Nghi Thức Lạy Tổ Tiên Trong đám Cưới Miền Nam

Ở mỗi vùng miền Việt Nam, nghi lễ lạy tổ tiên mang một nét đặc trưng riêng phù hợp với tín ngưỡng và phong tục của vùng đó. Ở miền Nam, nơi mà các lễ cưới được tiến hành đơn giản, thoải mái thì nghi thức lạy tổ tiên lại rất được chú trọng và được thực hiện rất trang nghiêm, kỹ lưỡng.

Trước khi chuẩn bị khởi hành qua nhà gái, nhà trai sẽ chuẩn bị một mâm cơm để cúng gia tiên. Chủ hôn và chú rể sẽ làm lễ trước bàn thờ tổ tiên.

Sau đó, tùy theo giờ đẹp đã xem trước đó, đoàn nhà trai tới nhà gái để rước dâu. Nhà trai đi đến trước cửa nhà gái, chú rể và người chủ hôn dẫn đầu, theo sau là mâm quả, bà con đi theo thì đi sau cùng. Đến đầu ngõ, hoặc cách cửa nhà một đoạn, người nhà gái sẽ cử người đứng đón. Người nhà gái có thể là chủ hôn bên đó hoặc ba của cô dâu. Lúc này thì mọi người đứng lại kể cả chú rể, chỉ có chủ hôn của nhà trai bước lên xin phép cho nhà trai vào nhà ra mắt và rước dâu. Nhà gái đồng ý thì cả đoàn mới được phép vào nhà, sau đó làm nghi thức trao quả. Lúc này không lên đèn bên nhà gái, vì lễ lên đèn ở nhà gái đã làm lúc đám hỏi rồi. Và sau khi tiến hành đầy đủ các thủ tục (chào hỏi, phát biểu xin dâu, mời rượu, uống trà, ăn trầu, trao tặng tiền bạc, nữ trang…), thì tùy theo nhà trai coi giờ rước dâu vào lúc nào mà đưa cô dâu về nhà ngay vào giờ đó.

Về nhà trai sẽ tiến hành làm lễ lên đèn và lạy ông bà tổ tiên. Đôi đèn chính (tượng trưng cho cô dâu chú rể là đèn cầy đỏ, có rồng phụng tượng trưng cho nam và nữ, cột chặt vào nhau không được tách rời). Đầu tim đèn có thể thấm dầu hỏa với mục đích dễ cháy, tránh bị tắt khi lên đèn vì đó là điều tối kỵ. Đôi đèn này được người chủ hôn (hoặc ba của chú rể) thắp, lạy và cắm vào lư hương. Lư hương lớn ở giữa được đổ đầy gạo hoặc nếp (tượng trưng cuộc sống đầy đủ, sung túc). Lưu ý là khi thắp đôi đèn cũng không được tách ra.

Sau lễ lên đèn thì cô dâu chú rể mới lạy. Trước hết là lạy bàn thờ tổ tiên 4 lạy, sau đó quay ngược 180 độ lạy 4 lạy tiếp. Sau khi lạy ông bà tổ tiên, cô dâu chú rể sẽ lạy ba mẹ chú rể.

Sau lễ lên đèn, cô dâu và chú rể chính thức trở thành vợ chồng, được hai bên gia đình công nhận. Vị trí tổ chức hôn lễ là nơi trang nghiêm, thoáng đãng và sạch sẽ nhất trong ngôi nhà, bàn thờ phải được trang trí đầy đủ “hương đăng hoa quả”. Không khí của nghi thức rất trang nghiêm bởi đây là gắn kết chính thức cô dâu và chú rể trước bàn thờ ông bà tổ tiên. Theo quan niệm dân gian, lửa là sự sống, là niềm lạc quan, nối kết quá khứ và hiện tại, nối kết đất và trời.

Xã hội phát triển, nghi thức cưới xin có thể được giản lược, nhưng nghi thức lạy tổ tiên vẫn được duy trì, giữ vững. Nó thể hiện sự kính trọng, hướng về nguồn cuội, về những người đã khuất trong gia đình trong trái tim mỗi người Việt Nam.

Từ khóa » Khi Nào Lạy Xuất Giá