Nghĩa Lộ Tết ấy - Báo Yên Bái

Trải qua gần sáu mươi năm rồi, cái tết hiếm có trong đời, ở nơi phố vừa nhỏ vừa vắng ấy, tôi còn nhớ, còn xao xuyến. Bây giờ, mỗi việc làm, người ta hay nói đến "thu nhập", đến "cải thiện đời sống", "làm giàu". Ngày ấy mọi người ăn cơm độn còn chưa đủ no, đi chân đất, mặc rách, bom đạn quá thừa đổ xuống đầu mà mọi người vẫn vui, tin vào ngày "Độc lập" sẽ đến, mà làm, mà học để xóa mù chữ, mà tiết kiệm nhặt từng hạt thóc, hạt gạo nộp vào kho Nhà nước để bộ đội ăn no đánh giặc.

Ngày ấy tôi mới hơn mười tuổi. Còn phố Nghĩa Lộ, mới trải qua mấy mùa chiến dịch, chịu đựng bao đạn bom. Nào chiến dịch Lý Thường Kiệt cuối năm 1951, chiến dịch giải phóng phân khu Nghĩa Lộ cuối năm 1952, rồi chiến dịch giải phóng Điện Biên Phủ cuối năm 1953 đầu năm 1954… Mỗi lần chiến dịch, máy bay Pháp đều không quên phố nhỏ Nghĩa Lộ. Chúng nổi khùng, đổ bực tức xuống vùng đất miền núi heo hút này. Từng đàn máy bay gầm gừ đinh tai, nặng nề mang bom đạn từ Hà Nội lên. Nào na-pan, nào bom phá những thứ giết người tối tân nhất thời đó xuống phố yên lành, lên đầu những người dân các dân tộc vốn hiền lành, chịu khó, sống nghĩa tình.

Chúng oanh tạc ở mức cao, làm cả phố không còn một nóc nhà. Sau mỗi lần như thế, người dân Nghĩa Lộ, dù là Kinh, Thái hay Hoa lại giúp nhau gượng sức làm lán ở tạm…Tôi nhớ, cuối năm 1953, chiến dịch Điện Biên Phủ đã mở, phố Nghĩa Lộ lại bị bom. Bom đánh vào phố, khu nhà thờ, khu chợ chính, khu gốc đa…. Ngã tư đường, gần cổng nhà thờ, những hố bom sâu hoắm, nước mạch từ đất đùn lên đầy ắp, trong veo.

Dù vậy, người Nghĩa Lộ vẫn bám đất. Những người còn sức khoẻ như bác Gioóng, anh Hùng Điền, anh Thôn, anh Lực, bác Cử thì vào dân quân tự vệ lùng bắt biệt kích. Bọn chúng từ máy bay nhảy dù xuống. Nào tên Tinh, tên Khụ nhảy xuống rừng rậm, lẩn vào nhà người thân, lén lút hoạt động chống phá. Nào bang Ngọc, Trần Nhàn trốn khỏi trại giam, ra sức bắt mối, tụ tập tay chân quấy phá hậu phương ta. Đêm đêm, khắp vùng đì đọp súng nổ. Người dân quen với tiếng súng. Nghe súng nổ nơi dốc vào bản Que tôi đoán súng của tự vệ anh Thôn, nghe súng nổ ở dốc Hoa Kiều đoán là súng bộ đội…

Sống trong cảnh ấy, nhà nhà vẫn thi nhau đi làm thóc phát xay. Người người í ới gọi nhau, ra dốc Đỏ, vào bản Tông Co, rồi theo đường bờ ruộng đi tắt lên kho Viềng Công nhận thóc, về xay xát thành gạo giao cho dân công gánh lên Điện Biên Phủ. Các nhà ở ven đường vào bản Que suốt ngày đêm ì ầm tiếng cối xay lúa.

Khu trại lính dù, vốn là bãi đá bóng, hôm nào dày đặc rào thép gai, nay dân đã thu cuộn sạch, làm nhà ở, trồng ngô trồng sắn. Đó là khu nhà tôi, các nhà bác Cử, ông Bê, chú Lưu, nay cũng thành nơi làm thóc phát xay náo nhiệt. Vừa xay thóc, dần sàng, mọi người vừa hò hát, rồi còn bảo nhau học đánh vần để xóa mù chữ. Bên kia đường là nhà bác Diễm, bà cả Chiểu, bà cả Bất cũng nhộn nhịp tiếng cối xay.

Máy bay lại kéo nhau từng đàn lên đánh. Bom nổ, nhà cháy, nhà đổ nát. Cái nhà thờ mấy lần bị bom, dân công giáo mới làm tạm bằng gỗ, lợp gianh lại đổ tan hoang. Thóc gạo vung vãi khắp vườn, khắp sân, trắng cả đường đi. Cán bộ kho lương thực xuống xem, xác nhận bom gây thiệt hại cho thóc gạo hoàn toàn, báo xin cấp trên miễn trừ cho dân. Mọi người vẫn động viên nhau vét nhặt, được ít nào cứ nộp lại cho kho. Gạo phát xay lại tiếp tục làm. Tổ nào làm được nhiều gạo, bộ đội "cấp" cho giấy khen, còn được đưa danh sách lên đọc trên chòi phát thanh. Đêm đêm, bác Tân Tiến cùng với mấy chị cầm loa sắt tây, cầm đèn leo lên chòi ở gần nhà thờ, a lô đi bốn hướng.

Tết năm ấy lại đến. Tôi được may một cái quần ta bằng vải xanh công nhân, có thể mặc quay đằng trước ra đằng sau cho lâu rách. Bên những hố bom đầy nước ở chợ mấy bác người Thái trồng cây nêu, lập bàn thờ. Bánh thịt ít, bàn thờ chỉ có nải chuối xanh, vài cây mía. Mọi nhà ở phố Nghĩa Lộ cũng tương tự. Cả phố chỉ có nhà ông phó Tơ có cờ và ảnh Bác Hồ treo trên bàn thờ. Bọn tôi hay tò mò đến ngắm. Một lần ông phó Tơ gặp tôi, thằng Sĩ, thằng Nhận, thằng Phú, thằng Tỵ đẩy nhau kéo vào xem. Ông không quát mắng, còn khuyên chúng tôi chào cờ.

"Chúng mày việc gì phải đi chơi đâu cho rét. Tất cả cứ đến đây, đứng nghiêm mà chào cờ"… Nhà chật, chúng tôi len vào cạnh giường, cạnh cái máy khâu, đứng nghiêm, ngước mắt nhìn lá cờ đỏ sao vàng, ngắm ảnh Bác Hồ. Ông phó Tơ bắt nhịp: "Đoàn quân Việt Nam đi… hai ba". Chúng tôi cùng hát.

Sáng mồng một tết, theo hẹn với các bạn, tôi lại định ra nhà ông phó Tơ. Mẹ tôi bảo "Kiêng, không được đến nhà ai". Bố tôi bảo "Ra chợ đón bộ đội về nhà ăn tết". Nghe mà tôi mừng quýnh. Ngày đó, nhỏ như tôi cũng biết nhờ các anh bộ đội cầm súng ngăn quân thù, không cho tàn phá nhà cửa, quê hương. Nhờ các anh, Nghĩa Lộ mới được giải phóng. Vì thế từ người lớn đến trẻ con ai cũng thương yêu, quý mến bộ đội.

Chỉ biết tin bộ đội hành quân qua là các chị đem thúng đến từng nhà dốc hũ gạo cứu quốc, lấy gạo nấu nướng mời các anh, còn khâu vá giúp bộ đội. Nghe có thương binh là các bà đi quyên góp chuối chín, trứng gà…

Tết này, nhà tôi có bộ đội đến còn gì mừng hơn. Tôi gạ với bố đón nhiều nhiều anh cho sướng. Khi bố con tôi ra đến chợ, mọi người đã đông, đứng men trên miệng hố bom, dành khoảng đất rộng cho các anh bộ đội đến xếp hàng. Nhưng rồi, các anh chỉ đi một hàng, lèo tèo không đến chục anh. Đây đó ồn ào tiếng hỏi nhau:

- Sao bộ đội đến ít thế?

- Chắc chiến dịch mở lớn, lên Điện Biên Phủ cả rồi.

- Quanh mình còn phỉ, còn biệt kích… Có anh nào về ăn tết với dân là quý rồi!

 Nghe vậy, tôi lo không được đón bộ đội. Nhưng, thật may, gia đình tôi đi tản cư ra vùng tự do mới về, thành phần cơ bản, được ưu tiên đón một anh. Đó là anh bộ đội người tầm thước, da vừa tái vừa đen. Anh xoa đầu tôi:

- Em mấy tuổi rồi?

- Em mười hai!...

- Chịu khó học nhé! Lớn lên, đi bộ đội như anh.

Được anh bộ đội xoa đầu, đặt tay lên vai, nói những lời âu yếm trong ngày mồng Một tết có sướng không.

Mỗi lần nhớ lại, cái thời đạn bom, nghèo khó ấy, tình người, tình quân dân thật thắm thiết, tôi thấy tự hào về thế hệ trước, vững dạ làm người.

Trần Cao Đàm

Từ khóa » Dốc Hoa Kiều Nghĩa Lộ