Nghiên Cứu Làng Cá Phước Hải (Bà Rịa - Vũng Tàu)
Có thể bạn quan tâm
Phước Hải là một trong những làng cá nổi tiếng lâu đời của huyện Đất Đỏ, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu. Cộng đồng ngư dân nơi đây đã biết tận dụng môi trường tự nhiên và tạo ra các cách thích ứng để đảm bảo sinh tồn. Quá trình đó đã hình thành nên các đặc trưng văn hóa của ngư dân, góp phần tạo nên bức tranh văn hóa đa dạng thuộc tiểu vùng văn hóa ven biển Đông Nam Bộ. Bài viết tiếp cận dấu ấn biển dưới góc độ đời sống văn hóa tinh thần theo các nội dung: tín ngưỡng thờ cúng cá Ông, lễ hội truyền thống và các tri thức dân gian.
1. Tín ngưỡng thờ cúng cá Ông
Do vị trí tự nhiên, vùng ven biển Phước Hải trở thành nơi định cư lâu đời nhất vùng Đồng Nai - Gia Định. Làng chài dần được hình thành và là nơi hội tụ những điều kiện thuận lợi để phát triển nghề đánh bắt hải sản. Theo thời gian, việc đánh bắt ven bờ bắt đầu gặp khó khăn khi số lượng hải sản giảm sút dần. Để mưu sinh bằng nghề đi biển, ngư dân làng chài Phước Hải phải đóng những chiếc thuyền lớn để vươn khơi, đánh bắt xa bờ với mong muốn tôm cá đầy khoang. Đối mặt với những nguy hiểm tiềm tàng khi thực hiện những chuyến đánh bắt xa bờ, ngư dân bắt đầu thờ cúng “thần biển” của họ là cá Ông (cá voi). Tục thờ cá Ông là quá trình tiếp thu tín ngưỡng thờ cúng của người Chăm và được người Việt cải tiến rất nhiều.
Ngư dân Phước Hải thường gắn cá Ông với sự phồn vinh, thịnh vượng của làng chài. Tục thờ cúng này mang những giá trị, ý nghĩa to lớn về mọi mặt của cuộc sống. Về giá trị văn hóa, tục thờ cá Ông không chỉ tạo cho miền biển một vị thần hùng vĩ, uy linh mà còn tạo ra một tín ngưỡng đẹp, tăng cường tình đoàn kết tương trợ của ngư dân trong quá trình mưu sinh trên biển. Nó đánh dấu một bước tiến, mở rộng phạm vi sinh sống và làm nghề của người dân từ đồng bằng hướng ra biển khơi, đẩy mạnh nghề đánh bắt và khai thác biển.
Lễ hội Nghinh Ông, thị trấn Phước Hải, huyện Đất Đỏ, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu - Ảnh: Phan Thị Cẩm Lai
Tín ngưỡng thờ cá Ông gắn với một loại hình kiến trúc mà ngư dân ven biển thường gọi là lăng. Kiến trúc của lăng Ông cơ bản mang dáng dấp một ngôi đình, vừa mang chức năng tín ngưỡng, vừa mang chức năng thế tục. Nằm sát bờ biển thuộc làng chài Phước Hải, Ngọc lăng Nam Hải được xem là nơi an táng cá Ông lớn nhất Việt Nam. Nghĩa trang được xây dựng vào năm 1999 với khoảng gần 100 ngôi mộ cá Ông chưa cải táng và 400 bộ hài cốt cá Ông trong khuôn viên rộng 6.500m2. Nghĩa trang gồm năm phần: lăng thờ Lệnh Ông Nam Hải đại tướng quân, miếu thờ Quan thế âm Bồ Tát, miếu thờ thổ công, miếu thờ Thiên quan Tứ phước và khu vực mộ táng cá voi. Cá Ông chết gọi là “lụy”. Vì vậy, trên đầu các ngôi mộ, ngoài bát hương và bia ghi rõ “Nam Hải chi mộ”, còn ghi ngày lụy của cá Ông. Phía sau tấm bia là tên của chủ tàu thuyền - người đầu tiên phát hiện Ông lụy. Trong trường hợp gặp cá Ông muốn lụy tại vùng biển nơi đây, ngư dân phải tìm cách đưa Ông vào bờ để làm đám tang. Họ sẽ rước Ông về dinh Ông Nam Hải (có từ thời vua Gia Long), để tắm rửa sạch sẽ, khâm liệm cẩn thận, rồi đưa về Ngọc lăng Nam Hải trong 3 năm, sau đó sẽ đưa Ông về thờ tại dinh. Người phát hiện Ông lụy đầu tiên được xem là trưởng nam, thay mặt dân làng đeo khăn trắng chịu tang, hằng năm cúng giỗ. Thời gian chịu tang của trưởng nam cũng khác nhau tùy vào cá Ông: đối với cá Ông nhỏ là ba năm, cá Ông lớn năm năm. Đến thời hạn xả tang, dân làng làm lễ Thượng ngọc cốt thỉnh vào dinh thờ rồi trưởng nam mới được xả tang (1). Mặc dù tục táng cá Ông diễn ra ở nhiều làng chài ven biển nhưng ở Phước Hải, nghĩa trang cá Ông được xem là “độc nhất vô nhị” - lớn nhất nước ta, bởi ở những vùng biển khác, ngư dân chỉ chôn cá Ông rải rác xung quanh đền thờ, trong khi đó ngư dân Phước Hải tổ chức tang ma, chôn cất cá Ông rất cẩn thận và tập trung vào một chỗ.
2. Các lễ hội truyền thống
Với tín ngưỡng dân gian mang đậm nét văn hóa miền biển, hằng năm, chính quyền địa phương và đông đảo người dân làng chài Phước Hải long trọng tổ chức lễ Nghinh Ông từ ngày 15 đến 16-2 (âm lịch) với nhiều hoạt động sôi nổi: Hội thao dân tộc với các môn: đan lưới, cột lưới, nhảy bao bố; hội thi ẩm thực; tổ chức diễu hành linh vật (tôm, cá) trên các tuyến đường ven biển trung tâm thị trấn Phước Hải; lễ cầu an; cúng giỗ tiền hiền; lễ nghinh thủy thần; cúng bà Ngũ Hành.
Các bước tiến hành và cách thức cúng lễ của ngư dân làng chài Phước Hải cũng không hoàn toàn giống nghi thức trong các loại hình lễ hội tương tự ở miền Trung và Nam Bộ thể hiện sự hỗn dung tín ngưỡng rõ nét và trở thành một đặc điểm nổi bật đáng lưu ý. Lễ hội được tổ chức thành 2 phần. Phần lễ, nghi thức, cúng kính do Ban tế tự Dinh Ông tổ chức. Các nghi thức gồm: cúng giỗ tiền hiền, hậu hiền tại khu vực mộ và dinh Ông, nghinh chủ sở, dâng hương, nghinh thủy thần, chèo bả trạo, lễ Xuân Quý cầu ngư, thỉnh bà Ngũ Hành an vị, cúng Lệ vũng, Bóng rối cúng bà Ngũ Hành, lễ Tôn vương và hoàn mãn. Tất cả nghi thức đều có chung nội dung, ý nghĩa là cầu cho quốc thái dân an, người dân ấm no hạnh phúc, đánh bắt được nhiều tôm cá và ngành Ngư nghiệp ngày càng phát triển. Trong tất cả nghi thức, nghi lễ cúng kính, nghi lễ nghinh thủy thần là quan trọng nhất. Đúng 7 giờ, Ban nghi lễ gồm những vị có uy tín, hiểu biết rộng về nghề đánh bắt lên tàu, ra khơi và làm lễ đón rước thần Nam Hải về dinh. Với cờ lộng, ngai vàng và quân lính được chuẩn bị sẵn, sau khi làm lễ xong, thần Nam Hải được nghinh đón về dinh. Quy mô tổ chức lễ hội nghinh Ông hằng năm phụ thuộc vào việc thất mùa hay được mùa biển. Năm nào dân được mùa, thu nhập khá thì lễ hội diễn ra linh đình, náo nhiệt.
Trong sinh hoạt lễ hội, phần hội là phần vui chơi, giải trí. Hội của ngư dân làng chài Phước Hải thể hiện sự kết hợp khá nhiều hoạt động vui chơi, giải trí của ngư dân duyên hải Trung Bộ và Nam Bộ, như hát hò khoan - chèo cạn, trò múa bông - mâm ngũ sắc, mâm vàng, mâm bạc và đua ghe (của vùng Bình - Trị - Thiên); đua ghe, đua thuyền thúng, hát bả trạo (tức chèo thuyền, hát bội của vùng Nam Trung Bộ) và hát bội, xây chầu, đua ghe, đua thuyền thúng, múa lân, múa rồng, đấu vật (của vùng Nam Bộ). Hát bả trạo là một nội dung quan trọng, thu hút nhiều người thưởng thức trong hội lễ của ngư dân làng chài Phước Hải.
Hát bả trạo là một phần nghi lễ trong lễ hội cầu ngư. Loại hình này mang đậm dấu ấn văn hóa biển, bởi hình thức tạo hình biểu diễn là “múa chèo thuyền” (bả: nắm chắc, trạo: mái chèo). Gắn với tín ngưỡng thờ cá Ông, hát bả trạo không hề bi lụy, ngược lại, nó phản ánh tình cảm của ngư dân trước cảnh đẹp, sự trù phú của biển cả, trước tấm lòng cứu nhân độ thế của đức Ông. Bên cạnh những nghi thức tín ngưỡng, nội dung của các bài hát bả trạo còn mang đậm tính phồn thực, tính cố kết cộng đồng, lòng dũng cảm, tinh thần lạc quan và khát vọng về cuộc sống no đủ của ngư dân.
Không chỉ xuất hiện trong các lễ hội cộng đồng ở Nam Bộ, sân khấu hát bội của Phước Hải cũng có những dấu ấn riêng biệt, tạo nên sự đa dạng trong phát triển loại hình diễn xướng độc đáo này. Hát bội ở đây như một hình thức biểu diễn nghệ thuật xen kẽ giữa tế lễ cổ truyền và dâng hương. Hát bội trong lễ cúng nghinh Ông gồm 2 phần: Phần xây chầu đại bội nằm trong nghi lễ, gần như giống tất cả các lễ hội của Nam Bộ. Chương trình đại bội gồm những tích thể hiện lại quá trình hình thành vũ trụ như khai thiên tịch địa, xang nhật nguyệt, tam hiền, tứ thiên vương, ngũ hành… Đây là tích hơn là tuồng, ít biến động, chủ yếu là nghệ thuật trình diễn về sự hình thành vũ trụ theo quan điểm phương Đông và chúc tụng những lời hay ý đẹp. Phần hát hội diễn ra sau lễ cúng, thường được tổ chức ngoài trời, đây thực sự là một môi trường diễn xướng cộng đồng. Ở Phước Hải, chương trình hát bội thường được mở đầu bằng một lớp hò Quảng. Một số vở tuồng thường được biểu diễn là Sở Vân cứu giá, Đào viên kết nghĩa, Tống gia phục nghiệp, Tôn vương tống tử vân… Có ngày, buổi diễn kéo dài đến sau nửa đêm, nhưng vẫn thu hút đông khán giả. Người xem rất hào hứng, hòa chung cảm xúc của người diễn. Các vở diễn có nội dung ca ngợi lòng thủy chung, vua hiền tôi sáng, cầu cho quốc thái dân an, phần kết thúc thường có hậu, ít cảnh binh đao chết chóc; ca ngợi vẻ đẹp lương thiện, tiết nghĩa của con người, phần nào góp phần giáo dục các giá trị nhân văn (2).
Do những yếu tố chủ quan và khách quan mà hát bội có những thay đổi rõ rệt ở các vùng miền nước ta. Ở các vùng quê, kinh tế kém phát triển, các đình làng không có bề dày lịch sử, diễn xướng hát bội gần như bị quên lãng, chỉ còn lại hình thức cơ bản như thắp nhang và dâng đồ thờ cúng. Riêng ở Phước Hải vẫn giữ được lễ xây chầu đại bội trong lễ nghinh Ông và thực hiện rất bài bản. Các lễ này không chỉ có dân làng mà còn bao gồm cả khách thập phương nên tính biểu diễn của diễn xướng phải được nâng cao, chuyên nghiệp và có chất lượng. Nó còn là phương thức quảng bá văn hóa, thể hiện niềm tự hào về di sản mà người dân địa phương là chủ nhân trực tiếp.
Có thể giải thích sự đa dạng trong phối tự, nghi thức thờ cúng, trong các trò diễn dân gian của ngư dân ven biển Phước Hải từ chính nguồn gốc của họ. Chính cộng đồng đa nguồn gốc đã góp phần làm phong phú và tạo diện mạo đặc trưng của các yếu tố văn hóa biển nơi đây…
3. Các tri thức dân gian
Tri thức dân gian được xem như là một phương tiện để con người thích nghi hữu hiệu với môi trường tự nhiên đầy bất trắc. Đó là sự tích lũy kinh nghiệm thực tiễn của nhiều thế hệ ngư dân vùng đất này, là vốn sống vô cùng quý giá, mà thậm chí cho đến ngày nay, khi hoàn cảnh tồn tại đã thay đổi, những tri thức dân gian này vẫn khẳng định vai trò của mình bằng cách hòa quyện với những tri thức hiện đại để phục vụ cho ngư dân một cách hiệu quả nhất.
Tri thức dân gian về đánh bắt hải sản
Ở Phước Hải, trong quá trình đánh bắt, ngư dân cũng đúc rút kinh nghiệm bằng việc đầu tư, chế tác các ngư cụ đánh bắt để khai thác các nguồn lợi khác nhau mang lại hiệu quả cao như lưới vây, lưới rút, lưới chấp và lưới kéo, thuyền thúng, tàu vỏ gỗ… Ngư dân chọn nghề lưới kéo và lưới rê vì hoạt động này có thể diễn ra quanh năm (trừ những lúc thời tiết xấu) để duy trì cuộc sống. Số chuyến biển khai thác trong năm nhiều hay ít phụ thuộc vào thời gian chuyến biển dài hay ngắn. Đối với lưới kéo, một chuyến biển trung bình khoảng 26 ngày. Ở lưới rê thời gian khai thác một chuyến biển khoảng 5 ngày. Bằng kinh nghiệm lâu đời, họ nắm bắt được thời gian đánh bắt hải sản hiệu quả nhất là từ 1-5 giờ sáng cũng như nắm bắt được hướng di chuyển của các luồng cá trong những vùng biển mà họ khai thác (3).
Mùa đánh bắt của ngư dân làng Phước Hải thường bắt đầu từ tháng 4 đến tháng 9, cao điểm nhất là tháng 6, 7, 8 (âm lịch) hằng năm. Ngư dân cho rằng, thời gian này sóng trong bờ rất lớn, cá phải ra khơi nằm, đồng thời đây là mùa mưa, cá bắt đầu có thức ăn nên sinh trưởng nhanh chóng. Ngư trường đánh bắt của ngư dân thường tập trung từ khu vực giáp ranh tỉnh Bình Thuận, đảo Côn Sơn, vùng giàn khoan Bạch Hổ, quần đảo Trường Sa. Các loại cá đặc trưng của vùng là cá đù, cá sóc, cá lò, cá ngao, cá đổng, cá bã trầu.
Ngày nay, ngư dân Phước Hải đã đúc kết những kinh nghiệm hữu ích về cách đánh bắt hải sản, một số tri thức dân gian như lịch con nước, kinh nghiệm đánh bắt và xác định luồng hải sản vẫn được áp dụng nhuần nhuyễn với tri thức đánh bắt hiện đại. Ngư dân Phước Hải vẫn cho rằng, việc nắm được những tri thức của cha ông và áp dụng khoa học kỹ thuật hiện nay sẽ đem lại năng suất đánh bắt cao hơn. Máy móc, kỹ thuật hiện đại giúp con người xác định chính xác địa điểm hải sản xuất hiện, giúp đánh bắt được trữ lượng nhiều hơn. Nhưng để biết được những nơi nào có hải sản thường sinh sống, thời gian nào hải sản xuất hiện và cách tính nước để dò tìm vị trí của hải sản thì phải dựa vào kinh nghiệm. Từ đó, việc kết hợp với tri thức hiện đại và tri thức dân gian sẽ giúp cho việc khai thác hiệu quả hơn. Tri thức dân gian trong đánh bắt hải sản là yếu tố đặc trưng của cư dân ven biển, giúp nhận diện dễ dàng hơn đời sống vật chất và tinh thần của họ, đồng thời cho thấy khả năng sáng tạo, thích ứng với môi trường, điều kiện sống, sức mạnh vượt lên mọi trở ngại, thiên tai trong cuộc sống mưu sinh trên biển.
Ngư dân Phước Hải còn nổi tiếng với nghề “nghe cá”. Đặc thù của nghề là chỉ cần kinh nghiệm chủ đạo ở đôi tai. Khi tàu dừng tại nơi được dự đoán có nguồn cá, ngư phủ phải lấy hơi thật sâu và nhảy xuống biển, lặn một mạch xuống lòng đại dương, lấy chân giữ nước bắt đầu thanh lọc âm thanh để nghe, đoán định hướng đi của đàn cá thông qua chuyển động của con nước. Sau khi đoán định hướng đi của cá, ngư phủ sẽ báo hiệu cho tàu đổi hướng hành trình để sớm đánh bắt được nhiều cá tôm. Người “nghe cá” được xem là người quan trọng nhất trong đoàn. Nếu nghe được cá sớm thì những ngư dân khác trên tàu không phải chờ đợi lâu, tàu không tốn thêm nhiên liệu để vươn khơi, con đường quay trở về đất liền được rút ngắn. Nghề “nghe cá” là nghề cha truyền con nối, từ thợ này sang thợ khác. Độ tuổi nghe cá tầm từ 19-45 tuổi. Tuy nhiên, qua khảo sát, số lượng người tham gia nghề “nghe cá” tại làng Phước Hải cũng không còn nhiều vì những ngư phủ dày dặn kinh nghiệm đã lớn tuổi không còn đủ sức lặn hàng giờ dưới đáy biển, còn người trẻ tuổi lại rất khó học nghề mới trong điều kiện các trang thiết bị hiện đại phục vụ cho việc đánh bắt cá được trang bị trên tàu ngày càng đầy đủ.
Tri thức dân gian về chế biến hải sản
Trước đây, khi công nghệ đông lạnh chưa phát triển thì số hải sản đánh bắt được, ngoài phần tươi sống bán ở các chợ, phần còn lại được chế biến thành nhiều dạng: phơi khô, hấp chín (để được vài ngày), muối mặn (để được vài tháng) và làm mắm được đựng trong các loại chum vại, hay trong các thùng gỗ lớn.
Làng chài Phước Hải nổi tiếng với nghề làm cá khô và nước mắm. Khô cá được chế biến thủ công và phơi dọc bãi biển, khu đất trống của làng biển. Cá được phơi lên các vỉ lưới cách mặt đất khoảng 1,5m, tùy thời gian phơi lâu hoặc nhanh. Quy trình sơ chế cá trước khi đi phơi cũng khá tỷ mẩn. Cá tươi thu mua về được cắt đầu, cạo vảy, mổ ruột và rửa qua nước muối rồi đem phơi khô. Nếu làm khô mặn thì phải ướp muối từ 4-5 ngày rồi sau đó mới cắt vây, lột da và ướp thêm gia vị, rồi trải phên ra phơi. Tùy từng loại cá mà các bước chế biến được giữ nguyên hoặc giảm bớt. Ở làng chài Phước Hải, việc làm khô cá chủ yếu do phụ nữ đảm trách từ khâu mổ cá, đánh vảy và phơi khô. Tùy nhu cầu thị trường mà người dân làm khô nhạt, khô mặn, thậm chí làm cá tẩm ướp đường, gia vị rất đa dạng.
Bên cạnh đó, làm nước mắm cũng là hình thức chế biến được nhiều ngư dân nơi đây chọn lựa. Loài cá được sử dụng làm nước mắm là cá cơm, cá đốm, cá lâm. Trong đó, cá cơm được ưa chuộng bởi chất thịt ngọt, ít xương. Cá sau khi được đánh bắt về, để ráo nước mặn, sau đó trộn tỷ lệ 4 cá, 1 muối bỏ vào thùng ủ sau 12 tháng có thể thu hoạch được nước mắm ngon. Chế biến nước mắm là nghề gia truyền, khi mắm bắt đầu nhỏ giọt, người có kinh nghiệm sẽ biết thế nào là độ đạm đạt chuẩn. Nghề làm nước mắm hiện nay không chỉ duy trì bí quyết của dòng họ, mà người dân Phước Hải còn biết áp dụng những kỹ thuật mới vào sản xuất để nâng cao chất lượng và đáp ứng nhu cầu ngày càng đa dạng của thị trường.
Tri thức dân gian về kiêng cữ
Cuộc sống mưu sinh lênh đênh trên biển luôn đối mặt với hiểm họa từ thiên nhiên đã khiến quan niệm “có thờ có thiêng, có kiêng có lành” trở nên ý nghĩa với ngư dân. Ngày lành, giờ tốt là yếu tố đầu tiên được ngư dân quan tâm để mở đầu cho mùa đánh bắt hải sản. Hằng năm, cứ vào sáng mùng 2 Tết, ngư dân lại đưa thuyền thúng ra khơi đánh bắt hải sản. Mở đầu cho chuyến biển đầu năm mới, ai cũng cầu mong một năm mưa thuận gió hòa, khai thác bội thu. Bên cạnh đó, trong hoạt động đánh bắt, họ cũng kiêng cữ nhiều vấn đề khác liên quan đến tàu thuyền như mũi thuyền là bộ phận quan trọng nhất, tâm linh nhất, thường có vị thần ngự trị cho nên tối kỵ với phụ nữ, cấm phụ nữ tới gần; kiêng để vật dụng trên thuyền rớt xuống biển, bởi họ sợ chìm thuyền. Đối với các ngư dân chuẩn bị đi biển, họ kiêng kỵ gặp phụ nữ trước khi ra khơi nhất là phụ nữ đang mang thai, phụ nữ mới sinh, những người có tang… vì họ cho rằng phụ nữ có 3 hồn 9 vía, trong khi đó đàn ông chỉ có 3 hồn 7 vía, vía phụ nữ cao hơn đàn ông, sẽ làm vụ đánh bắt không được bội thu. Trong quá trình đánh bắt, ngư dân cũng kiêng nói những động từ như “lật”, “úp”, “chìm” vì họ quan niệm những từ này sẽ mang những điều xui xẻo cho chuyến đi biển.
Hiện nay, trong quan niệm, tư tưởng kiêng cữ của ngư dân nơi đây đã có sự cởi mở hơn. Theo số liệu khảo sát, trong 150 ngư dân thì có đến 126 ý kiến cho rằng việc kiêng cữ đã ko còn nặng nề, khó khăn như trước, chỉ có 24 ý kiến thừa nhận tàu thuyền của họ vẫn giữ nguyên các tục kiêng cữ do ông cha để lại. Đối với các ngư dân trong năm đánh bắt thất bại liên tục, có đến 73% khẳng định họ đã không còn thực hiện các nghi thức rước thày về cúng ghe, làm phép yểm trừ ma quỷ, xua đuổi vận hạn. Trước đây, phụ nữ không được phép xuống thuyền nhưng hiện nay khi thuyền về, để kịp cân cá cho thương lái, phụ nữ vẫn phải xuống để phụ. Việc tổ chức lễ cúng ghe chuẩn bị cho ngày ra khơi cũng đơn giản hơn. Lễ vật chủ yếu là bông hoa, trái cây, bánh ngọt, nhang đèn. Chủ ghe bày lễ vật trong nhà cũng như trong ghe, thắp hương cầu cúng các vị thần linh, tổ tiên để giúp đỡ cho chuyến đi đánh bắt được kết quả và bình yên (4).
4. Kết luận
Qua tìm hiểu một số đặc trưng văn hóa biển làng chài Phước Hải - làng chài lâu đời nhất khu vực Đông Nam Bộ, chúng ta thấy rằng, yếu tố văn hóa biển chi phối mạnh mẽ đến tín ngưỡng của cộng đồng ngư dân nơi đây, tạo ra những nét đặc trưng so với Nam Trung Bộ và Tây Nam Bộ. Những hoạt động tín ngưỡng, lễ hội truyền thống, tri thức dân gian và các thiết chế văn hóa đã phản ánh rõ nét đặc trưng văn hóa biển của cộng đồng ngư dân, thể hiện sức lao động trí tuệ và sáng tạo tuyệt vời của những con người quanh năm lênh đênh trên sóng nước. Đứng trước yêu cầu phát triển của kinh tế, xã hội địa phương, các giá trị văn hóa biển cần tự “nâng cao năng lực nội sinh” bằng cách loại bỏ, thay thế hoặc chuyển đổi những đặc trưng văn hóa không phù hợp. Đồng thời, văn hóa biển cũng phải mở cửa, “cộng sinh”, tiếp thu có chọn lọc, hình thành nên những đặc trưng văn hóa mới, đáp ứng sự phát triển của địa phương và đất nước.
______________________
1, 2, 3, 4. Khảo sát tình hình kinh tế - xã hội khu vực ven biển Đông Nam Bộ giai đoạn 2007 - 2020, đề tài nghiên cứu khoa học cấp Trường Đại học Thủ Dầu Một, mã số DT.20.2-087, 2021.
Tài liệu tham khảo
1. Trương Đình Quang, Thy Hảo Trương Duy Hy, Hát bả trạo - hò đưa linh, Nxb Văn hóa dân tộc, Hà Nội, 2011.
2. Nguyễn Duy Thiệu, Suy ngẫm về văn hóa biển ở Việt Nam, Tạp chí Di sản văn hóa, Hà Nội, 2007.
3. Viện nghiên cứu Văn hóa dân gian, Văn hóa dân gian làng ven biển, Nxb Văn hóa dân tộc, Hà Nội, 2000.
4. Phan Thị Yến Tuyết, Đời sống xã hội - kinh tế văn hóa của ngư dân và cư dân vùng biển Nam Bộ, Nxb Đại học Quốc gia TP.HCM, 2014.
5. Đinh Văn Hạnh, Sự hỗn dung tín ngưỡng trong lễ hội dân gian của ngư dân Bà Rịa-Vũng Tàu, Kỷ yếu Hội thảo Nam Bộ và Nam Trung Bộ những vấn đề lịch sử TK XVII-XIX, 2002, tr.236-241.
6. Đinh Văn Hạnh, Mấy vấn đề về nghiên cứu lịch sử Bà Rịa - Vũng Tàu, Tạp chí Lịch sử, Hội Khoa học Lịch sử tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, số 1, 2003.
7. Lê Kinh Nam, Lễ hội nghinh Ông nét văn hóa biển đặc sắc ở Bà Rịa - Vũng Tàu, Kỷ yếu hội thảo quốc tế: Triết lý nhân sinh của người dân Nam Bộ, Việt Nam, Nxb Đại học Cần Thơ, 2018.
Ths PHAN THỊ CẨM LAI
Nguồn: Tạp chí VHNT số 494, tháng 4-2022
Từ khóa » Dinh ông Nam Hải Phước Hải
-
LỄ HỘI DINH ÔNG - PHƯỚC HẢI - Ăn Chơi Vũng Tàu
-
VĂN HÓA LỄ HỘI TRUYỀN THỐNG DINH ÔNG NAM HẢI THỊ TRẤN ...
-
LỄ HỘI NGHINH ÔNG NAM HẢI SẼ DIỄN RA TRONG 3 NGÀY 17 ...
-
Lễ Nghinh Ông Nam Hải Diễn Ra Từ 17 -19/3
-
Lễ Chính Dinh Ông Nam Hải Diễn Ra đơn Giản, Long Trọng
-
Khám Phá Văn Hóa Lễ Hội Truyền Thống Dinh Ông Nam Hải ở Bà Rịa
-
Lễ Hội Nghinh Ông ở Vũng Tàu - Ngọc Lăng Nam Hải - YouTube
-
LỄ HỘI NGHINH ÔNG NAM HẢI - THPT Dương Bạch Mai
-
SẮP TỚI DINH ÔNG RỒI... - Phước Hải, Miền Biển Quê Hương Tôi.
-
Bà Rịa - Vũng Tàu: Lễ Hội Dinh Ông Nam Hải - HOVI VIETNAM
-
Lễ Hội Nghinh Ông Nam Hải, Huyện Đất Đỏ được Tổ Chức Vào Trung ...
-
Dinh Ông Nam Hải, Lang Phuoc Hai
-
Thị Trấn Phước Hải, Huyện Đất Đỏ Tổ Chức Lễ Hội Nghinh Ông Nam ...