Nghĩ Về Vấn đề “sống Vội” Và “sống Chậm” - Enews@.vn

Có bao giờ bạn nghĩ rằng mình đang “sống vội” hay là “sống chậm” không? Chắc chắn không dưới một lần chúng ta nghĩ đến điều đó. Theo dõi các phương tiện thông tin đại chúng, chúng ta cũng thường nghe mọi người phê phán cách “sống vội”, “sống gấp” và kêu gọi mọi người hãy “sống chậm” lại. Vậy chúng ta hiểu “sống vội” và “sống chậm” là gì? Tại sao trong cuộc sống ngày nay cần phải sống chậm lại? Bài viết xin được gợi mở một vài góc nhìn về vấn đề này để chúng ta cùng suy ngẫm.

Chúng ta thường nghĩ rằng, “sống vội” là sống một cách vội vàng, gấp gáp. Sự vội vàng, gấp gáp đó thể hiện trong mọi hành động sống như: đi đứng, nói cười, cư xử với mọi người, làm việc ở cơ quan, tương tác với đồng nghiệp và bạn bè… Tức là người đó để bản thân cuốn theo vòng quay bận rộn của công việc, không ý thức một cách sâu sắc trong mọi hoạt động sống, không biểu lộ đầy đủ tình cảm chân thật với mọi người, phớt lờ sự tồn tại của mọi thứ xung quanh, không có những giây phút sống nội tâm cho riêng mình… Nói một cách khác, theo nhìn nhận của nhiều người, đó là cách sống hời hợt, thiếu chiều sâu, và mọi người trong chúng ta không nên chạy theo lối sống như vậy.

Cũng theo cách nhìn chung của mọi người mà tôi cảm nhận được, “sống chậm” là cách sống chậm rãi, thư thả, có chiều sâu tâm hồn, dành hết tâm trí của mình vào công việc, hoàn toàn khác với cách sống bốp chát, chụp giựt, hời hợt của những người quen “sống vội”. Theo nghĩa đó, người “sống chậm” thường có mối quan hệ thân thiết, tốt đẹp, gần gũi với mọi người trong gia đình, với bà con cô bác trong dòng họ và hàng xóm láng giềng, có tình cảm tốt đẹp với đồng nghiệp, bạn bè và những người thân quen. Bởi lẽ, họ đã sống bằng hết tấm lòng chân thành của mình, sống đúng với bổn phận và trách nhiệm của mình.

Trên thực tế, đánh giá một người nào đó là “sống vội” hay “sống chậm” lại không đơn giản như vậy. Một người cứ mỗi lúc lên xe máy là rồ ga phóng như tên bay, bỗng dưng một hôm chuyển qua đi xe đạp, phải chăng anh ta đang “sống chậm” lại? Một người khác dáng vẻ bề ngoài rất nhanh nhẹn, đi nhanh nói nhanh, mỗi ngày tất bật với rất nhiều công việc của cuộc sống; ấy vậy mà khi đi chơi với bạn bè, anh ta đều tỏ vẻ thư thả, thoải mái, dành trọn tình cảm của mình cho cuộc vui; rõ ràng rất khó khẳng định anh ta đang “sống vội” hay “sống chậm”. Một người hằng ngày rảnh rang đầu óc, đi đứng nói năng chậm chạp thư thả, cũng ít khi phải làm công việc này nọ, ít giao lưu tiếp xúc với mọi người, phải chăng người đó đang “sống chậm”? Trong những trường hợp này, chúng ta thấy rất không đơn giản để đoán định rằng người đó là sống vội hay chậm.

Càng phân tích, chúng ta càng thấy rằng khái niệm “sống vội” hay “sống chậm” càng phức tạp, trừu tượng. Có lẽ, đánh giá một người “sống vội” hay “sống chậm” không thể đơn giản hay tùy tiện. Tức là không thể căn cứ vào dáng vẻ bề ngoài của người đó để đoán định, nhất là trong thời buổi hiện đại hóa như hiện nay, mọi công việc đều yêu cầu phải thực hiện vừa nhanh vừa chính xác. Bản thân tôi nghĩ, “sống vội” hay “sống chậm” mà chúng ta đoán định là một dạng biểu hiện của tâm thái. Tâm thái đầy lo toan, chất chứa bộn bề công việc, chứa đựng trong đó bao chuyện trở ngại hay trái ý khiến chúng ta ít chịu mở lòng với người khác, ít chịu sẵn sàng đón nhận mọi thứ của cuộc sống xung quanh sẽ diễn ra và tác động đến chúng ta. Khi đó, chúng ta dễ phớt lờ mọi thứ, chúng ta ít quan tâm và sẻ chia với niềm vui nỗi buồn của những người khác, những số phận bất hạnh. Còn nếu tâm thái chúng ta rộng mở, thấu hiểu và cảm thông, sẵn sàng đón nhận mọi thứ, hướng tới một sự hài hòa giữa bản thân với công việc và mọi người, sống trọn vẹn với vai trò và trách nhiệm, thì chúng ta sẽ có ấn tượng sâu sắc về từng thời khắc đã trôi qua, chúng ta sống có chất lượng hơn, như vậy có nghĩa là chúng ta đang “sống chậm”.

Sở dĩ, dư luận xã hội hiện nay xem trọng việc “sống chậm” và khuyên mọi người, thay vì sống vội, hãy sống chậm lại, là bởi vì cách “sống chậm” mang những giá trị nhân văn tích cực cho xã hội con người trong thời buổi công nghiệp hiện đại. Dĩ nhiên, “sống chậm” ở đây không có nghĩa yêu cầu chúng ta đi đứng chậm chạp, ăn uống chậm chạp, nói năng chậm chạp, làm việc chậm chạp, hay chuyển từ đi xe máy sang đi xe đạp, rời khỏi các khu đô thị để về sống ở nông thôn… mà là sống trọn vẹn lòng mình với trái tim hướng thiện trong mọi hoàn cảnh, mọi mối quan hệ.

Có thể bạn có những quan niệm về “sống chậm” khác tôi, lựa chọn cách “sống chậm” không giống tôi. Có được những quan điểm như vậy, tôi nghĩ rằng bạn cũng đang “sống chậm”.

Thanh Phong – K. Sư Phạm

Từ khóa » Cuộc Sống Vội Vàng