Nghĩa Vụ Công An Có Bắt Buộc Không? Thời Gian đi Bao Lâu?

Mọi người thường biết đến nghĩa vụ quân sự nhiều hơn nghĩa vụ công an. Vậy, công dân có bắt buộc đi nghĩa vụ công an không và thời gian thực hiện bao lâu?

Nghĩa vụ công an là gì? Có bắt buộc tham gia không?

Câu hỏi: Đợt tới em có dự định đi nghĩa vụ quân sự. Tuy nhiên, được biết có cả nghĩa vụ công an. Cho em hỏi, nghĩa vụ công an là gì và có bắt buộc phải tham gia không? - Minh Nhật (Lào Cai).

Trả lời:

Nghĩa vụ công an là gì?

Theo khoản 1 Điều 8 Luật Công an nhân dân 2018, công dân thực hiện nghĩa vụ tham gia công an nhân dân là thực hiện nghĩa vụ bảo vệ Tổ quốc trong lực lượng vũ trang nhân dân.

Có bắt buộc đi không?

Cũng căn cứ theo quy định trên, hàng năm, Công an nhân dân được tuyển chọn công dân trong độ tuổi gọi nhập ngũ vào phục vụ trong Công an nhân dân.

Bên cạnh đó, tại khoản 1 Điều 4 Nghị định 70/2019/NĐ-CP quy định như sau:

Điều 4. Đối tượng tuyển chọn và thời gian phục vụ

1. Công dân nam trong độ tuổi gọi nhập ngũ đã đăng ký nghĩa vụ quân sự theo quy định của Luật Nghĩa vụ quân sự năm 2015. Công dân nữ trong độ tuổi gọi nhập ngũ đã đăng ký nghĩa vụ quân sự theo quy định của Luật nghĩa vụ quân sự năm 2015, có trình độ chuyên môn phù hợp với yêu cầu của Công an nhân dân, nếu tự nguyện và Công an nhân dân có nhu cầu thì được xem xét, tuyển chọn thực hiện nghĩa vụ tham gia Công an nhân dân.

Như vậy, từ những quy định trên, đi nghĩa vụ công an là không bắt buộc. Công dân nếu tự nguyện, có đủ điều kiện và Công an nhân dân có nhu cầu thì được xem xét, tuyển chọn thực hiện nghĩa vụ tham gia.

Thời gian thực hiện nghĩa vụ công an có phải trong 3 năm không?

Câu hỏi: Xin hỏi, nếu đi nghĩa vụ công an thì thời gian trong bao lâu, có giống nghĩa vụ quân sự không? Em cảm ơn! - Hoàng Thịnh (Nghệ An).

Trả lời:

Thời gian thực hiện nghĩa vụ công an nhân dân được quy định tại Điều 8 Luật Công an nhân dân, cụ thể:

Điều 8. Nghĩa vụ tham gia Công an nhân dân

1. Công dân thực hiện nghĩa vụ tham gia Công an nhân dân là thực hiện nghĩa vụ bảo vệ Tổ quốc trong lực lượng vũ trang nhân dân. Hằng năm, Công an nhân dân được tuyển chọn công dân trong độ tuổi gọi nhập ngũ vào phục vụ trong Công an nhân dân với thời hạn là 24 tháng. Bộ trưởng Bộ Công an quyết định kéo dài thời hạn phục vụ tại ngũ của hạ sĩ quan, chiến sĩ nghĩa vụ nhưng không quá 06 tháng trong trường hợp sau đây:

a) Để bảo đảm nhiệm vụ sẵn sàng chiến đấu;

b) Đang thực hiện nhiệm vụ phòng, chống thiên tai, dịch bệnh, cứu nạn, cứu hộ.

Đồng thời, khoản 3 Điều 4 Nghị định 70/2019 nêu rõ như sau:

- Thời hạn thực hiện nghĩa vụ công an nhân dân là 24 tháng.

- Trường hợp kéo dài thời gian phục vụ tại ngũ thì không quá 06 tháng trong trường hợp để đảm bảo nhiệm vụ sẵn sàng chiến đấu; thực hiện nhiệm vụ phòng, chống thiên tai, dịch bệnh…

Như vậy, thời gian thực hiện nghĩa vụ công an nhân dân là 02 năm. Trừ trường hợp kéo dài thời gian theo quy định trên.

Lưu ý:

- Thời gian thực hiện nghĩa vụ được tính từ ngày giao nhận công dân.

- Trường hợp không giao nhận tập trung thì tính từ ngày đơn vị Công an nhân dân tiếp nhận đến khi được cấp có thẩm quyền quyết định xuất ngũ.

- Thời gian đào ngũ, thời gian chấp hành hình phạt tù không được tính vào thời gian thực hiện nghĩa vụ tham gia Công an nhân dân.

di nghia vu cong an co bat buoc khong

Đi nghĩa vụ công an có bắt buộc không? Thời gian bao lâu? (Ảnh minh họa)

Nghĩa vụ công an và nghĩa vụ quân sự khác nhau thế nào?

Câu hỏi: Em vừa tốt nghiệp cao đẳng. Đợt vừa rồi em có nhận được giấy khám nghĩa vụ quân sự nhưng do đang đi học nên được tạm hoãn. Tới đây, em có ý định đi nghĩa vụ quân sự nhưng nghe nói có nghĩa vụ công an. Cho em hỏi, nghĩa vụ công an và nghĩa vụ quân sự khác nhau như thế nào? - Cao Sơn (Hòa Bình).

Trả lời:

Giống nhau

Độ tuổi tham gia: Công dân đủ 18 tuổi được gọi nhập ngũ. Độ tuổi gọi nhập ngũ  từ đủ 18 tuổi đến hết 25 tuổi, công dân được đào tạo trình độ cao đẳng, đại học đã được tạm hoãn gọi nhập ngũ thì độ tuổi gọi nhập ngũ đến hết 27 tuổi.

Với công dân nữ tham gia nghĩa vụ công an nhân dân cần thêm điều kiện có trình độ chuyên môn phù hợp với yêu cầu của Công an nhân dân.

Khác nhau

Với nghĩa vụ công an nhân dân

Nghĩa vụ tham gia công an nhân dân là tự nguyện, nếu công dân có mong muốn và đủ điều kiện thì nộp đơn và làm hồ sơ để đăng ký nộp cho công an xã, phường, thị trấn nên đăng ký hộ khẩu thường trú để được xét tham gia nghĩa vụ (theo khoản 1 Điều 4 Nghị định 70/2019).

Với nghĩa vụ quân sự

Khoản 2 Điều 4 Luật Nghĩa vụ quân sự 2015 quy định công dân trong độ tuổi thực hiện nghĩa vụ quân sự, không phân biệt dân tộc, thành phần xã hội, tín ngưỡng, tôn giáo, trình độ học vấn, nghề nghiệp, nơi cư trú phải thực hiện nghĩa vụ quân sự.

Như vậy, nghĩa vụ công an và nghĩa vụ quân sự giống nhau ở độ tuổi gọi nhập ngũ. Sự khác nhau giữa hai nghĩa vụ này khác nhau là: nghĩa vụ quân sự bắt buộc phải tham gia còn nghĩa vụ công an thì không.

Ngoài ra, còn khác nhau về tiêu chuẩn tuyển chọn, quyền lợi được hưởng. Để xem thêm về tiêu chuẩn được chọn, quyền lợi được hưởng nghĩa vụ công an, bạn đọc theo dõi tại đây.

Trên đây là giải đáp đi nghĩa vụ công an có bắt buộc không. Nếu còn thắc mắc khác liên quan đến nghĩa vụ công an, bạn đọc vui lòng để lại câu hỏi tại đây.

Từ khóa » đi Lính Công An Bao Nhiêu Năm