Nghiệp Vụ Sư Phạm Là Gì? Quy định Về Chứng Chỉ Nghiệp Vụ Sư Phạm?

Mục lục bài viết

  • 1 1. Nghiệp vụ sư phạm là gì?
    • 1.1 1.1. Khái niệm:
    • 1.2 1.2. Phân loại các chương trình nghiệp vụ sư phạm:
    • 1.3 1.3. Đối tượng được bồi dưỡng:
  • 2 2. Quy định về chứng chỉ nghiệp vụ sư phạm:
  • 3 3. Các quy định liên quan đến chứng chỉ nghiệp vụ sư phạm:

1. Nghiệp vụ sư phạm là gì?

1.1. Khái niệm:

Nghiệp vụ sư phạm là chương trình đào tạo dành cho những đối tượng có nhu cầu và mong muốn trở thành giáo viên, giảng viên nhưng chưa được đào tạo qua các cơ sở đào tạo về sư phạm. Những đối tượng này có thể là đã tốt nghiệp trung cấp, cao đẳng, đại học hoặc các trường dạy nghề.

Nghiệp vụ sư phạm là chương trình đào tạo những kiến thức, kỹ năng, phương pháp giảng dạy cho những cá nhân có định hướng làm việc trong ngành giáo dục mà chưa qua đào tạo chuyên môn về sư phạm.

1.2. Phân loại các chương trình nghiệp vụ sư phạm:

Chương trình nghiệp vụ sư phạm chia ra làm nhiều chương trình khác nhau để phù hợp với từng cấp độ và chuyên môn của bạn. Với từng chương trình cũng có thời gian học và nội dung học khác nhau. Với chương trình này bạn có thể đã tốt nghiệp bất cứ chuyên ngành nào cũng có thể học, vì chứng chỉ nghiệp vụ sư phạm là chứng chỉ hành nghề và dạy cho bạn các kỹ năng, chuyên môn về sư phạm chứ không phải cứ học chương trình này là bạn phải học tất cả những gì mình sẽ dạy. Vì vậy đây là một chương trình ngắn hạn, với thời gian đào tạo rất ngắn là từ 2 – 3 tháng.

Cụ thể các chương trình đào tạo gồm:

– Nghiệp vụ sư phạm giảng viên cao đẳng, đại học: Dành cho  những đối tượng đã tốt nghiệp đại học có nhu cầu làm giảng viên các trường đại học. Thời gian học của chương trình này là 2 tháng, kết thúc khóa học sẽ nhận được chứng chỉ của trường Đại học sư phạm Hà Nội 1.

– Nghiệp vụ sư phạm trung cấp: Dành cho những đối tượng đã tốt nghiệp đại học và có nhu cầu làm giáo viên các trường trung cấp. Thời gian học là 2 tháng, kết thúc khóa học học viên sẽ nhận được chứng chỉ của trường Đại học sư phạm Hà Nội 2.

– Nghiệp vụ sư phạm trung cấp-cao đẳng nghề: Cũng chỉ cần nghe tên thôi là biết, cũng giống như 2 chương trình trên nhưng với chương trình này bạn chỉ cần tốt nghiệp trung cấp trở lên với hệ trung cấp nghề và cao đẳng trở lên với hệ cao đẳng nghề. Dành cho những đối tượng có nhu cầu dạy nghề tại các trường và trung tâm dạy nghề. Thời gian đào tạo là 2 tháng, kết thúc khóa học sẽ nhận được chứng chỉ đào tạo nghề của các đơn vị được cấp phép đào tạo.

– Nghiệp vụ sư phạm mầm non: Với chương trình này thì đặc biệt bạn chỉ cần tốt nghiệp THCS trở lên là đã được học. Thời gian học có lâu hơn các chương trình kia là 3 tháng. Chương trình này dành cho các cô nuôi dạy trẻ, trường mầm non, các cơ sở mầm non. Tuy nhiên thường không thể xin được vào các cơ sở lớn vì họ hay yêu cầu bằng TC hoặc CĐ trở lên. Sau khóa học bạn sẽ được cấp chứng chỉ của CĐ Sư phạm mẫu giáo TW.

Nghiệp vụ sư phạm không hạn chế đối tượng đã tốt nghiệp ngành nghề gì và để hoàn thành khóa học nghiệp vụ này quý vị sẽ mất khoảng thời gian 2 – 3 tháng. Trong chương trình đào tạo nghiệp vụ sư phạm, cá nhân sẽ được trang bị những kiến thức sau:

– Ôn tập lại kiến thức chuyên ngành.

– Kiểm tra năng lực giảng dạy bằng các đề thi.

– Được giảng dạy kiến thức mới về chuyên môn.

– Được học cách viết giáo án, ra đề thi.

– Cá nhân được rèn luyện tính kiên nhẫn, rèn luyện khả năng giảng bài lưu loát và sẵn sàng trả lời những câu hỏi khó của học viên.

– Được trang bị kỹ năng xử lý linh hoạt, khéo léo đối với những học viên yếu kém và cá biệt.

– Được thực tập giảng dạy tại các trường hệ công lập, bán công hoặc dân lập.

– Trang bị những kiến thức về xã hội, kinh tế, văn hóa, khoa học…

Như vậy, khi tham gia khóa đào tạo về nghiệp vụ sư phạm, cá nhân sẽ được đào tạo những kỹ năng tối thiểu khi đứng lớp. Và sau khi hoàn thành khóa học này, cá nhân sẽ được cơ sở bồi dưỡng cấp giấy chứng nhận nghiệp vụ sư phạm.

1.3. Đối tượng được bồi dưỡng:

Đối tượng bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm là những ai nằm trong nhóm người có bằng tốt nghiệp đại học hoặc cao đẳng cần có chứng chỉ để đạt trình độ chuẩn của nhà giáo sẽ được bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm.Theo đó, những điều kiện nào được coi là trình độ đạt chuẩn của nhà giáo đã được quy định tại như sau:

Điều 72, Luật giáo dục năm 2019 quy định về trình độ chuẩn được đào tạo của nhà giáo như sau:

a) Có bằng tốt nghiệp cao đẳng sư phạm trở lên đối với giáo viên mầm non;

b) Có bằng cử nhân thuộc ngành đào tạo giáo viên trở lên đối với giáo viên tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông. Trường hợp môn học chưa đủ giáo viên có bằng cử nhân thuộc ngành đào tạo giáo viên thì phải có bằng cử nhân chuyên ngành phù hợp và có chứng chỉ bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm;

c) Có bằng thạc sĩ đối với nhà giáo giảng dạy trình độ đại học; có bằng tiến sĩ đối với nhà giáo giảng dạy, hướng dẫn luận văn thạc sĩ, luận án tiến sĩ;

d) Trình độ chuẩn được đào tạo của nhà giáo giảng dạy trong cơ sở giáo dục nghề nghiệp thực hiện theo quy định của Luật Giáo dục nghề nghiệp.

2. Chính phủ quy định lộ trình thực hiện nâng trình độ chuẩn được đào tạo của giáo viên mầm non, tiểu học, trung học cơ sở quy định tại điểm a và điểm b khoản 1 Điều này. Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình, quy định việc sử dụng nhà giáo trong trường hợp không đáp ứng quy định tại khoản 1 Điều này.

Nghiệp vụ sư phạm trong tiếng anh là Pedagogic

2. Quy định về chứng chỉ nghiệp vụ sư phạm:

Chứng chỉ nghiệp vụ sư phạm là văn bằng chứng minh cá nhân đã hoàn thành khóa học đào tạo nghiệp vụ sư phạm dành cho những người không được đào tạo chuyên ngành sư phạm và muốn trở thành giáo viên.

Trừ những cá nhân đã được đào tạo bài bản về nghiệp vụ, chuyên môn và kỹ năng sư phạm tại các trường sư phạm thì những người tốt nghiệp những ngành nghề khác muốn đứng trên bục giảng bắt buộc phải có nghiệp vụ sư phạm. Bởi vì mỗi một lứa tuổi, một cấp học và môn học khác nhau sẽ có những sự khác nhau về tâm lý lứa tuổi, nội dung môn học, và như vậy sẽ có phương pháp giảng dạy khác nhau.

Chính vì thế, nếu quý vị không tốt nghiệp ngành sư phạm nhưng muốn dạy tại các cơ sở mầm non, tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông, trung tâm, trường trung cấp, cao đẳng, đại học bắt buộc phải tham gia khóa học, được cấp chứng chỉ nghiệp vụ sư phạm.

Chứng chỉ nghiệp vụ sư phạm được quy định bởi pháp luật. Trước đây, các trường đại học áp dụng các loại chứng chỉ nghiệp vụ sư phạm bậc 1 và bậc 2. Tuy nhiên hiện nay, khi có bằng cử nhân thuộc ngành sư phạm có thể dạy các cấp học khi có một trong hai loại chứng chỉ sau:

– Chứng chỉ nghiệp vụ sư phạm cho giáo viên trung cấp chuyên nghiệp: chứng chỉ này dành cho những cá nhân muốn giảng dạy tại cấp tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông và trung cấp chuyên nghiệp.

– Chứng chỉ nghiệp vụ sư phạm cho giảng viên đại học và cao đẳng (được áp dụng trên phạm vi cả nước).

3. Các quy định liên quan đến chứng chỉ nghiệp vụ sư phạm:

Căn cứ vào Quyết định số 05/VBHN-BGDĐT ban hành quy định bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm.

Mục đích bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm là nhằm để trang bị cho đối tượng bồi dưỡng hệ thống các kiến thức và kỹ năng thực hành sư phạm để đạt trình độ chuẩn của nhà giáo. Việc bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm được thực hiện theo hình thức tín chỉ.

Dự tuyển khóa tuyển sinh bồi dưỡng nghiệp vụ

Hàng năm, các cơ sở được giao nhiệm vụ bồi dưỡng thông báo kế hoạch bồi dưỡng cho năm sau đối với các đối tượng được quy định.

Điều kiện dự tuyển bao gồm:

1. Có bằng tốt nghiệp đại học hoặc cao đẳng.

2. Có đủ sức khoẻ để tham gia bồi dưỡng.

3. Nộp hồ sơ đầy đủ, đúng hạn theo quy định của cơ sở bồi dưỡng.

Thủ tục đăng ký bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm

1. Hồ sơ đăng ký bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm cho từng đối tượng bồi dưỡng do cơ sở bồi dưỡng được giao nhiệm vụ quy định.

2. Thí sinh nộp hồ sơ đăng ký bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm cho cơ sở bồi dưỡng chậm nhất là 30 ngày trước khi xét tuyển.

Kinh phí bồi dưỡng

1. Các cơ sở bồi dưỡng được thu học phí của các đối tượng bồi dưỡng để tự trang trải chi phí cho hoạt động bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm theo chế độ tự chủ, tự chịu trách nhiệm về tài chính hiện hành.

2. Cơ sở bồi dưỡng có trách nhiệm quản lý, kế toán và quyết toán kinh phí bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm theo quy định hiện hành.

Chương trình bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm do Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành thể hiện mục tiêu, nội dung bồi dưỡng; quy định kiến thức, kỹ năng, phương pháp bồi dưỡng, cách thức đánh giá kết quả bồi dưỡng. Trên cơ sở Chương trình bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm do Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành, các cơ sở bồi dưỡng xây dựng chương trình bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm cho từng đối tượng bồi dưỡng cụ thể.

Trách nhiệm của cơ sở bồi dưỡng 

1. Xây dựng các chương trình bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm cho từng đối tượng bồi dưỡng và biên soạn giáo trình, tài liệu tham khảo phục vụ giảng dạy, học tập.

2. Xây dựng kế hoạch bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm cho từng đối tượng.

3. Tổ chức tuyển sinh bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm theo đúng quy định hiện hành.

4. Quản lý quá trình học tập của học viên, đánh giá kết quả học tập và cấp bảng điểm học tập cho học viên.

5. Quyết định danh sách học viên nhập học, công nhận kết quả học tập.

6. Thu, quản lý và sử dụng kinh phí bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm theo đúng quy định hiện hành.

7. Cấp và quản lý việc cấp chứng chỉ bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm cho từng đối tượng theo đúng Quy chế văn bằng, chứng chỉ của hệ thống giáo dục quốc dân.

Cấp chứng chỉ bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm

1. Người học được cấp chứng chỉ bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm khi:

a) Hoàn thành chương trình bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm theo Quy định 

b) Không đang trong thời gian bị truy cứu trách nhiệm hình sự

2. Thủ trưởng cơ sở bồi dưỡng cấp chứng chỉ bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm cho các học viên đạt các điều kiện quy định.

3. Mẫu chứng chỉ bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm do Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo phê duyệt.

Vì vậy, người học sẽ được cấp chứng chỉ bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm khi khi đáp ứng đầy đủ cả 02 điều kiện trên và chứng chỉ sẽ do Thủ trưởng cơ sở bồi dưỡng cấp theo mẫu chứng chỉ bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm do Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo phê duyệt.

Từ khóa » Chứng Chỉ Nghiệp Vụ Sư Phạm Mầm Non Là Gì