Nghịch Lý Tam Giác Vàng - Tuổi Trẻ Online
Có thể bạn quan tâm
Phóng to |
Một trong những chùa vàng ở Tachilek, Myanmar - Ảnh: V.T.B. |
Kỳ 1: Vùng đất bí ẩn
Cõi thiền và cõi trần
Từ bến đò cửa khẩu Chiang Khong (tỉnh Chiang Rai, Thái Lan) vào trung tâm Tam giác vàng khoảng 50km, cũng chạy dọc sông Mekong. Chúng tôi thuê một chuyến xe bán tải hết 1.600baht (khoảng 300.000 đồng). Xe chạy được một đoạn thì cảnh sát Thái Lan chặn lại để kiểm tra. Tất cả phải xuống xe trình hộ chiếu, một cảnh sát leo lên thùng xe xét từng hành lý một, xét từng li từng tí. Tất cả xe từ biên giới đi vào đây đều bị kiểm soát gắt gao như vậy, bởi phía bên kia đã là địa danh Tam giác vàng. Công việc căng thẳng nhưng các cảnh sát Thái rất lịch sự và thường tươi cười. Họ cũng sẵn lòng khi khách xin được chụp ảnh chung và lại càng cười tươi.
Đối với người lần đầu đến Tam giác vàng, việc đầu tiên phải làm là lên Sop Ruak - một ngọn đồi có thể nhìn toàn cảnh ba nước Thái Lan, Lào và Myanmar. Sông Mekong cùng với nhánh sông nhỏ Sop Ruak tạo nên ngã ba Tam giác vàng này. Trong khi phần đất Thái nhộn nhịp khách du lịch bốn phương thì phía lãnh thổ Lào hoàn toàn hoang vu với những bụi cây lúp xúp chạy xa tít tắp, còn Myanmar lại yên ắng. Ngay phần doi đất nhô ra sông của Myanmar có một ngôi chùa và một lầu tứ giác, trong đó có mấy bóng người ngồi im lặng. Nhiều du khách hỏi tại sao ở một vùng đất khét tiếng về trồng và buôn bán “hàng trắng” như Tam giác vàng lại thấy có nhiều chùa và không khí yên ắng, nghèo nàn, cô phiên dịch người Lào nói đó chính là nghịch lý của vùng đất này.
Cách xa Sop Ruak chừng 10km là Mae Sai - thị trấn cực bắc của Thái Lan. Thị trấn nhỏ bé và dường như không có điều gì đặc biệt, nhưng lại là điểm dừng chân của phần lớn khách du lịch đến đây từ khắp thế giới, vì đây là một trong những cửa ngõ hiếm hoi có thể vào được Myanmar - một đất nước mà trong mắt nhiều người được xem là khép kín với bên ngoài. Khác hẳn với những thông tin ban đầu rằng du khách chỉ được phép lưu lại vùng Tam giác vàng ở địa phận Myanmar tối đa 24 giờ, chúng tôi bất ngờ khi được cảnh sát biên phòng Myanmar cho phép ở hẳn hai tuần, với lệ phí nhập cảnh chỉ 10 USD, nhưng hộ chiếu của chúng tôi bị cảnh sát giữ và chỉ được nhận lại khi rời khỏi Myanmar. Một máy chụp ảnh từ webcam in hình khách lên tấm giấy phép, và thế là chúng tôi vào được Tachilek, thị trấn biên giới thuộc bang Shan, Myanmar.
Phóng to |
Người dân hiền hòa ở vùng Tam giác vàng - Ảnh: V.T.B. |
Ấn tượng đầu tiên của Tam giác vàng chính là mùi hương. Mùi các loại gia vị, đồ ăn nồng nàn khiến du khách có cảm giác như đang ở xứ cà ri Ấn Độ. Rất nhiều người bôi lên mặt những vệt phẩm màu xanh nhạt, vàng hoặc đỏ, làm từ các loại lá cây, được giải thích là để làm mát da. Tachilek có những dãy nhà phố cao 3-4 tầng, trang trí mặt tiền đơn giản. Đàn ông mặc những tấm vải quấn quanh người, phụ nữ đội những chiếc nón có chóp rất cao. Người ăn xin tràn ngập khắp cửa khẩu. Đường phố có rất nhiều ôtô cũ, người dân chủ yếu đi lại bằng xe đạp. Những chiếc xe đạp Phượng Hoàng của Trung Quốc có rất nhiều ở đây. Trong các cửa hiệu, hàng hóa nghèo nàn hơn nhiều so với bên Mae Sai, giá cả lại đắt đỏ, hầu hết nhập từ Thái Lan, Trung Quốc và đều được tính bằng đồng baht của Thái. Một chiếc áo thun bên Mae Sai bán chừng 120 baht, sang đây (chỉ cách chừng 3km) đã có giá 170 baht. Những đồng kyat (tiền Myanmar) rất mới được người dân bán trên phố như một món đồ lưu niệm về một quốc gia ít người đặt chân đến.
Trên con phố nhỏ của vùng Tam giác vàng thuộc phần đất Myanmar này, chúng tôi bắt gặp một nhóm bạn trẻ người mặc váy, người mặc quần jean đang chơi cầu mây rất điệu nghệ. Tap Lek, chừng 25 tuổi, khoe với chúng tôi một chiếc xe máy thể thao dạng cào cào mà anh mua đến 4.000 USD - một số tiền rất lớn so với đa số cư dân nơi này. Hỏi họ làm nghề gì thì chỉ nhận được những nụ cười bí ẩn. Và đằng sau một khu nhà ổ chuột đầy rác rưởi, hai bé gái xinh đẹp đang đứng trang điểm. Khi chúng tôi giơ máy ảnh lên các cô bỏ đi, Tap Lek nói gì đó và cười rất thoải mái, thế là các cô lại chạy ra, và còn làm duyên để chụp ảnh.
Lặng lẽ, nghèo nàn nhưng nơi đây là một vùng đất không yên tĩnh. Nhiều người dân Tachilek cho đến nay vẫn chưa quên việc ông trùm ma túy khét tiếng Liu Ming bị cảnh sát bắn chết trong một cuộc đọ súng tại đây cuối năm 2006. Liu, 43 tuổi, là một trong những nhà buôn ma tuý lớn nhất ở vùng Tam giác vàng. Theo nhà chức trách, chỉ riêng đường dây của Liu từ năm 1993 đến khi bị bắn hạ, đã đưa vào Trung Quốc đến 510kg heroin. Tại sào huyệt của Liu, cảnh sát tìm thấy ba súng máy, sáu súng trường, bảy súng lục và cả một khẩu trọng pháo.
Chúng tôi đi sâu vào ngôi làng ở Tachilek, những cô gái trẻ ở đây vẫn giữ tập tục đeo những lớp vòng cho cổ dài ra. Giữa làng là một ngôi chùa tráng lệ, dát vàng ròng rực rỡ mang tên Shwe Dagon. Chùa rộng mênh mông cao vút, thế nhưng một người bán hàng cho rằng nó chưa thấm vào đâu so với nhiều chùa cổ khác ở Myanmar. Những ngôi chùa dát vàng ròng lấp lánh bên cạnh những khu ổ chuột nghèo khổ, những cánh rừng bạt ngàn bên cạnh những cánh đồng thuốc phiện xanh um. Tam giác vàng vẫn còn thật nhiều bí ẩn như chính sự hình thành của nó.
Thành phố Chiang Saen (tỉnh Chiang Rai, Thái Lan) nằm ngay cạnh trung tâm Tam giác vàng hiện nay phát triển sầm uất với khách du lịch bốn phương đổ về. Người Thái đã cho xây dựng ở đây rất nhiều tượng Phật, khách sạn sang trọng cũng như bình dân, bảo tàng thuốc phiện... để thu hút du khách. Một khu mua sắm, ẩm thực, ngân hàng rộng lớn luôn nhộn nhịp ngay dưới chân ngọn đồi Sop Ruak. Những chiếc áo thun mang dòng chữ Tam giác vàng bán đầy phố với giá 50-60 baht. Chiang Saen nằm ngay cửa ngõ để khách du lịch thuận tiện đi vào Myanmar qua cửa khẩu Mae Sai. Thị trấn Tachilek của bang Shan (Myanmar) cũng “ăn theo” Tam giác vàng với một bảng hiệu “Thành phố Tam giác vàng” (The city of Golden Triangle). Trong khi chúng tôi làm thủ tục nhập cảnh, rất đông khách du lịch phương Tây cũng háo hức khi được vào một đất nước lạ lẫm như Myanmar. Vào Myanmar có thể mua được những thứ bị cấm ở các nước khác như da hổ, ngà voi…, nhưng điều quan trọng là người ta có mang về nhà được hay không. |
oOo
“Đến Tam giác vàng mà không vào được cứ địa của trùm thuốc phiện Khun Sa thì coi như chưa đến Tam giác vàng”, người ta tò mò đến đó. Đến để nhớ một thời để quên.
Kỳ tới: Trong cứ địa Khun Sa
Từ khóa » đất Nước Tam Giác Vàng
-
Tam Giác Vàng – Wikipedia Tiếng Việt
-
Sự Thực Về Tam Giác Vàng - Báo Công An Nhân Dân điện Tử
-
Thông Tin Du Lịch Về Tam Giác Vàng - Thái Lan - BesTour
-
Tam Giác Vàng Là Gì? Định Nghĩa, Khái Niệm - LaGi.Wiki
-
Khám Phá Vùng đất Tam Giác Vàng Huyền Thoại - Migola Travel
-
TAM GIÁC VÀNG, NƠI KHÉT TIẾNG VỀ BUÔN BÁN HÀNG TRẮNG ...
-
Tam Giác Vàng Là Gì Và ở đâu?
-
Cuộc Sống Bình Dị Nơi Ngã Ba Tam Giác Vàng - VnExpress Du Lịch
-
TAM GIÁC VÀNG - NGHE QUEN MÀ RẤT LẠ
-
Vì Sao Tam Giác Vàng Từng Khiến Thế Giới Khiếp Sợ? - Tư Vấn - Zing
-
Lào Thu Giữ Lượng Ma Túy 'lớn Nhất Lịch Sử Đông Á' ở Tam Giác Vàng
-
Khám Phá Nét Bình Dị Tại Vùng Đất Ngã Ba Tam Giác Vàng
-
Khám Phá Chiang Rai: Tam Giác Vàng Giờ đã đổi Thay Thế Nào?