Nghĩ Về "tam Công" Thời Mở đất... - Báo Cần Thơ Online
THẠCH THẢO
Có câu ca dao Nam Bộ:
“Mắm trước, đước sau, tràm theo sát. Sau hàng dừa nước mái nhà ai”.
Nam Bộ là vùng đất mới. Mới trong sự hình thành vùng đất trên bình diện tự nhiên; mới trong việc định cư, lập làng, hình thành tổ chức xã hội. Tuy nhiên nói là mới, nhưng trong sự hình thành vùng đất trên bình diện tự nhiên không có nghĩa chỉ trong vòng vài trăm năm hay một, hai thế kỷ gì đó trở lại, mà dựa trên một số tài liệu của khoa học khảo cổ, thì vùng đất này cũng có tuổi khoảng 5.000 năm, tính từ lúc mực nước biển hạ thấp xuống và dĩ nhiên vùng đất này không ngừng được bồi đắp thêm phù sa bởi những con sông lớn làm cho thềm bờ biển mỗi ngày một đi xa hơn về phía đại dương, khiến đất không ngừng được mở rộng thêm mãi. Đánh giá về quá trình mở đất Nam Bộ, người ta thường đề cao con người. Con người có công khai phá, thuần đất, biến đất thành tài sản, tạo nên của cải vật chất, tinh thần. Sự sung túc ngày hôm nay của vùng đất này, về mặt tự nhiên rõ ràng là có công đóng góp của nhiều lớp thế hệ: “cây mắm, cây đước, cây tràm và các thế hệ tiếp nối: mít, xoài, cam, quýt...”.
Để có được ruộng lúa phì nhiêu, những vườn cây đặc sản, những miệt vườn xanh mát, những phố xá khang trang như bây giờ, cũng cần có một thời nhờ “cây mắm, cây đước, cây tràm”. Ba cây này được nhân dân đề cao như ba vị “tam công” làm nhiệm vụ tiên phong mở đất, giữ đất và thuần hóa đất. Có lẽ vì thế, người xưa mới khái quát “công trạng” của các loài cây này như bài ca dao được truyền miệng:
“Mắm trước, đước sau, tràm theo sát. Sau hàng dừa nước mái nhà ai”.
Nói không quá đáng, thì công trạng của “ba vị” này, đối với mảnh đất Nam Bộ là đáng kính nể. Mỗi vị đều âm thầm, lặng lẽ, gắn chặt đời mình với bùn đất phương Nam mà làm những phần việc kế thừa nhau, trước khi bàn giao cuộc đất lại cho con người Nam Bộ đến định cư khai phá.
Rừng tràm Nam bộ. Ảnh: THANH LÂM (tập ảnh Du lịch Đồng Tháp) |
Đặc điểm của cây mắm là có rễ đất và rễ phổi. Rễ phổi ngoài nhiệm vụ hấp thụ dưỡng khí, là cứu cánh sinh tồn khi nền đất ngập mặn cũng là phương cách thích ứng để bảo vệ đất bồi. Mắm lại có trái trước khi rụng đã nẩy mầm cây con. Vì thế, khi trái rụng chỉ trong một thời gian ngắn là có thể bám đất và phát triển. Chính hai đặc điểm này của mắm: rễ mắm và trái mắm mà làm cho cây mắm có thể nhanh chóng sinh sản, lớn lên và phát triển tốt ở vùng giáp ranh giữa đất và nước. Mắm mọc ngay khi trái rụng xuống nước và bám trụ ở chỗ giữa đất và nước là điều kiện để giữ đất, giúp đất được bồi đắp và lấn dần thêm ra biển để lâu ngày trở thành rừng mắm.
Cây đước là thế hệ thứ hai, tiếp nối sau cây mắm để gìn giữ đất. Đước có tên khoa học là Rhizophora apiculata Blume. Ở nước ta, đước có tới 5 loài trong đó loài đước đôi, đước nhọn là phổ biến nhất. Cây đước là một trong ba thành phần chính của loài cây mở đất phương Nam. Đước ưa mọc trên đất phù sa cận sinh, nhất là đất bùn mịn, có thủy triều lên xuống định kỳ, nước mặn hoặc lợ, khí hậu ấm áp. Từ khi đước con bám vào bùn đất đến khi trưởng thành phải mất khoảng thời gian 25, 30 năm, độ cao trung bình của đước từ 20 - 25m, đường kính của cây đạt khoảng 20 - 30 cm. Lá rất cứng, có màng sáp và bóng loáng có tác dụng phản quang để giữ nước. Có người gọi đước là “ máy lọc nước”, với chức năng biến nước mặn thành nước ngọt. Cây Đước độ 2, 3 tuổi là cho ra hoa trái, mùa ra hoa từ tháng 3 đến tháng 6. Hoa đước cung cấp phấn cho đàn ong làm mật có giá trị dinh dưỡng rất cao. Bởi đó, rừng đước cũng là nơi ong mật về gác kèo làm ổ. Mùa trái chín từ tháng 7 đến tháng 12, trái thon dài như ngón tay, độ chừng 30, 40 cm, trái đước nảy mầm sinh cây con từ lúc còn treo lơ lửng trên cây, khi rụng xuống có thể cắm ngay vào đất hoặc được sóng biển đẩy trôi dạt khắp nơi, rồi gặp nơi bùn lầy, trái đước trụ lại, rễ non bám vào phù sa. Đước là loài cây có nhiều giá trị sử dụng: làm cột, xẻ ván, đặc biệt là than đước có giá trị kinh tế rất cao, năng lượng tỏa nhiệt chỉ sau than đá. Ngoài ra, vỏ đước còn có hàm lượng ta-nin rất cao, chế tạo thuốc nhuộm và công nghiệp làm giấy cao cấp...
Nét độc đáo của đước cũng chính là bộ rễ và trái. Đước có 2 loại rễ: Rễ cọc và rễ phụ. Rễ cọc thì nhỏ nhưng cắm sâu xuống lòng đất, còn rễ phụ (chang đước) thì rất lớn, như chân nơm, mọc tua tủa quanh gốc, bám sâu vào lòng đất nhão, chính vì vậy mà cây đước một mặt luôn đứng vững trên đất sình lầy, không ngại gió bão rung chuyển; mặt khác, nó như là mái nhà chung cho cá, tôm, cua tới trú ngụ, sinh sản. Trái đước trưởng thành như có sự chuẩn bị trước để “vào đời”. Nó vốn là “thực vật thai sinh” (cây đẻ con) nên khi tiếp xúc với đất và nước là thích nghi được ngay; nhờ đó, đước sinh sôi nẩy nở nhanh chóng. Cây đước khi đã mọc thành rừng thì không có loại cây nào có thể sống cộng cư được, nên rừng đước thường có lãnh địa riêng.
Bộ chang đước cũng là “đôi chân” giúp loài thực vật này còn có một khả năng “độc nhất vô nhị” trong các loài thực vật; đó là điều chúng ta không thể ngờ chúng có thể di chuyển từ nơi này đến nơi khác. Hoạt động vận hành của bộ chang đước được lý giải như sau: Theo các nhà khoa học, cây càng lớn, những nhánh thấp, nhánh nhiều tuổi, càng mọc rễ nhiều. Dưới sức nặng của bản thân và dưới tác động của tự nhiên: gió, thủy triều, địa hình... các nhánh này sẽ nứt tách ra khỏi thân. Không được tiếp nhựa sống cây mẹ, cũng không sao vì bản thân chúng có thể nhận được trực tiếp từ lòng đất nguồn dinh dưỡng, nhờ vào những chiếc rễ riêng này. Do bị tổn thương, phần ngoài cùng của nhánh rồi cũng sẽ khô chết, mặc dù trước đó nó cũng kịp “ra riêng”, tạo thành một thành viên mới, sống độc lập như một cây đước sinh ra từ hạt. Nhưng khác với cây chính, cây này có thể chuyển động. Trong suốt thời gian tăng trưởng, nó tạo ra những rễ mới hướng về trước, bất chấp phần phía sau chết đi và tự hủy. Trong vòng một vài năm, loài thực vật bất động này đi được một khoảng cách khó tin: khoảng vài chục cm và chỉ dừng lại khi bị một cây khác cản đường hay đã đi quá xa bờ, rễ không tiếp đất được.
Đước thuộc lớp thế hệ cây thứ hai đã mang lại nhiều nguồn lợi hơn cho con người, không chỉ từ bản thân cây đước mà từ rừng đước, thân cây là nơi chim về, ong đến làm tổ, dưới rễ là nơi dẫn dụ thủy sản: cá, tôm, cua..., cả hai cùng góp phần tạo cho rừng những sản vật phong phú. Rừng đước không những bảo vệ bờ biển khỏi bị xâm thực, trái lại, còn mở rộng bờ biển vì đước cũng là loại cây lấn biển. Đước có thể giữ được chất lắng đọng từ trong nước biển, cùng với thực vật chết: cây khô, lá rụng và phân chim, lâu ngày sẽ thành khu đất mới cho tràm. Rừng đước còn là nơi giúp cân bằng sinh thái bờ biển. Trong văn chương, đước được ví như người kiên trung, bất khuất, không đầu hàng số phận đen đủi, không chịu thua cuộc đời nghiệt ngã. Đước lại còn một phẩm chất tốt đẹp khác là tính đoàn kết, đồng đội. Trong những năm tháng chiến tranh, rừng đước đã đội biết bao nhiêu bom đạn kẻ thù, nhưng chúng vẫn không khuất phục; trái lại, vẫn xanh tươi mơn mởn. Tố Hữu khi viết về đước đã có nhận định xác đáng:
“Đước đã mọc thành rừng gỗ cứng Gió càng lay càng vững thành đồng”.
Tràm thuộc hế hệ thứ ba trong nhóm rừng cây lấn biển. Không chỉ có Cà Mau, Kiên Giang, nơi được mệnh danh là vùng đất của cây tràm, mà Đồng Tháp Mười, Tứ giác Long Xuyên... cũng được xem là thánh địa của loài cây này. Tràm Việt Nam có tên khoa học là Melaleuca leucadendra. Dân gian gọi là “tràm nước”. Họ nhà tràm cũng có vô số loài, nhưng có lẽ tràm nước mới chính là loài đã tạo thành rừng đặc thù của Đồng bằng sông Cửu Long.
Rừng U Minh bao gồm U Minh Thượng và U Minh Hạ được trải rộng mênh mông từ Sông Đốc, huyện Trần Văn Thời, Cà Mau đến sông Cái Lớn của hai huyện An Biên, Vĩnh Thuận, Rạch Giá. Hai U Minh bị phân cách bởi sông Cái Tàu và dòng sông Trẹm, mà dòng sông này đã tạo nên một không gian quyến rũ, khiến ai đó đã viết tác phẩm “Bên dòng sông Trẹm” mà tôi có biết từ ngày còn nhỏ. Nơi U Minh này, cây tràm mọc khắp nơi tạo cho thiên nhiên nét hoang sơ và huyền bí. Xen vào đó, có một số loại cây thân mộc, lẫn thân thảo hoang dại cùng chung sống với tràm. Suốt ngày rừng U Minh luôn tối. Cây tràm nhỏ thấp hơn cây đước, vỏ cây tràm xốp, trắng, ngả vàng, lớp vỏ cây này dễ tróc, mềm, mịn, dẫn lửa; Tùy theo loài mà chúng có thể là cây bụi hay cây thân gỗ, cây thân gỗ lâu năm thì gỗ bên trong rất rắn chắc. Trước đây, tràm được dùng làm cừ phổ biến trong xây dựng vì gỗ nó có thể chịu đựng được rất lâu trong điều kiện ngập nước. Nghe đâu, thân của nó cũng có ích cho công nghiệp giấy. Thân cây tràm lớn có thể cao đến 20 m, tán lá tràm thưa, lá thon nhỏ. Cây tràm có thể sống 25 tới 30 năm. Lúc này nó trở thành cây cổ thụ, gỗ có thể dùng làm nhà. Bông tràm mọc thành cụm dày đặc, bông tạo thành một chuỗi dài, mỗi bông có những cánh nhỏ với một chùm nhị, thường có màu trắng. Mùa khô, trái tràm rụng xuống đất và đến mùa mưa, cây tràm con đã lên xanh tốt. Hạt tràm có khả năng tồn tại lâu, chúng có thể nằm lại trong đất cháy nhiều năm sau, để khi có điều kiện thuận lợi là có thể nảy mầm thành cây con. Vào mùa tràm trổ bông, rừng không còn âm u mà trở nên sáng và sôi động hơn nhiều, do màu sắc và mùi hương của bông tràm mang lại; cùng tiếng đập cánh của ong bay nhộn nhịp để “đi bông”. Hương tràm có mùi hương dịu như hương sen, pha lẫn với hương mật ong, vì ong rất thích làm tổ trong rừng tràm. Hai mùi hương này đã hòa quyện với nhau tạo thành “hương rừng” đặc biệt của Cà Mau.
Rừng tràm đã mang lại cho con người rất nhiều nguồn lợi. Cái lợi lớn nhất như ta đã biết là mật ong. Sản phẩm này, một thời nhiều đến mức người ta phải phân chia rừng để thu thuế những người làm nghề “ăn ong”. Và đó là một nghề có thu nhập trước đây. Trong rừng tràm có nhiều loại thực vật, thảm thực vật... là điều kiện tốt cho muông chim, động vật về sinh sống, ấy cũng là một nguồn lợi. Những ao, bàu, rạch, xẻo trong rừng tràm cũng mang lại rất nhiều nguồn lợi thủy sản. Còn có nhiều nguồn lợi khác mà ta không dễ nhận thức hết được. Nhưng trong cái nhìn thiển cận, cục bộ, nhiều người đã “thảm sát” tràm không thương tiếc khiến báo chí gần đây lên tiếng. Nhưng trên hết, rừng tràm là “lá phổi lớn”, đã bao đời thở giúp con người ở Đồng bằng sông Cửu Long, Cà Mau, Kiên Giang nói riêng, nên người dân cần phải yêu quý nó, như lớp người đi trước không chỉ yêu mà đã từng bị ma lực của rừng tràm cuốn hút:
“Hôm sau, chú viện cớ ra đi lúc mùa bông tràm nở trắng rực. Chú không thèm làm nghề ăn ong nữa. Hàng trăm tấm kèo bằng cây mun, chú giao lại cho ông hương giáo. Chú về Long Xuyên. Nhưng hương rừng có ma lực quyến rũ. Lúc mới đến thì vui, ở lâu lại sanh buồn. Xa cách lâu ngày thì đâm ra nhớ không nguôi, không trở lại không được.
Chú lại trở về”. (“Hương rừng Cà Mau” Sơn Nam)
Câu ca dao: “Mắm trước, đước sau, tràm theo sát./ Sau hàng dừa nước mái nhà ai”. như một tổng kết cho quá trình con người đến định cư khai phá đất mới. Phải có “mắm, đước, tràm” đi trước. Rồi có “hàng dừa nước” để con người có lá lợp “nhà”, có thân để chụm, có trái để ăn, thì khi ấy, con người mới có thể bước đầu định cư được. Âu cũng là một quá trình dài, nhiều gian khổ, có sự đóng góp, hỗ trợ của tự nhiên, có sự nỗ lực vươn lên bền bỉ của con người, không hẳn “làm chơi ăn thiệt” như một ít người vẫn nghĩ.
Ngoài những cây một thời gắn bó với người dân Nam Bộ, lại là những cây có công trong việc đi tiên phong mở đất, như “mắm, đước, tràm”, còn biết bao cây hoang dại khác đã gắn bó lâu đời với người dân quê lam lũ, như: “bần, quao, dừa nước, đủng đỉnh, mù u...”, nay lần lượt vắng bóng. Yêu cầu “kinh tế” khiến người ta không muốn giữ chúng ở lâu bên mình, phải nhường chỗ cho những gì mà họ thấy cần hơn cho mục tiêu trước mắt. Suy nghĩ này vẫn tồn tại thì đến một lúc nào đó, thế hệ tiếp nối sẽ không còn biết tên chúng, đừng nói chi nhận diện ra chúng. Ngày ấy “Tam vị” (mắm, đước, tràm) chắc được đưa lên thờ như 3 vị “tam công”, hoặc như 3 ông “phúc, lộc, thọ” mà người dân muốn gìn giữ như một biểu tượng đẹp của quá khứ.
Từ khóa » Cây Bần Và Cây Mắm Có Rễ Gì
-
Cây Bần, Cây Mắm Có Rễ? - Ngoc Nga - HOC247
-
Cây Bần, Cây Mắm Có Rễ - Trắc Nghiệm Online
-
Vì Sao Cây Bụt Mọc, Cây Mắm, Cây Bần Lại Mọc Thêm Rễ Thở - Selfomy
-
Cây Bụt Mọc, Cây Mắm Có Rễ Gì?
-
ID6-303: Cây Bần, Cây Mắm Có Rễ: - Trắc Nghiệm Sinh Học
-
THƯƠNG CÂY MẮM NƠI BÃI BỒI ĐẤT MŨI
-
Các Loại Cây Sau Có Rễ,lá Thuộc Loại Rễ,lá Biến Dạng Nào?Chức Năng ...
-
1 Cây Hồ Tiêu Có Rễ Gì 2, Cây Mắm Có Rễ Gì 3,cây Bần Có Rễ Gì Giúp Mk ...
-
Giải Bài Tập Sinh Học 6 Bài 12: Biến Dạng Của Rễ
-
Cây Bần ở Miền Tây Là Loại Cây Hoang Vẫn Làm Giàu được - Be Training
-
Top 34 Rễ Cây Mắm Hay Nhất 2022 - XmdForex
-
Thực Vật Ngập Mặn – Wikipedia Tiếng Việt