Ngô Quyền Và Chiến Thắng Bạch Đằng Lừng Lẫy - Biên Giới Lãnh Thổ

"Đằng Giang tự cổ huyết do hồng" (nghĩa là sông Đằng từ xưa máu còn đỏ) là câu đối đáp của sứ thần nước ta Giang Văn Minh (1573-1638) đời vua Lê Thần Tông, khi ông đi sứ nhà Minh. Sứ thần Giang Văn Minh đã nhắc đến 2 lần quân thiên triều thua trận nhục nhã trên sông Bạch Đằng vào năm 938 (Ngô Quyền) và năm 1288 (Trần Hưng Đạo). Đó là những trận quyết chiến chiến lược, không những chấm dứt mưu đồ xâm lược của các triều đại phong kiến phương Bắc, mà còn mở ra kỷ nguyên mới trong lịch sử đất nước. Trong đó, chiến thắng Bạch Đằng năm 938 của Ngô Quyền đã khẳng định sự tồn tại vững chắc của dân tộc ta, mở ra một kỷ nguyên độc lập lâu dài và phát triển rực rỡ của đất nước trong gần 5 thế kỷ, từ thế kỷ thứ X đến thế kỷ thứ XV, qua các triều đại Đinh, Tiền Lê, Lý, Trần, Hậu Lê.

Minh họa: Minh Khuê

Ngô Quyền là người làng Đường Lâm, Phú Lộc, Châu Giao. (nay là làng Đường Lâm, Sơn Tây, Hà Nội), ông là hào trưởng đất Đường Lâm thuộc dòng dõi quý tộc. Cha là Ngô Mân, Châu mục Châu Giao. Theo sử sách, khi sinh ra có khuôn mặt khôi ngô, tuấn tú, từ nhỏ đã tỏ ra là người có chí lớn nên được đặt tên húy là Quyền, hàm ý nghĩa là người có quyền bính, làm chủ một phương. Ông được chủ tướng là Dương Diên Nghệ gả con gái yêu là Dương Thị Như Ngọc, sau đó ông cùng bố vợ đánh bại quân Nam Hán lần thứ nhất (930-931), rồi được ủy quyền trông coi vùng đất Châu Ái (Thanh Hóa ngày nay).

Lịch sử còn ghi, năm 930, quân Nam Hán xâm chiếm nước ta đánh vào tận Châu Hoan, vượt dãy Hoành Sơn vào đánh phá Chăm Pa, đặt quyền cai trị và cắt đặt Thứ sử Giao Châu. Sau khi bị đánh đuổi về nước năm 931, triều đình Nam Hán vẫn không từ bỏ ý đồ xâm lược nước ta. Lần này, chúng mượn cớ viện binh cho tên phản bội Kiều Công Tiễn, vua Nam Hán phong cho con là Vạn Vương Hoàng Tháo làm Giao Vương, mang thủy binh sang đánh nước ta.

Được tin quân Nam Hán do Hoàng Tháo chỉ huy đang trên đường tiến sang đất Việt, Ngô Quyền đã sớm nghĩ kế, bằng việc giữ vững sự ổn định bên trong để diệt giặc bên ngoài. Ông nhanh chóng đem quân hạ thành Đại La, giết tên bán nước Kiều Công Tiễn, lo trừ mối họa bên trong, ổn định tình hình đất nước; đồng thời tập trung gấp rút vào việc tổ chức chuẩn bị kháng chiến. Ông triệu tập các mưu sĩ để bàn kế sách đánh giặc, đây là trận quyết chiến chiến lược để tiêu diệt toàn bộ quân xâm lược. Với mưu lược tài giỏi và tính toán chu đáo, ông bày sẵn thế trận chờ giặc.

Ông nói: "Nếu sai người đem cọc vạt nhọn đầu, bịt sắt rồi đóng ngầm dưới sông, bọn chúng theo nước triều lên vướng vào hàng cọc sau đó ta dễ bề chế ngự, không cho chiếc nào chạy thoát". Trước hết, ông nắm chắc đường tiến quân của địch từ biển vào, huy động lực lượng quân và dân lập trận địa cọc ở những nơi hiểm yếu tại cửa sông Bạch Đằng làm trận địa ngầm. Tiếp đó, ông cho bố trí quân mai phục ở bên trong sẵn sàng chờ giặc đến để chiến đấu.

Khi quân địch ngấp nghé ngoài cửa sông, Ngô Quyền cho thuyền nhẹ ra khiêu khích, dụ địch vào sâu thế trận bày sẵn lúc thủy triều đang lên, bọn giặc nghênh ngang lao tới. Khi thủy triều xuống, ông chỉ huy quân phản công quyết liệt, các cánh quân mai phục từ ven bờ xông ra, buộc quân địch phải rút chạy ra cửa biển, thuyền của chúng bị đâm vào cọc ngầm, quân giặc chết như ngả rạ, quân số bị thương vong quá nửa, Hoàng Tháo bị tử trận. Vua Nam Hán đem quân đi tiếp viện được nửa đường nghe tin con trai chết trận, quân thua tan tác, liền vội thu nhặt tàn binh rút vội về nước. Ý chí xâm lược nước ta một lần nữa đã bị đè bẹp.

Chiến thắng Bạch Đằng năm 938 đã mở ra một kỷ nguyên mới trong lịch sử dân tộc ta, kết thúc 1.000 năm bị phương Bắc đô hộ, đem lại nền độc lập và thống nhất toàn vẹn lãnh thổ. Chiến công của Ngô Quyền được coi là "Võ công cao cả vang dội đến ngàn thu" (Ngô Thời Sỹ - Việt sử thông giám cương mục tiền biên). Chiến thắng này còn thể hiện nghệ thuật quân sự tài tình của Ngô Quyền, đó là một trận thủy chiến bằng thế trận kết hợp trận địa cọc, lợi dụng nước thủy triều lên xuống; thể hiện việc đánh giá đúng địch, phán đoán tài tình, bày binh bố trận, dùng mưu nghi binh và tài trực tiếp chỉ huy trận đánh của ông. Ngô Quyền đã dùng "quân mới hợp của nước Việt ta mà đánh tan được trăm vạn quân của Lưu Hoàng Tháo, mở nước, xưng Vương, làm cho người phương Bắc không dám sang lại nữa. Có thể nói là một lần nổi giận mà yên được dân, mưu giỏi và đánh cũng giỏi vậy!" - Sử gia Lê Văn Hưu viết.

Sau chiến thắng Bạch Đằng, Ngô Quyền chăm lo xây dựng đất nước. Mùa xuân năm 939, ông quyết định bỏ chức Tiết độ sứ của phương Bắc, tự xưng Vương, lấy Cổ Loa, kinh đô cũ của Âu Lạc-An Dương Vương làm kinh đô của nước ta. Đây là một việc làm có ý nghĩa nêu cao truyền thống dựng nước và giữ nước lâu đời của dân tộc; biểu thị ý chí quyết giữ vững nền độc lập vừa mới giành được, sau hơn 10 thế kỷ đấu tranh bền bỉ chống xâm lược và sự đô hộ của phong kiến phương Bắc. Ngô Quyền mất năm 45 tuổi, trị vì đất nước được 5 năm.

Nguồn: bienphong.com.vn

Từ khóa » Ngô Quyền đánh Tan Quân Nam Hán Trên Sông Bạch đằng Vào