Nghị Quyết Của Khoáng đại Hội Nghị Của Toàn Thể Ban Trung ương ...
Có thể bạn quan tâm
I. TÌNH HÌNH THẾ GIỚI
Thế giới hiện thời đã chia ra hai hệ thống chống chọi nhau: hệ thống xã hội chủ nghĩa và hệ thống tư bản chủ nghĩa. Trên một phần sáu quả địa cầu, hơn 170 triệu người đương hăng hái kiến thiết một xã hội không có giai cấp, không có người bóc lột người, nền quốc dân kinh tế càng ngày càng phát triển. Kinh tế xã hội chủ nghĩa đã chiếm hơn 99 phần trăm trong nền kinh tế toàn quốc. Kế hoạch 5 năm thứ hai đã hoàn thành và bắt đầu thi hành kế hoạch 10 năm. Với những cơ sở kỹ nghệ phát triển và phong trào Xtakhanôvít (stakhanoviste),kinh tế Xôviết phát triển một cách phi thường và như lời đồng chí Xtalin đã nói: "Đã có những nguyên tố để gây dựng chủ nghĩa cộng sản". Sinh hoạt của quần chúng được cải thiện rất nhiều về các phương diện, nền dân chủ Xôviết là hình thức dân chủ rất rộng rãi và triệt để nhất ở thế giới, đương củng cố và mở rộng. Khoa học, văn học và nghệ thuật nhất nhất đều phát triển, chánh sách hoà bình của Xôviết có ảnh hưởng khắp cả thế giới, Tổ quốc Xôviết quyết không đi chiếm đất đai của một nước nào, nhưng cũng quyết không để cho một bọn đế quốc nào tới chia xẻ một tấc đất của mình. Năng lực quốc phòng của Xôviết Liên bang đã củng cố làm cho xứ xã hội chủ nghĩa có đủ sức mà đánh lui các sự tấn công của tụi đế quốc.
Trong thế giới tư bản, trong nhiều nước thấy trình độ sinh sản đã vượt qua trình độ sinh sản năm 1929 (Anh, Mỹ, Nhật, Đức), có nước đương bắt đầu phục hưng (Pháp, Bỉ), còn có nước thì cuộc khủng hoảng còn kế tiếp (Trung Quốc), nhưng trong những nước đã hay đương có kinh tế phục hưng, đã thấy lộ ra những triệu chứng của một cuộc tổng khủng hoảng kinh tế (crise économique générale) lâu dài và sâu sắc hơn trước nữa.
Những mâu thuẫn giữa các cường quốc đế quốc ngày càng gay go, chỉ còn một đường giải quyết là đế quốc chiến tranh đặng chia xẻ lại thị trường thế giới: phát xít Ý chiếm Abyssinie; Hítle, Mussolini kéo quân đội, máy bay can thiệp vào nội chiến Tây Ban Nha; quân phiệt Nhật cướp Hoa Bắc, đánh Thượng Hải và dọc bờ bể Trung Quốc. Ngòi lửa đế quốc chiến tranh đã cháy bùng, đương hăm dọa xô cả toàn thể nhân loại vào cuộc tàn sát gớm ghê. Điều đặc sắc nữa là bọn phát xít, kẻ thù số một của dân chúng, của chủ nghĩa cộng sản, đang âm mưu sửa soạn tấn công Liên bang Xôviết, nhưng Liên bang, nhờ sự kiến thiết xã hội chủ nghĩa toàn thắng, nhờ có một đạo Hồng quân vô địch, nhờ thi hành chính sách hoà bình công nông, đã trở nên không những một động lực quan trọng mà là trung tâm điểm của cuộc hoà bình thế giới. Đối với cuộc đế quốc chiến tranh sắp tới, ta thấy một bên là những nước phát xít gây chiến, một bên là những nước muốn duy trì hoà bình, có Liên Xô làm trung tâm với các xứ thuộc địa, bán thuộc địa, các nước độc lập nhỏ yếu và những cường quốc hoặc vì lẽ này, hoặc vì lẽ nọ chưa muốn chiến tranh.
Những thủ đoạn tàn bạo dã man gây ra bởi những bọn phát xít cầm quyền ở Đức, Ý, Ba Lan, Nam Tư Lạp Phu(1), Rumani, bọn Franco ở Tây Ban Nha, bọn quân phiệt ở Nhật làm cho dân chúng khắp các xứ tư bản và thuộc địa giác ngộ rằng chủ nghĩa phát xít, trái với những lời hứa lừa gạt của nó, là một hình thức chuyên chế nhất, khủng bố nhất, ghê tởm nhất, thối tha nhất của tư bản tài chính; kinh nghiệm thất bại đau đớn của bình dân Đức, Hy Lạp, v.v., gương đấu tranh của Mặt trận bình dân Pháp, Tây Ban Nha, của Mặt trận nhân dân kháng Nhật ở Trung Quốc đã thức tỉnh, khuyến khích, thúc đẩy các xứ, từ những nước tư bản tiên tiến đến các xứ thuộc địa lạc hậu, đoàn kết lại thành mặt trận bình dân chống phát xít, chống chiến tranh, đòi hoà bình, tự do và cải thiện sinh hoạt. Thế giới đã chia ra làm hai phe rõ rệt: một bên bọn phát xít và bọn tay sai của nó là bọn tờrốtkít khiêu khích phá hoại mặt trận bình dân và âm mưu chống Liên Xô để cho tư bản tài chính giày đạp bóc lột quần chúng và xô đẩy nhân loại vào cuộc chiến tranh ghê gớm, một bên là dân chúng các xứ tư bản và các dân tộc thuộc địa với trụ cột là Liên Xô. Hai mặt trận chống nhau kịch liệt và đó là cái mâu thuẫn cốt chánh trên thế giới ngày nay.
II. TÌNH HÌNH TRONG XỨ
Tình hình chung ấy của thế giới và tình hình đặc biệt ngày nay của nước Pháp bình dân đã làm lay chuyển dân tộc ta một cách sâu sắc. Nhân dân xứ này đã thấy sau khi đắc thắng trong kỳ tranh cử tháng 5-1936, Mặt trận bình dân đã đem cho dân chúng chính quốc và thuộc địa những điều cải cách mà xưa nay chưa có chánh phủ tư bản nào làm nổi.
Những luật tuần lễ 40 giờ, giao kèo chung, ngày nghỉ có lương, một năm 15 ngày nghỉ mà thợ thuyền Pháp được hưởng đã làm cho mọi người hớn hở. Những việc nới quyền dân chủ cho Tây Phi châu, Bắc Phi châu, tha một số đông tù chính trị Đông Dương, sửa chế độ lao động Đông Dương, đặt phái bộ điều tra thuộc địa, tuy những sự cải cách ấy còn xa với nguyện vọng của dân chúng thuộc địa, nhất là của nhân dân xứ này, nhưng cũng làm cho mọi người nhận rõ sự khoan hồng của Mặt trận bình dân Pháp và thấy rằng dù sao chính phủ Mạt trận bình dân cũng vẫn hơn các chính phủ tư bản phản động trước nhiều. Tất cả những điều ấy làm cho các lớp nhân dân xứ này nhận rằng sự bóc lột đè nén mà họ chịu xưa nay không phải là do dân chúng Pháp, trái lại dân chúng anh hùng ấy lại là bạn của ta, họ vẫn tranh đấu chống những sự áp bức ta. Quần chúng công nông Đông Dương càng thấy sự liên lạc đệ huynh giữa hai xứ, vì sự tranh đấu chống kẻ thù chung là đế quốc chủ nghĩa mà thêm gắn chặt, làm cho tinh thần tranh đấu của họ tăng gia. Các lớp trung gian trước kia thường nghi ngờ lực lượng tranh đấu và thường cho rằng dân chúng Đông Dương bị cô độc trong bước đường tranh đấu thì nay càng tin vào lực lượng ấy và tin rằng cuộc tranh đấu của dân chúng Đông Dương luôn luôn được bình dân Pháp là những người cùng bị áp bức ở chính quốc ủng hộ nên các từng lớp ấy tham gia vào hàng ngũ tranh đấu rất đông.
Bọn tư bản bản xứ cũng bị đế quốc chủ nghĩa Pháp áp bức, không cho tự do phát triển, song yếu đuối và rời rạc nên từ trước đến nay chỉ dựa vào đế quốc xin xỏ điều này điều nọ; những điều mong mỏi thường không được mãn nguyện, nhất là trong lúc kinh tế khủng hoảng bị thiệt hại phá sản tịch thâu rất nhiều, nên nay thấy chính sách khoan hồng của chính phủ Mặt trận bình dân, một bộ phận đã bắt đầu xiêu về phe bình dân, muốn cùng được với các giai cấp khác để đòi lợi quyền của họ.
Trong phong trào Đông Dương Đại hội và phong trào đòi tự do ngôn luận ta đã thấy rõ cái xoay hướng lớn ấy trong các giai cấp xã hội. Sự liên hiệp giữa Nguyễn Phan Long(2), Trịnh Đình Thảo, Võ Đình Thụy, Vũ Văn An, đại biểu cho tư bản, Diệp Văn Kỳ, Nguyễn Quý Hương đại biểu cho các giai cấp trung gian với các đại biểu lao động trong nhóm La Lutte, Le Travail, Hồn Trẻ, Nhành Lúa là một sự liên hiệp hành động quý hoá của giai cấp vô sản với giai cấp tư bản và giai cấp trung gian, sự liên hiệp rộng rãi có tính chất toàn nhân dân để đòi quyền lợi cho cả dân tộc.
Sự thành lập chính phủ bình dân lại còn kích động đến cả tinh thần tự do nhân đạo của một số người Pháp ở thuộc địa nữa. Các đoàn thể như Hội nhân quyền, Đảng Xã hội, Đảng Cấp tiến và mặt trận xã hội ở đây cũng đã tỏ ý và bắt đầu liên lạc lại để chống những sự phản động ở thuộc địa vậy.
Bọn bóc lột thuộc địa không thể ngó những phong trào dân chúng ấy bằng một con mắt cảm tình. Hết thảy các lực lượng phản động, bọn tài chủ và một bộ phận bọn quan lại thủ cựu đã hợp sức lại để hùa nhau tiêu diệt phong trào dân chúng và phá hoại ảnh hưởng Mặt trận bình dân. Một mặt chúng nó lợi dụng sự phá giá đồng bạc, tăng giá sinh hoạt gấp bội và bày chuyện khiêu khích để đàn áp những phong trào thỉnh nguyện hết sức trật tự và yên tĩnh (bắt bớ, tù đày thợ thuyền bãi công, nông dân biểu tình, cấm các báo chí ủng hộ Mặt trận bình dân, khủng bố những nhà văn, nhà báo tự do độc lập và bắt bớ những người ủng hộ Mặt trận bình dân).
Một mặt chúng nó bày chuyện vu khống, ngăn cản, phá hoại những chính sách cải cách của chính phủ bình dân và chia rẽ sự liên hiệp khăng khít của bình dân Pháp và dân chúng Đông Dương. Bọn tờrốtkít với những câu "cách mệnh cực tả" đã giúp sức cho bọn phản động tìm đủ cách chống Mặt trận bình dân Pháp, vu khống cho Đảng Cộng sản Pháp và phá hoại sự thành lập Mặt trận nhân dân thống nhất Đông Dương.
Thấy những sự cải cách hết sức ít ỏi, những sự lừng chừng nhu nhược của chính phủ bình dân, thấy bọn phản động thuộc địa hống hách đàn áp dân chúng, dân chúng Đông Dương tỏ dấu lo ngại đến quyền lợi của mình và tiền đồ của dân tộc. Nhưng họ vẫn tín nhiệm Mặt trận bình dân và chính phủ của nó (những cuộc bãi công thợ thuyền và biểu tình nông dân thấy vang lừng khẩu hiệu "Mặt trận bình dân muôn năm"), song sự tín nhiệm bây giờ là giác ngộ, suy xét và hoạt động. Họ hiểu rằng cần ủng hộ Mặt trận bình dân bằng đoàn kết tranh đấu của mình, (chứng cớ là những cuộc bãi công oanh liệt của hàng vạn thợ mỏ Hòn Gai, Tĩnh Túc, công nhân xe lửa Trường Thi, miền Nam Đông Dương, những cuộc biểu tình của hàng vạn nông dân xin bỏ và giảm thuế khắp Trung, Nam, Bắc), dân chúng lại càng giác ngộ cần thiết tổ chức "Mặt trận nhân dân thống nhất Đông Dương" là cái bảo chứng cho sự thực hiện các điều yêu cầu cải cách.
III. NHỮNG CÔNG TÁC CÓ THÀNH TÍCH CỦA ĐẢNG
Khoáng đại Hội nghị công nhận rằng trong khoảng thời gian một năm vừa qua Đảng ta đã làm được những công tác có thành tích rất tốt. Những kết quả ấy chứng minh rằng các đảng bộ giàu hy sinh phấn đấu, óc sáng kiến, hoạt động và được quảng đại quần chúng ủng hộ.
1. Thành tích của Đảng là đã khôi phục lại được hệ thống bị đế quốc phá rối từ năm 1935 ở Trung, Nam, Bắc. Đảng đã trở nên một đoàn thể thống nhất về đường tổ chức và về phương diện chánh trị. Dù rằng ở một vài nơi, cơ sở của Đảng chưa khôi phục xong, nhưng nói chung thì thế lực và ảnh hưởng hiện thời của Đảng rộng rãi hơn hồi Đảng Đại hội lần thứ nhất đến mấy lần. Ở nhiều tỉnh, Đảng đã lập được nhiều đảng bộ mới. Đảng ta lại đã có cơ sở trong đám dân chúng người Thổ và Hoa kiều. Chỉ ở trong Nam Kỳ, số đảng viên trong khoảng một năm tăng gia lên hơn 5 lần.
2. Con đường chính trị của Đảng nói chung là đúng chính sách lập Mặt trận thống nhất nhân dân Đông Dương, ủng hộ Mặt trận bình dân Pháp và trên trường quốc tế đã lan tràn trong dân chúng. Đường chính trị của Đảng mà phổ biến là nhờ có sự khôn khéo liên lạc các hình thức công khai và bán công khai về mặt tuyên truyền và cổ động. Trong khoảng hơn một năm, các đảng bộ đã xuất bản và lãnh đạo hoặc trực tiếp và gián tiếp được hơn mười tờ báo và hàng chục cuốn sách công khai. Hơn nữa, trong các cuộc dân chúng vận động, các đảng bộ biết phổ biến các khẩu hiệu của Đảng. Về mặt tuyên truyền và cổ động bí mật, sách báo của Đảng vì gặp nhiều nỗi khó khăn mà ra không thường và không đủ phân phối, nhưng đại khái đã giải thích được đường chính trị hiện thời và những nhiệm vụ cần thiết của Đảng và của cuộc vận động dân tộc giải phóng trong giai đoạn này cho các đảng viên và quần chúng noi theo mà hoạt động.
3. Ảnh hưởng của Đảng ta phát triển rất nhanh chóng là nhờ chính sách của Đảng thích hợp với các điều nhu yếu của các lớp nhân dân, nhờ các đảng bộ đã hăng hái tham gia và chỉ đạo phong trào dân chúng. Khoáng đại Hội nghị thừa nhận rằng, vì Ban Trung ương mới chính thức liên lạc với các đảng bộ Trung, Bắc Kỳ chưa được bao lâu, nên có nhiều cuộc vận động quần chúng ít mật thiết liên lạc với nhau. Tuy nhiên, nói chung thì những người cộng sản công khai và bí mật đã chỉ đạo được đại đa số các cuộc bãi công của công nhân và hầu hết các cuộc vận động của nông dân. Trong gần 400 cuộc bãi công bao hàm hơn 120 ngàn công nhân và hơn 150 cuộc đấu tranh của hơn 30 ngàn nông dân, các điều thắng lợi từng phần nhiều hơn các điều thất bại. Đối với phong trào Đông Dương Đại hội, Đảng có một chương trình rõ rệt. Ở Nam Kỳ, đại đa số trong 600 uỷ ban hành động là do các người cộng sản tổ chức và lãnh đạo, các cuộc vận động lập các uỷ ban sưu tập dân nguyện, lập các uỷ ban ủng hộ Mặt trận bình dân, chiêu tập các cuộc hội nghị báo giới, tiếp rước Brévié và Godart cũng đều do sáng kiến của Đảng ta. Những cuộc vận động ấy là các hình thức sơ khai liên hiệp hành động giữa các lớp dân chúng, những cuộc dự bị đi tới sự thực hiện Mặt trận thống nhất nhân dân Đông Dương, phong trào vận động nghiệp đoàn. Tổ chức các uỷ ban sáng xuất(3) các hoạt động công khai để đòi thực hiện tự do nghiệp đoàn ở Nam Kỳ và Bắc Kỳ là do Đảng ta lãnh đạo. Công tác có thành tích rõ rệt, có ảnh hưởng lớn lao hơn hết là sự tham gia các cuộc tuyển cử ở Sài Gòn, Hà Nội và Trung Kỳ. Trong các cuộc tuyển cử ấy, các đồng chí ta đã đề xướng ra những bản chương trình hành động rất rõ rệt.
Việc các candidats của ta ở Hà Nội, Sài Gòn và 18 candidats ở Trung Kỳ xu hướng về Mặt trận bình dân được đắc cử là những sự thắng lợi rất vẻ vang của Đảng ta.
4. Đối với vấn đề tổ chức quần chúng, Đảng có cái sai lầm rất lớn là thoả hiệp nhượng bộ cho chủ nghĩa biệt phái; thừa nhận về nguyên tắc tổ chức quần chúng có thể dùng lối bí mật trong những hoàn cảnh đặc biệt. Vì cái xu hướng biệt phái cô độc ấy nên các tổ chức quần chúng đáng lẽ có thể phát triển được nhiều lắm, mà trái lại ở nhiều nơi không phát triển được. Tuy nhiên khoáng đại Hội nghị nhận rằng lối tổ chức quần chúng theo các hình thức công khai và bán công khai đã lần lần ăn sâu lan rộng trong quảng đại quần chúng, các uỷ ban sáng xuất nghiệp đoàn, các hội ái hữu tương tế, đám ma, các uỷ ban ủng hộ báo chí công khai chứng minh rằng về nhiều phương diện thực tế Đảng ta và các hội quần chúng đã bắt đầu sinh hoạt một cách công khai và bán công khai.
IV. NHỮNG ĐIỀU SAI LẦM VÀ KHUYẾT ĐIỂM
Khoáng đại Hội nghị công nhận những điều thắng lợi của Đảng rất nhiều, tuy nhiên Đảng ta không vì những điều thắng lợi mà quên các điều sai lầm. Hiện thời bệnh biệt phái là nạn nguy hiểm nhất trong hàng ngũ của Đảng và của quần chúng, nên hội nghị đặc biệt giải thích các điều khuyết điểm quan trọng của Đảng về hết các phương diện để các đảng bộ thấy rõ mà tranh đấu nhanh chóng trừ bỏ bệnh biệt phái ấy đi. Sự công khai tự chỉ trích các nhược điểm ấy là một chứng cớ rõ ràng tiêu biểu rằng Đảng ta cương quyết cứng cỏi và tăng gia hàng ngũ của Đảng, mở rộng các tổ chức của Đảng và phong trào dân chúng.
1. Về mặt tổ chức nội bộ của Đảng, nói chung thì các cơ sở của các đảng bộ ở các thành thị còn kém hơn ở các thôn quê; có nhiều tỉnh có đảng bộ mà ở châu thành lại không có cơ sở làm cho sự chỉ đạo các cuộc vận động trong các địa hạt thành khó khăn, chậm trễ và mất bớt sự quan trọng; ở các đồn điền và nhiều nơi vô sản tập trung, vẫn chưa có cơ sở.
Chưa có liên lạc với các mỏ, ở các thành thị thì phần nhiều chỉ có cơ sở trong các nhà máy và các thợ thủ công mà rất ít có chi bộ trong các đám tiểu tư sản. Tuy nhiên, Đảng ta không phải cứ bo bo trong phạm vi chật hẹp công nông mà phải vận động đoàn thể nhân dân theo ảnh hưởng của mình, nên khoáng đại Hội nghị cho rằng việc các đảng bộ ít chú ý lấy những phần từ cách mệnh hăng hái và chân thành trong đám tiểu tư sản và trong các lớp dân chúng khác vào hàng ngũ của mình là lầm lỗi, biệt phái rất nguy hiểm, làm cho thiếu cán bộ đi hoạt động trong những hạng nhân dân không phải lao động, các đảng viên phần nhiều là kém về đường chính trị, ít hiểu tường tận chính sách Đảng, nên công tác của Đảng tuy phát triển nhưng Đảng vẫn chưa lợi dụng được hết các hoàn cảnh thuận tiện để có thể làm việc được. Các mối liên lạc giữa các đảng bộ ít mật thiết nên cơ quan thượng cấp ít hiểu rõ tình hình ở trong các địa phương, còn các đảng bộ hạ cấp thì cũng vì đó mà thi hành các chỉ thị không được mau chóng và xác thực; cũng vì sự liên lạc không được mật thiết và sự củ soát không được mau lẹ, đầy đủ mà thượng cấp thường căn cứ vào những báo cáo nhiều khi định kế hoạch không được thiết thực sát với hoàn cảnh. Các đảng bộ ở Lào vẫn còn chưa khôi phục đảng bộ, ở Cao Miên vẫn chưa chỉnh đốn xong. Các đảng bộ người Trung Quốc tuy có liên lạc với các cơ quan chỉ đạo của Đảng nhưng sự chỉ đạo các tổ chức chưa mật thiết.
Có nhiều nhóm đồng chí công khai quá phức tạp và không mật thiết liên lạc với các cơ quan phụ trách tương đương của Đảng, có nhiều khi hành động bên công khai và bên bí mật không trù định trước nên công tác ít có kết quả. Ở Hà Nội và ở Sài Gòn có một ít đồng chí công khai muốn độc lập, muốn duy trì cái thái độ cô độc của họ, ít ra công nghiên cứu các phương pháp thi hành các nghị quyết của Đảng nên những hành động biệt phái của họ đã có ảnh hưởng không tốt cho nhiều cuộc dân chúng vận động (Hội nghị báo chí Bắc Kỳ, Đông Dương Đại hội, v.v.). Lại có một đôi chỗ các đồng chí công khai muốn hoạt động mà các đảng bộ địa phương hoặc không có sáng kiến, hoặc không đủ năng lực mà chỉ đạo cho họ (miền Bắc Trung Kỳ).
2. Tuyên truyền và cổ động:
a) Cổ động cá nhân: một số đồng chí gặp một người quần chúng thì thường lấy những chủ trương tương lai của chủ nghĩa cộng sản, lấy những phương pháp cướp chánh quyền mà cổ động, làm cho những kẻ chưa có giai cấp giác ngộ phải sợ và xa lánh mình; đó là một cách làm việc biệt phái không biết chú ý đến tâm lý quần chúng, không biết lấy những vấn đề thường thức mà giải thích cho quần chúng, để lần lượt làm cho họ nhận định sự cần thiết giai cấp tranh đấu, thậm chí có một bộ phận đồng chí hễ mở miệng thì cổ động người ta bãi công, biểu tình, chứ ít chú ý đến hoàn cảnh trong xí nghiệp, không chú trọng gây cơ sở để dẫn đạo quần chúng tranh đấu và tổ chức họ. Một điều sai lầm nữa: hễ gặp một người còn óc mê tín thì liền thẳng tay công kích tôn giáo, chớ không biết tuyên truyền cho người ta nhận rằng tất cả dân chúng bị áp bức không phân biệt tôn giáo, phải cùng nhau liên hiệp hành động đòi quyền lợi chung.
Sách báo công khai là những lợi khí tuyên truyền rất mạnh và rất dễ phổ cập mà các đồng chí thường khi không biết dùng để giải thích và giác ngộ, để huấn luyện cho quần chúng.
b) Tài liệu bí mật của Đảng ra không đúng kỳ, các bài vở thường nói hơi cao xa, thiên về lý thuyết hơn là về thực tế, những điều nhu yếu của quảng đại quần chúng thường ít đem ra giải thích trên mặt báo, có nhiều khi thời cuộc rất quan trọng xảy ra mà nhiều đảng bộ chỉ biết dùng phương pháp đối phó bằng miệng, ít ra tài liệu bí mật đặc biệt để phổ biến kế hoạch của Đảng, vì lẽ đó mà các khẩu hiệu tuyên truyền của các đảng bộ hạ cấp nhiều khi mâu thuẫn với nhau, không thích hợp với những điều kiện hiện thực ở địa phương. Các tờ báo cách mạng của Đảng không phân biệt là ở cấp bộ nào đều có ít tánh chất quần chúng, chưa hoàn toàn làm được kẻ chỉ đạo và tổ chức chung cho toàn thể dân chúng. Tài liệu vì đó không có mỹ thuật vả lại phân phối tới hạ cấp quá chậm trễ, đó là một điều khuyết điểm rất lớn, trở ngại cho sự phát triển của toàn Đảng.
c) Báo chí công khai của Đảng, nhất là bằng quốc ngữ, đều có tánh chất quần chúng, nhưng phần nhiều là nói lý luận quá cao và viết dài, báo chí nói đến quyền lợi lao động mà không biết ủng hộ hay đề xướng ra những điều yêu cầu có tánh chất cấp tiến cho các lớp tiểu tư sản và các giai cấp hữu sản, cho toàn thể dân tộc. Phần nhiều bài vở chỉ nói về các vấn đề chánh trị mà không bao giờ bàn đến văn học, mỹ thuật, thể thao, v.v. nên nhiều bạn đọc xem tờ báo không thích ý. Những điều khuyết điểm đó làm cho các báo chương công khai chưa thành cơ quan ngôn luận chung cho toàn thể nhân dân, chưa được toàn thể nhân dân ủng hộ, điều cô độc ấy làm ngăn trở sự phát triển ảnh hưởng của Đảng và làm cho Mặt trận thống nhất nhân dân Đông Dương khó thực hiện được. Lời lẽ quá kịch liệt làm cho những lớp dân chúng không phải lao động ít thích và khiến cho chính phủ phải bắt đình bản dễ dàng. Các báo đều tuyên bố ủng hộ Mặt trận bình dân và chính phủ bình dân, nhưng lại không chịu khó giải thích các công tác tích cực của Mặt trận bình dân đã làm và những nỗi khó khăn của Mặt trận bình dân mà trái lại chỉ một mặt công kích những điều khuyết điểm của Mặt trận bình dân, như thế là giúp thêm tài liệu phản tuyên truyền cho tụi phát xít và cho tụi tờrốtkít phản cách mạng. Thế không phải là bao dung phê bình các điều khuyết điểm của chính phủ và của Mặt trận bình dân, trái lại đó là một nhiệm vụ cần thiết. Các báo ra kế hoạch rất nhiều mà không định kế hoạch thực hiện các khẩu hiệu ấy, đề xướng lập Mặt trận nhân dân ở Đông Dương mà không đề nghị ra một bản yêu cầu làm dự án thảo luận cho các báo tư bản và các đảng phái khác. Cổ động nói muốn gia nhập chi nhánh của Mặt trận bình dân Pháp ở Đông Dương mà đến khi chi nhánh ấy mời gia nhập thời lại tỏ ra thái độ do dự; thậm chí đến lúc báo Agir hiệu triệu các đảng phái người bổn xứ phải liên hiệp hành động với các chính đảng người Pháp thời không có lúc nào hưởng ứng cả.
3. Về những tổ chức quần chúng:
a) Trung ương khoáng đại Hội nghị căn cứ theo những bản Nghị quyết của Quốc tế Đại hội lần thứ VII và nghiên cứu lại con đường chính trị của Đảng cùng những kinh nghiệm tổ chức của quần chúng, nhận thấy rằng về vấn đề tổ chức quần chúng, Đảng ta còn mắc phải nhiều cái bệnh biệt phái, hẹp hòi. Đảng cần phải tẩy rửa cho sạch cái bệnh biệt phái ấy thời các tổ chức quần chúng mới hết sức phát triển được và Đảng mới thu phục được các lớp quảng đại nhân dân theo ảnh hưởng mình.
Trung ương khoáng đại Hội nghị nhận rằng nguyên tắc tổ chức quần chúng công khai, bán công khai và bất đắc dĩ thì bí mật là một di tích biệt phái cô độc.
b) Cũng vì sự sai lầm về nguyên tắc ấy nên các đảng bộ hạ cấp không chịu hết sức để ý lợi dụng và sáng kiến ra những hình thức công khai và bán công khai, mà hễ gặp một vài sự khó khăn là quay về lối tổ chức bí mật, ta phải đập cho tiêu cái xu hướng dễ làm khó bỏ ấy đi. Hình thức này không được, ta xoay hình thức khác, tổ chức ái hữu, tương tế không được, ta xoay ra các hội chơi họ; chơi họ không được, xoay qua đám ma; đám ma không được, xoay hội lợp nhà, hàng phe, hàng giáp, v.v.. Nói tóm lại, chính sách và chủ trương của ta không phải như cái máy, cứ theo khuôn khổ nhất định. Trái lại phải tuỳ hoàn cảnh từng xứ, từng địa phương, tuỳ trình độ quần chúng, tuỳ chính sách chính trị mỗi nơi mà thay đổi thiên hình vạn trạng. Điều chính là làm sao tổ chức được quảng đại quần chúng và làm lan tràn ảnh hưởng Đảng là được.
c) Bệnh biệt phái cô độc về vấn đề tổ chức quần chúng của các đồng chí ta cònbiểu lộ trong công tác hằng ngày: tỷ như lựa những phần tử hăng hái, giác ngộ cách mạng rõ rệt mới cho vào hàng ngũ tổ chức thì trách sao những hội quần chúng không biến thành những hội quần chúng rất eo hẹp, phụ thuộc với đảng được. Lối làm việc của các đảng viên trong các hội quần chúng cũng tỏ ra tả khuynh, cũng vẫn theo những lối hoạt động bí mật trong những năm 1930- 1931. Tổ chức công khai hoặc bán công khai mà chỉ lựa những phần tử có xu hướng về mình mà đặt ra những điều lệ, nội quy quá cao, quá câu nệ về hình thức mà dùng những lời lẽ kịch liệt, thì một là không thu phục được đại đa số quần chúng, hai là có cớ cho quân thù giải tán và khủng bố các tổ chức của mình. Các đồng chí ta cũng không biết rằng có nhiều khi chúng ta phải che đậy giấu giếm, không thể nói hết sự thực được, nên những hội tổ chức công khai và bán công khai và ở đâu và ở lúc nào cũng khoe khoang là mình lợi dụng những hình thức ấy để tuyên truyền cách mệnh thì làm gì chính phủ nó không giải tán và đàn áp. Những nguyên nhân sai lầm ấy là vì các đồng chí không biết đứng trong vòng hợp pháp hoạt động cho khôn khéo để lãnh đạo và tổ chức quần chúng.
d) Cũng vì óc cô độc nên các đồng chí ta không chịu chui vào các tổ chức cải lương, phản động có quần chúng như các hội ái hữu, tương tế, không biết rằng những tổ chức ấy trong lúc này là một sự tiến bộ nên ủng hộ và phải biết lợi dụng để lần lần huấn luyện quần chúng giác ngộ quyền lợi của họ, không hiểu rằng người cộng sản không sợ mình ô uế, phải lăn lộn trong những tổ chức cải lương, phản động, phải hoạt động khôn khéo trong đó để dần dần giác ngộ quần chúng làm cho họ xa lìa tụi lãnh tụ phản động và để sửa đổi những điều lệ tổ chức, làm cho các hội ấy có tính chất cấp tiến hơn lên. Tóm lại, phải biến những cơ sở quần chúng theo ảnh hưởng tụi phản động thành những cơ sở theo ảnh hưởng Đảng. Tỷ như công nhân Ba Son có một ái hữu, điều lệ rất chật hẹp, các đồng chí ở đó không biết lợi dụng hoàn cảnh bãi công, hoặc những sự thắng lợi mà vận động sửa đổi để cho quần chúng tham gia được đông. Không biết vận động thanh niên hoặc phái người vào các hội boy-scout(4).
e) Đến như ở Bắc Kỳ, sau những cuộc vận động nghiệp đoàn thấy quảng đại quần chúng không đủ sức đi tới nữa mà chính phủ đã nhượng bộ cho tổ chức các hội ái hữu công khai thì có nhiều đồng chí lại phản đối tổ chức ái hữu. Các đồng chí cho rằng làm như thế là làm ngăn cản phong trào nghiệp đoàn, là dắt quần chúng vào con đường cải lương, là hữu khuynh. Họ không biết rằng các người cộng sản phải lợi dụng các điều cải lương không phải như những mục đích cuối cùng mà như những thủ đoạn để khuếch trương việc tuyên truyền vận động, khuếch trương cuộc giai cấp tranh đấu để đi tới những mục đích cách mạng. Trung ương khoáng đại Hội nghị kịch liệt tranh đấu chống chủ trương cô độc thủ tiêu ấy, vì chẳng những nó làm cho Đảng co ro không thâu phục được quảng đại quần chúng mà còn làm quần chúng chịu trói tay rời rạc trước mặt bọn tư bản có tổ chức kiên cố. Lúc chưa được tổ chức nghiệp đoàn công khai, ta phải lợi dụng các cơ hội công khai và bán công khai để tổ chức các hội ái hữu, tương tế và hợp tác xã, v.v., tên gì cũng được, chỉ cốt nội dung để thâu phục và giác ngộ quần chúng tranh đấu đòi thực hiện tự do nghiệp đoàn và cải thiện sinh hoạt. Ngoài những lầm lỗi biệt phái kể trên, còn những khuyết điểm sau:
1. Những nơi có phong trào quần chúng, quần chúng giác ngộ mà không chú ý đề xướng ra hình thức gì để tổ chức họ, đoàn kết họ thì thật là một sự sai lầm hữu khuynh, trở ngại sự đoàn kết của giai cấp và làm cho lực lượng họ bị tan nát yếu ớt trước quân thù.
2. Đặc biệt về tổ chức công nhân có cái khuyết điểm nữa là chưa có cơ sở quần chúng trong các xí nghiệp, kỹ nghệ, là nơi vô sản tập trung.
3. Ít chú ý đến việc vận động binh lính, nên tới nay vẫn chưa có một chút cơ sở của Đảng trong quân đội hay tổ chức một binh lính sơ sài nào, đó là một khuyết điểm không thể bỏ qua được, nhất là trong lúc này nạn đế quốc chiến tranh nơm nớp sắp xảy ra.
4. Các khẩu hiệu trong các cuộc tranh đấu: Có nhiều đồng chí và đảng bộ không hiểu sự quan trọng của các khẩu hiệu trong một cuộc tranh đấu đối với quần chúng, cứ tưởng rằng một khẩu hiệu mà các phần tử tiên tiến hiểu được thì quần chúng cũng hiểu được; lại có cái óc thi hành một cách máy móc chỉ thị của Đảng, như phổ biến các khẩu hiệu chính của Đảng, liên lạc các khẩu hiệu kinh tế với các khẩu hiệu chính trị, rồi gặp hoàn cảnh nào, không kỳ trình độ quần chúng thế nào cũng cố nài ép cho quần chúng phải đem khẩu hiệu đó vào cuộc tranh đấu của họ cho được. Trong cuộc tranh đấu của bạn hàng chợ Đồng Xuân đòi giảm tiền chỗ, có đồng chí hỏi sao không đem khẩu hiệu thả Phú, Tiến(5), hay trong cuộc hội nghị báo giới Trung Kỳ cứ cố nài ép các báo phải đòi đại xá.
Không được những khẩu hiệu cao ấy thì các đồng chí đã vội cho rằng những cuộc tranh đấu kia không còn có ý nghĩa gì nữa. Những lối ra khẩu hiệu cao, mà muốn hoá ngay các cuộc tranh đấu đòi những khẩu hiệu kinh tế, chức nghiệp của quần chúng ra những cuộc tranh đấu chính trị, như vậy chứng tỏ rằng các đồng chí ấy không hiểu hay không muốn hiểu trình độ quần chúng, đề ra khẩu hiệu cho thích hợp mà dìu dắt họ ngày một tăng gia lực lượng, tinh thần để đi đến các khẩu hiệu và hình thức tranh đấu cao hơn.
Chúng ta phải nhận rằng với những bạn hàng chợ Đồng Xuân, những nhà viết báo vừa mới bước vào trường tranh đấu chưa tin hẳn vào sự công hiệu của sức tranh đấu, nay thấy những khẩu hiệu cao thì run sợ mà không cương quyết tranh đấu. Đế quốc có thể lợi dụng chỗ vụng về của ta mà phá tan cuộc tranh đấu hay không giải quyết, thì ta mất ảnh hưởng ngay và phong trào không thể nào liên tiếp và lan rộng ra được.
Muốn thâu phục mau rộng rãi và chiến thắng quân thù không phải bằng cách đem những khẩu hiệu tả mà nhát quần chúng, mà doạ bọn thống trị, mà chính phải biết xu hướng, nguyện vọng và trình độ của quần chúng đề ra khẩu hiệu vừa phải, làm cho những cuộc tranh đấu thường có kết quả tốt, ít bị khủng bố, làm cho quần chúng thấy rằng do sự lãnh đạo của ta khôn khéo mà được nhiều cái lợi cần thiết, là cho họ có tinh thần và tín nhiệm vào phương pháp tranh đấu đặng tiến lên đòi những quyền lợi khác cao hơn. Vì cái óc biệt phái, tả khuynh mà các đồng chí chúng ta chỉ nâng niu các khẩu hiệu thật cao, chờ có cơ hội, một lần gây nên một phong trào nghe cho rầm rộ, nên chẳng những không muốn gây điều kiện lãnh đạo quần chúng tranh đấu đòi quyền lợi lặt vặt mà có lúc cơ hội thật tốt cũng bỏ qua.
Vẫn biết sự bỏ giấy thuế thân, tự do nghiệp đoàn, thi hành luật lao động trong hoàn cảnh ngày nay không phải là tuyệt nhiên không nói được, nhưng chúng ta phải tuyên truyền cho thật rộng rãi trong quần chúng để đòi.
Ngày nay, nhờ có chính phủ bình dân mà Pagès phải ra nghị định cho dân vô sản đóng thuế thân là 4đ50 và phủ toàn quyền đã phải lập một chế độ lao động tuy không triệt để song cũng đỡ khổ hơn trước. Chính phủ đã đem cho dân chúng những điều cải cách, nhưng vẫn bị tụi quan lại phản động và các chủ không chịu thi hành những quyền lợi cần kíp ấy của quần chúng. Tại sao ta không hết sức kéo họ đòi hỏi những quyền lợi ấy? Nếu mà được thì có làm cho quần chúng quên luật tuần lễ 40 giờ, luật lao động, luật nghiệp đoàn, bỏ thuế thân chăng? Đòi những quyền lợi là đi thụt lùi chăng? Đi thụt lùi và phá hoại phong trào là khi nào các khẩu hiệu trên đã hiệu triệu được quảng đại quần chúng, trong nhân dân họ quyết đòi mà mình chỉ lờ đi, chỉ muốn đòi một khẩu hiệu thấp hơn quyền lợi quần chúng. Mình cứ tập trung toàn lực quần chúng bắt thi hành thu thuế 4đ50 cho vô sản, thi hành ngày chín giờ, thực hiện chế độ lao động theo phủ toàn quyền đã định, đồng thời mình cũng chỉ cho quần chúng biết rằng đó mới là bước đầu, được cái ấy rồi chúng ta phải đòi nữa, cho đến khi thủ tiêu thuế thân và thi hành chế độ lao động như ở Pháp, thì chẳng những quần chúng không quên quyền lợi lớn của họ mà trái lại nhờ sự tranh đấu khôn khéo được thắng lợi, ít bị khủng bố, làm cho họ càng hăng hái thêm, càng tín nhiệm thêm vào phương pháp tranh đấu, có tranh đấu mới bắt bọn chủ thi hành các điều cải cách của chính phủ bình dân. Vì không nhận rõ chỗ ấy nên nhiều nơi các đảng bộ hạ cấp đã có sáng kiến kéo quần chúng đòi thi hành các điều cải cách, nhưng các chỗ khác không chịu hưởng ứng theo, làm cho phong trào cô độc mà đến nay chưa một điều cải cách nào thi hành hay thi hành trọn. Đó là chưa kể trong các cuộc tranh đấu có nhiều khẩu hiệu quá và khẩu hiệu kỳ khôi (bỏ khám bệnh những người cầm đầu máy xe lửa), định khẩu hiệu theo lối mặc cả (đòi tăng lương 50% để chủ cho 20% thì vừa). Những lối như vậy đã làm cho người ta tranh đấu không cương quyết, mà người ngoài cuộc tranh đấu cũng mất cảm tình cho là làm lố mà không ủng hộ. Chủ trương lập Mặt trận nhân dân mà không mấy khi nghĩ đến quyền lợi của các lớp ngoài công nông, quyền lợi của các giai cấp khác nhau, quyền lợi của toàn thể nhân dân.
Về sự lãnh đạo quần chúng tranh đấu, chúng ta còn nhiều khuyết điểm, đây chỉ nêu lên những cái chính: Óc biệt phái trong sự lãnh đạo quần chúng tranh đấu chẳng những đã làm cho thế lực và ảnh hưởng Đảng khó phát triển, mà lại lắm lúc làm cho kém đi nữa.
- Óc biệt phái ấy làm cho ta không biết hướng mà xoay mỗi khi cuộc tranh đấu của quần chúng gặp sự khó khăn.
Cứ đinh ninh rằng mỗi lúc quần chúng đã kéo ra tranh đấu rồi, cứ khăng khăng đi tới cùng, chớ không biết tuỳ tình thế, tuỳ tinh thần của quần chúng, của phe nghịch mà thay đổi khẩu hiệu, hình thức, hoặc giải tán cuộc tranh đấu với một sự thất bại nhỏ để tránh một sự thất bại lớn. Trong cuộc tranh đấu của thợ xe lửa Trường Thi vừa rồi, ta thấy điều ấy rất rõ. Bãi công hơn nửa tháng, chính phủ tỏ thái độ rất găng, hàng ngũ thợ đã thấy núng (ngày 22 tháng 7 thợ Trường Thi cho thợ Sài Gòn hay là có thể đi vài ba ngày nữa thôi), nhưng không chịu nhân lúc chính phủ hứa sẽ xét yêu sách và rải truyền đơn kêu thợ vào, mà giải tán ngay cuộc tranh đấu, cứ kéo dài cho nên thất bại lớn. Một chứng cớ khác nữa là cuộc biểu tình đòi tha Phú, Tiến và giải quyết việc chợ Đồng Xuân Hà Nội, biểu tình hô khẩu hiệu xong, các nhà chức trách khuyên giải tán, hàng ngũ đã bối rối mà các đồng chí ta cứ kéo đi tuần hành mãi để bị đàn áp. Như vậy chứng tỏ rằng đã biết gây cuộc tranh đấu mà không biết tiến thoái hợp thời cho ít hao tổn, ít mất cơ sở.
Trong các cuộc tranh đấu, ngoài ban chỉ huy chính thức ra, ít chú ý tổ chức một ban dự bị, vì đó mà trong cuộc đón tiếp Brévié, Đảng kéo quần chúng ra, giao cho các đồng chí công khai chỉ huy, đến phút chót các đồng chí từ chối, làm cho quần chúng không có người chỉ huy, bị đế quốc giải tán một cách không có trật tự và mất tinh thần.
Tranh đấu là cơ hội thuận tiện nhất cho sự gây cơ sở và phát triển về mặt tổ chức của Đảng và của quần chúng. Vậy mà trong các cuộc bãi công ở Tân Mai xe điện, không chú ý tổ chức người mới, nên bãi công xong cán bộ cũ bị đuổi không có cán bộ mới thay vào mà mất cơ sở. Cái bệnh đem nhau làm những cuộc đình công biểu tình trong những hoàn cảnh hoàn toàn chưa đủ điều kiện khách quan và chủ quan, hiện thời trong hàng ngũ Đảng vẫn đầy rẫy. Thấy một chỗ nào có tranh đấu được thì đã vội xoay xở sao cho ở địa phương mình một cuộc tranh đấu như người ta. Muốn cho được việc, có khi lại bịa đặt những tin không thật để kích thích quần chúng, không cho quần chúng rõ cái thực lực của họ (Trường Thi vừa rồi gạt quần chúng: cứ việc tranh đấu rồi có toàn quyền thanh tra đến giải quyết), không kể đến lực lượng mà cứ cốt cho có hình thức, có tính chất chính trị rầm rộ mà không có kết quả gì và dễ bị đàn áp, nên kết cục làm cho quần chúng mất tinh thần và giảm mất một phần lớn tín nhiệm.
- Có nhiều cuộc tranh đấu cử số đại biểu ra giao thiệp với địch nhân rất ít, thành thử các đại biểu ấy dễ bị bắt hay nhiều khi bị mua chuộc, cho nên trong mỗi cuộc tranh đấu phải cử nhiều đại biểu và đại biểu phải luôn luôn gần quần chúng để quần chúng dễ ủng hộ. Sau hết, một điều sai lầm rất lớn trong việc lãnh đạo ở thôn quê Nam Kỳ là không biết làm cho công nhân nông nghiệp liên hiệp với trung bần nông, thành một mặt trận thống nhất để chống với kẻ thù chung là địa chủ, mà trái lại nhiều khi chỉ cứ tăng gia sự tranh đấu của công nhân nông nghiệp chống trung bần nông. Thật là một điều sai lầm rất lớn, trái hẳn với chiến lược của Đảng trong giai đoạn cách mạng hiện tại. Chiến lược ấy chủ trương trong thời kỳ tư sản dân quyền cách mạng, vô sản giai cấp phải liên minh với trung bần nông, trung lập phú nông để đánh đổ địa chủ làm cách mạng điền địa. Sự liên minh ấy là cần thiết cho cả hai bên, đối với công nhân nông nghiệp phải nói rõ cho họ cần hợp sức với trung bần nông để tranh đấu đòi giảm địa tô. Địa tô có giảm thì trung bần nông mới có thể tăng tiền công cho mình được. Đối với trung, bần nông phải nói rõ cho họ thấy rằng muốn đòi địa chủ giảm tô phải có sức ủng hộ của công nhân nông nghiệp, vì muốn được sức ủng hộ ấy phải tăng công cấy, công gặt cho họ. Các đảng bộ ở thôn quê, đặc biệt ở Nam Kỳ, phải hết sức giải thích cho quần chúng dân cày hiểu điều đó để khỏi xảy ra những cuộc xung đột đáng tiếc giữa công nhân nông nghiệp với trung, bần nông và để cho vô sản khỏi mất người bạn đồng minh rất quý hoá, rất trung thành, huống hồ trong lúc này chưa phải là lúc trực tiếp làm cách mạng phản đế và điền địa mà là lúc thực hiện Mặt trận nhân dân thống nhất để đòi các điều cải cách cần kíp chung cho dân chúng, thì ta chẳng những không thể nào đặt công nhân nông nghiệp tranh đấu chống trung, bần, nông và còn phải nhân nhượng với bọn phú nông, vì có khi vì lợi ích của phong trào dân chúng, vì muốn cho Mặt trận nhân dân khỏi bị tan rã, ta còn nhân nhượng đôi chút ngay cả với bọn địa chủ nữa.
5. Những điều khuyết điểm và sai lầm trong phong trào thống nhất hành động và trong việc hô hào thành lập Mặt trận nhân dân Đông Dương: Chiến sách căn bổn của Đảng lúc này là liên hiệp tất cả các giai cấp, các từng lớp dân chúng không phân biệt đảng phái, tôn giáo, nòi giống trong một mặt trận thống nhất, Mặt trận nhân dân thống nhất Đông Dương đòi các quyền tự do dân chủ và các điều cải cách khác, song trong công tác hằng ngày, để thực hiện Mặt trận dân chủ rộng rãi ấy, Đảng và nhất là các đồng chí hoạt động công khai có rất nhiều xu hướng biệt phái (ví như trong Đông Dương Đại hội mình cố giành nhiều chân trong ban chỉ đạo, không biết khôn khéo nhượng bộ giữ thể diện cho bọn tư bổn, trong Hội nghị báo giới Bắc Kỳ chửi Nguyễn Văn Luận là tranh đầu gà má lợn, chửi các báo giới còn đương tham gia hay hy vọng kéo lại là phản động, tẩy chay các báo hằng ngày). Phân tích kinh nghiệm hơn một năm nay, thấy những điều sai lầm sau:
1) Các đồng chí mắc phải cái bệnh thiên về thợ thuyền lao động quá, có khi chỉ biết có đám người ấy thôi mà quên hết cả quyền lợi của các từng lớp, các giai cấp khác, quyền lợi chung của dân tộc cần phải bênh vực. Các đồng chí trong Đảng phải hiểu rằng Đảng ta chẳng những là kẻ bênh vực và lãnh đạo cho giai cấp vô sản mà thôi mà cũng là kẻ bênh vực và lãnh đạo cho cả toàn thể dân chúng nữa. Đảng phải làm tròn vai trò ấy.
2) Không hiểu rõ thái độ Đảng ta đối với giai cấp tư bản bản xứ và các đảng phái của nó. Trong việc thành lập Mặt trận nhân dân thống nhất Đông Dương, Đảng ta không những cần liên hiệp hành động với các đảng phái quốc gia cải lương, các giai cấp trung sản mà có thể và cần kéo các giai cấp hữu sản nữa (trừ những bọn thủ cựu và phản động). Về vấn đề này, ta nên chỉ rõ ra hai xu hướng sai lầm, một điều là cho rằng toàn thể giai cấp hữu sản là phản động, còn một điều nữa là nói rằng toàn thể giai cấp hữu sản là có thể kéo vào Mặt trận nhân dân thống nhất Đông Dương. Cần giải thích cho rõ: đối với Đảng Lập hiến, chúng ta thường chỉ biết công kích bọn lãnh tụ phản động của nó, tuyên bố không chịu đi với quần chúng của họ nhưng chúng ta chưa biết khôn khéo lợi dụng những khuynh hướng có tính chất cấp tiến của bọn họ đề xướng ra để gây những phong trào hưởng ứng đòi những điều yêu cầu (nới rộng quyền hạn cho các ban hội đồng dân cử); đối với Đảng Dân chủ là một đảng có tính chất cải cách, khoáng đại Hội nghị chống cái quan điểm của một số đồng chí công khai cho rằng Đảng Dân chủ là phản động, là cản trở cuộc vận động dân chủ trong giai đoạn hiện tại.
Những sự cải cách chẳng những không cản trở mà có lợi cho bước tiến bộ của dân tộc. Đảng ta cần liên lạc, đề nghị liên hiệp hành động với họ.
3) Không hiểu rõ thế nào là lãnh đạo về chính trị, cho nên trong các cuộc liên hiệp hành động, các đồng chí ta có cái sai lầm là muốn cướp lấy tất cả các điều đề nghị và sáng kiến, cố giành cho được đa số trong ban chỉ huy. Bọn tư bản tuy đi với ta song vẫn giữ lập trường và thể diện của họ. Ta phải khôn khéo với họ, đẩy cho họ cấp tiến thêm lên, nhượng bộ cho họ những chuyện lặt vặt, ta phải bắt lấy những điều cải cách do miệng họ nói ra, hết sức ủng hộ cả những điều yêu cầu chỉ có lợi riêng cho phái hữu sản, song không có hại cho dân chúng. Đảng lãnh đạo các cuộc vận động dân chúng là lãnh đạo về chính trị, làm cho người ta tiếp nhận những khuynh hướng và chính sách của mình, chớ không phải choán chỗ cho đông trong các cơ quan chỉ đạo, rồi ra mệnh lệnh cho người ta theo.
4) Điều sai lầm thứ tư làm cho các cuộc liên hiệp hành động thất bại là các đồng chí thường dùng những lời cay chua để chỉ trích và vạch mặt nạ những bạn đồng minh với mình và cho như thế là bônsơvích, có khi lại chỉ trích một cách vô lý những điều cải cách cấp tiến của người ta nữa, như Thời báo nói kiêu ngạo đối với hội "ánh sáng", không biết dùng những lời lẽ tao nhã mà chỉ trích một cách thân mật những chỗ nhu nhược và sai lầm của họ để giữ lấy họ, không đẩy họ sang phe nghịch và để nâng đỡ họ lên. Trong khi chỉ trích cũng như những lúc chủ trương xung đột lặt vặt, ta phải hết sức khôn khéo, mềm mỏng chớ để cho có cớ gì làm chia rẽ mặt trận và luôn luôn tỏ ra cho toàn thể dân chúng biết rằng ta sẵn lòng và vui lòng nhượng bộ, hy sinh những ý kiến lặt vặt và biết đặt những quyền lợi chung của dân tộc lên trên hết.
5) Điều sai lầm thứ năm là chỉ hô hào suông, đề xướng ra mấy khuynh hướng liên hiệp hành động rồi bỏ dở, chớ ít chịu khó, chịu phiền bắt tay làm một cách thực tế, ra sức đi liên lạc với các đảng phái và các đoàn thể của quần chúng, cái lối làm việc đánh trống bỏ dùi ấy phải đập cho tiêu, từ trung ương cho tới các đảng bộ phải nỗ lực đi liên lạc với các đoàn thể, với các tổ chức khác đặng thảo luận ra một lập trường tối thiểu và sáng kiến những hình thức liên hiệp hành động.
6) Điều sai lầm sau hết nhưng không kém quan trọng là thái độ thoả hiệp với bọn tờrốtkít, liên hiệp với bọn tờrốtkít thành một cục như trong báo La Lutte, trong khi bọn tờrốtkít kịch liệt chống Liên bang Xôviết, chống Đảng Cộng sản Pháp, chống Mặt trận bình dân, là một điều lầm lỗi rất lớn.
Chính thái độ thoả hiệp sai lầm của ta với bọn tờrốtkít trực tiếp trở ngại một phần lớn trong sự thực hiện Mặt trận nhân dân (cũng như làm mất cảm tình của các chi bộ Xã hội, nhân quyền) làm giảm sức ủng hộ của Đảng Cộng sản Pháp, của dân chúng Pháp đối với Đảng ta, nên trong việc tranh đấu để thực hiện Mặt trận nhân dân thống nhất Đông Dương ta không thể không thẳng tay vạch mặt nạ tụi tờrốtkít là bọn khiêu khích, phá hoại Mặt trận bình dân, trực tiếp giúp cho phát xít bằng những chứng cớ thực tế.
V. NHIỆM VỤ CẦN KÍP CỦA ĐẢNG
1. Về nội bộ, mở rộng và củng cố các đảng bộ đã có, kế tiếp khôi phục cơ sở cũ của Đảng ở Ai Lao, Cao Miên, thống nhất các đảng bộ ở Trung Kỳ, cần mật thiết chỉ đạo các đặc biệt bộ của người Trung Quốc, tập trung lực lượng của Đảng ở thành thị, các chỗ kỹ nghệ lớn và các vùng kinh tế và chính trị quan trọng. Ở các tỉnh đảng bộ chưa có cơ sở ở thành thị, phải tìm cách gây ra cơ sở ở tỉnh lỵ thì mới dễ mở rộng, thống nhất và chỉ đạo các cơ sở hạ tầng, các đoàn thể quần chúng và các cuộc vận động trong phạm vi địa phương của mình. Tổ chức các mối liên lạc giữa các cấp đảng bộ cho mật thiết, Đảng phải dùng cách chỉ đạo các hội quần chúng về mặt chính trị một cách xác đáng và lanh lẹ, tuy nhiên phải tránh sự bao biện, tránh sự làm mất tư cách độc lập của các đoàn thể quần chúng về mặt tổ chức; các đảng đoàn hoặc công khai, hoặc bí mật không được thủ tiêu, nhưng phải đổi lối làm việc một cách khôn khéo, mềm mỏng, mục đích cốt đem quan niệm của mình mà giải thích cho dân chúng và thuyết phục họ theo mình chớ không phải lấy lối mệnh lệnh mà chỉ đạo các đoàn thể quần chúng; các cấp đảng bộ phải chú ý lấy những phần tử công nhân, nông dân, phụ nữ, người dân tộc thiểu số và người lao động ngoại quốc vào cơ quan chỉ đạo của Đảng; các đảng bộ phải đem những phần tử chân thành, triệt để xuất thân ở các giai cấp trung gian và các lớp dân chúng khác vào Đảng; ở các thành thị và trước nhất là ở Sài Gòn, Hà Nội, Huế, Ban Trung ương và các xứ uỷ phải lập ra những uỷ ban hay chi bộ công khai hoặc bán công khai của Đảng. Các cơ quan chỉ đạo thượng cấp tương đương phải mật thiết liên lạc các chi bộ công khai hay bán công khai một cách thiết thực. Đối với các chi bộ ấy Đảng phải cho chỉ thị rõ rệt để giao cho họ trách nhiệm chỉ đạo công tác công khai và liên lạc với các đảng phái khác.
Đào tạo cán bộ. Xét về vấn đề cán bộ có một sự quan trọng quyết định trong việc thi hành các chính sách mới của Đảng, khoáng đại Hội nghị quyết định rằng Ban Trung ương và các xứ phải đặc biệt mở các lớp huấn luyện đồng chí, đào tạo các cán bộ am hiểu con đường chính trị và những chiến sách tổ chức mới, biết đối phó với các biến cố xảy ra bởi những thời cục thay đổi ở trong xứ và ở trên trường quốc tế và đủ năng lực lãnh đạo dân chúng trong cuộc tranh đấu đòi tự do hoà bình và cơm áo.
2. Nhiệm vụ về tổ chức quần chúng, khoáng đại Hội nghị quyết thủ tiêu lối tổ chức quần chúng bí mật, nó làm cho Đảng không thâu phục và lãnh đạo được quảng đại quần chúng nhân dân. Hội nghị nhận rằng nguyên tắc tổ chức quần chúng phải hoàn toàn công khai và bán công khai, phải tuỳ hoàn cảnh, tuỳ trình độ của quần chúng mà tổ chức các hội ái hữu, tương tế, hợp tác xã, dân chủ, văn hoá, thể thao, âm nhạc, công khai và bán công khai.
Đối với các hội bí mật hiện có, các đảng viên phải hết sức giải thích cho quần chúng hiểu để biến những hội ấy thành những hội công khai hoặc bán công khai, tên gì cũng được. Không cần một bản điều lệ thống nhất cũng như không cần thống nhất về tên hội, chỉ cốt công tác nội dung làm sao cho quần chúng dần dần giác ngộ quyền lợi, giác ngộ giai cấp.
Về vận động công nhân, phải dùng những hình thức như uỷ ban sáng xuất nghiệp đoàn, ái hữu, tương tế, uỷ ban công xưởng cùng các hội thể thao, đọc sách báo, hợp tác xã mà tổ chức cho được quảng đại quần chúng công nhân, phải đặc biệt chú ý gây cơ sở tổ chức trong các xí nghiệp kỹ nghệ, các mỏ, các đồn điền.
Về nông dân vận động, phải hết sức tổ chức các hội tương tế, ái hữu, đám ma, đám cưới, các hợp tác xã tiêu thụ, các hội lợp nhà, hàng phe, hàng xóm. Trong những tổ chức ấy, không những phải giác ngộ nông dân về quyền lợi trực tiếp hằng ngày mà phải chú ý huấn luyện họ về phương diện văn học nữa. Hội nghị nhận rằng vì sự tranh đấu chống chủ nghĩa phát xít và chống chiến tranh, Đảng cần đặc biệt chú ý việc vận động quân lính, các đồng chí ta nên dùng những hình thức ái hữu, lớp học đêm, hội thể thao, v.v., mà kéo các lớp binh lính người Pháp lẫn người bản xứ vào hàng ngũ tổ chức, Đảng nên tổ chức những hội hương hữu, tương tế của những người lính mãn hạn hay lưu hậu để liên lạc với lính tại ngũ. Hội nghị nhắc lại rằng từ trung ương cho tới các tỉnh uỷ, các đảng bộ ở các nơi có lính đóng phải lập ra các uỷ ban đặc biệt lo vận động binh lính và không dính líu đến các thứ công tác của Đảng, nhất là các thứ công tác công khai. Chú ý xét về lính đóng ở các miền thượng du Bắc Kỳ cũng như phu tuần, nên hội nghị quyết định tổ chức vào chi bộ cùng các hội quần chúng trong làng.
Về thanh niên vận động, khoáng đại Hội nghị thừa nhận phải hết sức tổ chức các hội quần chúng phổ thông cho thanh niên (như thanh niên dân chủ, tân tiến, thể thao, khuyến học, v.v.), phải lợi dụng đủ các hình thức công khai và bán công khai để thâu phục quảng đại quần chúng thanh niên, đoàn kết họ lại thành một mặt trận thống nhất thanh niên.
Muốn làm trọn được nhiệm vụ tổ chức thanh niên, Đảng phải đặc biệt phái một số am hiểu tình hình, xu hướng, nguyện vọng của thanh niên phụ trách về công tác ấy.
Về phụ nữ vận động, phải tuỳ theo hoàn cảnh mà tổ chức ra các hội phụ nữ: phụ nữ tân tiến, phụ nữ thể thao, hội những người mẹ chống chiến tranh, các lớp dạy học chữ và vệ sinh con nít, các trường nữ công, các hội tương tế, ca hát, để huấn luyện cho thoát khỏi những hủ tục phong kiến, về nam nữ bình quyền, giác ngộ chống phát xít, chống chiến tranh.
Về vấn đề cứu tế bình dân, có thể tổ chức một phân bộ Pháp gồm cả người Pháp, người bản xứ, tổ chức ra các hội tế bần, hội từ thiện, hội giúp đỡ các chính trị phạm để giúp đỡ các từng lớp dân chúng bị tai nạn cùng các chiến sĩ trong phong trào dân chúng bị bọn phát xít phản động đàn áp.
Khoáng đại Hội nghị coi là một nhiệm vụ cần kíp phải thống nhất các tổ chức quần chúng trong mỗi giới vận động lại cả về bề ngang lẫn bề dọc, phải kiếm những hình thức liên hiệp hành động để thống nhất các hội quần chúng hết sức phức tạp, hết sức khác nhau ấy lại, làm cho các tổ chức quần chúng ấy có một sự độc lập, tự trị về tổ chức, Đảng chỉ lãnh đạo họ về chính trị. Ví như về công nông vận động có thể thống nhất bằng những cách tổ chức ra các uỷ ban công nông vận động toàn thành, toàn xứ, toàn quốc; uỷ ban liên hiệp hành động của công nhân làm việc bán công khai như Liên đoàn lao động Hà Nội; hoặc như thống nhất các hội thanh niên thể dục lại, lấy tên là thanh niên thể dục toàn xứ, toàn quốc, sinh hoạt công khai.
3. Về mặt tuyên truyền cổ động, công tác tuyên truyền cũng phải công khai hoá, hội nghị quyết định thủ tiêu các tờ báo bí mật của các hội quần chúng. Từ rày về sau, các vấn đề bàn đến sinh hoạt và các cuộc vận động quần chúng phải dùng sách báo công khai mà giải thích. Các báo bí mật của đảng bộ kế tiếp ra, tuy nhiên chỉ bàn những vấn đề không thể in công khai mà thôi; các sách lý thuyết, các luận cương chính trị, các truyền đơn của Đảng phải dùng lời lẽ khôn khéo để cho có thể in công khai. Ban Trung ương với các xứ uỷ phải kiểm soát đường chính trị của các báo công khai; đối với vấn đề xuất bản sách công khai, Ban Trung ương phải định kế hoạch xuất bản những thứ sách cần kíp và chia cho các xứ uỷ phụ trách từng việc, một phương diện là để khỏi trùng điệp nhau, còn một phương diện nữa là để cho thích hợp với các sự nhu cầu của các đảng bộ và quần chúng. Từ Trung ương cho tới các tỉnh uỷ, mỗi cấp bộ phải đặt ra một nhóm đồng chí chuyên môn viết bài gửi cho các báo, để bày tỏ tình hình của quần chúng ở đấy, tình hình quốc tế và nhất là để phổ biến quan điểm Mặt trận bình dân. Các báo sách của Đảng phải sửa đổi những điều sai lầm mà hội nghị đã phê bình mà biến thành những tài liệu cổ động và tuyên truyền chẳng những cho quần chúng lao động mà cả đến cho toàn thể nhân dân nữa.
Tranh đấu chống các xu hướng sai lầm. Hội nghị nhắc lại cho các đảng bộ hay rằng Đảng ta phải luôn luôn đi cho đúng chủ nghĩa mácxít - lêninnít, đúng nguyên tắc của Đệ tam quốc tế, phải bônsơvích hoá, nên cần chống hết cả các xu hướng sai lầm cả ở trong và ở ngoài hàng ngũ Đảng. Khoáng đại Hội nghị nhắc cho các đồng chí cần tập trung lực lượng chống chủ trương biệt phái cô độc, tả khuynh, là cái nạn nguy hiểm nhất trong giai đoạn này. Thế không phải là ta có thể lãng bỏ sự tranh đấu chống các xu hướng hữu khuynh và thoả hiệp. Trong cuộc vận động dân chúng, chủ nghĩa Tờrốtxky là nguy hiểm nhất, không triệt để chống chủ nghĩa Tờrốtxky thì khó thi hành được chiến thuật lập Mặt trận nhân dân thống nhất Đông Dương và ủng hộ mặt trận bình dân thế giới chống phát xít và đế quốc chiến tranh. Cuộc tranh đấu chống chủ nghĩa Tờrốtxky phải thi hành theo những phương pháp sau:
a) Phải đưa những chứng cớ xác thực về những cuộc âm mưu phá hoại Liên Xô của Tờrốtxky và những hành động phản cách mạng chia rẽ Mặt trận bình dân ở các nước, đặc biệt chú ý bọn tờrốtkít ở Đông Dương.
b) Phải giác ngộ quần chúng về quyền lợi trực tiếp hằng ngày và lãnh đạo họ tranh đấu đòi cải cách sinh hoạt, đó là một cách rất tốt để làm tiêu ảnh hưởng nói dóc cách mạng của bọn tờrốtkít.
c) Đối với bọn lãnh tụ phải hết sức vạch mặt nạ, còn đối với quần chúng bên dưới thì kéo họ vào một mặt trận liên hiệp hành động, lấy quyền lợi chung của giai cấp và sự ủng hộ Mặt trận bình dân Pháp, sự thành lập Mặt trận nhân dân thống nhất Đông Dương làm căn bổn. Tóm lại phải làm cho bọn tờrốtkít lòi mặt nạ, làm cho quần chúng tờrốtkít rời bỏ bọn lãnh tụ. Điều chú ý là muốn chống tờrấtkít cho có hiệu quả các đồng chí ta phải có một cơ sở lý luận vững vàng và phải nghiên cứu kỹ càng đặng hiểu rõ chánh sách tổ chức mới của Đảng.
Thâu phục quảng đại quần chúng và lãnh đạo tranh đấu. Khoáng đại Hội nghị cho rằng Đảng ta mà không chú ý tận tâm bênh vực quyền lợi của Đảng, của quảng đại quần chúng thì không thể thâu phục được họ theo ảnh hưởng mình và không thể thực hiện được Mặt trận nhân dân thống nhất Đông Dương. Đảng chủ trương rằng các đồng chí ta nên nghiên cứu các điều nhu yếu chẳng những chỉ riêng của các giai cấp lao động mà thôi mà của cả các từng lớp nhân dân khác nữa. Đảng ta phải hiểu rõ tình hình của dân chúng, của quân nghịch thì mới đề ra những khẩu hiệu tranh đấu xác thực được? Đảng ta là đảng cách mạng triệt để thì lẽ tất nhiên là ta muốn cho dân chúng được cải thiện sinh hoạt về hết các phương diện, tuy nhiên chúng ta nên tuỳ thời, tuỳ hoàn cảnh mà ra những khẩu hiệu thiệt thích hợp với quyền lợi cần kíp và có thể thực hiện được, đòi những điều yêu cầu thấp ấy rồi ta đưa quần chúng đòi những điều yêu cầu cao hơn, như thế thì sẽ được ảnh hưởng trong các lớp dân chúng và tránh được các sự thất bại to tát. Đảng ta phải biết liên lạc các khẩu hiệu kinh tế lặt vặt với các khẩu hiệu chung, thế không phải là không có hay chưa có điều kiện chuyển biến các cuộc vận động kinh tế thành những cuộc vận động chính trị mà cứ miễn cưỡng làm. Phải dùng đủ phương pháp mà liên lạc các cuộc vận động lẻ tẻ thành những cuộc tranh đấu chung cho toàn địa phương tới toàn Đông Dương.
Đối với những khẩu hiệu về quyền lợi trực tiếp lặt vặt thì các đảng bộ địa phương phải nghiên cứu kỹ càng hoàn cảnh làm việc, trình độ và nguyện vọng của quần chúng mà đề xướng ra. Còn đối với các khẩu hiệu chung thì trung ương và các xứ uỷ phải đề xướng ra để cho các điều yêu cầu khỏi bị mâu thuẫn. Khoáng đại Hội nghị xét rằng phái bộ điều tra sắp sang Đông Dương, ta phải lập tức thảo ra một bản chương trình hành động tối thiểu để cùng các đảng phái mà lập ra những uỷ ban sưu tập dân nguyện, dự bị tài liệu cho uỷ ban điều tra.
Khoáng đại Hội nghị nhắc lại cho các đồng chí biết rằng trong giai đoạn hiện tại, ta chưa ở vào tình thế trực tiếp cách mạng mà ở vào thời kỳ tranh đấu đòi các điều cải cách và đòi những điều tự do dân chủ cho toàn nhân dân, nên Đảng lãnh đạo quần chúng tranh đấu phải tránh những hành động kịch liệt, bạo động, có thể khiêu khích cho quân thù khủng bố vô ích. Các đồng chí phải đặc biệt chú ý đề phòng những mưu mô khiêu khích của bọn tờrốtkít đề xướng những khẩu hiệu thật cao, những hình thức kịch liệt để chia rẽ lực lượng và làm cớ cho quân thù phá hàng ngũ tranh đấu và tổ chức quần chúng. Trong các cuộc tranh đấu, phải tuỳ theo tinh thần và lực lượng quần chúng, dò xét thái độ của địch nhân và liệu cơ tiến thoái. Phải biết dưỡng sức cho quần chúng và nhiều khi phải biết lợi dụng các điều thắng lợi từng phần mà kết liễu cuộc tranh đấu để giữ lấy ảnh hưởng. Khoáng đại Hội nghị nhận rằng trong lúc này, nhiệm vụ căn bản của Đảng là tổ chức Mặt trận nhân dân thống nhất Đông Dương, nên các đảng bộ lãnh đạo quần chúng tranh đấu phải khôn khéo tránh những phong trào cô độc, biệt phái, có thể trở ngại cho sự thành lập mặt trận ấy, phải làm sao cho những phong trào của thợ thuyền và dân cày đi khít với nhau và thâm nhập vào phong trào dân chúng thống nhất Đông Dương.
Thực hiện Mặt trận nhân dân thống nhất Đông Dương.
Đảng ta chủ trương một phương diện ủng hộ Mặt trận bình dân bên Pháp, một phương diện nữa là thực hiện Mặt trận nhân dân thống nhất Đông Dương. Các báo chí công khai phải luôn luôn gây ra một phong trào dư luận để cổ động cho chính sách ấy. Các đảng bộ phải bắt đầu thực hiện các hình thức liên hiệp hành động vào từng ngành sinh sản, từng địa phương cho đến toàn Đông Dương, chung quanh một vài vấn đề hay một bản chương trình hành động tối thiểu chung, trong một cuộc hành động nhất định hay một giai đoạn nào đó Đảng ta cần cổ động triệu tập các cuộc hội nghị báo giới, văn sĩ, các cuộc đại biểu hội nghị của các hương hữu, v.v., dẫu rằng ta có thể hay không có thể chỉ đạo những cuộc hội nghị như thế, ta cũng nên nhiệt liệt cổ động cho nó để phổ biến cái quan điểm liên hành động trong dân chúng và để khuyến khích các hội quần chúng, đề ra những điều yêu cầu có tính chất cấp tiến, dù có những cuộc hội nghị không do ta chỉ đạo, song những khẩu hiệu đó của họ là lợi ích cho quần chúng, tức là một sự thắng lợi cho cái quan điểm thống nhất nhân dân của ta. Đảng bắt buộc các đồng chí công khai phải mật thiết liên lạc với các đoàn thể tả phái của người Pháp và các chính đảng của người bản xứ. Trong khi Mặt trận thống nhất Đông Dương chưa thực hiện xong, thì ta cần phải thương lượng với các đảng phái khác mà công khai hoạt động chống khủng bố trắng, đòi các quyền tự do dân chủ và nghiệp đoàn, tố cáo những kẻ khác phá hoại chính sách cải cách của Mặt trận bình dân Pháp.
Khoáng đại Hội nghị xét rằng trong hoàn cảnh này xứ Đông Dương chưa có quyền tự do dân chủ, các đảng phái bí mật và các lớp dân chúng không có chân trong các đoàn thể công khai thì không thể xin vào hàng ngũ Mặt trận bình dân được, nên quyết định lập ra những uỷ ban ủng hộ Mặt trận bình dân ở khắp thành thị và thôn quê bao hàm những người Pháp và người bản xứ để thành lập một hình thức liên hiệp hành động của nhân dân Đông Dương. Còn như đối với những hội quần chúng công khai hiện có như các hội ái hữu, tương tế của thợ thuyền, chức viên nhỏ, thầy giáo, v.v., Đảng phải hết sức vận động cho họ tham gia vào Mặt trận thống nhất nhân dân Đông Dương.
Chống phát xít và chống đế quốc chiến tranh. Trung ương khoáng đại Hội nghị nhận rằng cuộc vận động đòi quyền lợi thường thức của dân chúng Đông Dương phải mật thiết liên lạc với phong trào chống phát xít và chống đế quốc chiến tranh. Hội nghị nhắc cho các đồng chí phải phổ biến các điều thắng lợi về sự kiến thiết xã hội chủ nghĩa ở Liên Xô và chính sách hoà bình của xứ Xôviết, hiệu triệu quần chúng chống các sự võ trang can thiệp của bọn đế quốc chống Liên Xô, ủng hộ Liên Xô. Phải đem những thủ đoạn dã man, tàn bạo của bọn phát xít Hítle, Mussolini, Franco, những cuộc tàn sát ở Trung Quốc gây ra bởi bọn quân phiệt Nhật Bản, đem những điều cải cách và thắng lợi của Mặt trận bình dân ở Pháp, ở Tây Ban Nha, sự chống chọi anh hùng của Mặt trận nhân dân kháng Nhật ở Trung Quốc tuyên truyền trên mặt báo chương và phổ cập trong quảng đại quần chúng nhân dân để cổ động chống phát xít và chống đế quốc chiến tranh, để cổ động, ủng hộ Mặt trận bình dân Pháp, ở Tây Ban Nha, ở Trung Quốc. Phải cả người Pháp lẫn người bản xứ tổ chức ra những uỷ ban ủng hộ Mặt trận bình dân Pháp, ủng hộ nhân dân Trung Quốc và Tây Ban Nha, tổ chức những cuộc mít tinh hoặc công khai, hoặc bí mật gồm toàn đại biểu của quần chúng để tỏ cảm tình và đoàn kết của dân chúng Đông Dương đối với dân chúng Trung Quốc cả về mặt tinh thần lẫn mặt vật chất.
Phải cùng những người Pháp cấp tiến tổ chức ra những hội chống phát xít, chống chiến tranh, ủng hộ hoà bình.Khoáng đại Hội nghị uỷ quyền cho Ban Trung ương thường vụ của Đảng xuất bản một quyển sách để giải thích cho dân chúng và cho binh lính hiểu nạn phát xít và chiến tranh và bày tỏ cái thái độ của Đảng đối với các thứ chiến tranh và nhất là đối với một cuộc chiến tranh của một nước đế quốc nào khác đến tấn công xứ Đông Dương.
(Trích Văn kiện Đảng toàn tập, tập 6, 1936-1939)
* Hội nghị họp từ ngày 25-8 đến ngày 4-9-1937.
Từ khóa » Thiết Lập Chế độ độc Tài Phát Xít Là Cách Mạng
-
Thiết Lập Chế độ độc Tài Phát Xít Là Cách Giải Quyết Khủng Hoảng Kinh Tế
-
Thiết Lập Chế độ độc Tài Phát Xít Là Cách Giải Quyết Khủng Hoảng
-
Thiết Lập Chế độ độc Tài Phát Xít Là Cách Giải Quyết ...
-
Thiết Lập Chế độ độc Tài Phát Xít Là Cách Giải Quyết ...
-
Chủ Nghĩa Phát Xít – Wikipedia Tiếng Việt
-
Chủ Nghĩa Phát Xít Là Gì Và Những điều Bạn Nên Biết Về Chế độ độc ...
-
Thiết Lập Chế độ độc Tài Phát Xít Là Cách Giải Quyết ...
-
Thiết Lập Chế độ độc Tài Phát Xít Là Cách Giải Quyết ...
-
Thiết Lập Chế độ độc Tài Phát Xít Là Cách Giải Quyết - Tra Cứu Địa Chỉ
-
Thiết Lập Chế độ độc Tài Phát Xít Là Cách Giải ...
-
Thiết Lập Chế độ độc Tài Phát Xít Là Cách Giải Quyết ...
-
Chế độ độc Tài Phát Xít Là Chế độ Của
-
Chiến Thắng Tua Hai: Thắng Lợi Của Sự Chủ động, Sáng Tạo
-
Thiết Lập Chế độ độc Tài Phát Xít Là Cách Giải Quyết Khủng ... - Thi Online