội mạnh mẽ.

d) Củng cố bộ đội. Cần phải củng cố bộ đội, lựa chọn đội viên huấn luyện chính trị, quân sự thống nhất; kiến lập công tác chính trị trong bộ đội; trau dồi kỷ luật; chống khuynh hướng thổ phỉ hoá và chủ nghĩa địa phương.

e) Phát triển bộ đội giải phóng. Phải tổ chức ngay những đội tự vệ thường, tự vệ chiến đấu và bộ đội địa phương.

5. Thống nhất chỉ huy quân sự.

a) Uỷ ban quân sự cách mạng chỉ huy toàn xứ. Nó chỉ định các chính trị uỷ viên, các chi đội trưởng và chính trị viên chi đội. Các người chỉ huy cấp dưới do cấp trên trực tiếp đề nghị hoặc chỉ định, Uỷ ban quân sự cách mạng chuẩn y.

b) Trong mỗi chiến khu có một Bộ tư lệnh, một hay nhiều chính trị uỷ viên hoặc đại biểu hay phái viên của Uỷ ban quân sự cách mạng.

6. Tổ chức các đội quân đặc biệt.

- Đội quân thợ;

- Đội quân phụ nữ;

- Đội quân danh dự;

- Đội quân ngoại quốc1).

7. Sáng lập lá cờ vinh dự.

Để ghi tên các bộ đội có chiến công rực rỡ và mề đay cứu quốc, để khuyến thưởng các chiến sĩ đặc biệt anh dũng trong hàng ngũ Giải phóng quân.

8. Võ khí, quân nhu.

a) Kiểm điểm phân phối võ khí do Uỷ ban quân sự cách mạng quyết định.

b) Lập xưởng chữa súng và chế tạo súng ống, bom đạn (Uỷ ban quân sự trù định). Thông tri cho xứ và khu Lê Lợi tìm thêm nhân viên kỹ thuật.

c) Ra sức thu nhặt và mua võ khí.

d) Tích trữ lương thực cho đầy đủ. Các xã nên lập kho thóc Giải phóng quân; trong cǎn cứ địa phải tiến hành tích trữ lương thực. Uỷ ban quân sự cách mạng đặt kế hoạch mở con đường mua và vận tải muối.

9. Làm thế nào chống lại sự tiến công của Nhật?

a) Chúng ta đang ở vào giai đoạn chiến lược "phát động du kích" để chuẩn bị phát động tổng khởi nghĩa. Vì vậy chiến thuật ta là chiến thuật đánh úp quân địch bằng những trận nhỏ mà nắm chắc phần thắng để giữ gìn và bồi dưỡng lực lượng của ta.

b) Phát động du kích ở nhiều chiến khu, gây dựng nhiều cǎn cứ địa, đề phòng địch bao vây.

c) Nếu địch bao vây cǎn cứ địa thì phải dùng chiến thuật "dĩ công vi thủ" mà đối phó. Đến lúc không có điều kiện giữ một cǎn cứ địa, ta không ngần ngại gì mà không rời quân đi nơi khác để giữ gìn thực lực.

d) Nếu địch xông vào đóng trong cǎn cứ thì phải thi hành "vườn không nhà trống" cho triệt để. Các phố nhỏ tản cư.

đ) Luôn luôn tuyên truyền lính Nhật bằng mọi hình thức làm cho tinh thần quân Nhật tan rã.

e) Các chiến khu và các cǎn cứ địa phải có tính cách tương ứng cùng nhau.

g) ở ngoài cǎn cứ địa, nếu Nhật dùng chính sách dồn làng, đốt nhà, v.v. thì ta nên lãnh đạo nhân dân tuỳ trường hợp mà tổ chức cuộc tranh đấu, bằng những hình thức như thỉnh cầu, biểu tình, v.v.. Nếu bị tình thế bắt buộc phải dồn làng thì bộ đội nên giúp cho nhân dân võ trang tranh đấu chống lại.

2. Nhiệm vụ phát triển cao trào kháng Nhật cứu nước ra toàn quốc

a) Chúng ta phải nhân lúc cao trào này mà mở rộng Mặt trận dân tộc thống nhất bằng cách tích cực kéo các phần tử phong kiến, tư sản cấp tiến và đặc biệt chú ý gây phong trào ở các đô thị, xí nghiệp và dọc đường giao thông trọng yếu.

b) Phải phát động chiến tranh du kích trong các chiến khu, đó là hình thức tranh đấu mấu chốt để đẩy phong trào kháng Nhật đi tới.

c) Ở những nơi chưa có điều kiện phát động du kích hình thức tranh đấu mấu chốt là mít tinh, biểu tình chính trị, võ trang tuần hành thị uy, v.v.. Tổ chức các đội tự vệ, tự vệ chiến đấu, bộ đội địa phương là hình thức tổ chức mấu chốt trong lúc này. Thuật vận động là bám vào nạn đói kém, chính sách thu thóc, thu hạt dầu mà gây lòng phẫn uất của nhân dân làm cho họ giác ngộ Nhật không giải phóng cho ta đâu, do đó đưa nhân dân ra đường tranh đấu.

d) Hội nghị cǎn cứ theo tinh thần xác thực, nhân trong lúc này chúng ta cần phải lãnh đạo nhân dân tổ chức ra chính quyền cách mạng hay những hình thức quá độ.

Trong cǎn cứ địa, tổ chức ra Uỷ ban nhân dân cách mạng do dân dùng phổ thông đầu phiếu mà bầu lên hay do đại biểu hội nghị các giới (công, nông, thương, phú, thanh, binh, viên chức, hành chính, các dân tộc thiểu số, cán bộ chuyên nghiệp Việt Minh, v.v.) bầu lên. Nhưng trong Uỷ ban không nhất định phải đủ mặt các giới. Chính quyền ấy là một chính quyền dân chủ, là chính quyền của Mặt trận dân tộc thống nhất kháng Nhật.

Các Uỷ ban nhân dân cách mạng đó thống nhất đến tỉnh rồi lên đến từng khu một.

Ngoài cǎn cứ địa ta chưa đánh đổ được chính quyền của địch thì tổ chức ra Uỷ ban dân tộc giải phóng.

Trong chiến khu Uỷ ban nhân dân cách mạng và Uỷ ban giải phóng dưới quyền Bộ tư lệnh và Uỷ ban quân sự cách mạng. Các Uỷ ban nhân dân cách mạng và Uỷ ban giải phóng phải nhằm theo những nhiệm vụ chính dưới này mà phân công cho hợp lý, tuyên truyền, cổ động, trừ gian, kinh tế, tài chính, cứu tế, giáo dục, tư pháp quân vụ, v.v..

Hội nghị đề nghị triệu tập một cuộc đại biểu đại hội gồm có các giới, các đảng phái, các thân sĩ toàn quốc để thành lập Uỷ ban dân tộc giải phóng Việt Nam và tiến tới thành lập Chính phủ lâm thời Việt Nam.

đ) Chính sách cần phải thi hành cǎn cứ vào mấy điểm chính dưới đây:

- Tổng động viên nhân dân kháng Nhật.

- Thực hiện các quyền dân chủ theo tinh thần tân dân chủ (cho dân được hưởng các quyền: dân quyền, nhân quyền, tài quyền, nam nữ bình quyền, dân tộc tự quyết). Thi hành chính sách Việt Minh theo điều kiện kháng chiến chung và điều kiện cụ thể địa phương.

- Cải thiện sinh hoạt cho nhân dân để phát động nhân dân tham gia kháng chiến.

- Tiêu trừ Việt gian phản quốc, trừng trị lưu manh.

e) Vấn đề ruộng đất sẽ giải quyết theo hai nguyên tắc:

- Thi hành chính sách làm cho nông dân có ruộng cày cấy.

- Điều hoà quyền lợi giữa dân cày nghèo và phú nông, địa chủ làm cho Mặt trận thống nhất dân tộc thêm chặt chẽ.

Vấn đề ruộng đất sẽ giải quyết bằng cách chia ruộng đất Việt gian cho dân hoặc cho dân khai hoang; tổ chức cuộc khai hoang tập thể.

g) Tích cực phát triển và thống nhất các tổ chức Việt Minh; đặc biệt chú ý gây phong trào thanh niên.

h) Phải giải thích cho nhân dân biết bọn Việt gian nguy hiểm như thế nào và phải giúp họ khám phá mưu mô của những phần tử thân Nhật.

i) Tiến hành binh vận bằng những phương pháp sau này đối với lính ta: Một người trong tỉnh uỷ đứng ra tổ chức ban binh vận tỉnh; cho người giác ngộ vào lính; dùng gia đình binh lính để gần gũi và cảm hoá họ; dùng phụ nữ thực hành binh vận; huấn luyện cho nhân dân cách tuyên truyền binh lính; dùng truyền đơn, biểu ngữ kêu gọi. Đối với lính Nhật dùng truyền đơn, áp phích tiếng Nhật và tiếng Trung Quốc.

3. Công tác tuyên truyền

a) Nội dung tuyên truyền trong lúc này nhằm vào một mục đích chính là: kháng Nhật. Chúng ta cần:

- Vạch rõ nền thống trị của Nhật, chính sách đàn áp và lừa gạt lập chính phủ bù nhìn để dùng người Nam trị người Nam.

- Nói rõ tại sao kháng Nhật là con đường sống còn duy nhất của ta.

- Vạch rõ kháng Nhật sẽ vô cùng gay go, nhưng nhất định thắng lợi (nêu cao những cuộc chiến đấu kháng Nhật vừa qua).

b) Hình thức và phương pháp. - Ngoài truyền đơn, cờ, áp phích, bǎng, nên tổ chức những cuộc mít tinh, diễn thuyết, biểu tình thị oai, dùng còi, ốc, trống, mõ mà động viên rầm rộ. Tổ chức những cuộc triển lãm, những đội xung phong tuyên truyền (cần phải luyện cho họ diễn thuyết, hát; sẽ ra tập sách diễn thuyết); đưa những đoàn du khách đi thǎm chiến khu, chụp những tranh ảnh về chiến khu.

c) Lấy báo kháng Nhật của đội tuyên truyền, "Quân giải phóng" là cơ quan chung của Việt Nam giải phóng quân.

Soạn và tái bản những tài liệu về chính trị và quân sự.

4. Vấn đề cán bộ

a) Mở lớp huấn luyện chính trị trong các phủ, huyện, châu để đào tạo cán bộ địa phương.

b) Chọn ngay trong bộ đội một số đội viên khá huấn luyện thành đội trưởng và chính trị viên.

c) Mở trường quân chính kháng Nhật Việt Nam.

d) Thu dụng nhân tài, lớp đầu lấy... học sinh lên chiến khu... dạy quân sự.

đ) Cán bộ phải quân sự hoá nghĩa là phải học tập quân sự.

5. Tài chính

a) Lập quỹ của Uỷ ban quân sự cách mạng; các khu phải tập trung lên 50%.

b) Phát hành một triệu tín phiếu của Việt Nam giải phóng quân.

6. Vấn đề liên hiệp kháng Nhật với Pháp Đờ Gôn và Hoa kiều

a) Phải nêu rõ lập trường giành hoàn toàn độc lập trong cuộc bắt tay với Pháp Đờ Gôn ở ngoài; còn trong nước, đối với bọn Pháp còn lại, buộc họ phải phát biểu tuyên ngôn thừa nhận quyền độc lập của ta.

b) Thành lập một tiểu ban vận động Hoa kiều; ra truyền đơn kêu gọi họ để đi tới thành lập một tổ chức Hoa - Việt liên minh kháng Nhật.

7. Thành lập Uỷ ban quân sự cách mạng Bắc Kỳ

a) Tên: Uỷ ban quân sự cách mạng Bắc Kỳ, Bộ tư lệnh của Việt Nam giải phóng quân miền Bắc Đông Dương.

b) Nội dung tổ chức: Uỷ ban phân công, phụ trách và lập ra các cơ quan sau này: bộ tham mưu, bộ chính trị, bộ quân nhu, bộ tài chính, bộ giao thông vận tải, bộ quân y, Uỷ ban sẽ mở trường "Việt Nam quân chính kháng Nhật".

c) Trách nhiệm và quyền hạn: Uỷ ban phụ trách chỉ huy các chiến khu miền Bắc Đông Dương về mặt chính trị và quân sự, đồng thời có nhiệm vụ giúp đỡ cho toàn quốc về mặt quân sự.

d) Ra tờ hiệu triệu của Uỷ ban kêu gọi các tướng sĩ và quốc dân xông tới giết giặc.

8. Tự phê bình

Cǎn cứ vào phong trào kháng Nhật ngày nay, Hội nghị nhận thấy trong thời kỳ tranh đấu vừa qua, chúng ta có nhiều ưu điểm mà cũng có nhiều khuyết điểm.

Về ưu điểm:

a) Chúng ta đã chuyển hướng kịp thời mỗi khi tình thế thay đổi.

b) Mặc dầu sự khủng bố tàn khốc của Pháp, chúng ta vẫn duy trì được sự lãnh đạo sáng suốt và hàng ngũ của ta vẫn vững vàng.

c) Về mặt tuyên truyền truyền đơn và sách báo của Mặt trận rất tiến bộ về mọi mặt nội dung và hình thức và được quần chúng hoan nghênh đặc biệt.

Về khuyết điểm:

a) Chúng ta chưa quét sạch hết các vết tích của khuynh hướng cô độc.

b) Chúng ta chưa tích cực đào tạo cán bộ chính trị và quân sự.

c) Giao thông lắm khi không duy trì được, khiến nhiều khi sự thống nhất lãnh đạo không thực hiện được.

d) Trong hàng ngũ còn thấy bệnh tự mãn, dễ bị say mê bởi những thắng lợi nhỏ.

đ) Chúng ta kém tỉnh táo; sự kiểm điểm hàng ngũ chưa được nghiêm, khiến cho có nơi bọn A.B. có thể len lỏi vào để phá hoại cơ sở.

Các đồng chí!

Chúng ta cần phải sửa chữa những khuyết điểm ấy cho mau thì mới có thể củng cố và phát triển hàng ngũ kịp với sự nhu cầu của phong trào và mới có thể gánh vác những nhiệm vụ to tát trong thời kỳ tiền khởi nghĩa hiện giờ và trong thời kỳ tổng khởi nghĩa sắp tới.

Thông qua ngày 20-4-45

tại hội nghị quân sự cách mạng Bắc kỳ

Phụ lục

Những điều nghị quyết đặc biệt bí mật, gửi riêng cho các đồng chí phụ trách các xứ và các khu

Vǎn kiện Đảng 1930-1945,

Ban Nghiên cứu lịch sử Đảng

Trung ương xuất bản, Hà Nội,

1977, t.III, tr. 524-544.

1) Có tài liệu viết 50 nước, 51 nước (B.T).

2) Hầu hết lấy ở lính Pháp và lính lê dương chán thực dân Pháp theo ta.

Từ khóa » điểm Tương đồng Trong 2 Trận Cầu Giấy Của Nhân Dân Bắc Kỳ