Nghiên Cứu Tuyển Chọn Giống Khoai Lang Phục Vụ Chế Biến Cho Các ...

Ở Việt Nam, khoai lang là cây lương thực truyền thống đứng thứ ba sau lúa, ngô và đứng thứ hai về giá trị kinh tế sau khoai tây. Khoai lang được trồng ở khắp mọi nơi trên cả nước từ Đồng bằng đến Miền núi, Duyên hải Miền Trung và vùng Đồng bằng Sông Cửu long. Ước tính sản lượng khoai lang cả nước năm 2015 đạt 1,45 triệu tấn củ tươi, tăng 3,5% so với năm 2014. Ở Việt Nam hiện nay, khoai lang chủ yếu được trồng để lấy củ dùng làm thức ăn cho người và xuất khẩu củ tươi. Nhưng hiện nay thị trường xuất khẩu khoai lang lang tươi cũng như giá cả không ổn định. Vì vậy hiệu quả kinh tế cũng như hướng mở rộng diện tích trồng cây khoai lang như một cây hàng hóa còn gặp khó khăn.

Trong những năm gần đây, ngoài thói quen sử dụng củ khoai lang như một loại thực phẩm ăn tươi, người dân đã có nhu cầu sử dụng các sản phẩm chế biến từ khoai lang. Hiện nay, nước ta đã có một số Công ty chế biến tinh bột khoai lang, ethanol như Công ty TNHH Quốc tế Vinapas Việt Nam, Công ty Cổ Phần nhà máy cồn Tùng Lâm, Công ty Cổ phần Nông sản thực phẩm Yên Bái, Công ty TNHH Đồng Nhứt, Công ty TNHH Thịnh Cường, Công ty TNHH Đại Việt… hay một số Công ty chế biến sấy khô như Công ty cổ phần Vinamit, công ty TN HH SX TM DV Ngô Mai Hoa,… Tuy nhiên, nguồn nguyên liệu để phục vụ cho các Công ty trên vẫn còn hạn chế về số lượng và chất lượng do các giống khoai lang đang trồng ở nước ta chưa đạt tiêu chuẩn để phục vụ cho chế biến. Do vậy, cần chọn tạo ra các giống khoai lang phục vụ ăn tươi và chế biến ở Việt Nam, đồng thời có những biện pháp kỹ thuật canh tác tiên tiến, quản lý cây trồng tổng hợp nhằm nâng cao năng suất chất lượng, góp phần đa dạng bộ giống khoai lang ngoài sản xuất và có thể cung cấp nguồn nguyên liệu cho các nhà máy chế biến công nghiệp để đa dạng hoá chủng loại sản phẩm và tạo đầu ra ổn định cho cây khoai lang ngày một phát triển. Từ đó, thu hút được sức tiêu thụ của khách hàng, tăng giá trị của sản phẩm, tăng thu nhập cho người sản xuất khoai lang tạo ra động lực quan trọng nhằm thúc đẩy phát triển sản xuất khoai lang ở Việt Nam. Với các định hướng nghiên cứu trên, nhóm nghiên cứu do TS. Vũ Văn Định, Viện NC & PT Công nghệ NLN Thành Tây đứng đầu đã tiến hành thực hiện đề tài “Nghiên cứu tuyển chọn giống khoai lang phục vụ chế biến cho các tỉnh phía Bắc” nhằm góp phần giúp nông dân trồng khoai lang phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập một cách bền vững.

Sau một thời gian triển khai thực hiện, nhóm nghiên cứu đã thu được các kết quả sau:

1. Điều tra, đánh giá thực trạng về giống, chế biến và thị trường tiêu thụ khoai lang

- Đã triển khai thu thập số liệu tại 3 tỉnh đại diện cho các tỉnh phía Bắc và có diện tích trồng khoai lang lớn: Hưng Yên, Ninh Bình, Hoà Bình.

- Đã phỏng vấn các cán bộ của cơ quan quản lý ngành nông nghiệp các cấp (trung ương, tỉnh, huyện).

- Đã phỏng vấn 360 hộ nông dân tại các xã Yên Nhân, Yên Mỹ, Yên Thái, Yên Mạc huyện Yên Mô; các xã Cồn Thoi, Kim Trung, Kim Mỹ, Kim Đông huyện Kim Sơn; các xã Quỳnh Lưu, Phú Lộc, Phú Long, Thạch Bìm huyện Nho Quan tỉnh Ninh Bình; các xã Nhuận Trạch, Cư Yên, Hợp Hòa, Tân Vinh huyện Lương Sơn; các xã Dân Hạ, Dân Hòa, Mông Hóa, Hợp Thành huyện Kỳ Sơn; các xã Vĩnh Tiến, Đông Bắc, Hạ Bì, Bình Sơn huyện Kim Bôi tỉnh Hòa Bình và các xã Chỉ Đạo, Đình Du, Trưng Trắc, Đại Đồng huyện Văn Lâm; các xã Vĩnh Phúc, Cửu Cao, Văn Long, Xuân Quan huyện Văn Giang; các xã Giai Phạm, Lý Thương Kiệt, Nghĩa Hưng, Minh Châu huyện Yên Mỹ tỉnh Hưng Yên.

2. Về nghiên cứu tuyển chọn giống khoai lang có nguồn gốc xuất xứ khác nhau có năng suất cao, chất lượng phù hợp cho sản xuất, chế biến

- Đã so sánh sơ bộ, so sánh chính quy và chọn ra được 9 giống khoai lang, trong đó có 4 giống thuộc nhóm khoai lang năng suất cao phục vụ chế biến: HNV1 (31,74-36,83 tấn/ha) KQD1 (29,74-34,80 tấn/ha), HNV2 (26,27-30,75 tấn/ha), KQD4 (22,28-26,07 tấn/ha) và 5 giống thuộc nhóm khoai lang chất lượng cao thực phẩm: KHT1 (20,9824,55 tấn/ha), KJT14 (20,27-23,72 tấn/ha), KHT2 (20,19-23,62 tấn/ha), KHN1 (19,4222,73 tấn/ha), KQT4 (16,85-19,72 tấn/ha).

- Đã khảo nghiệm cơ bản 9 giống khoai lang (HNV1, KQD1, HNV2, KQD4, KHT1, KJT14, KHT2, KHN1, KQT4), kết quả chọn được 4 giống HNV1 (39,43-40,26 tấn/ha, hàm lượng tinh bột 23,6% và hàm lượng chất khô 31,1%), KQD1 (43,93-44,02 tấn/ha, hàm lượng tinh bột 20,5% và hàm lượng chất khô 28,2%), KHT1 (25,27-26,21 tấn/ha, hàm lượng đường tổng số 29,6% và hàm lượng chất khô 33,1%) và KJT14 (24,8525,58 tấn/ha, hàm lượng đường tổng số 28,2% và hàm lượng chất khô 28,2%).

- Đã khảo nghiệm sản xuất 4 giống khoai lang HNV1, KQD1, KHT1 và KJT14 cho kết quả: giống KQD1 cho năng suất đạt từ 42,95-43,40 tấn/ha tăng từ 157,59-161,95% so với giống đối chứng Hoàng Long; giống HNV1 cho năng suất đạt từ 38,44-39,13 tấn/ha tăng từ 131,98-134,69% so với giống đối chứng Hoàng Long; giống KHT1 cho năng suất đạt từ 24,58-25,82 tấn/ha tăng từ 48,36-54,33% so với giống đối chứng Hoàng Long; giống KJT14 cho năng suất đạt từ 24,29-24,92 tấn/ha tăng từ 46,1648,96% so với giống đối chứng Hoàng Long.

3. Về nghiên cứu xây dựng quy trình kỹ thuật canh tác cho giống khoai lang mới

Đề tài đã xây dựng được 4 quy trình kỹ thuật canh tác cho 4 giống khoai lang KQD1, HNV1, KHT1 và KJT14. Các quy trình kỹ thuật canh tác này đã được hội đồng KHCN nghiệm thu cấp cơ sở.

4. Về xây dựng mô hình thử nghiệm giống khoai lang mới

Đã xây dựng 4 mô hình thử nghiệm các giống khoai lang HNV1, KQD1, KHT1, KJT14 tại xã Yên Sơn huyện Tam Điệp tỉnh Ninh Bình, xã Quang Hưng huyện Phù Cừ tỉnh Hưng Yên và xã Cư Yên huyện Lương Sơn tỉnh Hòa Bình trong vụ Thu Đông năm 2016, diện tích 1,0 ha/mô hình/giống, với giống đối chứng là giống Hoàng Long. Các giống khoai lang tham gia mô hình trình diễn đều sinh trưởng, phát triển tốt, ít bị sâu bệnh hại, có khả năng chịu hạn, chịu úng khá và chịu rét tốt và tốt hơn giống đối chứng Hoàng Long.

Năng suất của giống khoai lang KQD1 đạt từ 42,38-43,12 tấn/ha, trung bình đạt 42,83 tấn/ha tăng so với giống đối chứng Hoàng Long 161,09%. - Năng suất của giống khoai lang HNV1 đạt từ 37,02-37,34 tấn/ha, trung bình đạt 37,17 tấn/ha tăng so với giống đối chứng Hoàng Long 126,60%. - Năng suất của giống khoai lang KHT1 đạt từ 24,08-25,13 tấn/ha, trung bình đạt 24,47 tấn/ha tăng so với giống đối chứng Hoàng Long 49,18%.

Năng suất của giống khoai lang KJT14 đạt từ 23,17-24,59 tấn/ha, trung bình đạt 24,01 tấn/ha tăng so với giống đối chứng Hoàng Long 46,37%. - Tỷ suất lợi nhuận biên (MBCR) của bốn giống mới (KQD1, HNV1, KHT1 và KJT14) lầ lượt đạt 16,03; 11,98; 2,83 và 3,01 và đều đạt trên 2,0 chứng tỏ mô hình sản xuất các giống khoai lang mới KQD1, HNV1, KHT1 và KJT14 có hiệu quả cao hơn nhiều so với mô hình sản xuất giống khoai lang Hoàng Long ở mức tin cậy cao.

5. Về tổ chức các lớp tập huấn và tổ chức hội nghị hội thảo

Đã tổ chức được 3 lớp tập huấn về kỹ thuật canh tác giống khoai lang mới cho 90 lượt người tham gia tại xã Yên Sơn huyện Tam Điệp tỉnh Ninh Bình, xã Quang Hưng huyện Phù Cừ tỉnh Hưng Yên và xã Cư Yên huyện Lương Sơn tỉnh Hòa Bình.

Đã tổ chức được 3 hội nghị với tổng số 150 đại biểu tham dự tại xã Yên Sơn huyện Tam Điệp tỉnh Ninh Bình, xã Quang Hưng huyện Phù Cừ tỉnh Hưng Yên và xã Cư Yên huyện Lương Sơn tỉnh Hòa Bình.

7. Công nhận các giống mới

- Đề tài đã công nhận được 4 giống khoai lang mới; trong đó có 1 giống khoai lang HNV1 được công nhận chính thức và 03 giống khoai lang KQD1, KHT1 và KJT14 được công nhận cho sản xuất thử (theo Quyết định số 501/QĐ-TT-CLT của Cục Trồng trọt ngày 06/11/2013; Biên bản họp hội đồng khoa học chuyên ngành công nhận giống cây trồng nông nghiệp mới ngày 07/08/2016). Các kết quả nghiên cứu đã được đăng trên tạp chí Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

Có thể tìm đọc toàn văn Báo cáo kết quả nghiên cứu của Đề tài (Mã số 14666/2018) tại Cục Thông tin Khoa học và Công nghệ Quốc gia.

P.T.T (NASATI)

Từ khóa » Diện Tích Trồng Khoai Lang ở Việt Nam