Nghiên Cứu Quốc Gia Về Bạo Lực Gia đình đối Với Phụ Nữ ở Việt Nam

THÔNG CÁO BÁO CHÍ

Nghiên cứu mới cho thấy tỷ lệ bạo lực gia đình ở Việt Nam ở mức cao

Hà Nội, 25/11/2010 – Theo Nghiên cứu quốc gia về Bạo lực Gia đình đối với phụ nữ ở Việt Nam được Chính phủ Việt Nam và Liên Hợp Quốc công bố ngày hôm nay, cứ ba phụ nữ có gia đình hoặc đã từng có gia đình thì có một người (34 phần trăm) cho biết họ đã từng bị chồng mình bạo hành thể xác hoặc tình dục. Số phụ nữ có hoặc từng có gia đình hiện đang phải chịu một trong hai hình thức bạo hành này chiếm 9 phần trăm.

Nếu xem xét đến cả ba hình thức bạo hành chính trong đời sống vợ chồng – thể xác, tình dục và tinh thần, thì có hơn một nửa (58 phần trăm) phụ nữ Việt Nam cho biết đã từng là nạn nhân của ít nhất một hình thức bạo lực gia đình kể trên. Các kết quả nghiên cứu cũng cho thấy khả năng phụ nữ bị chồng mình lạm dụng nhiều hơn gấp ba lần so với khả năng họ bị người khác lạm dụng.

“Lần đầu tiên một cuộc nghiên cứu đã được tiến hành trên phạm vi cả nước nhằm tìm hiểu những thông tin chi tiết về mức độ phổ biến và các loại hình bạo lực đối với phụ nữ, các hậu quả về mặt sức khỏe của bạo lực gia đình, các yếu tố rủi ro, phòng ngừa bạo lực, cách xử trí của phụ nữ khi gặp phải bạo lực gia đình cũng như các dịch vụ trợ giúp mà họ đã sử dụng,” Bà Trần Thị Hằng, Phó Tổng Cục Trưởng Tổng Cục Thống kê phát biểu.

Các số liệu mới được đưa ra đã nêu bật một thực trạng là đa số phụ nữ Việt Nam đều có nguy cơ tiềm tàng bị bạo lực gia đình ở một hay một vài thời điểm nào đó trong cuộc sống của họ. Tại một số vùng ở Việt Nam, cứ mười phụ nữ thì có bốn người nhận thấy gia đình không phải là nơi an toàn đối với họ. Ví dụ, ở vùng Đông Nam Bộ, 42 phần trăm phụ nữ cho biết họ đã từng bị chồng mình bạo hành thể xác hoặc tình dục. Tuy nhiên, mặc dù có sự khác biệt giữa các vùng miền, khu vực, nhưng sự khác biệt lớn nhất có thể nhận thấy là giữa các dân tộc, trong đó tỷ lệ phụ nữ cho biết họ đang hoặc đã từng là nạn nhân của bạo lực gia đình dao động từ 8 phần trăm (người H’Mong) đến 36 phần trăm (người Kinh).

“Mặc dù bạo lực gia đình là một hiện tượng rất phổ biến nhưng vấn đề này vẫn bị giấu diếm nhiều,” Bà Henrica A.F.M. Jansen, Trưởng nhóm nghiên cứu phát biểu. “Bên cạnh sự kỳ thị và sự xấu hổ khiến cho phụ nữ phải giữ im lặng, nhiều phụ nữ còn nghĩ rằng bạo lực trong quan hệ vợ chồng là một điều ‘bình thường’ và người phụ nữ cần bao dung, nhẫn nhịn chịu đựng để gìn giữ sự êm ấm cho gia đình.” Thực tế là cứ hai phụ nữ tham gia nghiên cứu thì có một người cho biết trước khi tham gia trả lời phỏng vấn phục vụ nghiên cứu này, họ chưa từng nói cho ai biết về việc bị chồng mình bạo hành.

“Báo cáo này nêu bật tính cấp thiết của việc phá bỏ sự im lặng,” Ông Jean Marc Olive, Trưởng Đại diện Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tại Việt Nam nhấn mạnh. “Tất cả chúng ta đều mong đợi những phụ nữ là nạn nhân của bạo lực gia đình và những phụ nữ đã tham gia cuộc điều tra này sẽ đứng dậy nói lên tiếng nói của mình và chấm dứt bạo lực gia đình”.

Rõ ràng là bạo lực gia đình đã gây nên những hậu quả nghiêm trọng đối với sức khỏe thể chất và tinh thần của người phụ nữ. Ở Việt Nam, cứ bốn phụ nữ từng bị chồng bạo hành thể chất hoặc tình dục thì có một người cho biết họ phải chịu đựng những vết thương trên cơ thể và hơn một nửa trong số này cho biết họ đã bị thương tích nhiều lần. So với những phụ nữ chưa từng bị bạo hành thì những người đã từng bị chồng bạo hành có nhiều khả năng bị bệnh tật và sức khỏe kém hơn gần hai lần và khả năng nghĩ đến việc tự tử nhiều hơn gấp ba lần.

Phụ nữ có thai cũng là đối tượng có nguy cơ bị bạo hành. Theo báo cáo nghiên cứu, khoảng 5 phần trăm phụ nữ từng có thai cho biết họ đã bị đánh đập trong thời gian mang thai. Trong hầu hết các trường hợp này, họ đã bị chính người cha của đứa trẻ mình đang mang trong bụng lạm dụng.

Mặc dù bạo lực gia đình xảy ra phổ biến đối với phụ nữ nhưng trẻ em cũng là nạn nhân của bạo lực gia đình. Cứ bốn phụ nữ có con dưới 15 tuổi thì có một người cho biết con của họ đã từng bị chồng họ bạo hành thể xác. Nghiên cứu này đã chỉ ra rằng bạo lực gia đình là một mối đe dọa nghiêm trọng đối với cuộc sống của trẻ em. Ví dụ, báo cáo nghiên cứu cho biết trẻ em sống trong những gia đình mà mẹ bị cha bạo hành sẽ có nhiều khả năng có các vấn đề về hành vi hơn so với những trẻ em khác.

“Những người chồng bạo hành có nhiều khả năng đã từng chứng kiến mẹ mình bị cha đánh đập, hoặc chính họ đã từng bị đánh đập khi còn nhỏ. Những điều đã trải qua thời thơ ấu chính là một yếu tố nguy cơ quan trọng liên quan đến việc bản thân họ sau này trở thành người gây ra bạo lực gia đình”, bà Jansen cho biết thêm. Điều này củng cố cho quan điểm rằng bạo lực là một hành vi do con người học từ người khác.

-Hết-

Lưu ý đối với các biên tập báo chí:

Nhóm nghiên cứu đã tiến hành phỏng vấn 4.838 phụ nữ từ 18 đến 60 tuổi, đại diện cho nữ giới thuộc độ tuổi này ở Việt Nam. 90 cuộc phỏng vấn chuyên sâu và 4 cuộc thảo luận nhóm cũng đã được tiến hành tại Hà Nội, Huế và Bến Tre. Phương pháp nghiên cứu hoàn toàn giống với phương pháp đã được sử dụng cho Nghiên cứu Đa quốc gia của Tổ chức Y tế Thế giới về Sức khỏe Phụ nữ và Bạo lực Gia đình, bao gồm một phiếu điều tra chuẩn đã được thử nghiệm, và một phương pháp đảm bảo so sánh được các số liệu của nghiên cứu với các số liệu tại các bối cảnh khác.

Nghiên cứu này được thực hiện trong khuôn khổ Chương trình Phối hợp chung giữa Liên Hợp Quốc và Chính phủ Việt Nam về Bình đẳng Giới, do Tổng Cục Thống kê tiến hành với trợ giúp kỹ thuật của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và sự tham gia của các chuyên gia tư vấn trong nước từ Trung tâm Sáng kiến Sức khỏe và Dân số (CCIHP), Bộ Y tế, và một chuyên gia tư vấn quốc tế. Nghiên cứu được tài trợ từ nguồn ngân sách của Quỹ Thực hiện các Mục tiêu Phát triển Thiên niên kỷ (MDGF) và Cơ quan Hợp tác Phát triển Quốc tế Tây Ban Nha (AECID). Nghiên cứu sử dụng cách tiếp cận dựa trên tham khảo ý kiến trong tất cả các giai đoạn, trong đó đại diện các bên tham gia thuộc Chính phủ, xã hội dân sự và cộng đồng quốc tế tham gia trong tất cả các giai đoạn của nghiên cứu, từ lập kế hoạch nghiên cứu đến phân tích và xác nhận kết quả, cũng như đưa ra các khuyến nghị liên quan.

Để có thêm thông tin chi tiết, vui lòng liên hệ:

Bà Maria Larrinaga

Phòng Truyền thông Một LHQ

ĐT: (84-4) 3822 4383 – Số lẻ: 106

ĐTDĐ: 01236029797

Email: Larrinaga@unfpa.org

Bà Nguyễn Thị Việt Nga

Vụ Thống kê Xã hội và Môi trường

Tổng Cục Thống kê

ĐT: (84-4) 38463511

ĐTDĐ: 0989128250

Email: ntvnga@gso.gov.vn

Từ khóa » Thống Kê Bạo Hành Gia đình ở Việt Nam