Ngô Xương Xí

Ngô Xương Xí là con trai của Thiên Sách Vương Ngô Xương Ngập, tức là cháu nội của Ngô Quyền. Sử không ghi rõ năm sinh và năm mất của Ngô Xương Xí, nhưng căn cứ vào hành trạng của Ngô Xương Ngập thì ông sinh khoảng từ năm 944 đến trước năm 950.

Ra đời trong ly loạn

Năm 944, Ngô Quyền mất, uỷ thác con trưởng Ngô Xương Ngập cho Dương Tam Kha – em của Dương hậu, vợ Ngô Quyền. Dương Tam Kha lợi dụng chiếm ngôi của nhà Ngô. Ngô Xương Ngập chạy về nhà một hào trưởng – Phạm Lệnh Công – ở làng Trà Hương, Nam Sách. Ở đó Ngô Xương Ngập lấy vợ và sinh Ngô Xương Xí (chữ Hán: 吳昌熾).

Dương Tam Kha lên ngôi, xưng là Dương Bình Vương, nhận Ngô Xương Văn – em trai Ngô Xương Ngập – làm con nuôi. Năm 950 Ngô Xương Văn lật đổ Dương Tam Kha nhưng không giết, chỉ giáng xuống làm Chương Dương công.

Ngô Xương Văn lên ngôi, là Nam Tấn Vương, năm 950. Ngô Xương Văn cũng cho người đón Ngô Xương Ngập về. Được sự chuẩn ý của Dương thái hậu, Ngô Xương Ngập cũng làm vua, xưng là Thiên Sách Vương. Lúc đó cùng tồn tại hai vua, sử gọi là Hậu Ngô Vương.

Ông vua làm sứ quân

Năm 954, Ngô Xương Ngập bị bệnh thượng mã phong chết, chỉ còn Ngô Xương Văn. Năm 965, Ngô Xương Văn đi đánh thôn Đường và Nguyễn ở Thái Bình bị phục binh bắn nỏ chết.

Ngô Xương Xí lên nối ngôi. Nhưng vì thế lực ngày càng yếu nên Ngô Xương Xí phải lui về giữ đất Bình Kiều.

Từ khi Dương Tam Kha cướp ngôi của nhà Ngô, nhiều nơi không phục đã nổi lên. Cho tới thời của Ngô Xương Xí thì hình thành 12 đạo quân lớn hơn cả, trấn giữ các địa phương, sử sách gọi làloạn 12 sứ quân. Ngô Xương Xí cũng nằm trong số đó, tức Ngô Sứ Quân (吳使君).

Các nguồn tài liệu không thống nhất trong việc xác định địa điểm của Bình Kiều. Có nguồn tài liệu ghi Bình Kiều ở Thanh Hoá, có nguồn lại ghi ở Hưng Yên. Trong sách Đất nước Việt Nam qua các đời, Đào Duy Anh cũng không thống nhất về địa điểm này. Cách nhau 2 trang sách, nhưng Bình Kiều – căn cứ của Ngô Xương Xí – cũng được chú giải bằng địa danh cả hai tỉnh Thanh Hoá lẫn Hưng Yên.

Sử sách chép không thật rõ ràng về thời kỳ loạn lạc này, nhất là kể từ cái chết của Nam Tấn Vương Ngô Xương Văn. Theo Khâm định Việt sử Thông giám Cương mục, một trong những bộ sử ra đời khá muộn, đã xảy ra việc “tranh chấp ngôi vua” giữa các đại thần Lã Xử Bình, Kiều Tri Hựu và Dương Huy tại kinh thành Cổ Loa. Có thể trong cuộc tranh chấp đó, Ngô Xương Xí đã phải chạy khỏi kinh thành.

Hàng phục họ Đinh

Theo các tài liệu nghiên cứu, việc bình định Ngô Xương Xí của Đinh Bộ Lĩnh diễn ra một cách hòa bình. Ngô Xương Xí quy hàng Đinh Bộ Lĩnh. Có tài liệu nói rằng sở dĩ ông hàng Bộ Lĩnh vì có sự tác động của cuộc hôn nhân giữa Đinh Bộ Lĩnh và Dương Vân Nga, con gái Dương Tam Kha, những người có quan hệ thân thích với ông.

Cho tới năm Mậu Thìn 968, đạo quân của Đinh Bộ Lĩnh sau hàng loạt chiến thắng, thống nhất đất nước, mở ra nhà Đinh. Nhà Ngô kết thúc.

Theo Phả hệ họ Ngô Việt Nam, ông có một người anh, là con cả của Ngô Xương Ngập tên là Ngô Xương Tỷ (933-1011), theo nghiệp tu hành, đổi tên là Ngô Chân Lưu và sau được Đinh Tiên Hoàng phong làm Khuông Việt đại sư.

(Nguồn : http://vi.wikipedia.org/wiki/Ng%C3%B4_X%C6%B0%C6%A1ng_X%C3%AD)

Chia sẻ:

  • Twitter
  • Facebook
Thích Đang tải...

Từ khóa » Ngô Xương Xí