Ngộ độc Khí CO: Hiểu để Phòng Tránh Và Cấp Cứu Kịp Thời - Hello Bacsi

Carbon monoxide (CO) là một chất khí không màu, không mùi, không gây kích ứng mũi và họng nhưng lại đặc biệt nguy hiểm. Người bị ngộ độc khí CO nếu không được cấp cứu kịp thời có thể tử vong.

Vậy triệu chứng ngạt khí CO là gì và cần làm gì khi gặp phải tình trạng này? Mời bạn cùng Hello Bacsi tìm hiểu thêm trong bài viết này nhé.

Tìm hiểu chung

Ngộ độc khí CO là gì?

Ngộ độc khí CO là tình trạng ngộ độc do hít phải khí carbon monoxide (viết tắt là CO). Đây là một loại khí độc không màu, không mùi, không gây kích thích mũi hay họng nhưng cực kì nguy hiểm.

CO trong không khí có thể được hít vào và hấp thụ dễ dàng qua phổi. CO kết hợp với huyết sắc tố hemoglobin trong hồng cầu để tạo thành carboxyhaemoglobin. CO gắn kết tốt hơn so với oxy, từ đó khiến máu không còn khả năng vận chuyển oxy hay nói cách khác là oxy khó đến được các mô cơ thể hơn. Tình trạng này làm các tế bào và mô chết dần.

Triệu chứng và dấu hiệu

triệu chứng ngộ độc khí CO

Những dấu hiệu và triệu chứng ngộ độc khí CO là gì?

Những triệu chứng khi bị ngạt khí CO thường khá giống với một số bệnh khác, chẳng hạn như ngộ độc thực phẩm hoặc bệnh cúm. Chúng bao gồm:

  • Đau đầu âm ỉ
  • Chóng mặt
  • Buồn nôn hoặc nôn
  • Yếu người, mệt mỏi
  • Khó tập trung
  • Đau ngực
  • Khó thở, thở gấp
  • Các vấn đề về thị lực, nhìn mờ
  • Mất phương hướng
  • Nhịp tim nhanh

Bạn hít phải khí CO càng lâu thì các triệu chứng sẽ càng trở nên tồi tệ. Bạn có thể gặp phải:

  • Khó thở hoặc nhịp tim nhanh hơn 100 nhịp một phút
  • Đau ngực dữ dội
  • Co thắt cơ, co giật
  • Mất ý thức, ngất xỉu, hôn mê
  • Trong trường hợp hít phải hàm lượng cao khí CO có thể dẫn đến tử vong trong vài phút.

Những nạn nhân bị ngộ độc khí CO khi đang ngủ hoặc say xỉn có thể tử vong mà không biểu hiện triệu chứng gì.

Khi nào bạn cần gặp bác sĩ?

Nếu nhận thấy các dấu hiệu cảnh báo ngộ độc khí CO, bạn cần rời khỏi nơi phát tán khí độc và đến bệnh viện ngay lập tức. Đây là một tình trạng cần được cấp cứu y tế ngay.

Nguyên nhân

ngộ độc khí co

Tại sao khí CO lại độc?

Nguồn phát sinh khí CO thường là nhiên liệu bị đốt cháy không hoàn toàn. Khi có quá nhiều khí CO trong không khí, cơ thể bạn sẽ hấp thụ khí CO thay vì khí oxy, từ đó dẫn đến ngộ độc.

Các nguồn thải ra khí CO phổ biến bao gồm: khí thải từ động cơ xe, lò củi, bình đun nước nóng, bếp nấu ăn… Hít quá nhiều khói của một đám cháy cũng có thể gây ngạt khí CO.

Nguy cơ ngộ độc

Những ai thường bị ngộ độc khí CO?

Bất cứ ai cũng có thể bị ngộ độc khí này nếu hít phải. Tuy nhiên công nhân làm trong các nhà máy khép kín, những nơi dễ bị hỏa hoạn, trẻ sơ sinh, người già, người mắc bệnh tim mạn tính, thiếu máu hoặc khó thở sẽ có nguy cơ bị ngộ độc cao hơn và nguy hiểm hơn.

Những yếu tố nào làm tăng nguy cơ ngộ độc khí CO?

Các yếu tố nguy hiểm có có thể kể đến như:

  • Dùng lò nướng than ngoài trời để nướng trong nhà
  • Làm việc với các động cơ máy móc trong không gian khép kín

Chẩn đoán và điều trị

Những thông tin được cung cấp không thể thay thế cho lời khuyên của các chuyên viên y tế. Hãy luôn tham khảo ý kiến bác sĩ.

Những kỹ thuật y tế nào dùng để chẩn đoán ngộ độc khí CO?

Bác sĩ sẽ có thể chẩn đoán ngộ độc khí CO thông qua hoàn cảnh gây ra triệu chứng ngộ độc và khám lâm sàng. Bác sĩ có thể yêu cầu làm thêm xét nghiệm máu để đảm bảo kết quả chẩn đoán chính xác.

Cách giải độc khí CO

Buồng oxy cao áp điều trị ngộ độc khí CO

Để điều trị ngộ độc khí CO, đầu tiên nạn nhân cần được đưa ra khỏi khu vực bị ô nhiễm khí CO hoặc mở toang các cửa để khí độc bay ra ngoài. Tắt bếp gas, khóa gas, cắt ngay các lò đang đốt nhiên liệu.

Sau đó nạn nhân cần được hít thở không khí trong lành để cải thiện mức oxy trong cơ thể. Ở các trường hợp nặng, nạn nhân thở yếu hoặc ngừng thở thì cần thực hiện hô hấp nhân tạo, hà hơi thổi ngạt. Sau đó, chuyển nạn nhân đến cơ sở y tế gần nhất hoặc gọi xe cấp cứu.

Tại bệnh viện, các cách giải độc khí CO bao gồm:

  • Thở oxy tinh khiết: Liệu pháp này làm tăng lượng oxy hòa tan trong máu và giúp cung cấp oxy cho các cơ quan hoặc mô.
  • Điều trị bằng buồng oxy cao áp: Liệu pháp này sử dụng một buồng kín chứa hoàn toàn oxy tinh khiết dưới áp lực cao hoặc hàm lượng cao 2-3 lần cho bệnh nhân. Điều này làm tăng tốc độ thay thế khí CO bằng oxy trong máu của bạn.

Lối sống và thói quen sinh hoạt

Phòng tránh ngộ độc khí CO

Những thói quen sinh hoạt nào giúp bạn phòng ngừa ngộ độc khí CO?

Cách tốt nhất để kiểm soát ngộ độc khí CO là thực hiện những biện pháp phòng tránh như sau:

  • Tránh xa các ga-ra khép kín có máy móc đang vận hành
  • Kiểm tra và bảo trì đúng cách máy nước nóng, bếp gas, lò sưởi hoặc bất kỳ thiết bị chạy bằng gas, dầu và than trong nhà thường xuyên
  • Cài đặt máy báo động mức độ khí CO trong nhà và tại nơi làm việc
  • Chỉ mua các thiết bị sử dụng gas (bếp gas, lò sưởi…) ở những công ty uy tín
  • Kiểm tra và làm sạch ống khói mỗi năm
  • Không bao giờ được sử dụng bếp gas hoặc bếp lò để sưởi ấm vì chúng có thể làm tích tụ khí CO trong nhà bạn
  • Không bao giờ đốt than trong không gian kín vì than khi đốt sẽ sản sinh ra khí CO
  • Không bao giờ sử dụng máy phát điện trong nhà, tầng hầm và nhà để xe hoặc cách cửa sổ, cửa ra vào, lỗ thông gió ít hơn 6 mét

Nếu bạn có bất kỳ câu hỏi nào, hãy tham khảo ý kiến bác sĩ để được tư vấn phương pháp hỗ trợ điều trị tốt nhất.

[embed-health-tool-bmi]

Từ khóa » Khí Co2 Gây Chết Người